Giản Lược Về Vật Lý Điện Quỷ


đánh giá: +4+x

Ác quỷ là gì?

Ác quỷ là một thực thể có tri giác (và cả trí khôn trong một số trường hợp) với khả năng tương tác với thế giới tự nhiên bằng cách sử dụng lực tĩnh điện và lực từ. Trong khi văn hóa đại chúng hiện nay mô tả quỷ như những con quái vật cơ bắp, màu đỏ và có sừng thì trên thực tế, ác quỷ không sở hữu bất kỳ hình dạng vật lý nào cả.

Một ác quỷ có thể được đưa đến thực tại bằng cách tạo ra các hình mẫu không gian nhất định. Chừng nào quỷ vẫn còn sống, chừng đó chúng có thể thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể để đổi lấy các phần thưởng, sao cho tổng entropy giữa nhiệm vụ và phần thưởng phải tuân theo các quy luật nhiệt động lực học.

Trong lịch sử, một số đối tượng thuộc nhiều nền văn minh cũng như thời đại khác nhau đã lợi dụng ác quỷ như một phương thức để đạt được ý đồ của mình, từ lao động chân tay cho đến quân sự. Phương pháp thông dụng nhất là sử dụng phấn để tạo các hình mẫu không gian dưới dạng biểu tượng trên một mặt phẳng, đi kèm với các thần chú và động tác khác nhau. Phần thưởng cho việc thực hiện nhiệm vụ thường là dưới hình thức hiến tế máu động vật, nhưng đôi khi là cả con người. Các phương pháp này thường khá rủi ro do chỉ một lỗi sai sót nhỏ trong hình mẫu hoặc nghi thức triệu hồi có thể giải phóng ác quỷ khỏi nơi triệu hồi ban đầu, thay vì một hiện thân ổn định.

Tuy nhiên vào khoảng cuối thế kỷ 19, những tiến bộ trong việc nghiên cứu quỷ học đã bắt đầu tiết lộ các cách mới để sử dụng ác quỷ như một phần của thiết bị công nghệ, với rất nhiều tiềm năng để ứng dụng.

Lịch Sử về Vật Lý Điện Quỷ

Giai Đoạn Đầu

Vào năm 1879, Nikola Tesla là người đầu tiên phát hiện những ứng dụng khả thi của ác quỷ trong công nghệ khi ông phát triển một cỗ máy có khả năng mô phỏng các nghi lễ triệu hồi quỷ trong lịch sử. Ông sau đó đã phát triển một thiết bị thô sơ nhằm giao nhiệm vụ cho ác quỷ và trao thưởng cho chúng dưới dạng tản nhiệt điện trở. Lẽ ra ông đã có thể cải tiến thiết bị, nhưng sau đó đã từ bỏ hướng nghiên cứu này để chuyển sang nghiên cứu các hiệu ứng điện từ.

Thu Nhỏ

Phòng thí nghiệm Prometheus được cho là đã có được công nghệ này vào năm 1904, và là nguồn động lực chính đằng sau các nghiên cứu và phát triển thiết bị sau này.

Vào năm 1927, Phòng thí nghiệm Prometheus đã phát minh ra cách thức sản xuất thiết bị triệu hồi quỷ ở trạng thái rắn hoàn toàn, bằng cách sử dụng dòng điện để tạo ra các hình mẫu không gian mong muốn. Các nghiên cứu sau này đã tìm ra cách để thu nhỏ thiết bị, khiến việc triệu hồi quỷ được tích hợp nhằm hoạt động như một phần của mạch tích hợp. Đến năm 1950, công nghệ này đã được phát triển hoàn thiện và ba năm sau, phòng thí nghiệm Prometheus đã phát hành một loạt mạch điện quỷ 6900.

Thời Hoàng Kim của Vật Lý Điện Quỷ

Năm 1960 và 1970 đôi khi được cho là 'thời kỳ hoàng kim của vật lý điện quỷ' do công nghệ đã trở nên rẻ tiền và có thể sản xuất hàng loạt. Hầu hết các công ty bán dẫn lớn trong thời kỳ này đều đầu tư phần nào vào thiết bị điện quỷ. Những bộ phận nghiên cứu về mảng này thường được gọi bằng các biệt danh hài hước như 'Phòng Thí Nghiệm Địa Ngục' hoặc 'Khu Bán Dẫn Quỷ Quốc Gia'.

Hàng trăm thiết bị đã được bán và sản xuất chỉ trong vòng hai thế kỷ, từ máy nướng bánh mì cho đến tủ lạnh cũng như các thiết bị âm thanh, thậm chí là cả siêu máy tính cỡ lớn và một số máy vi tính, bao gồm các dòng như Exidy Sorcerer, IBN 5100, và Triumph Adler.

dmqr1Z6.jpg

Một ví dụ về bộ đếm thời gian 666.

Bộ đếm thời gian 666 có lẽ là mạch tích hợp nổi tiếng nhất trong thời kỳ này. Nó đã trở thành một linh kiện điện tử được sử dụng phố biển trong hàng trăm thiết bị. Điện quỷ cũng cho phép thực hiện những điều mà trước đây vốn bất khả thi, bao gồm cả một mạch khuếch đại thuật toán (Op-Amp) lý tưởng và DM741. Nhiều bộ vi xử lý đã được phát triển, tiêu biểu nhất là 80313 'Ác Quỷ Ẩn Sâu' của Intel. Thậm chí còn có cả thiết bị FPGA và Xilinx XC2066, mặc dù chúng được sản xuất với số lượng có hạn.

Tuy nhiên, do bản chất của công nghệ và mối quan ngại về sự phản đối của công chúng, phần lớn các công nghệ này không được công khai, ngay cả khi chúng đang được tích hợp nhiều hơn vào đời sống công cộng và thiết bị sử dụng chúng đang càng trở nên quan trọng. Ngoài ra, một số tổ chức chính phủ đã nỗ lực phá hoại các nhóm chính phủ khác, nhất là trong thời điểm Chiến Tranh Lạnh vẫn còn tiếp diễn.

Tổ Chức không coi điện quỷ là một dị thể, do nó chỉ được xem như là một bước tiến lớn về mặt khoa học kỹ thuật, tương tự với việc điện năng không được coi là dị thường vào lần đầu tiên phát hiện ra chúng.

Các linh kiện và thiết bị từ thời đại này thỉnh thoảng vẫn rơi vào tay của các nhà sưu tập và những người có hứng thú với chúng. Nổi bất nhất là Marshall, Carter, và Dark và Chúng Ta Ngầu Chưa?, cùng với một số dị vật khác có cùng niên đại mà Tổ Chức đang quản thúc.

Thời Kỳ Suy Tàn

Trong suốt phần lớn Thời Kỳ Hoàng Kim của Vật Lý Điện Quỷ, có một số nhóm bao gồm Chân Trời Khởi Nguyên và Vatican phản đối việc sử dụng công nghệ điện quỷ. Họ đã dự đoán những hậu quả tàn khốc và cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm ẩn của công nghệ này. Hầu hết mọi người đều không tin và cho rằng chúng chỉ là những lời nói vô căn cứ.

Vào cuối năm 1970, nhiều thiết bị điện quỷ đã bắt đầu biểu lộ dị tính của chúng. Những dị tính này rất đa dạng, nhưng khi sự việc tiếp tục tiến triển, nhiều thiết bị gặp trục trặc nghiêm trọng và thường gây ra các chấn thương bất thường khiến một vài người trở nên mất trí hoặc tự sát. Sau một khoảng thời gian, hầu hết các thiết bị điện quỷ trong đều biểu lộ dị tính này.

Sau hàng loạt vụ kiện và các thiết bị điện quỷ được cho là nguy hiểm, nhiều công ty công nghệ trước đó đã đầu tư vào chúng nhanh chóng đóng cửa các các bộ phận liên quan đến thiết bị này và cố gắng che giấu việc bản thân có liên quan đến vụ việc. Tổ Chức, các Thế lực Đáng lưu tâm và chính phủ nhiều nước đã nỗ lực thu hồi và phá hủy các thiết bị điện quỷ.

Điều này đã dẫn đến việc ký kết Hiệp Định Bảo Vệ Thực Tại Đa Phương (MARP) và thành lập lực lượng cơ động THẦY TRỪ QUỶ để hỗ trợ các cơ quan hợp tác hoàn thành nhiệm vụ.

Trong cùng thời gian này, Thỏa Thuận Không Phổ Biến Công Nghệ Điện Quỷ đã được ban hành vào năm 1981 như một biện pháp bổ sung để bảo vệ thực tại, ngăn không cho các quốc gia khác phát triển công nghệ này.

Đến cuối năm 1985, hầu hết các thiết bị dân sự có điện quỷ đã bị phá hủy (ngoại trừ một số thiết bị được thu hồi cho mục đích thử nghiệm) và thay thế bằng các thiết bị thông thường tương tự. Các thiết bị không thể thay thế sẽ bị che giấu khỏi công chúng bằng cách lan truyền nhận thức độc và sử dụng một lượng lớn thuốc lú.

Hậu Quả

Vẫn còn một số ứng dụng quan trọng của công nghệ điện quỷ được tiếp tục sử dụng mặc cho những nguy hiểm mà nó mang lại. Tổ Chức vẫn sử dụng công nghệ này để quản thúc các dị thể khó kiểm soát, và GOC sử dụng chúng để thực hiện mục đích của họ. Các ví dụ khác bao gồm việc đơn vị RTG đã ứng dụng công nghệ này vào tàu vũ trụ và xe rover của họ. Nó cũng được ứng dụng trong những bộ giải mã tiên tiến được dùng bởi các cơ quan tình báo, và là linh kiện của hệ thống vũ khí thuộc sở hữu của chính phủ các nước (giống như cách mà kho vũ khí hạt nhân của họ được duy trì).

Nhu cầu về các thiết bị điện quỷ vẫn còn tiếp diễn vì lý do này, và thị trường vẫn còn tràn lan các sản phẩm nói trên do một số công ty công nghệ dị thường vẫn có cơ hội trụ lại hậu thoái trào. Khi nhu cầu về chúng tiếp tục giảm (do đã khám phá ra các thiết bị không dị thường khác có thể thực hiện được yêu cầu tương tự), từng công ty một đồng loạt đóng cửa hoặc được mua lại bởi các công ty khác, cho đến khi chỉ còn lại Phòng thí nghiệm Prometheus và Công ty Wondertainment.

Vì vậy, sau hậu quả của [DỮ LIỆU BỊ XÓA] vào năm 1998, nghiên cứu về công nghệ điện quỷ bị thụt lùi đến tận một thế kỷ do phần lớn kiến thức và khả năng chuyên môn về chúng đã bị mất, mặc cho Tổ Chức đã giữ lại được một số nghiên cứu và nhà khoa học có liên quan.

Lý do khiến công nghệ điện quỷ thất bại cho đến tận bây giờ vẫn là một ẩn số, nhưng các nghiên cứu viên của Tổ Chức tin rằng hiện tượng này có thể được giải mã và khắc phục trong một hoặc hai thế kỷ, và công nghệ điện quỷ sẽ được sử dụng trở lại như trước đây.

Nếu không có ngoại lệ được nêu, nội dung của trang này được xuất bản dưới giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License