-
Thông tin
Tên bài viết: Luận về Mẹo Viết Lách: Cảm Giác Sợ Hãi
Tác giả: The Great Hippo
Nguồn ảnh: Link, Link.Nhạc: It's A B-Movie (The Cog Is dead)
More by The Great Hippo:
|
Chúng ta hãy cùng nhau bàn về cảm giác sợ hãi nào.
Sợ hãi là khi ta có cảm giác đề phòng điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra – khi ta hoảng sợ trước những điều mình chưa biết. Cảm giác đó cũng tương tự như khi ta ngửi thấy mùi thối rữa mà không nhìn thấy một thi thể nào; hay khi ta biết ta không chỉ có một mình, nhưng lại không biết kẻ ở chung một nơi chốn với ta là ai. Nói một cách ngắn gọn: Sợ hãi là cảm giác khi ta hiểu thấu được rằng mọi chuyện sẽ sớm trở thành thảm họa.
Vậy thì, làm thế nào để bạn tạo ra được cảm giác đó trong một câu chuyện? Theo từng bước chân, bạn chính là người dắt tay độc giả đi qua một nơi thân thuộc nào đó. Với từng câu chữ, bạn khiến cho nơi đó dần dần biến đổi – biến nó thành điều gì đó xem qua thì có vẻ hợp lý, nhưng lại tạo cảm giác không đúng lắm. Với từng từ ngữ, bạn cần nhắc nhở độc giả trong thầm lặng rằng họ không chỉ có một mình.
Và rồi sao nữa? Ngay khi cảm giác hoảng loạn trở nên rõ rệt, và người đọc bắt đầu tìm kiếm thứ gì đó trong không gian xung quanh? Ngay khi họ vừa quên đi rằng mình đang nắm lấy tay ai – rằng ai đã là người khiến họ rơi vào điên loạn?
Bạn ngừng bước. Bạn quay đầu lại. Bạn lột bỏ mặt nạ của mình.
Và rồi, bạn thì thầm: Ú òa!
Để khám phá thêm về cảm giác sợ hãi, chúng ta sẽ so sánh hai bài viết có ý tưởng tương đối giống nhau: Game Show Tử Thần (SCP-024) viết bởi SpoonOfEvil, dịch bởi Twoface_G và CƯ Ờ I LÀ V UI (SCP-2030) viết bởi PeppersGhost, dịch bởi Irina Bougainvillea. Chúng ta sẽ xem xét cách các bài viết này sử dụng những yếu tố bao gồm cảm giác chân thực, sự thiên lệch và những ám chỉ để khơi gợi cảm giác sợ hãi một cách thành công (hoặc thất bại).
Trước khi tiếp tục, hãy đọc cả hai bài viết này.
Bắt đầu thôi.
Lời Tựa Ngắn!
Bài viết này sẽ tỏ thái độ phê phán rất mạnh đối với Game Show Tử Thần. Dù vậy, bài luận này không có ý kết tội (hay chỉ trích sự thành công) của tác phẩm trên.
SCP-024 được viết và dịch vào những thời điểm xác định trong dòng lịch sử của Wiki SCP tiếng Anh và tiếng Việt. Cộng đồng tác giả, dịch giả và người đọc của cả hai Wiki đã học hỏi được rất nhiều điều từ những thời điểm đó cho tới nay. Bài viết này được lựa chọn không phải vì nó “dở”, mà vì ý tưởng của nó có nhiều điểm gần như tương đồng với CƯ Ờ I LÀ V UI – vì vậy, nó là một ví dụ thích hợp để phục vụ việc so sánh chi tiết khi thảo luận về cách để (không) thành công khi khơi gợi cảm giác sợ hãi.
SCP-024 cũng ổn. Đọc cũng vui. Không có vấn đề gì với bài viết này cả. Nếu bạn thích bài viết này, tuyệt vời; tôi khuyến khích bạn upvote nó. Được chứ? Được rồi.
Tốt rồi.
Giờ thì mổ xẻ nó thôi.
Con Quái Vật và Nghi Thức
Cả SCP-024 và SCP-2030 có thể được tóm tắt như sau:
Một thực thể siêu nhiên ép buộc con người tham gia một trò chơi kinh dị trên truyền hình; sau đó, diễn biến của trò chơi truyền hình này được quay phim lại.
Chúng ta còn có thể khái quát hóa ý tưởng này hơn nữa để có một mô hình kinh dị cơ bản:
Một thực thể bí ẩn thực hiện một nghi thức quen thuộc, nhưng cách làm của nó khiến cho nghi thức đó trở nên lạ lẫm. Bằng cách đó, nó ám chỉ rằng nó làm vậy vì một lý do đáng sợ, dù lý do đó là không rõ — dẫn đến cảm giác sợ hãi cho người đọc.
Chúng ta sẽ phân tách mô hình này thành ba khía cạnh khác nhau và xem xét cách hai SCP nêu trên xử lý các vấn đề đó: Cảm giác chân thực – một sự vật, sự việc “giống với thực tế” đến đâu; Sự thiên lệch – sự vật, sự việc đó khác biệt với biểu hiện quen thuộc thường thấy như thế nào; và Ám chỉ – cách bài viết làm ta hiểu rằng mục đích của sự vật, sự việc xuất hiện trong bài là đáng sợ, kể cả khi ta không biết mục đích của sự vật, sự việc đó.
Cảm Giác Chân Thực
Cảm giác chân thực là cảm nhận chủ quan (nhưng không phải thực tế khách quan) rằng thứ gì đó có thật; một thứ gì đó sẽ đem lại cảm giác chân thực khi người quan sát “cảm thấy” nó là thực (kể cả khi thật ra nó không như vậy). Bạn cũng có thể nghĩ theo hướng này: Phiên bản giả mạo của một thứ gì đó có thể khiến người ta cảm thấy nó giống hàng thật hơn cả phiên bản chính. Đó chính là tác dụng của cảm giác chân thực.
Xét theo mục đích của chúng ta, cảm giác chân thực cũng đồng nghĩa với câu trả lời cho câu hỏi: Bài viết có khiến người đọc cảm thấy đủ “thực” để họ tiếp tục chìm đắm trong thế giới của nó hay không? Ta hãy bắt đầu với việc so sánh dị tính của SCP-024 và SCP-2030:
SCP-024 | SCP-2030 |
---|---|
Một lực đẩy nào đó tống tất cả những người từ chối tham gia cuộc chơi ra ngoài. | Các đoạn phim quay lại chương trình này xuất hiện trong các quầy bán băng đĩa DVD, trang web chia sẻ dữ liệu và nhiều nơi khác. |
Một vách ngăn vô hình, không thể đi xuyên qua ngăn cản những người đã bị loại quay lại cuộc chơi. | Sau khi khai quật, có thể thấy mộ của những người tham gia hoàn toàn trống rỗng. |
Các bảo vệ trường quay sẽ xuất hiện để xử lý “những kẻ gian lận”. Những người này sẽ không bao giờ xuất hiện trở lại. | |
Những người được chiến thắng sẽ dịch chuyển tức thời ra khỏi trường quay. | |
Các máy quay “vô hình” sẽ ghi hình những người chơi. | |
Những khán giả “vô hình” sẽ quan sát những người chơi (họ sẽ xuất hiện trong đoạn phim sau khi trò chơi kết thúc). |
Bạn có để ý thấy điều gì không? SCP-2030 chỉ có hai dị tính, và cả hai dị tính này đều có thể được giải thích hợp lý theo những cách thông thường.
Bạn thậm chí còn không thể khẳng định rằng những thước phim này dị thường – có thể chúng chỉ là VFX mà thôi. Tác động mà hiệu ứng của SCP-2030 gây ra ít đến nỗi khó có thể tìm thấy bằng chứng cho thấy nó dị thường. Đó có thể chỉ là một trò chơi khăm cực kỳ thâm thúy.
Vậy điều này khiến cho người ta "cảm thấy" SCP-2030 chân thực hơn như thế nào? Ta hãy xem xét lại từng dị tính của SCP-024 và đặt ra câu hỏi: Dị tính đó tồn tại để làm gì?
Dị tính | Mục đích tồn tại |
---|---|
Một lực đẩy nào đó tống tất cả những người từ chối tham gia cuộc chơi ra ngoài. | Ngăn chặn can thiệp từ bên ngoài/điều tra. |
Một vách ngăn vô hình, không thể đi xuyên qua ngăn cản những người đã bị loại quay lại cuộc chơi. | Ngăn chặn can thiệp từ bên ngoài/điều tra. |
Các bảo vệ trường quay sẽ xuất hiện để xử lý “những kẻ gian lận”. Những người này sẽ không bao giờ xuất hiện trở lại. | Đảm bảo các luật lệ được tuân thủ; ngăn chặn việc người chơi sử dụng sự trợ giúp từ bên ngoài để chiến thắng. |
Những người được chiến thắng sẽ dịch chuyển tức thời ra khỏi trường quay. | Ngăn chặn can thiệp từ bên ngoài/điều tra. |
Các máy quay “vô hình” sẽ ghi hình những người chơi. | Giải thích việc các đoạn phim xuất hiện; ngăn chặn việc quay phim bị tác động từ bên ngoài. |
Những khán giả “vô hình” sẽ quan sát những người chơi (họ sẽ xuất hiện trong đoạn phim sau khi trò chơi kết thúc). | Giải thích việc người chơi không thể tương tác với khán giả; làm bài viết kinh dị hơn (?). |
Mọi dị tính của SCP-024 đều chỉ là một lời giải thích hoặc một sự hợp lý hóa phục vụ cho nhiệm vụ của nó. Điều đó tạo cảm giác như thể tác giả muốn nói rằng: "Ồ, còn đây chính là lý do bạn không thể lẻn vào và phá rối trường quay. Và đây là lý do bạn không thể mang súng theo và bắn chết người dẫn chương trình. Và đây là lý do bạn không được phép ném đồ đạc về phía máy quay."
Mỗi dị tính đều là một lời nhắc nhở từ tác giả, rằng họ là người dẫn dắt ta trong câu chuyện. Mỗi tính chất trong số này đều khiến người đọc chúng ta nhớ rằng ta chỉ đang đọc truyện mà thôi. Và bạn càng nhắc nhở người đọc nhiều về điều này, thì bạn càng khó đánh lừa họ. Bạn làm cho họ không thể đắm chìm vào thế giới của tác phẩm nữa. Và nếu không có sự đắm chìm này, bạn sẽ không thể tạo cảm giác sợ hãi.
Đây là lý do SCP-2030 khiến người ta "cảm thấy" rằng nó chân thật – vì dị tính của nó tinh tế đến nỗi rất khó để người đọc coi là nó dị thường. Đây cũng là lý do khiến cho SCP-024 tạo cảm giác "gần giống" với cuối tiểu thuyết mới nhất thuộc series Goosebumps – bởi, dị tính của nó xuất hiện như thể nó là một phần của một chiến dịch Dungeons and Dragons, nơi DM luôn đi trước một bước so với đối thủ là một đàn mèo munchkin làm được những điều không có thực.
Điều Cần Ghi Nhớ
Để bước đầu tạo nên sự sợ hãi, bạn cần cảm giác chân thực. Và để tạo nên cảm giác chân thực, bạn cần khiến cho sự tồn tại của dị thể trở nên thật tự nhiên – không giống như sản phẩm do ai đó tạo ra.
Hãy tránh việc sáng tạo nên những vật thể không thể hư hỏng, những hiệu ứng ép buộc, thực thể vô hình, hay những cách khác để ép mọi thứ vận hành theo cách bạn muốn. Hãy cân nhắc về điều này: đôi khi, câu trả lời hay nhất cho câu hỏi "Cái gì đang ngăn cản người ta làm việc này?" là không đưa ra một câu trả lời nào. Hãy luôn luôn đặt dị thể của bạn ngay bên ngoài tầm với của độc giả.
Và cuối cùng, hãy nhớ: Càng ít dị thường thì càng chân thực.
Sự Thiên Lệch
Khi bạn đã thành công trong việc khiến cho sự vật, sự việc trở nên "chân thực", tạo ra sự thiên lệch là cách bạn biến đổi sự quen thuộc đó theo những cách để cảm giác chân thực bị bóp méo, nhưng không bao giờ rạn nứt hay vỡ nát. Điều này sẽ giúp bạn tạo nên phiên bản văn học của hiệu ứng Thung lũng Kỳ lạ – một tình huống khi ta biết có điều gì đó không đúng lắm, nhưng không biết tại sao.
Sự mâu thuẫn như vậy giữa niềm tin và thực tế vừa tạo ra hứng thú (cuốn hút chúng ta vào sâu bên trong câu chuyện; làm chúng ta muốn tìm hiểu điều gì là không đúng) vừa cảnh báo chúng ta (gợi ý rằng có điều gì đó sai khác; rằng ở đâu đó có một mối hiểm họa đang lẩn trốn). Đây chính là điểm đến mà bạn muốn dẫn dắt độc giả của mình tìm ra.
Vậy thì, chúng ta phải làm sao để một nghi thức quen thuộc trở nên "thiên lệch"? Hai bài viết nói trên có khác biệt như thế nào so với một nghi thức thông thường của con người (trò chơi trên truyền hình)?
SCP-2030 đưa ra gợi ý đầu tiên về sự khác thường sau khoảng 330 từ bản tiếng Anh và 525 từ bản tiếng Việt, tính từ đầu bài:
SCP-2030-1 luôn mặc một bộ complet ba mảnh màu xanh hải quân (royal blue) cùng với giày tây đen và trắng. Do đặc điểm của cách quay phim, chỉ có phần cổ trở xuống của SCP-2030-1 xuất hiện trong khung hình, dẫn tới khó khăn trong việc nhận diện đối tượng. Nó thường tự gọi mình với cái tên "Laughy McLaugherson".
Chi tiết này đem lại hiệu quả vì nhiều lý do — trước hết, nó khiến chúng ta tưởng tượng một người dẫn chương trình với cái đầu luôn nằm ngoài khung hình – và thứ hai, nó đã được một bức ảnh trong bài viết hỗ trợ.
Ban đầu, có thể chúng ta chỉ nghĩ rằng bức ảnh thể hiện một góc quay kì lạ (do đầu của người dẫn chương trình bị cắt) — nhưng thông qua đoạn văn bản trên, giờ đây chúng ta đã biết rằng đầu của anh ta luôn bị cắt khỏi khung hình. Điều chúng ta từng cho là kì lạ thực ra lại là chuyện bình thường. Bức ảnh không chỉ ra một trường hợp hiếm. Bức ảnh thể hiện rằng các đoạn phim vẫn luôn luôn như vậy. Bức ảnh là điều thường thấy ở đây.
Cách mà nghi thức này đi chệch hướng khỏi thứ mà nó mô phỏng theo (như cách một chương trình trò chơi truyền hình giả mạo đi chệch hướng so với chương trình thật) cũng đưa ra một số gợi ý then chốt về nguyên nhân tồn tại nghi thức. Những nét thiên lệch đó cho chúng ta biết được góc nhìn của "con quái vật" về chúng ta — cách nó tái hiện lại hình ảnh của chúng ta – và sự tái hiện đó lại tiếp tục ám chỉ mục đích của nghi thức.
Và trong trường hợp này, nghi thức được thực hiện bởi một kẻ nào đó nghĩ rằng người không đầu tồn tại là chuyện hết sức bình thường.
Hãy cùng xem xét SCP-024:
Trò chơi càng diễn ra lâu, các chướng ngại vật càng trở nên nguy hiểm và khó vượt qua hơn, và không ngạc nhiên khi toàn bộ nhóm thí sinh không thể chịu nổi sự khắc nghiệt của các chướng ngại vật.
Ta cần công nhận những điều xứng đáng: "không thể chịu nổi sự khắc nghiệt của các chướng ngại vật" là một cách khá hay ho để nói giảm nói tránh về cái chết. Dù vậy: Chúng ta đã đọc qua tới 500+ từ (bản tiếng Anh) hay 810 từ (bản tiếng Việt), và hình ảnh đáng ghê sợ nhất mà chúng ta bắt gặp cho tới giờ chỉ là một đám người chết không rõ nguyên nhân sau khi trải qua những hình phạt của một chương trình truyền hình.
Vậy thì sự thiên lệch chính so với thực tế ở đây là gì? Chương trình TV giả mạo này khác những chương trình thật ở điểm nào? Nó có thể giết chết người tham gia. Chắc vậy.
Điều Cần Ghi Nhớ
Ngay khi bài viết của bạn đã “tạo ra được” cảm giác chân thực, bước tiếp theo là tìm cách biến đổi nghi thức của con quái vật để cùng lúc gây hứng thú và cảnh báo người đọc.
Chìa khóa thành công ở đây là hãy tập trung vào những thứ không tạo ra cảm giác như thể chúng đang cố gắng để trở nên kinh dị. Ngay khi người đọc nhận thấy dị thể cố tình tỏ vẻ đe dọa, nó sẽ không thể dọa cho họ sợ nữa. Người viết cần tạo ra cảm giác rằng vật thể chỉ đơn thuần là làm việc của nó – và việc nó đe dọa người đọc hoàn toàn chỉ là trùng hợp.
Cảm giác sợ hãi sẽ không xuất hiện khi có thứ gì đó cố tình đe dọa ta. Cảm giác sợ hãi chỉ xuất hiện khi một thứ gì đó quá bận rộn với công việc của nó – công việc khiến chúng ta sợ hãi – để tỏ vẻ quan tâm.
Ám Chỉ
Bạn đã “bẫy” độc giả vào một không gian tạo ra cảm giác chân thực. Bạn đã biến đổi nghi thức vừa đủ để tạo cảm giác sai khác cho người đọc. Giờ thì bạn cần nhắc nhở họ rằng họ không chỉ có một mình. Có một con quái vật đang ở đó cùng họ.
Ám chỉ là cách để gián tiếp thông báo với người đọc rằng tại sao con quái vật lại thực hiện nghi thức của nó. Lý do cần phải độc ác và nham hiểm, nhưng cũng cần ý tại ngôn ngoại; lý do vừa phải gây bất ngờ, vừa phải nhất quán trong toàn bộ bài viết. Những con quái vật không đáng sợ vì ta biết rõ điều chúng muốn; mà là vì ta không biết.
SCP-2030 đã ám chỉ một lý do ngay ở dòng thứ hai trong bài:
Khi phần mềm hoạt động, nó sẽ tìm kiếm SCP-2030 trên một số lượng lớn các trang web chia sẻ tệp tin hay trình chiếu video và loại bỏ mọi trường hợp SCP-2030 đã xuất hiện.
Chỉ cần 30 từ (bản tiếng Anh) và 61 từ (bản tiếng Việt) để chúng ta biết được một điều về con quái vật: Nó muốn chúng ta quan sát nó. Tại sao? Quan sát đến mức nào? Chúng ta không rõ, nhưng thông qua việc Tổ Chức phải cố gắng để loại bỏ mọi bản sao của nó, chúng ta có thể đoán rằng mục đích của nó chẳng tốt đẹp gì.
Trong khi đó, SCP-024 cần tới 240 từ (bản tiếng Anh) và 404 từ (bản tiếng Việt) để đưa ra một lý do:
Lời khai của “người chiến thắng” duy nhất khi cô ta trình diện với cảnh sát là đủ để Tổ Chức huy động nguồn lực đến để quản thúc SCP-024.
Qua đó, mọi thứ phía trước đoạn văn này có thể được tóm tắt như sau: "SCP-024 là một trường quay bỏ hoang mà Tổ Chức không muốn bất cứ ai bước vào, trừ trường hợp tiến hành thử nghiệm." Và ám chỉ đầu tiên chúng ta phát hiện thấy ở đây là gì? Nó muốn chúng ta chơi một trò chơi.
(Ta phải thừa nhận rằng đó là một điểm nhấn không tệ — nhưng ta cần tới 240 từ để đi được đến đó. Giống như Henry David Thoreau đã từng nói: "Ngắn gọn chính là linh hồn của sự diễn đạt thông minh.")
Quay trở lại với SCP-2030:
Tìm kiếm và cô lập nguồn gốc của SCP-2030 là nhiệm vụ được ưu tiên ở Cấp độ-Delta. Các nỗ lực để định vị trường quay nơi sản xuất SCP-2030 đang được tiến hành.
60 từ bản tiếng Anh, 100 từ bản tiếng Việt – đợi đã, sao cơ? Nó tạo ra những đoạn phim đó nhưng chúng ta không biết chút gì về nguồn gốc của chúng?
Điều này nghe có vẻ sáo mòn ("uầy, mấy đoạn phim kinh dị trên mạng được quay trong một phim trường bí ẩn kìa! uầyyyy"), nhưng tất cả những chuyện này đều diễn ra ngay trong những câu đầu tiên. Chưa hết phần quy trình quản thúc, nhưng bài viết đã tạo ra được bầu không khí cho câu chuyện. Điều này khiến cho tiết tấu của SCP-024 có vẻ chậm rãi hơn hẳn, nếu ta so sánh hai bài viết với nhau.
Đồng thời, sau khoảng 300 từ (bản tiếng Anh) và 480 từ (bản tiếng Việt) của SCP-024:
Người dẫn chương trình này sẽ thông báo các "thí sinh" rằng họ sắp sửa tham gia vào một trò chơi truyền hình mà trong đó người chiến thắng sẽ giành được giải thưởng rất tuyệt vời, nhưng cũng cảnh báo rằng trò chơi sẽ vô cùng nguy hiểm, và người thua cuộc sẽ không bao giờ thoát ra khỏi SCP-024.
Cuối cùng chúng ta cũng nhận được một ám chỉ về sự tàn độc của con quái vật. Điều này tương đương với “Nếu bạn thua cuộc, bạn sẽ không thể rời đi”.
Quay lại với SCP-2030:
Chương trình không có "bộ nhận diện thương hiệu" cố định đi kèm; nó bắt chước phong cách đồ họa của các chương trình TV dài tập khác, dẫn tới việc người xem thường vô tình lựa chọn nó vì nhầm lẫn.
Cần khoảng 220 từ bản tiếng Anh và 380 từ bản tiếng Việt (phần lớn nội dung trước câu văn này chỉ để minh họa, và có thể được cắt gọt bớt — nhưng đây chỉ là một lời phê bình nhỏ) trước khi chúng ta tìm ra báu vật nho nhỏ này. Đây là một chi tiết tuyệt vời. Vì sao? Bởi vì, một lần nữa, nó khẳng định lại mục đích tàn ác của con quái vật: SCP-2030 muốn được người ta quan sát. Nó còn cố gắng đánh lừa người ta xem nó.
Nó cũng bắt chước theo một hiện tượng có thực: Toàn bộ mô hình hoạt động của công ty phim ảnh kinh dị The Asylum đều dựa trên hy vọng rằng một bà già nào đó sẽ vô tình mua phải đĩa phim “TRANSMORPHERS” được sản xuất với kinh phí thấp của họ thay vì “TRANSFORMERS”.
Quay trở lại với SCP-024:
Vào thời điểm này người dẫn chương trình sẽ đưa ra các lựa chọn ở lại hoặc rời khỏi SCP-024. Các thí sinh chấp nhận ở lại sẽ tiếp tục tham gia các trò chơi trong khi những người từ chối ngay lập tức bị trục xuất khỏi SCP-024.
Nó chỉ đơn giản là thả ta ra thôi sao? Như thế thì tàn ác chỗ nào? Đáng sợ chỗ nào?
(Câu trả lời là: Chẳng ở chỗ nào cả.)
Điều Cần Ghi Nhớ
Các ám chỉ không bao giờ nên được diễn đạt một cách trực tiếp ("Ngươi không được phép rời đi" không thể nào đáng sợ hơn "Cửa khóa rồi"). Chúng cũng không bao giờ nên được trình bày rõ ràng – ngay khi ta biết rõ con quái vật mong muốn điều gì, ta sẽ có thể ngay lập tức tưởng tượng ra những dục vọng và nhu cầu cụ thể của nó. Một con quái vật muốn ăn thịt bạn vì nó đói sẽ không đáng sợ bằng một con quái vật chỉ đơn thuần là muốn ăn thịt bạn, và cả hai đều không đáng sợ bằng một con quái vật chỉ muốn quan sát mà thôi.
Một Bước Ngoặt Nữa
Chúng ta đã bàn về cách tạo ra sự kinh dị thông qua việc sử dụng một con quái vật mô phỏng theo một nghi thức quen thuộc, nhưng bằng cách thức lạ lẫm. Cảm giác kinh dị xuất hiện thông qua những manh mối chúng ta nhận được về động lực của con quái vật (ám chỉ), những điểm khác biệt giữa nghi thức của nó và những gì quen thuộc với ta (sự thiên lệch), cùng với những điểm tương đồng giữa chúng (cảm giác chân thực). Nhưng chúng ta cũng có một góc nhìn khác ở đây:
Điều gì sẽ xảy ra nếu con quái vật biết được rằng bạn đã nhìn thấu vỏ bọc đầy mưu mô của nó?
Một mặt, thật đáng sợ khi ta tưởng tượng rằng người đang nói chuyện với mình thực ra là một con quỷ đội lốt người. Vậy nhưng bạn có biết điều gì đáng sợ hơn không? Khoảnh khắc mà con quỷ ấy nhận ra rằng bạn đã biết điều đó.
Đó là điều đã xảy ra trong các bài viết Chú Hề Bobbles và Ronald Reagan Bị Cắt Xé Trong Khi Phát Biểu: Chúng ta lột mặt nạ của con quái vật và nhìn thấy nó — và nó để ý rằng chúng ta đã nhìn thấy.
Tựu trung lại, đó là điều khiến cho hộp sập cuối cùng của SCP-1981 đáng sợ đến nhường ấy.
Điều Cuối Cùng Cần Ghi Nhớ
Ta cần làm rõ một điều: Đây không phải cách duy nhất để tạo nên cảm giác kinh dị. Có nhiều bài viết khác đã tạo ra được cảm giác đáng sợ mà không dựa vào những yếu tố như sự tương đồng hay thiên lệch so với những điều quen thuộc.
Đây chỉ là một mô hình mà thôi. Ta hãy gọi mô hình này là “Nghi Thức của Con Quái Vật”. Nó dựa trên việc người viết tạo ra sự chân thật (thông qua cảm giác chân thực), khám phá và bóp méo những điều quen thuộc (thông qua sự thiên lệch), và những gợi ý về một mục đích kinh hoàng (thông qua những ám chỉ).
Bất kể bạn có học được điều gì từ bài luận này, điều đáng học hỏi nhất chính là bạn hoàn toàn có thể tạo ra cảm giác kinh hãi sâu sắc thông qua việc sử dụng những giới hạn và không gian âm. Sự kinh dị không phải những điều bạn thấy, mà là những điều bạn không thấy. Sự kinh dị không nằm trong thứ gì đó có tồn tại, mà nằm trong sự thiếu vắng điều gì đó. Sự kinh dị là một khả năng – điều mà ta không thể tránh khỏi. Là khoảng không nơi mọi nỗi sợ tồi tệ nhất của chúng ta được phóng chiếu và xác nhận.
Điều gì đáng sợ hơn: Mọi cái bóng xung quanh bạn đều là của những con quỷ?
Hay chúng chẳng là cái bóng của thứ gì?
|