Ờ, bạn muốn viết một SCP
Nếu bạn đang đọc cái này, khả năng là bạn đã là thành viên của Tổ chức này và muốn tập tành viết một bài SCP. Hướng dẫn này sẽ giúp bạn đi đúng hướng. Đọc cho kĩ đấy, đừng có lướt qua. Đọc xong rồi ấy hả? Đọc lại đi. Thể nào cũng bỏ lỡ một cái gì đấy cho xem.
Trước khi bắt đầu, có vài thứ cần lưu ý:
Nhìn chung thì các bài viết thành công sẽ có những yếu tố sau:
- Các thủ tục quản thúc hợp lý.
- Miêu tả rõ ràng, mạch lạc.
Một SCP tốt cần có những điều này. Nó cần phải thu hút người đọc ngay lập tức chứ đừng có kéo dài cả một đống thứ lằng nhằng không liên quan. Hãy hình dung thật rõ ý tưởng của mình trước khi bắt đầu đặt bút (hay là gõ, tùy).
Rất nhiều bài viết SCP đầu tay thất bại thảm hại vì tác giả thiếu kinh nghiệm.
Nhưng đó không phải là lý do để không cố gắng.
Đây không phải một "lời nguyền" đối với những tác giả đầu tay.
Đây không phải là một sự thật đáng buồn hay gì cả.
Đây là một thử thách.
Một số SCP đầu tay rất tuyệt vời, hoặc là do tác giả đó hiểu ngay được là mình phải viết cái gì và viết thế nào (hiếm lắm) hoặc là phổ biến hơn, họ dành thời gian để tìm hiểu và tiếp thu cách viết. Để tránh ngã vào cái hố thất bại đầu tay này, luôn luôn hỏi ý kiến của người khác trên diễn đàn Ý tưởng. Hãy suy nghĩ và tiếp thu thật nhiều từ những lời nhận xét của họ, kể cả khi họ nói thẳng ra những thứ tệ trong bài của bạn. Nếu bạn cảm thấy ai đó cố ý xúc phạm bạn, đừng ngại hỏi một nhân viên. Nếu chúng tôi kết luận được là người đó vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý.
Các bài viết đánh giá thấp sẽ bị xóa khỏi danh sách nếu như chúng thấp hơn -10 điểm và đã trải qua 24 giờ kể từ khi bài đó được đăng (hãy xem Hướng dẫn Xóa để biết thêm thông tin chi tiết), nên đừng quá buồn nếu như bài bạn viết bị xóa. Nếu SCP đầu tay của bạn bị xóa, hãy cố rút kinh nghiệm từ nó. Thử nghĩ xem ý tưởng đó có thể sử dụng lại được không, đọc lại xem văn phong của bạn có gì không tốt. Có thể khả năng viết của bạn chưa đạt đến cùng mức với ý tưởng lớn lao của bạn, nên hãy giữ lại những ý tưởng cũ để sau này xem lại. Bạn có thể lưu nó trong sandbox của mình. Nếu bạn gặp khó khăn với cách viết khoa học của Tổ chức, hãy thử viết truyện xem. Truyện cũng không kém gì SCP đâu.
À mà, lưu ý là đăng một bài SCP tệ chỉ để "thử vận may" chẳng có tác dụng gì ngoài việc làm cho wiki tệ đi. Khi viết SCP đầu tay của mình, hãy chuẩn bị tốt nhất có thể, vì nó có thể ảnh hưởng tới cách mọi người nhận xét bạn sau này. Hãy thể hiện rằng bạn đã bỏ tâm huyết của mình vào bài viết. Nó tạo cho bạn một ấn tượng tốt hơn, làm cho wiki tốt hơn và tạo hình mẫu tốt cho những người mới khác.
Lời khuyên tốt nhất chúng tôi có thể dành cho bạn là hãy kiên nhẫn. Hãy dành thời gian tìm hiểu xem các bài viết khác như thế nào, cả của các tác giả trong và ngoài nước. Thử xem cái gì hay, cái gì dở, cái gì được đánh giá cao và cái gì bị đánh giá thấp. Tìm hiểu xem người đọc mong đợi gì ở một bài viết hay; như thế bạn sẽ có thể chuẩn bị tốt hơn cho bài viết của mình.
Làm gì tiếp?
Để xem bạn cần phải làm gì tiếp, hãy mở tab tiếp theo.
Tìm ý tưởng
Ý tưởng là linh hồn của câu chuyện của bạn. Cho dù nó là ý tưởng truyện hay SCP, nó sẽ đi suốt quá trình viết của bạn. Đây là một số mẹo nhỏ để nghĩ ra một ý tưởng thật hay cho bài viết của bạn:
- Nếu bạn muốn viết một bài viết kinh dị, hãy nghĩ về thứ khiến bạn sợ nhất. Tổ chức có nguồn gốc từ những câu chuyện kinh dị trên Internet, chúng ta nên giữ một chút truyền thống. Nỗi sợ càng kì lạ càng tốt; đã có nhiều bài viết về đủ thứ kinh dị và các nỗi sợ khác nhau, và chúng tôi muốn có gì đó sáng tạo hơn.
- Nếu bạn muốn viết về một thứ gì đó kì quái, hãy nghĩ vượt xa giới hạn, vượt khỏi những mô típ thường thấy. Ý tưởng của bạn càng lạ, nó càng nổi bật giữa các bài khác.
- Nếu bạn muốn bài viết theo hướng khác, hãy nghĩ xem bạn muốn người đọc cảm nhận được điều gì. Bạn muốn họ thấy buồn? Hài hước? Hứng thú? Hãy nghĩ xem làm thế nào có thể khiến người đọc xuất hiện cảm xúc đó.
- Thử tìm một bức ảnh hay ho. Mạng Internet là một nơi rất kì quái, và có hàng ngàn bức ảnh quái dị và đáng sợ mà bạn có thể dùng để nảy nở ý tưởng. Một thứ gì đó để thu hút người đọc và tạo cảm hứng cho trí tưởng tượng của bạn. Nhưng nhớ để ý bản quyền nhé.
- Khi bạn đã nghĩ ra ý tưởng gì đó hay ho, hãy kiểm tra xem nó đã được dùng chưa. Thử hỏi người khác trên diễn đàn, khả năng cao là có một bài nào đó đã dùng ý tưởng giống bạn. Nếu bạn tìm thấy nó, hãy đọc và nghĩ xem bạn có thể thêm một yếu tố nào đó để tách biệt ý tưởng của mình ra không.
- Cho người khác xem: Thỉnh thoảng bạn sẽ đột phá ra một cái gì đó mà bạn rất tâm đắc và bạn muốn viết về nó ngay. Nhưng trước khi đăng nó, hãy lập một trang sandbox và viết nháp vào đó, sau đó đưa bản nháp hoặc ý tưởng của bạn lên diễn đàn. Nên nhớ là mọi người sẽ không tự nhiên đi tìm sandbox của bạn, nên là hãy đăng lên đó để người ta biết.
- Đừng cố rặn ra ý tưởng. Đừng cố gượng ép một ý tưởng chưa hoàn thiện vì sau đó nó sẽ gây ra nhiều lỗ hổng trong câu chuyện của bạn. Nếu bạn thấy khó khăn, đừng ngại bàn với người khác.
Mẹo nói chung
Một số mẹo nói chung cho công cuộc viết SCP của bạn.
- Hãy giả sử SCP của bạn là SCP đầu tiên người ta đọc. Nghĩa là hãy đừng cho quá nhiều chi tiết phức tạp mà một người mới đến đọc sẽ không hiểu gì.
- Ít và nhiều. Trong khi một số bài viết thành công có rất nhiều cuộc thám hiểm, ghi chép thí nghiệm hay nhật kí thu hồi dài dằng dặc, hầu hết SCP nên là những bài viết ngắn gọn, dễ đọc. Đừng có ý nghĩ sai lầm là bạn cần phải cho thật nhiều phụ lục, khảo sát, phỏng vấn các thứ. Nếu chúng làm cho bài viết hay hơn, hãy giữ lại. Nhưng nếu chúng chẳng có tác dụng gì với câu chuyện của bạn, hãy loại bỏ.
- Hãy hình dung thật rõ ràng ý tưởng trọng tâm của bạn. Như vậy có thể giúp bạn quyết định nên giữ và nên bỏ những chi tiết nào. Nếu bạn loại bỏ đúng cách, nó sẽ tăng sự bí hiểm cho bài viết, khiến người đọc tự đặt những câu hỏi khiến họ hứng thú hơn.
- Nguy hiểm không có nghĩa là thú vị. Một thứ gì đó làm tan chảy xương người trong phạm vi 100km khá là nguy hiểm đấy, nhưng trừ khi bạn cho nó một cái gì hay ho thì chẳng ai thấy hay đâu.
- Hãy nghĩ ra một cái "móc". Một cái "móc" là một yếu tố gì đó mà thu hút người đọc ngay từ những dòng đầu tiên. Nếu bài viết của bạn chỉ là một thứ dị thường làm một cái gì đó dị thường thì khó thành công lắm. Cái móc là gì tùy bạn, nhưng hãy giới thiệu nó thật sớm. Nếu bạn để nó ở tận cuối thì có khi người ta đã bỏ bài của bạn trước khi đọc đến đó rồi.
- Tiếp thu nhận xét của người khác. Một khi bạn đã đăng lên danh sách chính, người khác hoàn toàn có thể đánh giá bài viết mà không cần phải cho bạn nhận xét. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến trước khi đăng bài. Nếu bạn nghĩ mình bị xúc phạm, hãy liên lạc nhân viên. ĐỪNG nổ ra một cuộc tranh cãi với họ. Hãy suy nghĩ về nhận xét của họ, kể cả khi nó thẳng thắn và gay gắt.
- Máu me chỉ để cho máu me khá là vô dụng. Nếu bài viết của bạn chỉ là cầm một cái xô đầy ruột người ném vào người đọc (nói ví von thôi), hay là phụ thuộc vào một bức hình máu me hoặc ghê tởm mà không có nội dung gì để cho nó một lý do tồn tại, nó sẽ thất bại. Máu me không sao, nhưng nó cần phải đi cùng với một câu chuyện tương xứng.
Về Quản thúc
Nên nhớ điều đầu tiên rằng khẩu hiệu của Tổ chức là Quản thúc, Lưu trữ, và Bảo vệ. Không phải là Tiêu hủy, Tiêu hủy và Tiêu hủy (Hay gọi là Tổ chức 3T.) Ít bài đòi hỏi phá hủy SCP mà thành công lắm.
Quản thúc một vật cần phải hợp lý và logic. Đừng lãng phí và dùng tài nguyên thừa thãi; tất cả các SCP chỉ nên được cung cấp những gì nó cần thiết, không hơn không kém. Nghĩa là nếu một thứ gì mà nếu bỏ đi thì không ảnh hưởng gì đến việc quản thúc SCP đó, hãy bỏ nó đi. Ví dụ là kích cỡ của cái phòng/buồng/tủ chưa vật thể của bạn. Liệu nó rộng hơn vài ba cm có ảnh hưởng gì đến SCP này không? Nếu không, đừng viết kích cỡ đó ra làm gì cả. Nếu có, hãy giải thích thỏa đáng tại sao.
Thêm nữa, đừng có thêm những chi tiết mà không cần nói cũng biết. Nếu bài viết của bạn là một con vật gì đó sống, thì có thể tự hiểu là nó được cho ăn. Không cần thêm vào thủ tục quản thúc trừ khi nó ăn một cái gì đó khác thường. Thêm nữa, nên nhớ là Tổ chức lạnh lùng chứ không tàn ác; đúng, hoàn toàn có thể nhét một thằng người vào một cái phòng không cửa sổ, nhưng thế dễ bị trầm cảm cả lũ lắm. Nên cũng có thể tự hiểu là họ sẽ được làm gì đó giải trí. Nếu SCP của bạn cần một thứ gì đó đặc biệt, hãy thêm nó vào thủ tục.
Nói chung là, thủ tục quản thúc cần phải hợp logic và làm tốt việc quản thúc nhất có thể với mức công nghệ cho phép, đồng thời cũng cần sử dụng tài nguyên của Tổ chức hợp lý. Không phải SCP nào cũng cần một quả bom nguyên tử để giữ an toàn đâu.
Phân loại
Mỗi SCP có một mức độ phân loại tùy thuộc theo độ khó quản thúc của nó. Có 3 cấp thường dùng nhất:
- Safe (An toàn) là những thứ có thể dễ dàng quản thúc, nhưng không có nghĩa là vô hại. Thay vào đó, nó có nghĩa là ta có thể khóa nó lại hoặc cất nó đi và không phải lo gì cả.
- Euclid là những SCP cần quản thúc kỹ càng hơn và phức tạp hơn, nhưng quản thúc vẫn hiệu quả nếu như được tuân theo đúng cách. Hầu hết các vật thể mà có trí khôn thường là Euclid vì có khả năng tự nhận thức.
- Keter là những SCP mà cần những thủ tục quản thúc vô cùng phức tạp và rất khó để quản thúc hiệu quả và cần rất nhiều nhân lực và tài nguyên. Nếu bạn khóa nó lại và khả năng cao là nó sẽ phá chuồng thoát ra, nó là Keter. Một SCP cấp Keter cần phải thật độc đáo để nổi bật giữa các SCP khác.
- Thaumiel là các SCP mà có thể sử dụng để quản thúc hoặc ngăn chặn các SCP khác, thường là bọn Keter. Chúng rất hiếm và cần lý do thích đáng để tồn tại, và cũng rất khó để viết cho tốt.
Còn một số các cấp phân loại khác, bạn có thể tìm hiểu ở đây.
Một số bài khác sử dụng những phân loại riêng. Tuy nhiên hệ S/E/K/T là phổ biến nhất với người đọc, nên sử dụng một phân loại riêng có thể khiến người đọc không thích.
Giọng văn
Giọng văn mà chúng ta cần dùng là một giọng văn khách quan, khoa học, nhưng đừng hiểu nhầm rằng bạn phải dùng những từ thật cao cấp hoặc là ra vẻ thông minh. Muốn có được giọng văn tốt cần nhớ vài điều sau:
Dùng từ ngữ chính xác và súc tích.
Chính xác: Tránh dùng từ ngữ mơ hồ. Súc tích: Đừng cố rặn thêm từ trong khi viết ngắn gọn cũng đủ. Đừng cố dùng từ dài để "tỏ vẻ thông minh" (trừ khi từ đó dùng thích hợp hơn). Tránh mơ hồ hay miêu tả hoa mỹ. Đừng dùng quá nhiều tính từ. Bạn đang viết một văn bản khoa học - Hãy viết đơn giản thôi.
Chuyên nghiệp.
Bạn đang viết dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu. Và chẳng thằng khoa học nào đi viết báo cáo cho sếp và nhét một cái trò đùa bậy bạ vào đó cả. Cũng chẳng ai dùng từ lóng trên báo cáo thí nghiệm cả.
Hãy cố tỏ vẻ khách quan và vô cảm trong văn bản của mình. Không phải là các nhà nghiên cứu không có cảm xúc, mà để cho cảm xúc chi phối giọng văn sẽ khiến nó mang tính chủ quan hơn và sẽ làm giảm độ tin cậy.
Ví dụ: Nếu bạn miêu tả một người sói, đừng viết:
Thực thể là một người sói cao 3 mét với đôi mắt sáng đỏ và những chiếc nanh sắc như dao. Tiếng hú của nó khiến bạn tê cứng, như thể bản năng cho bạn biết rằng bạn là con mồi của nó.
Thay vào đó, hãy viết kiểu như này:
Thực thể là một sinh vật hai chân giống họ Chó, dài khoảng 3 mét. Nó có mắt phát sáng màu đỏ và răng nanh nhô ra. Tiếng kêu của nó gây ra phản ứng sợ hãi trong các đối tượng người.
Che giấu thông tin
[THÔNG TIN BỊ GIẤU], [THÔNG TIN BỊ XÓA], và các kiểu giấu thông tin khác có thể thêm sự bí hiểm cho bài viết và loại bỏ đi thông tin không cần thiết. Bạn cần biết đằng sau những cái bị giấu đó là gì. Đừng giấu thông tin chỉ để bạn khỏi cần viết về nó; hãy giấu đi những chi tiết chìa khóa của bài viết để cho người đọc hứng thú tìm hiểu, suy luận.
À mà, đừng có giấu cái gì trong phần Thủ tục Quản thúc. Giấu đi rồi thì người khác đọc biết làm theo hướng dẫn kiểu gì?
Các mẹo khác
- Đừng gọi SCP của bạn là "SCP này"; SCP trong bài viết nghĩa là Thủ tục Quản thúc Đặc biệt, chứ không phải là cái thứ mà bạn đang viết về. Trong nháp bạn có thể dùng SCP-XXXX, và nhớ thay số khi đăng chính thức. Nếu muốn tránh lặp từ, bạn có thể dùng các từ như "sinh vật này", "cá thể này", "vật thể này", "thực thể này", vân vân, hoặc là sắp xếp lại câu.
- Cẩn thận khi dùng từ "đối tượng", vì "đối tượng" thường được hiểu là bọn Cấp D dùng làm chuột bạch hoặc là những người đã bị ảnh hưởng bởi dị thể.
- Trong các biên bản phỏng vấn, hãy viết lời thoại thật tự nhiên như là người thật nói chuyện với nhau. Có thể dùng từ lóng, ví dụ như "skip" (cách đọc ngắn của "SCP").
- Tránh viết một đống chữ co cụm lại với nhau. Nhìn đau mắt và ngại đọc lắm. Ngắt đoạn ra.
- Làm tròn số xuống 2 chữ số sau dấu phẩy cho gọn, trừ khi cần thiết phải viết đầy đủ.
- Đọc soát. Đọc soát để kiểm tra xem có lỗ hổng logic nào không, chỉnh sửa lỗi chính tả và xem còn chỗ nào thừa có thể lược bỏ đi không. Hãy hỏi cả những người khác nữa, vì bạn có thể không nhận ra những lỗi của chính mình. Người khác có thể là một nguồn trợ giúp to lớn về cả mặt kiến thức chuyên ngành và chính tả các thứ.
Viết một SCP dạng người
Bọn SCP dạng người là một trong cái lũ khó viết nhất. Tại sao ư?
Rất nhiều lý do. Phổ biến nhất là cái mà chúng tôi gọi là "Hội chứng X-Man", nghĩa là nó chỉ là một thằng người có sức mạnh siêu nhiên mà không có một câu chuyện để tạo sự đồng cảm trong người đọc. Rất khó để phân biệt được X-Man và không X-Man, như đã nói, không có ý tưởng tồi, chỉ có cách viết tệ.
Một số điều nên nhớ khi viết một SCP dạng người:
- Đừng thêm vào phần Thủ tục Quản thúc cái "Nó cần được đáp ứng mọi mong muốn". Tổ chức là nhà tù, không phải khách sạn năm sao.
- Đừng miêu tả quá kĩ vẻ ngoài hay là tính cách của một SCP dạng người, dễ bị thành nhân vật truyện tranh lắm.
- Tránh dùng đại từ nhân xưng cho chúng. Cứ gọi là "nó".
- Đừng có biến SCP của bạn thành một thứ mà tất cả mọi người đều yêu quý. Trừ khi nó là hiệu ứng (một hiệu ứng gì đó có lý chứ đừng lấy làm lý do để cho mọi người yêu quý nó), bởi vì bọn nhân viên chẳng có lý do gì phải thể hiện sự yêu thích của họ với SCP của bạn cả.
- Nên nhớ, đừng làm cho Tổ chức xuất hiện một cách tàn ác quá mức. Họ chỉ lạnh lùng thôi, không ác.
- Bọn điều khiển thực tại, dùng phép thuật hay là cái lũ siêu sức mạnh khó viết lắm. Bởi vì rất dễ thành OP Mary Sue.
- Nếu nhân vật của bạn có nhiều tính chất dị thường khác nhau, nên đảm bảo là chúng có liên quan đến nhau với mục đích phục vụ cốt truyện, chứ không phải nhét nhiều cho ngầu.
Nên nhớ, mặc dù chúng là người, chúng vẫn là những vật dị thường trong mắt của Tổ chức.
Về việc nối link
Liên kết link giữa các bài viết là một yếu tố thiết yếu của Tổ chức, nó giúp cho người đọc khám phá từ bài này qua bài khác. Nhưng cần lưu ý để tránh nối link xàm.
Làm thế nào để nối link đúng:
- Thử nối với các bài ít được biết đến hơn, kiểu SCP Series 3 và SCP Series 4.
- Bạn có thể link SCP nào cũng được. Nhưng nếu bạn nối với bọn Series 1, thì cũng nên nối thêm vài thằng mới hơn nữa.
- Nên nhớ là bài viết của bạn vẫn phải thú vị kể cả khi không có những SCP kia. Đừng nhắc đến những SCP khác chỉ để SCP của bạn trông ngầu hơn.
- Nên làm cho cái link nối của bạn thú vị không kém.
- Đừng chỉ nói "SCP này có thể liên quan đến [SCP NGẦU KHÁC]. Nói rõ hơn đi!
- Tránh mấy cái xàm thường gặp. Ví dụ:
- "SCP của tôi hay hơn/ngầu hơn SCP này!"
- "SCP này KHÔNG ĐƯỢC lại gần SCP kia."
- Đau não lắm. Cho lý do thích đáng hơn đi, kiểu, chúng nó gặp nhau và cái gì hay ho xảy ra ấy. Nhưng cái hay ho ấy xảy ra phải có lý do, đừng tự nhiên đụng đầu nhau rồi lao vào đánh nhau, xàm xí lắm.
- Lưu ý: Đừng cố làm cho SCP của bạn nguy hiểm hơn cái SCP được link. Chả ai quan tâm đâu, còn khó chịu nữa kia.
- Không cần hỏi ý kiến tác giả trước khi link SCP khác, …nhưng nên làm.
Thử nghiệm lẫn nhau
Một cách nghĩ là Tổ chức không bao giờ cho bọn này phản ứng với nhau cả. Lũ chúng nó ở một mình đã nguy hiểm lắm rồi, lại còn định dí vào nhau nữa? Chết cả thế giới không chừng.
Một cách nghĩ khác là Tổ chức có thí nghiệm các SCP với nhau, vì dù nguy hiểm, biết đâu lại khám phá ra một cách gì đó để kiểm soát dị thể tốt hơn? Kiến thức là vô tận, đúng không?
Một cách nhìn khác trung bình hơn, rằng việc thử nghiệm với nhau bị giới hạn, tại từng Điểm hoặc là từng cấp độ nhân viên. Có những thứ thảm hại đã xảy ra, nhưng cũng có những phát kiến lớn.
Cách nghĩ nào đúng? Tùy bạn, và tùy vào câu chuyện của bạn. Hãy chọn cẩn thận.
Mẹo:
- Tùy cách chọn của bạn, nhưng đừng làm cho Tổ chức trông như mấy thằng đần. Nếu đã có gì đó tệ hại xảy ra từ một thí nghiệm như vậy, Tổ chức sẽ không làm lại hay thậm chí cấm nó.
- Nên nhớ là khi một nhà nghiên cứu thực hiện thí nghiệm SCP với nhau, họ cần được cấp phép trước. Đừng thẳng tay ghi "cấm thử nghiệm SCP với nhau" trong phần Thủ tục Quản thúc (trừ khi có lý do chính đáng), mà cũng đừng làm cho người ta nghĩ là bọn này thích thí nghiệm gì cũng được.
Mẫu bài viết cơ bản
[[>]]
[[module Rate]]
[[/>]]
**Mã vật thể:** SCP-XXXX
**Phân loại:** Safe/Euclid/Keter (chọn phân loại)
**Quy trình Quản thúc Đặc biệt:** [Giới thiệu thủ tục]
**Mô tả:** [Miêu tả]
**Phụ lục:** [Bổ sung]
Mẫu biên bản phỏng vấn
> **Đối tượng thẩm vấn:** [Cá nhân hoặc SCP được phỏng vấn]
>
> **Thẩm vấn viên:** [Có thể che tên bằng █]
>
> **Lời nói đầu:** [Miêu tả ngắn gọn cuộc phỏng vấn]
>
> **<Bắt đầu, [thêm thời gian nếu thích]>**
>
> **Người phỏng vấn:** [nói]
>
> **Người được phỏng vấn:** [nói]
>
> [Lặp nhiều lần]
>
> **<Kết thúc, [thêm thời gian nếu thích]>**
>
> **Ghi chú:** [Tóm tắt hoặc bổ sung những gì xảy ra tiếp theo.]
Lưu ý: Khi dùng dấu > làm hộp thoại, nhớ thêm dấu cách sau dấu > không thì không được đâu.
Để đăng SCP của bạn, làm các bước sau:
- Đến danh sách hiện tại và chọn một số chưa dùng trên danh sách. Nó sẽ hiện màu cam và có chữ [TRUY CẬP THẤT BẠI].
- Nhấp vào số đó. Một trang mới sẽ xuất hiện, nói rằng trang đó không tồn tại nhưng bạn có thể tạo nó. Đọc kỹ trang đó và nhấp vào link ở cuối để tạo trang.
- Copy từ sandbox của bạn (hoặc viết thẳng nếu như bạn từ chối lời khuyên hữu ích đó).
- Đọc soát và sửa số của bài viết cho đúng với số bạn đã chọn.
- Sửa tựa đề của trang từ Scp XXXX thành SCP-XXXX (viết hoa và thêm gạch), XXXX là số bạn chọn.
- Bấm nút Save ở dưới hộp chỉnh sửa.
- Quay lại danh sách, kéo xuống và thay [TRUY CẬP THẤT BẠI] ở số của bạn với cái tên bạn muốn đặt. Nên nhớ cái tên này là ngoài vũ trụ nên đừng ghi vào bài viết. Lưu lại danh sách.
- Thông báo SCP mới trên chủ đề thông báo SCP mới nhất trên diễn đàn.
- Xong rồi đấy!
Để đăng ngoại truyện của bạn:
- Chọn mục Đóng góp ở phần bên trái màn hình. Tìm cái mà ghi "Ngoại truyện" và điền tên truyện của bạn vào. Lưu ý rằng cái bạn điền vào chỉ là link cho truyện thôi, nên nếu tên truyện bạn dài thì viết cái gì ngắn ngắn vào hộp thoại thôi, còn tên đầy đủ thì ghi vào phần tựa đề sau. Rồi nhấn "Tạo truyện".
- Copy từ sandbox hoặc bản nháp của bạn.
- Nhấn "Save".
- Thông báo truyện mới trên chủ đề thông báo truyện mới nhất trên diễn đàn.
- Xong rồi đấy!