Đêm Dài Lắm Mộng


đánh giá: +7+x

28 tháng 3 năm 1986.

"Đây rồi!"

Tìm thấy sổ nhật ký thí nghiệm, Thư thở phào nhẹ nhõm. Ngay từ ngày đi thực tế đầu tiên, giáo sư Quang đã dặn tất cả mọi người rằng ai cũng phải coi cuốn sổ ấy như vật bất ly thân. Vậy mà lại có ngày em để quên nó trong phòng thí nghiệm, tài thật!

Cầm cuốn sổ trong tay, em định đi về phòng ký túc, nhưng lại chợt nhìn thấy vài tấm áo khoác thí nghiệm rơi khỏi móc treo ở góc phòng. Em giữ chặt cuốn sổ bằng một tay, tay kia nhặt mấy tấm áo lên, định treo vào móc lại. Nhưng một tay em ôm không xuể; mớ áo khoác vung vẩy khắp nơi, gạt đổ bình nước uống đặt trên cái bàn bên cạnh.

"Ngày hôm nay đen thế vẫn chưa đủ hay sao?" Em đành đặt mớ áo xuống, đi loanh quanh tìm giẻ lau. Bỗng em nghe thấy một giọng nói từ phòng làm việc của giáo sư Quang ngay kế bên…

"Chuyện có gì đâu nhỉ? Ta chỉ cần lược bỏ hết số liệu liên quan đến tế bào tiết dopamine trong bài báo, coi như ta chưa từng nghiên cứu về loại tế bào này là được. "Một hạn chế của bài báo này là phạm vi nghiên cứu còn khá hẹp; những rủi ro của hợp chất Y-933 với các loại tế bào thần kinh khác vẫn cần được tìm hiểu thêm." Cậu cứ viết y như thế vào trong bài cho tôi."

Là tiếng của giáo sư Quang. Hóa ra thầy vẫn chưa về. Cầm giẻ trên tay, Thư cúi xuống, lúi húi lau nhà. Lúc này em chỉ nghĩ, nếu thầy phát hiện ra mình để quên sổ nhật ký hay mình hậu đậu trong phòng thí nghiệm thì chết mất.

Tiếng cãi cọ vẫn không ngừng vọng qua bức tường ngăn cách hai căn phòng. Người lên tiếng lần này là anh Trực, nghiên cứu sinh tiến sĩ đang được thầy Quang hướng dẫn:

"Không, em không đồng ý. Đề tài của bài báo là đánh giá rủi ro của Y-933 lên một số loại tế bào thần kinh, thì quan trọng nhất là ta phải báo cáo mọi rủi ro có ý nghĩa đã được phát hiện chứ. Ta không thể vì chưa tìm ra phương hướng khả thi để hạn chế một rủi ro mà phớt lờ luôn kết quả của toàn bộ loạt thử nghiệm đó được. Ảnh hưởng của Y-933 lên tế bào tiết dopamine rõ ràng là có ý nghĩa thống kê. Nếu thầy muốn em công bố quốc tế, thì sơ hở này là quá lớn thưa thầy."

"Nhưng nếu hạn chế chưa xử lý đó mà được báo cáo sớm, thì kết quả nghiên cứu của cậu sẽ mất tính cạnh tranh đấy. Khi đó thì công bố quốc tế cũng đâu để làm gì, cậu có hiểu không? Thông tin này nằm trên quyền hạn an ninh của cậu, nhưng để tôi nói cho mà nghe: Nhóm nghiên cứu ở Calcutta vừa gửi đi một bài báo xác nhận tính ưu việt về tác dụng phụ của Y-909 rồi đấy."

"Thưa thầy, nhóm của họ đi trước ta hàng bao nhiêu năm, nên họ có kết quả như thế thì cũng bình thường thôi. Em mong thầy nhìn rộng hơn một chút, chứ cạnh tranh nhất thời như thầy nói thì em thấy không cần thiết. Kể cả nếu như ở quốc tế người ta có chế được thuốc lú thành công từ Y-909, thì với tình hình như hiện tại, chắc gì các Điểm của ta đã được dùng? Nhưng nếu ta có thể chứng minh Y-933 cũng thực sự là một thuốc lú tốt, thì chuyện công trình của ta được các Điểm trong cả nước áp dụng cũng không phải là không có khả năng."

Quyền hạn an ninh? Thuốc lú? Các Điểm trong cả nước? Những chuyện đó là sao chứ? Thư biết đây không phải phận sự của mình, nên em cũng chẳng nghĩ mình nên nghe thêm làm gì. Em chỉ biết, vũng nước trên sàn đã lau khô rồi. Em đứng dậy, vắt mấy tấm áo lên móc, tiếng tranh cãi vẫn văng vẳng bên tai:

"Từ đầu đến giờ có câu nào là tôi bảo cậu gạt bỏ hẳn vấn đề này không? Tôi chỉ có ý muốn tạm hoãn việc công bố một phần kết quả nghiên cứu thôi. Bao giờ tìm được cách khắc phục vấn đề thì ta sẽ công bố."

"Nhưng mà thưa thầy…"

Giáo sư Quang lập tức ngắt lời.

"Nếu như vậy cậu còn không dám làm thì thôi, cậu không cần đứng tên tác giả chính của bài báo này nữa. Cứ để đó cho tôi, tội vạ đâu tôi chịu. Bài báo này vẫn nằm trong phạm vi luận án của cậu, thì xem ra cậu cũng có thiệt gì đâu?"

Thôi xong. Thư rảo bước ra khỏi cửa, chỉ muốn về phòng ngay. Dù chỉ là tình cờ, nhưng có lẽ em đã biết quá nhiều rồi. Nếu em bị người khác trông thấy lúc này thì quả thực là chẳng hay ho gì cho lắm.

Nhưng vừa đi đến cửa, em đã phải sững người. Từ căn phòng bên cạnh, thầy Quang và anh Trực cũng vội vã bước ra…


5 tháng 2 năm 2011.

Giáo sư Quang nhấp một ngụm trà. Hương trà xanh hòa với hương hoa thủy tiên tỏa khắp phòng, thơm ngan ngát.

"Chỉ một việc đơn lẻ thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Em có bằng chứng gì cho thấy tôi từng làm tất cả những chuyện đó không? Ngoài trí nhớ của em từ hơn hai mươi năm trước?"

Vị nữ giám đốc mỉm cười lắc đầu.

"Em chưa."

"Tay không bắt giặc không giống với phong cách của em lắm nhỉ."

"Như thế cũng đâu có giống phong cách của thầy. Nếu em nhớ không nhầm, sau khi nghỉ hưu, các cựu Giám đốc trước thầy đều được giữ quyền truy cập cơ sở dữ liệu của Điểm ở cấp độ cố vấn nhỉ. Còn thầy có biết tại sao Giám đốc Minh vừa kế nhiệm thầy đã ra sắc lệnh loại bỏ hoàn toàn cấp độ cố vấn khỏi hệ thống quyền hạn an ninh của Điểm-29-VN không?"

Gương mặt giáo sư Quang biến sắc.

"Cô nhắc lại những chuyện này với tôi để làm gì?"

"Theo như em thấy, Giám đốc Minh không cấp thuốc lú cho thầy đã là may mắn lớn của thầy rồi. Bây giờ em lại nghĩ, hay là quyết định ấy của Giám đốc Minh cũng là có chủ đích nhỉ? Nhưng dù sao thì… Bằng chứng, em có thể tìm, nhưng thầy thì không thể hủy nữa rồi."

Lấy lại bình tĩnh, cựu Giám đốc Quang cười nửa miệng.

"Đâu phải tôi không thể tìm được chứ? Bằng chứng sống vẫn còn ở ngay trước mắt tôi mà. Ngần ấy năm rồi, cô thừa hiểu tôi dám làm những gì, phải không?"

"Vậy mà em lại tưởng thầy còn nhớ. Các Giám đốc Điểm đương nhiệm luôn luôn được theo dõi dấu hiệu sinh tồn. Đó là còn chưa kể nhân viên an ninh của Tổ Chức đang đợi em trong xe ở ngay ngoài kia. Cả Điểm-29-VN đều biết ngày hôm nay em tới nhà thầy chúc tết. Nếu em có mệnh hệ gì… thầy sẽ là người bị tình nghi đầu tiên đấy."


30 tháng 12 năm 1987.

"Và giải thưởng quan trọng nhất của buổi lễ hôm nay, giải "Công trình nghiên cứu của năm" thuộc về…"

Buổi lễ vinh danh đã sắp kết thúc, nhưng tất cả những người tham dự vẫn đang hướng mắt lên sân khấu Hội trường lớn Điểm-29-VN. Dường như chẳng có lấy một lời bàn tán nào, vì mọi người đều hiểu, trong năm vừa qua có công trình nào xứng đáng với giải thưởng ấy hơn thế nữa đâu?

"… Luận án tiến sĩ với đề tài "Phân tích tiềm năng ứng dụng của hợp chất Y-933 trong quá trình sản xuất thuốc lú", Nghiên cứu viên Phạm Bùi Trung Trực, với người hướng dẫn là Giáo sư, Nghiên cứu viên Cấp cao Đoàn Nhất Quang!"

Tiếng vỗ tay từ phía khán đài dội xuống như mưa. Người dẫn chương trình trên sân khấu vẫn đọc lời giới thiệu, dù đó là những điều mà nhân sự nào ở Điểm-29-VN cũng từng nghe nói đến:

"… Trong quá trình thực hiện nghiên cứu từ năm 1982 đến đầu năm 1987, nhóm nghiên cứu đã xuất bản tổng cộng 4 bài báo khoa học, trong đó có 2 bài công bố quốc tế: "Ảnh hưởng ký ức của hợp chất Y-933 thông qua thí nghiệm trên động vật", tác giả chính Phạm Bùi Trung Trực, và "Đánh giá rủi ro tác động của hợp chất Y-933 lên một số loại tế bào thần kinh", tác giả chính Đoàn Nhất Quang. Quả là những con số không tưởng cho một nghiên cứu trong nước!…"

Ngày luận án tiến sĩ của anh được xếp loại xuất sắc và ngày lễ vinh danh hôm ấy – đối với Trực, chừng nào anh còn nhớ, thì đó là hai ngày vui nhất đời anh. Còn với giáo sư Quang, phải đến tận khi cầm kỷ niệm chương trên tay thì ông mới dám buông lỏng tinh thần đôi chút. Kể từ lúc này, sẽ không gì có thể thay đổi sự thật này được nữa. Hàng bao nhiêu năm trời, cuối cùng ông cũng chạm tay được đến giải thưởng này. Cho dù nghiên cứu viên chính của công trình không phải là ông, thì cũng không sao cả.

Ông nhìn vào tấm bảng tên đặt chính giữa hàng ghế đầu tiên dưới khán đài. Giám đốc Điểm. Tham vọng của ông cuối cùng cũng sắp đạt thành rồi…


3 tháng 10, năm 1990.

Những chùm pháo hoa hai màu đỏ vàng bung nở, rọi sáng cả bầu trời Berlin. Đã quá nửa đêm rồi, nhưng dường như chưa có hôm nào dòng người trên phố đông như hôm ấy…

"Đoàn kết, Công lý và Tự do
là Nền móng làm nên Hạnh phúc…"

Quốc ca nước Đức thống nhất vang vọng khắp bầu không khí, văng vẳng đến cả tầng cao nhất của tòa nhà ký túc. Bên ô cửa sổ, mấy cô cậu du học sinh lặng lẽ ngồi ngắm pháo hoa, áo ấm quấn quanh mình, miên man nghĩ đến ngày mai…

Hạnh phúc ấy có dành cho những con người sinh ra đã chẳng thuộc về đất nước này hay không?

"Tao mà biết có ngày này thì tao đã vào Bách khoa hay Tổng hợp mà học cho sướng đời. Hồi đấy ăn cái gì mà dốt không tả được…"

"Chúng mày, đi ngủ thôi. Nước Đức có hợp hay tan thì sáng mai mình vẫn phải đi làm mà."

"Cứ về phòng trước đi. Tao chưa muốn ngủ."

"Mày thì giỏi rồi Thư ạ. Đúng là người không bị cắt học bổng có khác, chẳng có gì phải lo. Oáp… À quên, mày thì làm sao hiểu được cho cái loại bỏ học đi kiếm tiền như tao nhỉ? Người thì chăn ấm nệm êm, người thì chẳng biết lúc nào bị đuổi khỏi nhà ký túc đây này."

Bạn bè Thư đã bỏ vào phòng nghỉ hết, để mặc cô một mình ngắm pháo hoa. Cô nhớ lại những ngày cả bọn đồng cam cộng khổ – tất cả cùng nơm nớp lo bị cắt học bổng, bị đuổi về nước, dường như chẳng nỗi lo nào bộn bề hơn thế. Nhưng lòng người đổi thay khi đời thay đổi – lòng tị hiềm đã làm cả đám quên phắt đi rằng chính cô cũng từng cùng mọi người sống những ngày như vậy. Cô không dám oán giận những lời trách móc của bạn bè mình. Trong cả đám, Thư vẫn tự biết mình là người may mắn nhất.

Nhưng từ lâu trước cái ngày cô bước chân lên chuyến tàu rời xa quê nhà, Thư đã hiểu cái giá mình sẽ phải trả cho những may mắn ấy là gì. Chỉ cần một chút sơ sẩy hay một ngày xui xẻo mà thôi, cô sẽ chẳng còn biết số phận gì đang đợi chờ mình ở triền dốc cuối đời. Dù chỉ là một lời giải thích thôi, cô cũng không có quyền lên tiếng…


1 tháng 10 năm 1996.

Càng vào sâu trong đường hầm, Thư càng thấy ánh đèn mờ dần và cảnh vật trước mắt mình tối mịt đi. Cô chỉ biết theo sau từng bước chân của vị nghiên cứu viên người Đức cao to trước mặt, tiến vào lòng đất bên dưới thành phố Leipzig.

"Nhắc lại tôi nghe đi, tên cô là gì ấy nhỉ? K-Kơ-vuyn Tu—"

Lý do duy nhất khiến cô gái trẻ ấy dám lắc đầu là vì cô biết, vị nghiên cứu viên kia chẳng thể nhìn thấy cô trong bóng tối sau lưng mình.

"Quỳnh Thư, thưa ngài. Nếu ngài thấy quá khó đọc thì ngài cứ gọi tôi là… Irina cũng được."

"Vậy thì càng tốt, nếu như cô muốn. Nhìn qua tên khai sinh của cô, tôi cũng chẳng biết cô là nam hay nữ. Nói thật với cô, đến giờ tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên đâu. Tôi không ngờ giảng viên cũ của cô ở chi nhánh Việt Nam lại nhờ vả, tâng bốc chúng tôi hết lời chỉ để chúng tôi chịu tiếp nhận ứng viên mà họ giới thiệu, và rồi ứng viên đó hóa ra lại là một cô gái trẻ."

Cô chau mày khó hiểu.

"Thưa ngài, tôi không nghĩ giới tính của mình có liên quan gì đến năng lực làm việc. Và tôi cũng không nhớ rằng mình từng liệt kê thông tin liên lạc của giảng viên cũ nào là người Việt trên hồ sơ."

Giọng nói của vị nghiên cứu viên kia như giãn hẳn ra, nhưng điều đó chẳng khiến cô thấy dễ chịu thêm chút nào.

"Bình tĩnh nào, tôi đâu có ý đó. Nhưng cô có chắc người giới thiệu cô tới nơi này không coi đây là một trò đùa không vậy? Người nước ngoài, là nữ, mới làm xong luận án tiến sĩ, chưa từng có kinh nghiệm làm việc tại Tổ Chức. Cô có biết loại công việc gì đang chờ đợi cô ở đây không? Điểm-54 này không thích hợp cho người liễu yếu đào tơ như cô đâu, cô gái à."

Quỳnh Thư, giờ là Irina, khẽ nuốt nước bọt.

"Quả thực là tôi không biết. Đến cả người giới thiệu tôi tới đây là ai, tôi cũng không có thông tin gì cả. Nhưng tôi rất mong được ngài chỉ dạy thêm."

Vị nghiên cứu viên kia chẳng tỏ vẻ gì là đã nghe thấy lời cô nói. Hai người bước đi thêm một lúc lâu, rồi ông mới tiếp tục cất lời.

"Mà thôi, xem thái độ của cô, tôi cũng hiểu lý do chi nhánh Việt Nam lại nghĩ cô là người có triển vọng. Ta cứ thử rồi sẽ biết, cô thấy đúng không nào? Ở đây chúng tôi có một câu nói thế này: Nhân sự được giới thiệu tới đây, nếu không toàn mạng trở về sau một năm thì cũng là chuyện bình thường. Còn nếu qua khoảng thời gian ấy họ có thể an toàn sống sót, thì người gửi lời giới thiệu đó quả là biết nhìn đúng người rồi."


24 tháng 12 năm 2001.

Tuyết vẫn rơi bên ngoài cửa sổ. Đường phố không một bóng người. Một cô gái, tuổi đã không còn quá trẻ, ngồi một mình bên bàn làm việc với nụ cười tủm tỉm trên môi.

Chẳng có ai cùng cô ăn mừng ngày lễ Giáng sinh, cũng không sao cả. Cô biết rõ ở một nơi xa xôi, vẫn có những con người hàng ngày luôn nghĩ về mình.

Cô cầm lên tay một xấp thư đã mở, chậm rãi đọc lại từng dòng dưới ánh đèn vàng, rồi tỉ mỉ sắp xếp chồng thư theo đúng trình tự thời gian. Cuối năm lên trên, đầu năm xuống dưới. Và cô cứ ngồi đó, lật đi lật lại những lá thư như thế mãi. Giống như đã bao năm nay.

Bỗng một điều làm cô giật mình thảng thốt.

Lâu lắm rồi cô không nhận được lá thư quốc tế nào có dấu đặc biệt của cơ quan. Cô chưa bao giờ quên, thư nội bộ cơ quan mà gửi đường xa như thế thì chỉ có một người. Công việc bộn bề, vài tháng hai người mới trao đổi được một lá thư cũng là chuyện bình thường. Nhưng đã một năm nay rồi, cô không còn nhận được lá thư nào từ người ấy cả.

Chuyện gì đã xảy ra?

Đêm ấy với cô lại là một đêm không ngủ.

« Mồng Ba Tết Thầy | Đêm Dài Lắm Mộng | Hậu Sinh Khả Úy »

Nếu không có ngoại lệ được nêu, nội dung của trang này được xuất bản dưới giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License