Lịch sử cộng đồng dị thường và huyền thuật tại Việt Nam

đánh giá: +17+x
GOC-Logo-v4.png

Bài viết này có thể chứa thông tin dị thường bị giới hạn và còn sơ khai. Người đọc vui lòng cẩn trọng trong quá trình tham khảo nhằm phục vụ các nghiên cứu huyền thuật của mình. Vui lòng giúp cải thiện bài viết này hoặc thảo luận về vấn đề này tại trang thảo luận. (Tháng bảy 2023)

B%E1%BA%A3n%20%C4%91%E1%BB%93%20m%E1%BA%ADt%20%C4%91%E1%BB%99%20huy%E1%BB%81n%20thu%E1%BA%ADt.png

Phân bố mật độ sử dụng huyền thuật theo khu vực dân cư tại Việt Nam. Chú giải: 🟥 Khu vực hệ huyền thuật bản địa chiếm đa số. 🟦 Khu vực hệ huyền thuật được quản lý chiếm đa số.

Huyền thuật học tại Việt Nam chủ yếu được thực hành bởi các cộng đồng dị thường và huyền thuật tại Việt Nam là một phần của cộng đồng dị thường thế giới. Nhìn chung, huyền thuật học có một lịch sử phong phú với nhiều cách thức và dòng học luyện khác nhau xuyên suốt lịch sử Việt Nam, và bị ảnh hưởng nhiều bởi các nước khác thuộc vùng văn hóa Á Đông, chủ yếu là Trung Quốc. Qua thời gian và sự phát triển lãnh thổ của Việt Nam, huyền thuật học trở thành một nét văn hóa lâu đời đặc sắc tại Việt Nam.

Hiện nay, huyền thuật học chưa được quản lý chặt chẽ bởi chính phủ Việt Nam, cũng như nhà nước Việt Nam không chủ động ngăn cản hay tham gia quá nhiều vào các hoạt động huyền thuật. Các cộng đồng huyền thuật tại Việt Nam thường mang tính tự phát và nhỏ lẻ.

Ở Việt Nam tồn tại và có sự hoạt động của nhiều cơ quan dị thường lớn như chi nhánh Việt Nam thuộc Tổ Chức SCP, Liên minh Huyền bí Toàn cầu (UNGOC) theo sự chỉ đạo của Liên Hợp Quốc,… Những cơ quan này cũng phụ trách giải quyết các vấn đề liên quan đến huyền thuật như một phần nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, một lượng lớn các hoạt động huyền thuật nhỏ lẻ và bản địa tại Việt Nam đều được trực tiếp xử lý bởi Ủy ban Phòng chống Mê tín - Tâm linh thuộc nhà nước Việt Nam.

Lịch sử

⠀⠀Bài chi tiết: Ma pháp dân gian Việt Nam

Ma thuật, ma pháp hay đạo pháp là cách gọi chung của huyền thuật học tại Việt Nam, có tính liên kết chặt chẽ với tín ngưỡng dân gian Việt Nam hay còn gọi là tín ngưỡng truyền thống Việt Nam (còn gọi là Đạo Lương, chữ Hán: 道良), cũng như một bộ phận các nghi thức có liên hệ tới tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (còn gọi là Đạo ông bà).

RuocThanh.jpg

Lễ Rước Thánh dân gian Việt nam.

Từ thời cổ đại, người Việt sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tự nhiên từ vùng Hoa Nam đến đồng bằng sông Hồng. Vì yêu cầu phát triển và địa thế phong phú vốn có, việc thờ cúng các vị thần tự nhiên đã sớm mở đường cho các phương thức sản xuất huyền thuật được khai hóa tại các bộ lạc bản địa cho đến khi các nền văn minh Bách Việt cổ xuất hiện.

Hơn nữa, Việt Nam lại là một ngã ba đường nơi giao lưu của nhiều tộc người và nhiều luồng văn minh. Hai yếu tố đó làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia đa tôn giáo, đa tín ngưỡng. Nền huyền thuật tại Việt Nam không có một nguồn gốc chung rõ ràng và ngày càng phân nhánh nhỏ lẻ theo vùng miền hoặc theo tự nhiên và dân tộc.

Nhìn chung, theo chiều phát triển bắc nam của lãnh thổ Việt Nam, phương cách huyền thuật học được miền Bắc Việt Nam chú trọng bao gồm các nghi lễ Nho giáo và Đạo giáo, trừ tà; miền Trung và Tây Nguyên có các tục lệ dân tộc và các phép bùa đặc sắc; miền Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, lại mang các nét kết hợp giữa Hoa, Khơ-me,huyền thuật truyền thống và đặc biệt là các phương thức huyền thuật không chính thống được sử dụng qua các thời kỳ khai hoang.

B%C3%ACnh_H%E1%BA%A3i_t%C6%B0%E1%BB%9Bng_qu%C3%A2n_chi_%E1%BA%A5n.jpg

Ấn hiệu Dị Sự Giám được khai quật bởi Tổ Chức SCP.

Đối với các triều đại phong kiến Việt Nam, huyền thuật học được sử dụng ở các mật độ khác nhau xuyên suốt lịch sử nhưng không hề được trọng dụng. Trong phần lớn thời gian, huyền thuật học còn bị coi là nhân tố nguy hại đến tính ổn định của các triều đại. Tuy vậy, các nghi lễ vô năng như lên đồng, bói toán và chiêm tinh lại vô cùng được coi trọng và sử dụng nhiều bởi dân thường và vua chúa, quan lại.

Tuy nhiên phát hiện nổi bật nhất trong nền lịch sử huyền thuật và dị thường Việt Nam gần đây, cho thấy sự phổ biến và coi trọng huyền thuật học cùng các yếu tố dị thường trong lịch sử Việt Nam, là sự tồn tại của cơ quan Dị Sự Giám dưới thời Lê Sơ và tiếp tục hoạt động dưới thời Nhà Mạc. Cơ quan này được phỏng đoán là đã sụp đổ cùng triều đại nhà Mạc vào khoảng năm 1592. và bị tiêu diệt trong các chiến dịch của Nhà Hậu Lê suốt nhiều năm sau đó. Các thông tin về cơ quan này hiện vẫn còn đang được nghiên cứu thêm.

Quá trình phát triển tại miền Nam

⠀⠀Xem thêm: Các chiến dịch Tiêu diệt Cộng đồng Dị thường trong thời kỳ Lê Trung Hưng

Trong thời kỳ Nam Tiến được xác định bắt đầu từ năm 1588 khi Chúa Nguyễn vào Nam khai hoang và kết thúc khi Đại Việt thống nhất, huyền thuật học được sử dụng một cách tự do và phổ biến tại miền Nam, bởi dân thường và những huyền thuật gia, thầy pháp lành nghề chạy trốn khỏi miền Bắc. Lúc bấy giờ Nhà Lê trung hưng đã cho thực hiện nhiều cuộc càn quét tiêu diệt các cộng đồng dị thường trong quần chúng, dẫn đến việc huyền thuật chiếm ưu thế ở phía Nam và được thực hành nhiều tại Đàng Trong sau này.

Huyền thuật học được sử dụng như một công cụ hữu ích trong việc khai hoang Nam Bộ một cách nhanh chóng. Sau này, huyền thuật học đã được chính quyền Đàng Trong tận dụng cho mục đích quân sự hay giải trí. Khi này huyền thuật học miền Nam Việt Nam mang thêm các nét dân tộc bản địa và ngoại quốc, mở ra nhiều phương thức và công dụng dân gian, không còn mang tính giáo lý và huyền bí từ trước. Nhưng các phương thức này cũng không phát triển quá lớn mạnh vì tính phi tập trung của mình, cũng như bị các giáo lý truyền thống phê phán kịch liệt, đồng thời chịu sự săn đuổi bởi nhà Lê tại Đàng Ngoài.

'' …Thế mới biết dân khai hoang phía Nam họ tài lắm. Hai ông thầy pháp theo sau một toán người nam, cao lớn, ai nấy cũng cởi trần, người toát cả mồ hôi lên lớp da nâu, ai cũng hoảng vì từng gốc cổ thụ cứ bật lên như bị bứng ra bởi một con ác thú khổng lồ, vô hình nào đó. Họ chạy dọc theo men rừng, dùng các dụng cụ bần nông, có người có cung tên, đốt lửa lên để bắn vào khoảng không, bứt lửa những hàng cây lẻ tẻ, khi đó thật khó nghĩ rằng họ là người bình thường, càng khó xác định hơn đây là một cơn lũ quét hay thực sự là chuyện ma linh.

Nhưng một hồi sau hai ông thầy pháp cũng kêu lớn, bảo mọi người lui xuống, thì ra cả thời gian vừa rồi hai ông vẽ một trận đồ khổng lồ dọc theo bìa rừng. Chỉ thoáng chốc, khói bốc lên thành một hàng, cao như tường nhà quan lớn, che hết đi cánh rừng, chỉ thấy những chỏm cây cao nhất, làn khói dày thật dày nhưng nhìn mịn màng như khói thuốc.

Khói tan, những tán cây thấp đều như cháy rã thành tro, chỉ còn các thân nhọn ở đầu nhuốm đen, cả một vùng đất bên dưới trở nên sáng sủa. Cánh rừng im lìm một lúc, không có tiếng thú vật hay chim chóc. Hồi lâu thì có tiếng gầm hú vang trời của loài thú vật gì đó không rõ, khi đó đoàn người mới chạy về, tỏ vẻ mừng rỡ với chúng tôi. Chúng tôi lấy ra những đồng bạc đưa cho hai ông thầy, một người trẻ, một người đã râu bạc phơ, họ không nhận nhưng tôi vẫn dúi cho họ. Ông tây Hà Lan đi cùng tôi tấm tắc khen, bảo xứ ông chưa từng có trận đánh ma rừng nào hay thế - người Nam chắc chắn sẽ chinh phục thiên nhiên này… ''

— Trích Nam Kỳ Dị Hoang Ký (1660, biên dịch năm 1890)

IndoChina1867%2C_Cochinchina.jpg

Đàng Trong theo quá trình Khai hoang của Chúa Nguyễn.

Huyền thuật học miền Nam nở rộ nhất trong và sau thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1777). Sau khi Đàng Trong (hay Nam Hà, chữ Hán: 南河) do chúa Nguyễn kiểm soát và Đàng Ngoài dưới quyền kiểm soát của Vua Lê - Chúa Trịnh đình chiến, huyền thuật học các miền phân tách càng sâu đậm, nhưng cùng nhờ đó mà sau này phần lớn các giáo lý huyền thuật bị xóa sổ tại Đàng Ngoài đã được phục hồi và phát triển nhờ sự ảnh hưởng từ phía Nam.

Bắt đầu từ năm 1600, khi từ Bắc trở về Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã quyết tâm xây dựng một thế lực độc lập, điều này dẫn tới nội chiến chia cắt hai miền vào năm 1627, và các đời chúa Nguyễn tiếp sau ở thế đối đầu với thế lực vua Lê – chúa Trịnh. Các cuộc giao tranh kéo dài 46 năm bất phân thắng bại, với Sông Gianh là biên giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. 100 năm sau khi đình chiến, Đàng Ngoài thực hiện chiến dịch Bình Nam với danh nghĩa diệt quân nổi dậy Tây Sơn trong thời kỳ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong suy yếu, cuối cùng Chúa Nguyễn sụp đổ vào năm 1777, Chúa Trịnh sụp đổ năm 1786. Sau khi chiến thắng triều đại Tây Sơn vào năm 1802, Nhà Nguyễn lưu vong trở về, tái lập và cai trị toàn lãnh thổ Đại Việt thống nhất. Chỉ khi này nền huyền thuật học Việt Nam hiện đại mới dần thành hình và liên kết trên cả nước, với Tây NguyênNam Bộ trở thành các khu vực huyền thuật đặc sắc và đa dạng mang các nét dân tộc bản địa lẫn ngoại quốc.

Đáng nói, thời kỳ này Quận Không (hay NX-59-VN theo định danh của Tổ Chức SCPUNGOC) cũng lần đầu tiên được phát hiện bởi người Việt, thành bang này đã được định cư và phát triển trong một khoảng thời gian không xác định nhưng cũng nhanh chóng bị bỏ hoang. Cuối cùng, địa điểm này được tái định cư khi người Pháp thuộc địa hoá ba tỉnh miền đông Nam Bộ.

Đông Dương thuộc Pháp

⠀⠀Xem thêm: Vai trò của huyền thuật trong thời kỳ thực dân, Quận Không (Việt Nam)

Casernes_du_11e_R.I.C._%C3%A0_Saigon.jpg

Toà nhà chi nhánh Gendastrerie Quốc gia Pháp tại Sài Gòn.

Gendastrerie Quốc Gia, cơ quan dị thường thuộc Lực lượng Hiến binh Cộng hòa Pháp luôn duy trì sự tồn tại và quản lý các vấn đề dị thường ở mức độ nhất định tại Đông Dương trong suốt thời kỳ nơi này trở thành thuộc địa của Đế quốc Pháp. Dù cơ quan này không có mục tiêu cản trở sự phát triển của huyền thuật học, nhưng tại các vùng đất thuộc địa, cơ quan quân quyền này chủ yếu có mục đích đàn áp và xử lý các cuộc nổi dậy mang tính dị thường và huyền thuật. Đây cũng là cơ quan thay mặt chính quyền Pháp trong giới dị thường, nhằm hoàn thành nhiệm vụ của minh là bảo vệ sự ổn định của chính quyền Pháp và thuộc đia.1

Năm 1862, Gendastrerie Quốc Gia cùng quân viễn chinh Pháp tiến vào 3 tỉnh Nam Kỳ được nhà Nguyễn nhượng lại, thực hiện việc thành lập các tiền đồn và chính quyền thuộc địa hoàn chỉnh. Đây là thời kỳ Gendastrerie hoạt động mạnh nhất trên khắp Nam Kỳ, đàn áp nhiều lực lượng dị thường nổi dậy chống thực dân. Gendastrerie trong thời gian này cũng tìm hiểu các phong tục, tập quán, tín ngưỡng và giáo lý huyền thuật của người dân Nam Bộ, góp phần hệ thống hóa và hoàn chỉnh nền huyền thuật hiện đại của Việt Nam.

Trong những năm sau đó, cụ thể từ sau năm 1867 khi Pháp hoàn toàn kiểm soát 6 tỉnh Nam Kỳ và Hòa ước Giáp Tuất năm 1874 được ký kết, các phong trào kháng chiến tại Nam Kỳ bùng nổ mạnh mẽ và kéo dài cho đến cuối thế kỷ 19. Theo đó, các cuộc khởi nghĩa "ông Đạo"2 hay "khởi nghĩa mang màu sắc thần bí" trong lịch sử kháng chiến sơ khai đã được ghi nhận, tiêu biểu là 2 cuộc khởi nghĩa của Đạo TưởngPhan Xích Long. Mà sau này trong các tác phẩm lịch sử không dị thường cũng có ghi nhận:

'' …Ông Đạo và hàng vạn tín đồ chưa kịp khởi binh thì quân Pháp đã kéo tới. Ông Đạo cùng các tín đồ đường hoàng đối đầu với đám lính Pháp vũ khí đầy mình. Một tên lính giương súng bắn vào ông Đạo, nhưng súng không nổ, càng làm cho các tín đồ cuồng nhiệt, định xông lên giết giặc Pháp. Thế nhưng, tên cò Tây đã nổ súng, đạn trúng vào ngực, ông Đạo gục xuống, máu trào ra miệng. Hàng vạn tín đồ thất kinh hồn vía, hè nhau bỏ chạy….— ''

— Trích kỳ báo Công đoàn Nhân dân Ma thuật, số ngày 8 tháng 3, 20153

Condao.jpg

Tranh tái hiện nghi lễ trong nhà lao của các thầy pháp An Nam bị bắt giam, bảo tàng Ma phận Sài Gòn.

Từ đó, không ít chuyện "ông Đạo" được đồn đại, truyền miệng qua nhiều người, nhiều thêm bớt, bịa đặt làm tăng thêm sự huyền hoặc, linh diệu, mê hoặc. Về tuổi tác, tuy các tư liệu không nói đến tuổi của các ông Đạo, nhưng qua hành vi và lời kể, miêu tả, thì hầu hết các "ông Đạo" đều trên 40 tuổi, đủ tuổi 'ông' và có được sự sùng tín. Về tên gọi của các "ông Đạo", người dân hầu như không gọi tên thật của các ông mà thường căn cứ vào đặc điểm nào đó, vào cử chỉ, hành vi như: Ông Đạo Khùng, Đạo Chợ, Đạo Đọt, Đạo Dừa, Đạo Nằm, v.v.

Từ những năm 1890 cho đến đầu thế kỷ 20, lực lượng Gendastrerie đóng quân tại Đông Dương cũng dần giảm đi và dừng ở số lượng nhất định, được cho là vì các cuộc chiến tại các thuộc địa và sau này là tại châu Âu dần bùng nổ. Khi đó Đông Dương dù có vị trí địa lý hiểm trở và các phong trào kháng Pháp vẫn âm thầm tồn tại, nhưng nhìn chung nền cai trị bản xứ đã ổn định và cũng dần trở thành mối quan tâm thấp hơn của chính quyền Pháp và Gendastrerie. Theo đó, sự phát triển của huyền thuật học và các cộng đồng dị thường trên khắp Đông Dương lên đến cao trào, nhưng sự đàn áp và bắt bớ đối với các cộng đồng này vẫn thường xuyên diễn ra và được thực hiện bởi chính quyền thuộc địa như một cách giảm thiểu mối đe dọa, một số lấy lý do là xóa bỏ tính mê tín dị đoan truyền thống của người An Nam.4

Quận Không được lập nên trên danh nghĩa là thủ phủ của cộng đồng dị thường toàn Đông Dương, là một trung tâm dị thường của Pháp tại vùng viễn đông. Năm 1874, cùng lúc với sự thành lập thành phố Sài Gòn, Gendastrerie ra quyết định tổ chức lại Quận Không theo mô hình tự quản, tên gọi Quận Không cũng chỉ bắt đầu tồn tại từ lúc này. Nhằm hạn chế sự hiện diện không cần thiết của lực lượng Gendastrerie, việc cai trị thành phố được uỷ thác cho các gia tộc lớn của thành phố. Thành phố này cũng là nền tảng cho việc giảng dạy và phổ cập hóa huyền thuật học cho người dân Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều hàng hóa dị thường cũng được đưa vào Đông Dương thông qua thành phố này. Có thống kê cho rằng 40% người dân thành phố có kiến thức nhất định về huyền thuật vào năm 1940, chiếm 25% số lượng người dùng huyền thuật trên cả Đông Dương.

Tới ngày nay, các nơi buôn bán hàng hóa và huấn luyện huyền thuật học vẫn là một nét đặc sắc của Quận Không, với nhiều cộng đồng dị thường đặt trụ sở và tụ họp tại đây. Đây cũng là nơi tọa lạc trụ sở Cộng đồng Ma Thuật Việt Nam và 2 sở Ủy ban Phòng chống Mê tín - Tâm linh.5

Thời kỳ kháng chiến

⠀⠀Bài chi tiết: Sự kiện dị thường trong các cuộc chiến tranh Đông Dương

Cao trào kháng Nhật cứu nước

⠀⠀Xem thêm: Việt Nam trong Chiến tranh thế giới thứ hai

Haiphong.jpg

Quân Nhật tiến vào Hải Phòng ngày 24 tháng 11, 1940.

Ngày 22 tháng 6 năm 1940, chính phủ Vichy Pháp được thành lập sau khi nền Đệ tam Cộng hòa đầu hàng Đức Quốc Xã. Theo đó, Tư lệnh hải quân khu vực Viễn Đông, ông Jean Decoux, được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp. Ban đầu ông có nhiệm vụ chống Nhật và đảo ngược các chủ trương hòa hoãn trước đây.

Thế nhưng, vào đầu tháng 8, Đế quốc Nhật gửi yêu sách đến Decoux đòi quyền di chuyển quân vào Bắc Kỳ để xây dựng các căn cứ không quân và ngăn chặn các tuyến đường tiếp viện của phe Đồng Minh. Vào ngày 5 tháng 9 năm 1940, Đông Dương phái khiển quân được thành lập và đồn cứ tại đảo Hải Nam, cho thấy âm mưu xâm lược Đông Dương một cách nhanh chóng. Sau khi phá vỡ cuộc đàm phán với Decoux ngày 21 tháng 9, tối ngày 26, hàng ngàn quân Nhật đã chiếm đóng nhiều tỉnh Bắc Kỳ, Hà Nội và Hải Phòng.

Từ năm 1941-1945, Nhật và Pháp đồng thời cai trị Đông Dương trong một mối quan hệ căng thẳng và đấu đá nhau. Khi này, các đảng chính trị và tổ chức cách mạng xuất hiện với số lượng lớn. Một phần trong số đó tận dụng các yếu tố dị thường và sử dụng huyền thuật, thế nhưng nhiều cộng đồng dị thường và huyền thuật cũng bắt đầu ngả về các thế lực ngoại bang là Pháp hoặc Nhật.

Cần biết rằng, thời kỳ này, việc sử dụng huyền thuật đã trở nên vô cùng phổ biến tại Việt Nam do các cơ quan dị thường cùng chính quyền Đông Dương dần trở nên yếu kém. Phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ và độc lập tăng cao, kèm theo việc đấu tranh chính trị tại các thành phố lớn và đấu tranh du kích vũ trang tại các vùng hẻo lánh. Khắp Việt Nam nổ ra các cuộc đấu tranh huyền thuật bởi các hội nhóm huyền thuật học bắt đầu gây những chiến dịch chống phá sử dụng huyền thuật, có thể kể đến như Sự kiện 238, Sự kiện phóng thích Tỉnh Hà Nội, Mưa Thóc năm 1943Nguyệt thực Lạng Sơn trong các năm 1942-1944.

VNCMDMH.jpg

Huy hiệu Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội liên hiệp cùng Hội Thánh Cao Đài, năm 1944.

Nổi bật trong các tổ chức chính trị sử dụng huyền thuật trong thời gian này là Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội hay Việt Cách thành lập năm 1942, là tổ chức thân Trung Hoa Dân Quốc hợp thành từ nhiều tổ chức chính trị như Việt Nam Phục quốc Đồng minh HộiViệt Nam Quốc dân Đảng. Hội thực hành sử dụng các giáo lý huyền thuật trực tiếp từ Trung Quốc, cũng như chủ trương xóa bỏ các phương thức huyền thuật hiện đại mà hội cho là đã bị biến tấu và trở nên suy yếu. Cho tới tận khi tan rã năm 1945, hội này đã nhiều lần tổ chức các nghi lễ lên đồng, gọi hồn và bói toán quy mô lớn nhằm gây ảnh hưởng lên bộ máy chính quyền Đông Dương và nền chính trị trong nước. Quy mô ảnh hưởng của hội trong đấu tranh huyền thuật vẫn đang được các nhà sử học tranh cãi.

Đảng Cộng sản Đông DươngViệt Minh kịch liệt phản đối việc sử dụng huyền thuật. Trong Nghị quyết Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 12 năm 1943 có ghi, nguyên văn:

'' Đó là một bước tiến của việc vận động cách mạng Việt Nam ở nước ngoài. Tuy quan niệm của đoàn thể này lộn xộn, nhưng họ cũng chủ trương chống Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập. Trong cuộc cách mạng dân tộc giải phóng này, việc đoàn kết các lực lượng cách mạng to nhỏ và trong ngoài là một việc rất cần thiết. Vậy Đảng ta phải hết sức vận động cho Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội và Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội hợp lại làm một, đặng mau tập trung lực lượng cách mạng Việt Nam đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp.

Tuy nhiên Đảng ta cần mạnh mẽ phản đối việc thực hành ma thuật dị thường và mê tín dị đoan của tổ chức này, xem nó như một hình thức mị dân từ bên ngoài, chủ trương chống lại Nhật-Pháp bằng các cách thức chính trị thực tế, dù chúng có tung ra Gen-đơ-stơ-rie hay Sở Giám Sát Dị Thể Nhật Đế thì ta cũng phải chiến đấu bằng những phương cách trong sạch và bằng thực lực. ''

— Nghị quyết Đảng Cộng sản Đông Dương (12/1943)

Đây là văn kiện duy nhất còn ghi nhận của Đảng Cộng sản Việt Nam nhắc đến cuộc đấu tranh huyền thuật cũng như đề cập đến Gendastrerie và Cơ Quan Giám Sát Dị Thể Đế Quốc Nhật Bản (IJAMEA). Sau Cách mạng tháng 8, toàn bộ thông tin về cuộc đấu tranh huyền thuật đều bị xóa bỏ bởi chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất trong quá trình tổ chức chính quyền mới.6

Các đấu đá ngầm giữa Nhật và Pháp hiện hữu rõ nét trong cuộc sống Quận Không, với IJAMEA và Gendastrerie cùng nhau quản lý và tranh giành sức ảnh hưởng của mình trong bộ máy chính quyền thành phố và trong các cộng đồng dị thường. Cho đến ngày 9 tháng 3 năm 1945, theo một số tài liệu, IJAMEA lên kế hoạch đảo chính Pháp tại Quận Không, được cho là theo kế hoạch Minh Hào tác chiến (明号作戦) của quân đội Nhật nhằm đảo chính Pháp khỏi Đông Dương. Tuy nhiên kế hoạch này đã thất bại tại Quận Không trong một sự kiện chưa rõ, dẫn đến cái chết của toàn bộ lực lượng người Nhật trong thành phố. Tới nay, đây vẫn là một ngày lễ của người dân Quận Không và là một sự kiện nổi bật trong các cộng đồng dị thường, mặc cho nguồn gốc kỳ lạ của nó.7

1945-1954

⠀⠀Xem thêm: Chiến tranh Đông Dương

Bối cảnh

Kienthuc-linh-nhat-06_upmw.jpg

Quân đội Nhật Bản dán thông cáo quân luật bằng tiếng Anh, Pháp và Việt sau khi đầu hàng quân Đồng minh tại Sài Gòn.

Ngày 2 tháng 9, tại Hà Nội, Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Sài Gòn, hàng ngàn người dân từ nhiều tỉnh và tại Sài Gòn kéo về quảng trường Norodom nhằm nghe thông báo từ chính phủ nước Việt Nam mới.

Theo Hội nghị Potsdam, lực lượng Đồng Minh gồm quân Anh và quân Trung Quốc vào Việt Nam để giải giáp vũ khí quân Nhật. Theo thỏa thuận, Anh và Trung Hoa Dân Quốc không được có chủ quyền tại Đông Dương. Theo Việt Minh. Việt Minh cũng xem quyền lợi của Anh giống với mục tiêu của Pháp là khôi phục các thuộc địa của mình trước chiến tranh ở Đông Nam Á.


L%C3%A2m-th%E1%BB%9Di_Li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p_Ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7_Vi%E1%BB%87t-nam_D%C3%A2n-ch%E1%BB%A7_C%E1%BB%99ng-h%C3%B2a_ra_m%E1%BA%AFt_Qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i_ng%C3%A0y_02_th%C3%A1ng_03_n%C4%83m_1946.jpg

Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt Quốc hội ngày 02 tháng 03 năm 1946, với nhiều thành viên Việt Quốc và Việt Cách do sức ép từ chính quyền Trung Hoa Dân Quốc.

Ở miền Bắc, ngày 20 tháng 8 năm 1945, hơn 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch theo sự phân công của phe Đồng Minh tiến vào miền Bắc Việt Nam để giải giáp quân Nhật (được gọi là Hoa quân nhập Việt). Theo Việt Minh, đội quân này có kế hoạch hạ bệ chính phủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ủng hộ đồng minh của họ là Việt QuốcViệt Cách nắm quyền. Trên đường hành quân đến Hà Nội, đội quân này đã gây ra nhiều vụ cướp bóc và đánh phá, đồng thời có các yêu sách như cho phép tay sai của Trung Hoa Dân Quốc có ghế trong chính phủ, kiểm soát nền kinh tế và phải cung cấp lương thực cho quân Trung Hoa.

Ở miền Nam Việt Nam, chỉ 4 ngày sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, phái bộ quân sự Anh đã có mặt ở Sài Gòn, theo sau là liên quân Anh-Pháp. Quân Anh theo lệnh Đồng Minh vào giám sát quân Nhật đầu hàng, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho quân Pháp vào Nam Bộ. Ngày 23 tháng 9, với sự giúp đỡ của quân Anh, quân Pháp nổ súng chiếm quyền kiểm soát Sài Gòn. Nam Bộ Kháng Chiến bùng nổ.


Trong suốt năm 1946, Việt Nam và Pháp cùng chuẩn bị lực lượng cho chiến tranh cũng như cố gắng cứu vãn hòa bình và đẩy lui thời điểm nổ ra cuộc chiến, dù các cuộc giao tranh nhỏ lẻ vẫn tiếp tục diễn ra khắp cả nước. Theo sau Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt 1946 và Hiệp ước Hoa-Pháp, 15 nghìn quân Pháp tiến ra Bắc thay cho 200 nghìn quân Tưởng, Việt Nam tránh được việc cùng lúc chiến đấu với 2 kẻ thù.

Sau thất bại tại Hội nghị Fontainebleau, Pháp phá vỡ Tạm ước Việt - Pháp bằng việc tấn công Hải Phòng vào tháng 11 năm 1946. Sau nhiều lần thương thảo bất thành, trong đêm 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (hay Kháng chiến chống Pháp) đã bùng nổ.

Các hoạt động huyền thuật thời gian này dần được vũ khí hóa bởi tất cả các phe, nhưng huyền thuật học nói chung đi vào tình trạng trì trệ. Các thông tin về huyền thuật ít được nhắc tới và công khai, một phần vì sự đàn áp của các chính quyền trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như việc chủ động che giấu bản thân của giới dị thường.

Chiến tranh bùng nổ

Jasian Nguyễn, nghiên cứu viên ngành Lịch sử dị thường thuộc Tổ Chức SCP, cho rằng: "Phần lớn (các cộng đồng dị thường) biết rằng một cuộc chiến lâu dài sắp bùng nổ, và những cộng đồng nhỏ bé đằng sau bức màn của họ sẽ không thể nào trụ vững khi chiến đấu với mọi phía, và họ cũng không có quyền chọn phe. Họ tự giải tán thành các cá nhân, trở lại thành những con người bình thường, chạy nạn hay chiến đấu như tất cả những người dân Việt Nam thời đó, họ không thể đứng ngoài và coi mình là một bộ phận đặc biệt của xã hội nữa."8

Chính quyền Quận Không dần thắt chặt quyền kiểm soát lên thành phố khoảng từ năm 1945 vì lo sợ các biến động địa chính trị khổng lồ diễn ra bên ngoài. Chính sách cô lập này được coi là hành động cực đoan và có ảnh hưởng nhất từng được gây ra bởi một cộng đồng dị thường trong lịch sử Việt Nam hiện đại, bao gồm tiến hành một cuộc thanh trừng toàn diện mọi thế lực đến từ bên ngoài thành phố, tuyên bố tự trị và cô lập khỏi thế giới bên ngoài trong gần 30 năm tiếp theo, hoạt động giao thương cũng chỉ ở mức hạn chế với một số cộng đồng dị thường trong khu vực. Nhưng sau này nhiều sử gia cho rằng đây là một quyết định đúng đắn và có tầm nhìn của chính quyền nơi này, bởi ước tính số lượng người, dị thường hay không dị thường, tìm đến Quận Không như một nơi trú ẩn có thể tàn phá thành phố một cách nặng nề và lâu dài.

Hanoi_guards_in_1946.jpg

Một đoàn lính dị sĩ hoạt động trong vùng Pháp chiếm đóng tại Nam Kỳ năm 1946.

Từ đầu những năm 1946, các đoàn tự vệ quân đã xuất hiện trong và ngoài vùng Pháp chiếm đóng, thường không có tổ chức cụ thể hay biên chế rõ ràng ngoài các liên kết với các ủy ban nhân dân cách mạng, nổi bật là Cộng Hòa Vệ Quân (tránh nhầm lẫn với Cộng Hòa Vệ Binh của Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ). Theo đó, nhiều pháp sư, huyền thuật gia hay cá nhân mang năng lực dị thường cũng bắt đầu hưởng ứng tòng quân theo các nhóm nhỏ, thường được gọi là các đoàn lính dị sĩ, vì thế chiến trường Nam Bộ có mật độ giao tranh sử dụng huyền thuật học được ghi nhận xảy ra nhiều nhất trong suốt cuộc chiến.

'' …Trên cánh đồng khoảng Bến Tre đến Mỹ Tho, chúng tôi tấn công nhiều lần chỉ một đoàn xe ấy, nhưng gần như chẳng có tác dụng một cách quái lạ, chúng tôi tự hỏi đoàn quân nào lại cả gan đi lồ lộ trên chiến trường như thế. Thế rồi đội trưởng yêu cầu một vài người trong chúng tôi xông tới định cảm tử nhưng rồi nhận ra đó là quân mình, nhưng họ nằm ngoài biên chế thì phải. Nhiều người trong số họ nhận là 'pháp sư', chúng tôi với họ nhập đoàn vài đêm, họ liên tục ba hoa về ma thuật, lũ chúng tôi có người tin người không, thậm chí dọa bắn xe chỉ để xem tài pháp phù phép nào làm chiếc bán tải này cứ như xe bọc thép.

Nhưng rồi gặp giặc thực sự thì chúng tôi cũng có gặp, những đoàn trinh sát Pháp tiến quân nhỏ lẻ lên những vùng chưa đánh chiếm và tàu bay thả truyền đơn, chúng tôi nhận lệnh giao tranh ở mức tối thiểu, những đoàn dị lính này thì khác. Với những chiếc tàu bay, các pháp sư cứ lần lượt niệm bùa rồi tỉa bằng súng, từng chiếc bốc cháy phừng phực giữa trời, tôi khen họ đúng là thiện xạ, bọn họ cam đoan rằng họ chỉ bắn lấy lệ, tất cả là nhờ pháp thuật cả. ''

— Trích tuyển tập Dị sĩ thời chiến: Các mẩu tin về dị thường, Tập 2 (NXB.Huyền Bí Gia 1989)

Các ghi chép sâu hơn về sự hiện diện của huyền thuật trong các trận đánh chính quy có rất ít và/hoặc bị cố ý xóa bỏ. Tuy nhiên nhiều sự kiện lịch sử hoặc truyền miệng vẫn còn nổi tiếng trong giới dị thường như:

Vietcong_Paris.jpg

Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Nhà thờ Đức Bà, Paris, năm 1969.

  • Vụ án phố Ôn Như Hầu (1946): Dù Việt Cách đã tan rã, các nhân tố dị sĩ trong các tổ chức có liên quan như Việt Quốc vẫn còn hoạt động. Chuyên án số 7 phố Ôn Như Hầu của Sở Công an Bắc Bộ nhằm trấn áp Việt Quốc và lật tẩy âm mưu đảo chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi nhận một số sự kháng cự bằng huyền thuật học.
  • Đánh bùa trong Dinh Norodom (1947): Một số lực lượng tự vệ yêu nước đã đột nhập vào Dinh Norodom (nay là Dinh Độc Lập) và sử dụng huyền thuật nhằm phá hoại nơi này nhưng nhanh chóng bị trấn áp. Các thiệt hại bao gồm các dạng bùa ảnh hưởng tâm lý, thời gian và bùa nổ đơn thuần. Năm 1962, một loạt bùa trong dinh đã phát nổ, 15 năm sau khi được yểm. Vụ việc được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa giấu đi bằng vụ đánh bom Dinh Độc Lập 1962.
  • Xâm lược 'Mẫu quốc' (1953): Trong một đêm tháng 12 năm 1953, tại đường phố Pari đã ghi nhận sự xuất hiện của một đoàn lính được cho là thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đoàn lính này thực hiện việc dán tuyên truyền cùng một số hình thức phá hoại, sau đó biến mất. Sáng ngày hôm sau, cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thấy tung bay trên ngọn tháp Nhà thờ Đức Bà. Thực hư sự kiện này vẫn chưa rõ, nhưng đây·vẫn là một câu chuyện được quan tâm trong giới sử gia dị thường. Vào tháng 1 năm 1969, một sự kiện không dị thường tương tự đã xảy ra khi một lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam cũng được treo trên Nhà thờ trong đêm.9

Chi tiết các sự kiện khác như Biểu tình Địa phủ (1946), Bữa tiệc đường Minh Mạng (1950), Đoàn người không đầu tiến vào Đà Nẵng (1954) và danh sách đầy đủ có tại trang Sự kiện dị thường trong các cuộc chiến tranh Đông Dương.

1956-1975

⠀⠀Xem thêm: Chiến tranh Việt Nam

Tình hình chung

Tuongdaidantoc.jpg

Đài thờ Cứu rỗi Dân tộc được dựng nên trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp tại sông Bến Hải như một cột mốc tiến trình đấu tranh của dân tộc, đã sụp đổ năm 1956 không rõ nguyên do.

Cộng đồng huyền thuật và dị thường nhìn chung tiếp tục tạm lắng sau khi Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 21 tháng 7 năm 1954. Họ cũng thực hiện các cuộc di cư lớn (được biết tới là Cuộc di cư Việt Nam năm 1954), khi nhiều tín đồ và pháp sư Công giáo, Thiên Chúa giáo nói riêng và các cộng đồng huyền thuật theo tôn giáo tại miền Bắc di cư số lượng lớn vào Nam vì sợ các chính sách chống tôn giáo của chính quyền VNDCCH. Ngược lại các binh đoàn lính dị sĩ theo cách mạng tại miền Nam cũng tập kết ra miền Bắc theo các đoàn quân chính quy.

MTGPMNVN-Huy%E1%BB%81n%20thu%E1%BA%ADt.png

Phong trào Ma thuật Không liên kết Việt Nam, tiền thân của Cộng đồng Ma Thuật Việt Nam.

Cũng có một số lượng đáng kể huyền thuật gia theo con đường trung lập hoặc cực đoan và tách rời mình khỏi tất cả các chính quyền. Phần lớn tin rằng không chính quyền nào thực sự dành cho họ hay chấp nhận họ, trong tình cảnh đất nước bị tan rã thì càng khó để họ sinh tồn hay giữ vững các ban sắc vốn có của cộng đồng minh, tương tự việc Quận Không được đưa vào trạng thái bế quan tỏa cảng trong suốt cuộc chiến. Nhiều cuộc phá hoại đã diễn ra ở cả hai phía vĩ tuyến 17 bởi nhiều cộng đồng dị thường nhỏ lẻ với các mục tiêu khác nhau, vì thế trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam ghi nhận rất ít hoạt động huyền thuật trong quân sự. Thậm chí, các kế hoạch càn quét cộng đồng dị thường trên cả nước còn được thực hiện bởi các chính quyền dù hầu hết không hề được ghi nhận. Hiện nay, có ý kiến cho rằng mục tiêu không phải là các cộng đồng dị thường, mà cộng đồng chỉ bị cuốn vào các cuộc đàn áp chính trị, chiến tranh thông tin trong nội bộ các chính quyền của cuộc chiến.

Tuy nhiên, một con đường phổ biến của giới dị thường và huyền thuật là rời bỏ đất nước và tị nạn từ sớm, thậm chí họ là những người tị nạn chiến tranh sớm nhất. Theo các nghiên cứu lịch sử từ NXB Huyền Bí Gia và được các cộng đồng dị thường Việt Nam xem như một phần lịch sử đặc biệt của cộng đồng mình, khoảng 35% số người Việt Nam rời khỏi đất nước trong giai đoạn 1954-1960 đều là các huyền thuật gia, pháp sư hay đơn thuần có liên quan tới cộng đồng dị thường.

Trích nhận định của huyền thuật gia kiêm nhà chính luận cộng đồng dị thường "Vong" Đỗ Y vào năm 1973:

'' Tôi là Du Yĩ (杜伊 hay Đỗ Y), nổi tiếng là "Vong" Đỗ Y mà tôi dùng làm pháp danh của mình…

Chinese_soldiers_wearing_gas_masks_and_armed_with_a_Czech_ZB_vz._26_light_machine_gun.jpg

Hình ảnh duy nhất về Đỗ Y (trái) khi còn tại ngũ trong Liên đoàn 44 Biệt cách Dù-Huyền thuật (44th T-ACB), Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

…tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, Đông Dương. Sau là Nam Kỳ Cộng Hòa, sau nữa thì là công dân Quốc gia Việt Nam. Chẳng buồn nghĩ, với tôi thì những tháng ngày học đạo pháp cùng với học phổ thông còn đáng nhớ hơn…

…tôi chưa bao giờ là người muốn chết cho một màu cờ nào cả, đỏ sao vàng, vàng sọc đỏ hay tam tài. Và khi màn đêm chiến tranh lại buông xuống trên quê cha đất mẹ Đại Việt, thì những pháp sư chúng tôi lại có người đốt cây gậy mình thành đuốc, bừng sáng lên như muốn nuốt trọn con người… Và cả chuyện đó cũng xảy ra rồi nhỉ, Thích Quảng Đức, cầu nguyện cho linh hồn ông.

Tôi không phải người như thế, tôi đã thấy nước Cộng Hòa non trẻ hô vang "Muốn thống nhất phải có Ngô Đình Diệm" khi bên kia sông Bến Hải dựng lên một câu khẩu hiệu "Nước Việt Nam là một, không thế lực nào có thể chia cắt được", đến năm 60 thì "Bảo vệ miền Nam, giải phóng miền Bắc", "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", rốt cục thì sao họ không thể bắt tay nhau…

…mọi người trai trẻ khắp mọi miền đất nước năm 54 đều chạy đến chính quyền theo họ là "chính nghĩa" nhất, hứng khởi cầm lấy vũ khí đợi chờ nền hòa bình mong manh chấm dứt để mà bắn giết nhau. Hành quân về phía Nam hoăc Bắc, miễn là hợp với họ.

Tôi thích tướng Giáp, một vị tướng tài ba. Nhưng tôi không vì thế mà tới Hà Nội xây dựng xã hội chủ nghĩa đâu, không nha. Ngay khi tôi nhận ra ta không tìm đến chiến tranh thì chiến tranh cũng sẽ tìm đến ta, tôi đã thu xếp đồ đạc rồi.

Có thể nói là đánh đổi tất cả, nhưng chẳng sao, tôi chẳng còn gì để mất khi đó, một tên dị sĩ chán đời. Thậm chí khi đó tôi còn háo hức với việc rời khỏi cái đệ nhị cộng hòa thật đáng yêu của mấy cha tướng lĩnh vừa hôm kia làm cho vị tổng thống Ngô về gặp thượng đế của mình…

…giả tuổi rồi cải trang thành một thương gia, tôi đào ngũ khỏi quân đội quốc gia rồi cứ thế nhảy lên con thuyền rời Sài Gòn nhanh nhất, và tôi sang Cao Miên, theo tôi nhớ thì đó là Kampong Som. Có thể là cả một câu chuyện đấy, nhưng tôi sẽ ngắn gọn thôi. Tôi vượt được đến gần Phnompenh và kiếm được mối mưu sinh, liên lạc với vài hội người Việt, khó hơn nữa là tìm người cũng trong giới dị sĩ.

Nhưng không lâu sau thì chiến tranh cũng rộng ra tới Campuchia. Năm 1970, Vương quốc Campuchia sụp đổ, y như ở Việt Nam, người Mỹ thành lập một nước Cộng hòa, bên kia chiến tuyến là Cộng sản. Năm 1969 tôi lại chạy, lần này thì hơi chậm trễ rồi, trong một cơn mưa đạn lạc tôi đã suýt đi đời và bị phía chính quyền Campuchia thân Mỹ bắt, chuẩn bị đưa về nước hoặc ở lại Campuchia. Đường nào cũng đi lính.

Như một con người Việt Nam yêu nước thực thụ, đương nhiên tôi… chạy trốn, dùng những nguyên liệu ít ỏi trong khu nhà giam tạm thời và làm ra một lá bùa thổi tung một bên hông nhà giam trong đêm và chạy, ngoài tự do thì tôi trắng tay, và bị cả chính quyền bám đuôi.

Trên đoàn tàu chạy loạn, may cho tôi thì vẫn là một con tàu thương nhân đàng hoàng, tôi đỗ tại một vài nơi như Hồng Kông, Đài Loan, rồi tới Nhật, tôi quyết định dừng tại đó. Cũng dễ sống hơn, thật kỳ lạ khi nghĩ trong khi tổ quốc mình đang cấu xé nhau thì chỉ cách hơn ngàn ki-lô-mét họ đang phát triển thật bình yên…

…theo cách mà Đỗ Y đây nhìn nhận, mạn phép trích chí sĩ Trịnh Công Sơn: "Hai mươi năm nội chiến từng ngày; gia tài của mẹ, một rừng xương khô, gia tài của mẹ, một núi đầy mồ." Mấy người có thể có cuộc chiến vĩnh viễn luôn, Đỗ Y đây sẽ không chết cho ai cả.

Sao cơ? Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam rồi? ''

— Trích phim tài liệu Hai Việt Nam - Hai Bức Màn (1973)

Các biến cố tại miền nam Việt Nam

⠀⠀Xem thêm: Xung đột Huyền bí Đệ nhất Cộng hòa, Biến cố Phật giáo 1963

View_of_the_inauguration_of_the_Cochinchina_Government_with_Vietnamese_members_of_the_Republican_Guard_beneath_a_French_flag_and_the_Republic%E2%80%99s_yellow_flag_with_three_blue_stripes_%281946%29.png

Lễ ra quân của Đoàn Dị sĩ Tự vệ Quân dưới cờ Việt Nam Cộng hòa năm 1956.

Theo sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1955 được Ngô Đình Diệm (khi đó là thủ tướng Quốc gia Việt Nam còn Bảo Đại là quốc trưởng) dàn dựng nhằm xóa bỏ hoàn toàn tàn dư phong kiến và thành lập chính thể Việt Nam Cộng hòa. Ngô Đình Diệm nhanh chóng tái tổ chức Quân đội Quốc gia thuộc Liên hiệp Pháp khi đó đa số vẫn còn trung thành với quốc trưởng Bảo Đại và thân Pháp, và thay thế bằng các tướng lĩnh cùng tư tưởng, các lực lượng lính dân tộc (nổi bật như lực lượng Sư đoàn Dân tộc Nùng di cư từ Khu tự trị dân tộc Nùng từ miền bắc, sau nay là Sư đoàn 5 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa, là một trong những sư đoàn hiếm hoi có lịch sử sử dụng huyền thuật xuyên suốt cuộc chiến) và bán vũ trang trên lãnh thổ miền Nam, một phần trong đó là các lực lượng tự vệ của các cộng đồng dị thường và huyền thuật chống Pháp và Bảo Đại với hy vọng nền Cộng hòa sẽ cởi mở hơn với hoạt đồng huyền thuật và cộng đồng dị thường.

M%E1%BA%B7t%20tr%E1%BA%ADn%20Ba%20ng%E1%BB%8Dn%20c%E1%BB%9D%20Huy%E1%BB%81n%20b%C3%AD%20Qu%E1%BB%91c%20gia.png

Mặt trận Ba ngọn cờ Huyền bí Quốc gia

Nhưng cũng có những lực lượng dị thường-huyền thuật và tôn giáo đối lập đe dọa nghiêm trọng đến nền Cộng hòa mới ra đời và quyền lực của Ngô Đình Diệm, dẫn đến nhiều cuộc xung đột huyền thuật xuyên suốt năm 1955 và kéo dài về sau (đạt đỉnh điểm là năm 1963). Giai đoạn này được cộng đồng dị thường biết tới là Chiến dịch Càn quét Ma thuật lần 1 của Ngô Đình Diệm thuộc Xung đột Huyền bí Đệ nhất Cộng hòa và nổi bật là Mặt trận Ba ngọn cờ Huyền bí Quốc gia (ghi nhận rộng rãi trong lịch sử là Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia dưới danh nghĩa một tổ chức chính trị liên hiệp các tôn giáo và đảng phái có xu hướng chống Ngô Đình Diệm, thực tế là một mặt trận vũ trang pháp sư, huyền thuật gia và lính dị sĩ) bao gồm Quân đội Cao ĐàiBộ đội Nguyễn Trung Trực (Phật giáo Hòa Hảo). Xung đột được các nhà sử học sau này đánh dấu kết thúc là vào 24 tháng 10 năm 1955, cũng là ngày Chiến dịch Hoàng Diệu kết thúc và thành công tiêu diệt lực lượng Bộ đội Bình Xuyên tại Sài Gòn và Rừng Sác, đánh dấu kết thúc thời kỳ bất ổn ban đầu của Chính phủ Ngô Đình Diệm và cộng đồng dị thường tại miền Nam.

Badge_of_the_Mongolian_Revolutionary_Youth_League_%281921-1924%29.svg

Huy hiệu (không chính thức) của Huyền bí Tự vệ Quân thuộc MTDTGPMN Việt Nam. Chữ vạn thể hiện sự hòa bình và tinh thần đoàn kết với các lực lượng tôn giáo miền Nam. Là biểu tượng các lực lượng lính dị sĩ cách mạng nói chung.

Từ cuối năm 1959 đến đầu năm 1960, Phong trào Đồng khởi lan rộng khắp các khu vực nông thôn Nam Bô và Tây Nguyên, dẫn đến sự hình thành của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam vào tháng 12/1960. Các cộng đồng dị thường miền Nam vẫn phát triển rộng rãi và ổn định trong các khu vực thành thị, nhưng nhìn chung vẫn còn tạm lắng và ít sôi nổi hơn các thời kỳ trước theo sau các đợt di cư, tị nạn và bỏ trốn. Tại vùng nông thôn, đặc biệt là trong các vùng giải phóng của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam, dường như rất ít hoặc không tồn tại các hoạt động sử dụng huyền thuật. Lý do chủ yếu là vì sự đàn áp vô ý hoặc chủ ý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và chủ trương xóa bỏ các yếu tố tâm linh, 'mê tín dị đoan' trong đời sống người dân của Mặt trận (tới năm 1968, Huyền bí Tự vệ Quân ra đời sau khi Mặt trận đã kiểm soát nhiều vùng đô thị lớn, giải thể năm 1975 và hợp nhất với nhiều cơ quan để hình thành Ủy ban Phòng chống Mê tín - Tâm linh vào năm 1988).

Sự kiện đàn áp Phật giáo năm 1963 (hay được biết đến trong cộng đồng dị thường là Chiến dịch Càn quét Ma thuật lần 2) bùng nổ, ảnh hưởng to lớn đến Chiến tranh Việt Nam cũng như lịch sử huyền thuật, tôn giáo và lịch sử chính trị Việt Nam. Sự kiện kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1963 lan rộng khắp miền Nam Việt Nam, là xung đột giữa hai bên, một bên là Phật giáo tại Miền Nam Việt Nam và bên kia là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đứng đầu bởi Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Dù sự đàn áp và phân biệt đã xuất hiện từ nhiều năm trước đó, thậm chí ngay từ khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền, nhưng được đánh dấu bắt đầu và leo thang kể từ Lễ Phật Đản năm 1963:

Đêm ngày 6 tháng 5, 1963

Đồng bào trong ngoài giới dị thường, trong ngoài đạo Phật cũng đều phẫn nộ vô cùng, bảo tháo cờ Phật là tháo thế nào, mà không phải là ngày thường mà là nay mai ngày Phật Đản. Chính phủ Ngô Đình Diệm khi đó đúng là có quy định cờ tôn giáo không được treo ngoài khuôn viên cơ sở tôn giáo, nhưng hằng năm trời rồi chẳng đoái hoài.

Sau này mới được biết, Tổng giám mục Huế khi đó là Ngô Đình Thục, anh trai ông Diệm muốn tổ chức đại lễ long trọng mừng Ngân khánh (25 năm tấn phong) nên các nơi treo cờ tòa thánh nhưng số lượng Ki-tô giáo hữu ít và ngay vào dịp Đại lễ Phật đản nên khắp thành phố Huế treo cờ Phật giáo, ông Thục phàn nàn ông Diệm. Được cho là nguyên cớ dẫn đến sự việc cấm cờ này.

Tỉnh trưởng Thừa Thiên là Nguyễn Văn Đăng khi đó cũng biết lòng dân, đến xin ý kiến Cố vấn Ngô Đình Cẩn, em trai ông Diệm. Ngô Đình Cẩn không kỳ thị Phật giáo như anh trai mình và có mối quan hệ thân thiết với Thượng toạ Thích Trí Quang, hai người thường gặp nhau đàm đạo. Ông Cẩn vừa lệnh cho ông Đăng chuyển thông điệp đến Thích Trí Quang yêu cầu ban Tổ chức lễ Phật Đản chỉ cần thông báo cho toàn thể tín đồ Phật giáo đừng treo cờ Phật giáo trong ngày lễ, Phật tử nào đã treo cờ rồi thì cứ để cho treo hết lễ, đồng thời yêu cầu ông Đăng đánh điện về Phủ Tổng thống xin chỉ thị. Và tất nhiên là toàn thể Phật tử Huế và Thích Trí Quang đều không đồng ý.

Tối hôm đó, Ngô Đình Diệm gửi xuống Công điện 5159 yêu cầu thực hiện quy định cấm treo cờ tôn giáo nơi công cộng. Không bên nào nhường bên nào. Nhưng sự thực là nếu các Phật tử nhún nhường thì họ sẽ còn bị đàn áp lâu dài hơn nữa.

Trưa ngày 7 tháng 5, 1963

2 giờ sáng ngày 7 tháng 5, Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở Miền Trung gửi đi ba văn bản phản đối Công điện 5159. Sáng hôm ấy, chính quyền Tỉnh mời Thích Trí Quang đến họp tại tư dinh Cố vấn Ngô Đình Cẩn, nhưng chỉ là chiêu trò làm an lòng dân chúng và Phật tử.

Giữa trưa, chính quyền cho cảnh sát đến từng nhà buộc dân chúng phải hạ cờ Phật giáo, vứt xuống đất, xé cờ và hăm dọa người phản kháng. cùng nhiều tăng ni và khoảng 500 Phật tử đến Tòa Hành chính Tỉnh để phản đối hành động của chính quyền. Cuối cùng, ông Đăng giải thích với phái đoàn là cảnh sát đã làm sai lệnh thượng cấp và đồng ý cho Phật tử được treo cờ Phật giáo. rồi cho xe phóng thanh đi thông báo trong thành phố Huế chính quyền cho phép treo cờ Phật giáo trước 21 giờ theo đúng yêu cầu của Phật giáo.

Đêm ngày 8 tháng 5, 1963

Dai_ki_niem_su_kien_1963_t%E1%BA%A1i_Hue_1.jpg

Đài tưởng niệm sự kiện năm 1963 trước đài phát thanh Huế ngày nay.

Theo lịch, đài phát thanh Huế sẽ phát bài diễn văn mừng ngày Phật đản của Thượng tọa Thích Trí Quang đã được thu âm như mọi năm. Nhưng đài phát thanh từ chối phát bài diễn văn với lý do lỗi kỹ thuật nên không thể phát được, đài chỉ cho phát các bài nhạc. Lúc 21 giờ số người tụ tập tại đài phát thanh Huế lên đến khoảng 6 nghìn người. Sau đó, Thượng tọa Trí Quang, Mật Nguyện, Mật Hiển và Đức Tâm đến đài phát thanh để hỏi lý do không phát thanh bài diễn văn. Tỉnh trưởng Thừa Thiên đến đài phát thanh để đối thoại với các chức sắc Phật giáo. Binh lính và xe bọc thép cũng được điều đến Đài phát thanh.

Trong khi lãnh đạo Phật giáo và tỉnh trưởng đang thảo luận, chính quyền dùng vòi rồng giải tán đám đông. Trong khuôn viên đài phát thanh xảy ra hai vụ nổ làm tình hình xấu đi bất ngờ. Các xe bọc thép và binh lính bắt đầu nổ súng.

Mọi chuyện lắng xuống vào đúng nửa đêm, Xe cứu thương đến chở người chết và bị thương đi bệnh viện. Chính quyền đến trước đài phát thanh vu khống rằng: "Chính quyền được tin đêm nay Việt Cộng sẽ xâm nhập phá hoại một vài cơ quan công quyền trong thành phố, chính quyền đã ban hành lệnh giới nghiêm, vậy yêu cầu đồng bào giải tán".

Chi tiết kỳ lạ đến nay là 2 vụ nổ làm náo động đám đông, dẫn đến việc quân trang nổ súng. Suy đoán rằng một quân nhân Mỹ và một số ít nhân viên CIA đã dàn dựng toàn bộ vụ việc, bởi loại thuốc nổ dẻo được sử dụng khi đó là loại mới và chỉ có quân đội Mỹ sử dụng, trong khi quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam lẫn quân lực Việt Nam Cộng hòa đều chưa có loại chất nổ này. Riêng trong giới dị thường cho rằng một pháp sư quá khích đã cho bùa tấn công vào quân đội, nhiều người khi đó cũng cho rằng vụ nổ sáng chói có màu lạ, nhưng không ai bị thương mà chỉ làm lật một xe bọc thép. Nếu thế thật thì nó cũng đã gián tiếp lấy đi sinh mạng mấy người thông qua nòng súng của lũ quân nhân.

— Trích Pháp nạn và dân tộc nạn nền Đệ Nhất Cộng Hòa - Góc nhìn chứng nhân huyền thuật (NXB. Huyền Bí Gia 2000)

Theo sau lễ Phật Đản năm 1963, sự đối đầu giữa chính quyền Cộng hòa với Giáo hội Phật giáo nói riêng và các lực lượng tôn giáo-huyền thuật nói chung ngày càng trở nên căng thẳng. Ngày 30 tháng 5 các lực lượng cảnh sát và mật vụ bao vây chùa Xá Lợi tại Sài Gòn và các chùa Từ Đàm, Báo Quốc và Linh Quang tại Huế, và rồi những ngày sau đó liên tục xảy ra các cuộc đụng độ giữa các đoàn Phật tử biểu tình và cảnh sát quốc gia, hầu hết đều bị cảnh sát và mật vụ dùng lựu đạn cay, lựu đạn khói và chó nghiệp vụ giải tán. Căn cứ chính của cuộc đấu tranh như các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Giác Minh, Từ Quang, Báo Quốc, Từ Đàm và Linh Quang hoàn toàn bị cô lập và bị cắt điện nước. Các lực lượng chính phủ canh gác, xét hỏi các tăng ni và những người qua đường đồng thời chặn bắt, lục soát và tịch thu tất cả tài liệu kêu gọi đấu tranh. Chính quyền còn bỏ tài liệu của Mặt trận Giải phóng Miền Nam vào các chùa rồi lục soát để vu cáo các hòa thượng và phật tử theo Cộng sản. Quân đội và cảnh sát được lệnh cắm trại, túc trực liên tục.

Thich_Quang_Duc_3.jpg

Đài tưởng niệm hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đỉnh điểm vào ngày 11 tháng 6, tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng tháng Tám) - Phan Đình Phùng, đúng 10 giờ sáng, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trong tư thế kiết già trước sự chứng kiến của hàng trăm quần chúng và Phật tử.

'' Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức, Tăng ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:

Một là mong ơn Phật Trời gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên cáo.

Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác.

Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, đều thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà xưng yến muôn thuở. Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.

Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ''

— Lời Thỉnh Nguyện Tâm Huyết (Thích Quảng Đức, chùa Ấn Quang ngày 4/6/1963)

Cho tới nay, ngày này đã trở thành một ngày vẫn được tưởng nhớ bởi người dân Việt Nam, đặc biệt là các Phật tử cũng như các pháp sư và huyền thuật gia đã từng tham gia cùng một cuộc đấu tranh với chế độ Ngô Đình Diệm. Sự kiện này được biết tới trong các cộng đồng dị thường là Ngày Hỏa táng Cộng Hòa với ý nghĩa rằng đây là thời điểm đánh dấu chế độ Đệ nhất Cộng hòa hay Ngô Đình Diệm đã đến bờ sụp đổ.

Sau nhiều sự kiện và leo thang căn thẳng, biến cố kết thúc vào tháng 11 năm 1963 khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính và ám sát, nền Đệ nhị Cộng hòa của các bậc tướng lĩnh đã ra đời.

Biến cố và cuộc đảo chính được coi là bước ngoặt suy yếu của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, phương pháp 'bất bạo động' đã được sử dụng trong cuộc đấu tranh chống lại một chế độ chính trị, cũng như là lần đầu tiên các tổ chức tôn giáo và huyền thuật trong lịch sử hiện đại Việt Nam đã thành công tạo nên một ảnh hưởng đáng kể lên nền chính trị quốc gia. Sau cùng, đây là bước đầu làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo đà cho phong trào cách mạng miền Nam phát triển.

Nền Đệ nhị Cộng hòa tuy thực tế là một chính quyền quân quản với nhiều vấn đề đối nội và quân sự trong cuộc chiến ngày càng căng thẳng với lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam nhưng được cho là ổn định hơn chế độ Ngô Đình Diệm. Theo đó vấn đề tôn giáo, huyền thuật và dị thường không còn là mối quan tâm quá lớn của chính quyền tạo điều kiện cho sư tái phát triển dần dần của các cộng đồng dị thường miền Nam. Giai đoạn từ thời điểm này tới những năm Việt Nam thống nhất được cho là không còn quá nổi bật với cộng đồng dị thường và nền huyền thuật miền Nam.

Hiện nay

⠀⠀Bài chi tiết: Huyền thuật học tại Việt Nam

M%E1%BB%99t_bu%E1%BB%95i_l%E1%BB%85_b%C3%AAn_trong_nh%C3%A0_th%E1%BB%9D.JPG

Một nghi thức huyền thuật Ki-tô được thực hiện tại Việt Nam.

Với việc các cơ quan như Tổ chức SCP (đại diện là chi nhánh Việt Nam) và UNGOC vẫn còn liên tục có ảnh hưởng lớn và tầm kiểm soát lên thế giới dị thường, Việt Nam như đa số các quốc gia khác trên thế giới vẫn còn tồn tại Bức màn. Tuy vậy nhờ lịch sử lâu đời của mình gắn liền với văn hóa của người Việt Nam, huyền thuật học nói riêng và giới dị thường nói chung vẫn còn tồn tại vững chắc và có thể được tiếp cận bởi xã hội bình thường, với số lượng cá nhân có khả năng sử dụng huyền thuật tại Việt Nam đã tăng từ khoảng 80.000 vào năm 1950 (0.3% dân số) lên gần nửa triệu vào năm 2020 (0.5% dân số).10

Trong những năm gần đây, việc giảng dạy và thực hành huyền thuật học cũng đang có xu hướng mở rộng tại Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, Hà Nội,… Cần lưu ý rằng thông tin về việc giảng dạy huyền thuật học tại Việt Nam cũng là một trong những thông tin bị hạn chế khỏi công chúng và thuộc quyền hành của đơn vị thứ 21 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt NamVụ Dị Giáo Dục.11

Trung tâm lớn nhất của giới dị thường Việt Nam là Quận Không cũng ngày càng phát triển nhanh chóng và trở nên nổi tiếng sau dự án xây dựng Cổng không gian Varenne nằm dưới lòng sông Sài Gòn, hợp tác giữa UNGOC và chính quyền Quận Không được khởi công song song Đường hầm sông Sài Gòn (còn được biết tới là Hầm Thủ Thiêm). Quận Không ngày nay là một trong những trung tâm dị thường lớn nhất Đông Nam Á; sự tồn tại và phát triển trong thời kỳ hiện đại của Quận Không được cho là đánh dấu bước ngoặt của cộng đồng dị thường, và nền huyền thuật Việt Nam đang ngày càng được quan tâm bởi nhà nước và có tiềm lực phát triển ra quốc tế.

Phía Chính phủ Việt Nam

⠀⠀Bài chi tiết: Ủy ban Phòng chống Mê tín - Tâm linh (Việt Nam)

TLDLTVN-revision.png

Huy hiệu Ủy ban Phòng chống Mê tín - Tâm linh Việt Nam.

Trong xuyên suốt hai cuộc kháng chiến, các hiện tượng dị thường và huyền thuật học đều được nghiên cứu một cách nhỏ lẻ và đương đầu với sự đàn áp của các chính quyền trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1980, các cộng đồng dị thường dần trở nên có ảnh hưởng trở lại tại Việt nam, theo đó nhiều ủy ban và phòng ban dị thường lâm thời đã được ngầm thành lập trong nhiều khu vực thuộc chính phủ nước Việt Nam thống nhất như một cầu nối giữa chính quyền với các cộng đồng này.

Nổi bật trong đó bao gồm: Sở Khai phóng Dị đoan (thành lập tại miền Bắc, có lịch sử từ khoảng năm 1950); Sở Giám sát Dân tộc Miền cao (Trung bộ và Tây Nguyên) và Huyền bí Tự vệ Quân (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam).

Thuankieu_Plaza.jpg

"Cao ốc 3 cây nhang" - Một trụ sở của Ủy ban tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 4 năm 1988, tất cả các cơ quan dị thường lâm thời đã được hợp nhất thành Ủy ban Phòng chống Mê tín - Tâm linh trực thuộc Chính phủ. Trước đó, vào khoảng cuối năm 1987, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khi đó là ông Trường Chinh, đã ký Sắc lệnh hợp nhất Sở Khai phóng Dị đoan toàn quốc và Sở Giám sát Dân tộc Miền cao thành một cơ quan tồn tại trong thời gian ngắn tên Phòng ban Tâm linh, đặt dưới quyền quản lý của Quân đội Nhân dân.

Theo một số cựu quan chức[Ai?], việc thành lập Ủy ban và phương thức hoạt động của nó chỉ được biết tới bởi những thành viên cấp cao nhất của nhà nước và các bộ phận dị thường có liên quan đã tồn tại bên trong nhà nước. Nhưng khi một lượng thông tin bị rò rỉ tới các cộng đồng dị thường và một bộ phận Đảng thì phần lớn những người biết tin đã có những phản ứng trái chiều, một số cho rằng Đảng không nên gián tiếp ủng hộ sự tồn tại của những hiện tượng tâm linh trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu Đổi Mới, phần còn lại lo sợ quyền tự do của thế giới dị thường tại Việt Nam sẽ càng bị thu hẹp hơn nữa.

Ủy ban vẫn tồn tại đến ngày nay, liên kết chặt chẽ với Viện Kiểm sát Nhân dân, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng và thường xuyên có các hoạt động công khai dưới danh nghĩa Ban Tôn giáo Chính phủ.

Thông tin chi tiết về cơ cấu, nhiệm vụ và cách thức hoạt động của Ủy ban tới nay vẫn phần nhiều dựa trên suy đoán, thông tin rò rỉ và chưa được kiểm chứng. Nhưng nói chung, cái tên Phòng chống Mê tín - Tâm linh phản ánh hai mặt và cả hai nhiệm vụ của Ủy ban:

  • Phòng chống sự ảnh hưởng của những hiện tượng dị thường lên đời sống nhân dân, hợp tác với các cộng đồng dị thường và nghiên cứu các cách thức lý giải khoa học hoặc có hệ thống về các dị tượng.
  • Ngăn chặn sự chú ý của quần chúng về những hiện tượng này, đồng thời không công nhận sự tồn tại và chống Mê tín - Tâm linh về mặt tư tưởng.12

Cộng đồng Ma Thuật Việt Nam

⠀⠀Bài chi tiết: Liên đoàn Nhân dân Ma thuật và Dị thường Việt Nam

PTTCHT_School.jpg

Trường Phổ thông Trung cấp Huyền thuật Thành phố Hồ Chí Minh, một trong các trung tâm đào tạo thuộc Cộng đồng Ma Thuật Việt Nam.

Được tổ chức bởi Liên đoàn Nhân dân Ma thuật và Dị thường Việt Nam, đây là cộng đồng dị thường có quy mô lớn nhất Việt Nam, hợp nhất từ nhiều phong trào huyền thuật tự phát được cho thành lập trong khoảng từ năm 1980 cho đến 2000. Liên đoàn phổ biến với lập trường không liên kết và độc lập, duy trì mối quan hệ song phương với Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Phòng chống Mê tín - Tâm linh.

Liên đoàn quản lý nhiều hội quán và khu buôn bán dị thường trên khắp lãnh thổ Việt Nam với một bộ phận của cộng đồng thường sống trong các khu vực biệt lập dị thường và không dị thường của các thành phố. Liên đoàn cũng đôi lúc chủ trương phổ cập hóa thế giới dị thường và huyền thuật học dù vấp phải sự ngăn cản bởi nhiều cơ quan lớn như Tổ Chức SCP, UNGOC và cả Ủy ban Phòng chống Mê tín - Tâm linh, cũng như thường xuyên bị điều tra trong nhiều vụ án dị thường. Tuy nhiên, chính cộng đồng này cũng lập ra các điều luật về huyền thuật và phương cách tiếp cận xã hội không dị thường mà hiện nay đã phổ biến trong giới dị thường cả nước. Theo thông tin từ Ủy ban Phòng chống Mê tín - Tâm linh, Liên đoàn thậm chí có cả một lực lượng tự vệ nhằm bảo đảm an ninh cho các khu vực giao thương và điểm tập trung lớn của mình.

B%E1%BA%A3n%20%C4%91%E1%BB%93%20Ma%20ph%E1%BA%ADn.png
Bản đồ quản lý Cộng đồng Ma Thuật Việt Nam.

Hiện chưa có nhiều thông tin về cơ cấu quản lý hay các cấp lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn và cộng đồng, nhiều cơ quan cho rằng cộng đồng này mang tính phi tập trung và không có một lãnh đạo cụ thể và Liên đoàn vận hành theo hệ thống một hội đồng đại diện từ các ban quản lý khắp cả nước.

Theo các thông tin đã ghi nhận, Liên đoàn chia cả nước thành 12 Ma phận, trong đó lớn nhất là Ma phận Sài Gòn được cho là nơi tập trung lớn nhất của hội, mỗi Ma phận được quản lý bởi một ban gồm các nhân vật được tín nhiệm hoặc có ảnh hưởng lớn lên cộng đồng trong khu vực, mỗi ban lại thường có một Ma phận chủ là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Phương thức bầu chọn ban lãnh đạo này và các tiêu chí để được ứng cử đều khép kín trong cộng đồng dị thường các khu vực.

Các ban lãnh đạo Ma phận theo đó có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ cập các chủ trương cần thiết hay thông tin của giới dị thường và lắng nghe, giải quyết các bất cập hiện có của cộng đồng, thậm chí kêu gọi quyên góp, giúp đỡ xây dựng các cơ sở cho cộng đồng khi cần thiết.

Hiện nay Ma phận chủ của Ma phận Sài Gòn là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Trung cấp Huyền thuật Thành phố Hồ Chí Minh (trường PTTCHT-TP.HCM), là trung tâm giảng dạy huyền thuật học lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như là một trong số ít trường huyền thuật và trung tâm văn hóa dị thường được chính phủ Việt Nam cấp phép. Nhiều học viên của trường cũng được tuyển dụng bởi Chính phủ Việt Nam và công tác tại Ủy ban Phòng chống Mê tín - Tâm linh.

Trong phim ảnh hiện đại

NXB%20Huy%E1%BB%81n%20Thu%E1%BA%ADt%20Gia.png

Tờ quảng cáo của Xưởng phim và sách Huyền Thuật Gia (nay là NXB Huyền Bí Gia) năm 1966.

Trái với suy nghĩ của đa số mọi người, nhiều phim truyền hình dài tập về ma pháp và huyền thuật từng được chiếu công khai trên các kênh truyền hình Việt Nam, trong đó phim nhập từ cộng đồng dị thường nước ngoài chiếm đáng kể. Hầu hết đều được phân loại là phim truyền hình dài tập hoặc dành cho thiếu nhi, nhưng rất nhiều trong số đó có tính chất phim tài liệu và mang các chi tiết thực tế về nhiều mặt đời sống của các gia đình/cộng đồng huyền thuật và dị thường.

Thể loại này hiện nay dần trầm lại trái với sự phát triển chung của nền công nghiệp phim truyền hình Việt Nam vì nhiều lý do, chủ yếu vì mạng Internet được phổ cập rộng rãi và phù hợp với tính chất và đời sống ẩn của các cá nhân và cộng đồng dị thường.

Nhưng trong thời kỳ thoái trào của mình vào khoảng từ năm 2000-2015, nhiều phim truyền hình về huyền thuật nổi bật đã được công chiếu tại Việt Nam như:

Gia đình phép thuật - Một bộ phim truyền hình dài tập Việt Nam dành cho thiếu nhi, được phát sóng lần đầu tiên vào ngày 22 tháng 2 năm 2009 trên kênh HTV7 của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (và chiếu lại trên THVL1, HTV3, DRT1, VTV8 và VTVCab 21) và đã ngừng phát sóng tập mới từ tháng 7 năm 2011 cho đến nay.

Gia đình phép thuật được xem là phim thiếu nhi dài nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại với 340 tập và được vô cùng được yêu thích trong và ngoài giới dị thường, tới nay vẫn được phát lại trên nhiều kênh truyền hình Việt Nam.

Sabrina – Cô phù thủy nhỏ - Hay tựa gốc là Sabrina, the Teenage Witch, là một bộ phim thuộc thể loại hài của Mỹ dựa trên cuốn truyện tranh cùng tên của công ty Archie Comics. Bộ phim được chiếu lần đầu tại Hoa Kỳ vào ngày 27 tháng 9 năm 1996 với hơn 17 triệu người xem. Tại Việt Nam, phim được phát sóng trên VTV3 (phiên bản thuyết minh) vào năm 2002 và HTV3 (phiên bản lồng tiếng) vào tháng 4 năm 2015. Trở thành một dấu ấn lớn lên VTV3 và được giới dị thường so sánh là Cẩm nang của Ned của giới thanh thiếu niên dị thường.

Ngã Ái Quận Không - Một phim hoạt hình dài tập tái hiện cuộc sống người dân Quận Không dựa trên các câu chuyện được gửi về bởi các cư dân, đặc biệt là thiếu nhi và thanh thiếu niên với mục đích gắn kết giới trẻ trong và ngoài giới dị thường. Được phát hành bởi xưởng phim và NXB Huyền Bí Gia từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 12 năm 2012. Dù không được thành công bên ngoài thế giới dị thường, 89 tập phim đã rất được yêu thích, hưởng ứng cũng như vẫn được lưu và phát lại bởi các gia đình Quận Không và trong cộng đồng dị thường Việt Nam.

Harry Potter (Phim và Truyện) - Chuyển thể từ loạt tự truyện gồm bảy phần của pháp sư Harry P. Joseph và viết bởi nhà văn J. K. Rowling. Loạt phim được phát hành bởi Warner Bros. Pictures và bao gồm tám phần phim, bắt đầu với Harry Potter và Hòn đá phù thủy (2001) và kết thúc là Harry Potter và Bảo bối Tử thần – Phần 2 (2011).

Loạt phim Harry Potter và thành công của chúng được xem là đã có tác động đáng kể đến ngành công nghiệp điện ảnh. Các bộ phim Harry Potter đã đạt doanh thu phòng vé hàng đầu, với tất cả tám bộ phim được phát hành đều nằm trong danh sách những bộ phim có doanh thu cao nhất trên toàn thế giới, gây ra một cơn sốt Harry Potter trên toàn thế giới và cả tại Việt Nam. Loạt phim đã đưa hình ảnh thế giới dị thường trở nên phổ biến trong đại chúng xuyên suốt thập niên 2010 và được xem là những bộ phim tài liệu quan trọng nhất của giới huyền thuật hiện đại.

Xem thêm

Các trang có ảnh hưởng lớn đến bài viết này:

Các trang Wikipedia liên quan:

Nếu không có ngoại lệ được nêu, nội dung của trang này được xuất bản dưới giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License