Giới thiệu:
Jean-Baptiste Ravin de Courville vào năm 28 tuổi.
Hội Quý Ông Nhân Văn, hay thường được gọi tắt là "Hội Quý Ông", là một hội nhóm dị thường theo chủ nghĩa siêu nhân loại với mục tiêu cải tạo khả năng của con người bằng cách sử dụng dị thể. Họ xem sự dị thường là một tiến trình tự nhiên, và nhân loại có sứ mệnh học cách thích nghi với chúng. Quá trình tiến hoá này hướng đến việc trở thành một giống người dị thường, được thúc đẩy thông qua việc sáng tạo dị thể, phát triển và ứng dụng chúng dưới bí danh "Thượng Nhân".
Hội Quý Ông Nhân Văn có một lịch sử thành văn bất thường, bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ 18 dưới sự sáng lập của Jean-Bapstiste Ravin de Courville và Nam tước d'Holbach. Hơn nữa, tổ chức này có thể đã có ảnh hưởng quan trọng đối với nền chính trị Pháp, đặc biệt là trong thời kỳ diễn ra Cách mạng Pháp.
Khởi nguồn từ một hội nhóm nhỏ những nhà triết học nhân văn vào thời kỳ sơ khai, nó đã phát triển và mở rộng đến mức trở thành một nhân tố quan trọng trong thế giới dị thường nước Pháp. Hội Quý Ông tự xem mình là những người tiếp nối của phong trào Khai Sáng, với lý luận rằng phong trào này đã đấu tranh cho các quyền cơ bản của con người, nên "Tân Khai Sáng" cần tiếp tục đấu tranh cho các quyền cơ bản của những người dị thường. Hội Quý Ông chủ yếu hoạt động ở Pháp, nhưng dấu vết của họ cũng được tìm thấy ở Vương quốc Anh, Đức, Áo, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha, và có thể là cả Đông Âu. Quy mô tương đối nhỏ của hội làm hạn chế tầm hoạt động của nó, nhưng cũng đồng thời giúp họ dễ dàng lẩn tránh khỏi tầm theo dõi của Tổ Chức.
Tổ chức nội bộ:
Hội Quý Ông dường như được chia làm ba cấp bậc chính:
- "Mạng Lưới", bao gồm những thường dân làm người báo tin, chỉ có mặt ở chính quốc Pháp. Họ hỗ trợ Hội Quý Ông theo dõi động thái của các thế lực khác, và xác định vị trí của các dị thể. Những người báo tin trong Mạng Lưới làm việc theo nguyên tắc tuỳ cơ ứng biến. Một số người còn không biết cấp trên của mình là ai, nhưng một số khác được nhận làm môn đệ sau một thời gian làm nhiệm vụ này.
- "Môn Đệ" là người học việc của các Quý Ông, được họ giảng dạy về khoa học dị thường và học thuyết triết học của hội, đồng thời tham gia một số nhiệm vụ "thực địa". Mỗi một Môn Đệ đều được kỳ vọng sẽ trở thành Quý Ông vào một ngày nào đó.
- Quý Ông, được bổ nhiệm thông qua sự nhất trí của các Quý Ông khác. Họ là những người đứng đầu của hiệp hội: họ sẽ thực hiện một lời tuyên thệ, nhận "Ba Món Quà", bao gồm một cái tên mới, một chỗ ở riêng tư, một khoản tài trợ, và có trách nhiệm dẫn dắt một hoặc một số môn đệ. Các Quý Ông có quyền hoạt động tự do ngoài các khuôn khổ của tổ chức, có thể tiến hành các công việc độc lập miễn là những nghiên cứu của họ không chệch khỏi đường lối đã được thiết lập bởi Đại Hội. Cho nên, một bộ phận các Quý Ông chỉ hoạt động nghiên cứu, và dẫn dắt các môn đệ của họ ở nhà riêng, trong khi những người còn lại tham gia các hội quán và câu lạc bộ. Tổ Chức ước tính số lượng thành viên của cấp bậc này không vượt quá một nghìn người.
Cơ cấu tổ chức của Hội Quý Ông dường như không được thể chế hoá, với bộ phận hành chính duy nhất của nó là "Đại Hội Nhân Văn". Hội đồng này sẽ họp với tần suất không cố định để vạch ra cương lĩnh cho toàn hội, cũng như phân bổ kinh phí cho mỗi Quý Ông. Thế lực này dường như được tổ chức dưới hình thức của một chế độ nhân tài.
Kinh phí:
Ngân sách tài chính của Hội Quý Ông đến từ phí thành viên mà mọi Quý Ông chính thức phải trả. Số tiền này sau đó sẽ được tập hợp lại và phân phối đến từng Quý Ông theo thành tích và nhu cầu cá nhân. Ngoài ra, hội còn nhận được hỗ trợ quyên góp từ những thành viên giàu có nhất; thực tế đã có rất nhiều gia tộc giàu có tham gia vào hội xuyên suốt lịch sử. Dường như những người bảo trợ ẩn danh có cùng lý tưởng với Hội Quý Ông cũng đã có những đóng góp nhất định. Sau cùng, một bộ phận nhất định những dị thể đã được tạo ra nhằm mục đích bán ra thông qua trung gian là Công ty Marshall, Carter và Dark, một thế lực thường xuyên có liên hệ với Hội Quý Ông.
Các hoạt động:
«Merleau, Da Lozzo, de Bellegarde, de Montieu và Ponty chuẩn bị tham gia họp Đại Hội vào ngày 1 tháng Sáu.»
Các hoạt động chính của Hội Quý Ông tập trung vào việc nghiên cứu dị thể, đặc biệt là học thuyết về cầu kỳ dị, và chế tạo những dị thể có thể cải thiện đời sống cho con người. Một số Quý Ông còn áp dụng triết học thực tiễn vào dị thể.
Có nhiều chính sách khác nhau giới hạn các hoạt động của Hội Quý Ông. Mặc dù đa phần chúng chưa được Tổ Chức hiểu rõ, ba chính sách cơ bản có thể được trích dẫn:
- "Nova Gloria" (Tân Vinh Quang), là trụ cột và nền tảng cho các hoạt động của Hội Quý Ông. Chúng liên quan đến việc chế tạo những dị thể nhằm cải thiện khả năng và đời sống cho con người, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc tìm hiểu về cơ chế và quy luật chi phối loài người nhằm biến đổi các đặc điểm của họ. Theo triết lý của Hội Quý Ông, đạt đến "Tân Vinh Quang" đồng nghĩa với việc biến dị tính trở thành bản chất tự nhiên của con người.
- Chính sách "Renovatio Pulchritati" (Phục Hưng Thiện Mỹ) hướng đến việc tạo ra "thứ nghệ thuật của Thượng Nhân". Chính sách này liên quan đến việc tài trợ cho các dị sĩ (nghệ sĩ dị thường) tạo ra các tác phẩm huyễn nghệ (mỹ thuật dị thường), khiến cho Hội Quý Ông trở thành những người bảo trợ quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật dị thường.
- "Hominum" (Vị Nhân), một tư tưởng chính trị vốn có nguồn gốc phi dị thường. Hội Quý Ông tài trợ cho các sứ mệnh Nhân đạo nhằm mang lại lợi ích cho, nhưng không chỉ cho, nhân dân sống dưới ách cai trị của các chính phủ độc tài, đặc biệt là khi chúng muốn kiểm soát lợi ích từ hiện tượng dị thường. Thế lực Đáng lưu tâm này được cho là có hoạt động chống lại các chính thể nói trên, mặc dù trên thực tế vẫn chưa có bằng chứng nào về sự dính líu của họ có thể được tìm thấy.
Mặc dù vậy, các Quý Ông thường xem những hệ tư tưởng nói trên như các hướng dẫn hơn là những điều lệ nghiêm ngặt.
Công tác truyền bá tư tưởng nhân văn và siêu nhân loại của Hội chủ yếu được triển khai thông qua việc công bố các công trình khoa học và triết học. Để kết nạp thành viên mới, Hội Quý Ông sử dụng "Mạng Lưới" để để xác định các Môn Đệ tiềm năng, và thường thích tiếp cận họ với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, Hội Quý Ông thỉnh thoảng cũng tiếp cận thành viên của các thế lực khác, bao gồm cả Tổ Chức, nhằm thay đổi lý tưởng của họ, chủ yếu là do kiến thức sẵn có của họ về dị thể. Tổ Chức vận động các nhân sự tố giác mọi trường hợp bị tình nghi là có dính líu hay hợp tác với Hội Quý Ông Nhân Văn.
Các Quý Ông có hành tung cực kỳ kín kẽ, và rất khó để thu thập thông tin từ thế lực của họ. Họ dường như sở hữu kỹ năng thành thạo trong việc kiểm soát các tác nhân lan truyền nhận thức, và thường dùng chúng để truyền đạt thông tin mã hoá.
Quan hệ với Tổ Chức:
Hội Quý Ông không có thái độ thù địch trực tiếp với Tổ Chức, và nhiều lần thể hiện sự tôn trọng đối với Tổ Chức và những thành công của nó; tuy nhiên, các Quý Ông xem ý thức hệ của hai thế lực là "bất khả dung hoà". Hội Quý Ông cho rằng dị thể là những tiến trình tự nhiên, và việc chống lại nó là vô nghĩa và nguy hiểm, trái ngược với chính sách của Tổ Chức trong việc quản thúc mọi dị thể dù chúng có vô hại. Do lý do đó, cùng với sự thật là Hội Quý Ông cũng nhận thức được quy mô và lực lượng của nó quá nhỏ khi so sánh với Tổ Chức, nên họ không thể hiện thái độ trực tiếp, trừ khi điều mà họ quan tâm bị đe doạ.
Ghi chú từ Carole Piotrowski, chỉ huy Đội Đặc nhiệm Cơ động Tau-3 "Trung Đoàn của Nhà Vua":
Thực sự thì rất khó để giải thích việc trở thành một dị thể siêu nhân thì sẽ dẫn đến kết quả như thế nào. Chà, nói một cách thật dễ hiểu thì nó khiến một Quý Ông nặng chưa đến sáu mươi ký hạ gục hai đặc vụ trong đội của tôi trước khi bị khống chế.
Chính xác mà nói thì các Quý Ông gần như đồng nhất bản thân với lý tưởng Thượng Nhân của họ. Mọi tương tác với họ trên các phương diện đều sẽ khiến bạn nhận ra điều này. Không, họ không phải là supermen: khống chế một Quý Ông không hề dễ, nhưng cũng không phải là hoàn toàn bất khả thi đối với các đặc vụ của ĐĐNCĐ. Nhưng mỗi một Quý Ông đều mạnh, thông minh, và tinh anh hơn nhiều khi so sánh với những người bình thường. Họ có một loạt những tăng cường hữu ích không chỉ ở khía cạnh giao tranh vật lý. Chúng còn cải thiện họ thành những triết gia, và những nhà khoa học, xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, như họ đã từng vào khoảng giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20, trước khi khoa học phát triển đến trình độ phức tạp đòi hỏi mỗi cá nhân phải chuyên môn hoá trong một số lĩnh vực nhất định. Đặc tính này khiến những Quý Ông có khả năng tham gia nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau, khoác lên cho họ một hào quang "cổ điển" rực rỡ mà họ đã phải trau dồi rất nhiều. Các Quý Ông có sở thích tham khảo từ quá khứ, chủ yếu là trong thời kỳ vinh quang của họ, mang lại cho Hội một phong cách độc đáo và đầy thú vị.
Những khuynh hướng này không phải là điều gì quá mới mẻ. Khi thành lập thế lực, de Courville đã gọi các cộng sự của mình là « Quý Ông » như một sự mỉa mai nhẹ nhàng rút ra từ điều đó. Họ chỉ trích giới quý tộc nhưng đồng thời mượn những biệt ngữ của họ; như trích dẫn của de Courville "những tâm hồn Quý Ông, nhưng không có danh hiệu đó". Sự quan tâm của Hội đến chủ nghĩa hình tượng là rất mạnh mẽ: châm ngôn của họ được trích ra từ kinh thánh, và nhiều thành ngữ của họ đến từ các Triều đại Cổ xưa, mặc dù họ là những người theo lý tưởng cộng hoà. Hội Quý Ông hiểu rõ "tầm quan trọng của thẩm mỹ"; họ biết làm thế nào mà hình thức có thể được dùng để đánh giá bản chất, và họ quả quyết rằng đó là một thành kiến hiệu quả.
Ghi chú từ Ts. Valbeaugris, thành viên ĐĐNCĐ Tau-3 "Trung Đoàn của Nhà Vua" kiêm giám đốc Phòng ban Lý thuyết Cơ bản tại Điểm Aleph:
Họ gọi đây là "chủ nghĩa lạc quan lượng tử".
Nói một cách đơn giản, trong vật lý lượng tử, khi một người quan sát có thể không phải là con người theo dõi một thử nghiệm, kết quả của nó có thể bị thay đổi. Điều này là do một số đặc trưng trong hệ thống lượng tử, khiến nó có thể ở những trạng thái khác nhau cùng một lúc, và việc quan sát hệ thống đã chỉ định nó ở một trạng thái đơn nhất ngẫu nhiên. Làm thế nào mà nhận thức có thể tác động đến thực tại vật lý vẫn còn là một bí ẩn đang được thảo luận rộng rãi trong giới khoa học, nhưng đó không phải là câu hỏi ở đây. Do hiện tượng "quan sát lượng tử" này, chúng ta có thể khẳng định rằng nhận thức của con người có thể tác động đến thực tại. Từ luận điểm này, có thể cho rằng một người có thể tác động lên thực tại bằng ý chí của mình, và đó là một kẽ hở mỏng manh mà các Quý Ông có thể tự do vượt qua.
Từ góc độ này, Hội Quý Ông khẳng định rằng nếu giữ gìn thái độ lạc quan, suy nghĩ về việc thành công đạt được những thứ mà mình mong muốn, chúng ta có thể gây ra những tác động tích cực đến hiện thực. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là ta cứ nằm im trên giường, nghĩ về thành công và chờ đợi thực tại tạo ra nó, rồi mang nó đến cho chúng ta. Không, thành công là sản phẩm phụ từ việc lao động, và đối với các Quý Ông, lao động cho chính mình quan trọng tương đương với những thành tựu vật chất. Tôi sẽ cho bạn một ví dụ cụ thể.
Vào thế kỷ 18, khoảng thời gian mà Hội được thành lập, các Quý Ông có đủ lý do để giữ sự lạc quan: họ có tầm ảnh hưởng sâu rộng, sự quan tâm sâu sắc đến triết học và khoa học nhân văn, trong lúc chế độ quân chủ đang dần sụp đổ. Thái độ lạc quan đó không có lý do gì để chững lại sau cuộc Cách mạng năm 1789, mà thăng hoa hơn nữa trong sự nhiệt thành của nền cộng hoà, và việc soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền. Đó là những ngày tháng vinh quang nhất của Hội Quý Ông, và mặc dù những sự kiện tiếp sau đó thường được mô tả như địa ngục, những Quý Ông vẫn không từ bỏ sự lạc quan của mình. Dù rằng khi trải qua sự phản bội khủng khiếp của chế độ Tổng tài, và sau đó là Đế chế, việc lãnh tụ của Hội hi sinh ở cuối những sự kiện ấy, sự thất bại của phe Phục hoàng, việc mất đi sự bảo trợ chính trị, trải qua hàng loạt nỗ lực phục hoàng, tái lập Đế chế, hàng tá những cuộc xâm lược vào lãnh thổ nước nhà, cũng như sự suy tàn của nền triết học nhân văn, Hội Quý Ông vẫn tồn tại đến ngày nay.
Bạn có đang xem xét điều này theo quan điểm của tôi? Làm thế nào mà một người có thể khẳng định rằng ý tưởng về sự lạc quan lượng tử chỉ là một lý thuyết triết học giả tưởng? Tại sao chúng ta không nhìn vào những lần mà họ thành công sống sót qua những thời khắc tưởng chừng như tồi tệ nhất? Chắc vậy; đây chính là vũ khí lợi hại nhất của Hội Quý Ông. Lý trí của bạn sẽ cố tìm ra một cách giải thích khác, bạn có thể sẽ quên xét đến một hay hai sự thật nào đó khi cố gắng tìm ra một đáp án hợp logic, và rồi đáp án mà bạn tìm ra sẽ chỉ thoả mãn suy nghĩ của bạn. Nhưng những nghi vấn sẽ vẫn còn đó; bạn sẽ bảo "Không, nhìn vào sự thật đi, điều đó chưa hẳn là khả thi… nhưng mà…"
Và rồi những nghi vấn này sẽ dẫn đến chủ nghĩa lạc quan lượng tử. Tưởng tượng rằng bạn phải đặt ra nghi vấn đối với toàn bộ hệ thống tư duy của mình, thứ mà bạn đã phải gầy dựng từng chút một qua cả những thành công lẫn thất bại. Tưởng tượng rằng mọi thứ tạo nên, và định hình bạn bị thổi bay trong một cơn gió, nhẹ nhàng và êm đềm. Tổ Chức đã để mất nhiều nhân sự theo cách đó. Có thể sẽ mất nhiều năm, nhưng nghi vấn mà những Quý Ông đã gieo vào bạn là một thứ không thể nhổ sạch được.
Một số thành viên của ĐĐNCĐ Tau 3 đang được trị liệu về mặt tâm lý là bằng chứng cho điều đó.
Ghi chú từ Ts. Sarah Bonnassieux, nhà tâm lý học và xã hội học phụ trách nghiên cứu về TLĐLT này:
Xây dựng một hồ sơ tâm lý học cho các Quý Ông rất phức tạp. Họ là những người đàn ông và phụ nữ có một điểm chung duy nhất là sự ám ảnh và niềm tin của họ vào tiến bộ của loài người. Mặc dù các tầng lớp và nghề nghiệp thấp hơn trong xã hội dường như không có đại diện trong thế lực này, các Quý Ông xuất thân từ vô số kiểu sống khác nhau, và tồn tại một kiểu mẫu cổ điển để dẫn dắt các thành viên mới hoà nhập vào hàng ngũ của Hội Quý Ông.
Nhưng bạn đã biết, khuynh hướng bi quan phổ biến rằng "ngày xưa thì tốt hơn" không phải ngoại lệ ở bất kỳ thời đại nào, như một trích dẫn của Socrates: "Người trẻ ngày nay yêu chuộng sự phù phiếm; họ cư xử tệ bạc, coi thường bề trên, không kính trọng người lớn tuổi, và thích nói nhiều hơn là làm". Nhưng thế kỷ hai mươi mốt là thời đại duy nhất được thụ hưởng các phương tiện truyền thông toàn cầu phát triển cực nhanh, khiến cho quan niệm đó tồn tại ở khắp nơi. Khi đối mặt với hiện trạng này, chủ nghĩa yếm thế và bi quan đã được sử dụng để dễ dàng truyền bá quan niệm này qua các phương tiện truyền thông. Hội Quý Ông có câu trả lời cho hiện tượng này, mặc dù nguyên nhân chính gây ra nó vẫn chưa được hiểu rõ, phần lớn các Quý Ông, và Môn Đệ của họ, đều từng trải qua một cảm giác phẫn uất trước hiện tượng bi quan toàn cầu này. Sự phẫn uất này chỉ có thể tăng dần, do sự thoái trào nhanh chóng của chủ nghĩa nhân văn trước các cuộc khủng hoảng sinh thái, và những thiên tai nhân hoạ mà cuối cùng không thể bị phớt lờ được nữa. Cuộc khủng hoảng chủ nghĩa nhân văn tăng tốc hơn nữa trong giai đoạn này, và đó là lúc các Quý Ông tiến hành tiếp xúc với những cá nhân. Chủ nghĩa nhân văn của họ sau đó nhìn chung sẽ trở nên mãnh liệt hơn nữa, do tầm quan trọng của thời kỳ khủng hoảng này. Hơn nữa, sự tiến bộ này có liên quan đến các dị thể, mà rõ ràng là các Quý Ông đã sử dụng thành thạo, nói chung có thể ngăn chặn sự xuất hiện của Hội chứng Filbuson, xúc tác cho sự quan tâm và say mê dị thể của họ.
Sau giai đoạn này, không khó để một Quý Ông xác lập đức tin theo nghĩa đen cho một cá nhân. Toàn bộ nền triết học của họ, ý tôi nói ở đây là những triết học thực sự được pháp điển hoá trong các tác phẩm của họ, giải thích tường tận tại sao chủ nghĩa nhân văn là hướng tư duy hữu lý duy nhất; về bản chất thì đây là triết học hiện sinh, nó cho rằng Nhân loại là một tồn tại được định nghĩa bởi hành động của họ trong thế giới vật chất, và không hề tồn tại một "bản thể" phi vật chất nào cả. Nền tảng triết học của họ được xây dựng xoay quanh ý niệm vị lợi. Hội Quý Ông định nghĩa ý niệm này rằng mọi thứ đều có lợi cho loài người theo một cách nào đó, và khẳng định thêm nữa, rằng mọi thứ có lợi cho con người thì về bản chất là tốt đẹp; theo định nghĩa này, những thứ tưởng như vô dụng hoá ra lại hữu ích: bằng cách mang đến lạc thú cho con người, nó có lợi. Đây là điểm độc đáo trong triết học của họ trên mối quan hệ với giá trị đạo đức.
Tôi có thể đưa cho bạn một luận chứng triết học chính xác, nhưng bạn cần phải hiểu rằng quan niệm vị lợi này một quả bom hạt nhân trong nền triết học. Thuyết tất định, rằng tồn tại một định mệnh thiêng liêng, hay ngược lại? Thượng đế hay ý chí "Tự nhiên" có thể tồn tại nhưng sự tồn tại đó không thực sự hữu ích. Chủ nghĩa hư vô? Hiện thực rất có thể không hề tồn tại, nhưng các Quý Ông không quan tâm, bởi chẳng có ích lợi gì khi công nhận nó không tồn tại. Như vậy, bằng cách khẳng định Nhân loại là nguồn gốc duy nhất cho tiến bộ, cho hạnh phúc, cho phản ánh, cho khoái lạc, và mọi thứ có ý nghĩa khác, Hội Quý Ông tiến đến kết luận rằng Nhân loại là tất cả. Hay nói tóm lại, "Nhân loại là tất cả đối với loài người", trích dẫn Alexandre de Berriot. Bạn có thể cố gắng tranh luận với một Quý Ông, cố gắng khiến hắn ta từ bỏ lời thề, tra tấn hắn, hay bất cứ điều gì khác.
Nhưng hầu hết mọi người sẽ bỏ cuộc sau mười hai lần nghe Quý Ông đáp rằng những điều bạn đang làm thật vô ích.
Dù rằng Hội Quý Ông có đặc điểm nổi bật là tiến hành các hoạt động một cách kín đáo trong cộng đồng dị thường quốc tế, họ vẫn có mối quan hệ đối đầu mãnh liệt với các Thế lực Đáng lưu tâm có sứ mệnh phá huỷ dị thể; tuy nhiên, vẫn tồn tại những mối liên hệ - thường có tính chất lịch sử - giữa Hội Quý Ông và các thế lực khác.
Liên minh Huyền bí Toàn cầu
Trạng thái: Thù địch/Cảnh giác.
Hội Quý Ông có thái độ thù địch công khai chống lại Liên minh Huyền bí Toàn cầu. Mặc dù họ không tấn công trực tiếp vào thế lực này do sự chênh lệch về nguồn lực, nhưng họ vẫn nhiều lần làm gián đoạn các chiến dịch của GOC nhằm bảo vệ các vật thể SCP khỏi bị phá huỷ. Hội Quý Ông kịch liệt phản đối chính sách của họ trong việc phá huỷ các vật thể dị thường, cho rằng chúng thật "vô trách nhiệm", và "nguy hiểm".
Các Quý Ông đã được đặt dưới chỉ thị bắt giữ của Liên minh Huyền bí Toàn cầu, do họ được xem là mối đe doạ đáng kể đối với sự bình thường. Trong lịch sử, Hội Quý Ông thường xem Hội đồng 108 là một thế lực non tay và thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực dị thường, do họ mới được thành lập gần đây sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, trong khi Hội Quý Ông Nhân Văn đã tồn tại từ thế kỷ 18.
SAPHIR
Trạng thái: Thù địch/Tương đồng.
Là hai thế lực đại diện có hoạt động lớn nhất trong thế giới dị thường Pháp, Hội Quý Ông và SAPHIR không hề che đậy thái độ thù địch với đối phương. Điều này có thể được giải thích là do sự khác biệt ý thức hệ giữa hai bên, cũng như phương pháp hoạt động trái ngược của họ; Hội Quý Ông phê phán bạo động và khủng bố, trong khi SAPHIR phê phán sự thụ động. Sự cạnh tranh của họ cũng có thể được giải thích khi công tác chiêu mộ thành viên của họ đều hội tụ vào cộng đồng khoa học.
Sự chống đối này có nguồn gốc lịch sử từ thế kỷ 18, khi hai thế lực này vốn là một thể. Khác biệt ý thức hệ giữa hai phong trào bắt đầu trong Triều đại Khủng bố, khi thế lực bị chia rẽ giữa những người theo chủ nghĩa vô thần của Nam tước d'Holbach và những người theo chủ nghĩa siêu nhân loại của Jean-Baptiste Ravin de Courville.
Cty Marshall, Carter và Dark
Trạng thái: Thân thiện/Hợp tác.
Giữa Hội Quý Ông với Marshall, Carter và Dark dường như tồn tại một mối quan hệ đặc biệt liên quan đến các vật thể dị thường. Hai thế lực tiến hành trao đổi thông tin thông qua mạng lưới của họ, bên cạnh việc có nhiều thành viên thuộc cả hai thế lực. Hơn nữa, Hội Quý Ông còn có xu hướng bán các vật thể dị thường cho chi nhánh tại London để gây quỹ cho các hoạt động của họ,
Sự hợp tác giữa hai thế lực này có tính chất lịch sử, bắt nguồn từ cuộc giao dịch đầu tiên giữa họ vào khoảng thế kỷ 19; dù rằng cuộc giao dịch này diễn ra trong tình thế bắt buộc, nó đã cho phép hai thế lực thắt chặt mối quan hệ kể từ đó.
Xà Thủ
Trạng thái: Không rõ.
Mối quan hệ giữa Xà Thủ và Hội Quý Ông rất mơ hồ, do chủ đích vốn có của cả hai thế lực. Tuy vậy, do sự tương đồng ý thức hệ, họ không bỏ qua nhau, thể hiện ở mối quan hệ xen kẽ giữa xung đột và hợp tác của họ. Vấn đề của các cá nhân dị thường dường như là điểm giao nhau giữa hai thế lực này, khi cả hai đều muốn bảo vệ những quyền cơ bản của họ.
Có vẻ như tồn tại những mối liên hệ có tính chất lịch sử không xác định giữa hai thế lực.
Giáo phái Sarkic
Trạng thái: Thù địch/Chủ động.
Mặc dù Hội Quý Ông thường có thái độ hoà hoãn, họ lại xem Giáo phải Sarkic như một điều đáng kinh tởm, do tín ngưỡng của Sarkic trái ngược hoàn toàn với quan niệm nhân văn của Hội Quý Ông, và rõ ràng hơn là chống lại niềm tin "Chân, Thiện, Mỹ". Họ cho rằng những biến đổi trên các tín đồ của đạo Sarkic là sự một sự báng bổ Nhân loại và tương đương với việc từ bỏ thân phận con người. Vì những lý do đó, Hội Quý Ông cực kỳ thù địch với Giáo phái Sarkic, và muốn tiêu diệt toàn diện thế lực này.
Một số Quý Ông dường như đã cống hiến cả cuộc đời cho nỗ lực nhổ tận gốc Giáo phái Sarkic.
Các tôn giáo dị thường
Trạng thái: Không thân thiện/Không cố định.
Hội Quý Ông về mặt bản chất không có thái độ thù địch trực tiếp với các tôn giáo dị thường, thay vào đó, họ chống lại bất kỳ quan niệm nào cho rằng Nhân loại phải thần phục một thế lực cao hơn. Họ không công kích một giáo phái dị thường nào nhiều hơn là các tôn giáo không dị thường, do các Quý Ông tham gia mọi cuộc tranh luận tư tưởng và triết học chống lại mọi tín ngưỡng hàm chứa quan niệm làm xói mòn cá tính của con người và các quyền cơ bản của họ.