Mã địa điểm: G198-VN
Danh pháp dân sự: Thuộc địa bàn xã ████, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam
Phân loại: Địa điểm khảo cổ - Mang thông tin dị thường
Cơ sở quản lý: Điểm-75-VN (hiện đã được bàn giao trực tiếp cho Đơn vị Tâm linh)

Ảnh chụp vệ tinh vị trí của G198-VN
Quy trình Khai quật: Sử dụng các phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn của Phòng ban Khảo cổ học dị thường, phối hợp với một số cộng tác viên am hiểu văn hoá bản địa. Một chiến dịch thông tin giả sẽ nguỵ trang địa điểm thành một khu vực khảo cổ thông thường, nhưng hạn chế dân thường tiếp cận do di tích bom đạn sót lại từ thời chiến tranh. Công tác phối hợp với chính quyền địa phương sẽ được tiến hành khi cần thiết.
Những đồ vật không dị thường và không có dấu tích huyền thuật học sẽ được bàn giao cho chính quyền địa phương như các cổ vật thông thường, sau khi được kiểm tra kĩ lưỡng. Những đồ vật có dấu tích huyền thuật học, niên đại không phù hợp và mọi văn thư sẽ được lưu trữ để tiến hành nghiên cứu chuyên sâu.
Mô tả: G198-VN là một địa điểm khảo cổ mang thông tin dị thường, có niên đại hơn 500 năm, vào khoảng triều đại nhà Lê Sơ. Phần lớn di tích là một biệt phủ lớn, bị chôn vùi dưới một lớp trầm tích dày bất thường, được xác nhận là phi tự nhiên.
Dựa trên bia đá và một số văn vật thu thập được, đây là phủ nhà họ Ngô Sinh. Các đồ vật và lối kiến trúc thể hiện đây là một dòng họ giàu có và rất có thể là quý tộc địa phương. Tuy nhiên, bằng chứng lịch sử, cả từ nguồn chính thống và dân gian, không cho thấy dấu tích nào của một dòng họ như vậy.
Di tích đã bị phá huỷ nặng nề do tác động từ lửa cháy. Một lượng lớn hài cốt được phát hiện, có dấu hiệu bị tấn công bằng huyền thuật học. Xét nghiệm DNA cho thấy họ thuộc về cùng một dòng tộc. Phần lớn đồ vật được khai quật không có tính chất dị thường, hoàn toàn phù hợp với niên đại. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng nhỏ vật thể có dấu tích huyền thuật học, mặc dù không có tính chất dị thường nào khác.

Ảnh chụp một cuộn giấy
trong bộ "Phán Sự Tuỳ Bút"
Hiện trường cho thấy, trong phủ từng có một kho văn thư rất lớn. Một bức tường đá có liệt kê các bộ sách và niên hiệu mà chúng được viết. Thời điểm sáng tác của chúng rải rác trong khoảng các triều đại nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê nhưng phần lớn tập trung vào thời kỳ Lê Sơ. Hơn một nửa được đề là bản sao văn thư của một cơ quan tên là Dị Sự Giám. Phần lớn tài liệu đã bị thiêu huỷ, chỉ còn một số lượng cực kỳ hạn chế được tìm thấy trong tình trạng hư hại nặng và đang được khôi phục.
Tuy nhiên, có một bộ văn thư vẫn còn hoàn toàn nguyên vẹn. Chúng gồm một số cuộn giấy, được viết bằng chữ Nôm, nhưng kèm theo nhiều lối chú âm có tính cá nhân. Tựa đề của bộ giấy là "Phán Sự Tuỳ Bút". Toàn bộ các cuộn giấy nằm trong một chiếc hộp gỗ, được gia cố bằng huyền thuật. Dấu tích khai quật cho thấy hộp gỗ này được chôn xuống nền đất của kho văn thư, rất lâu sau khi khu vực bị phá huỷ.
Do tính chất dị thường và mối liên hệ về mặt tên gọi với SCP-101-VN, "Phán Sự Tuỳ Bút" hiện là tài liệu được ưu tiên giải mã hàng đầu. Bản khôi phục của "Tuỳ Bút" cùng các tài liệu khác có liên quan sẽ được cập nhật liên tục tại cơ sở dữ liệu của Đơn vị.
Thêm tác phẩm bởi KH Nam