Số 09 - 2023

đánh giá: +9+x

LƯU Ý: Đây là trang tin báo thuộc chi nhánh Việt Nam của SCP Wiki. Các tin khác nhau của nhóm Tin báo đều truyền tải quan điểm riêng từ những người soạn báo kì ấy, không đại diện cho cả nhóm nhân viên trực thuộc hay toàn bộ nhân viên của Wiki. Nếu bạn cảm thấy nội dung có vấn đề, vui lòng liên hệ trưởng nhóm để họ xem xét và đưa ra quyết định chỉnh sửa. Chúng tôi luôn cố gắng cung cấp cho bạn những nội dung thú vị, và chúng tôi hiểu rằng mỗi người đều có sở thích và ý kiến khác nhau. Cảm ơn bạn vì đã ủng hộ và thấu hiểu cho chúng tôi!

Table of Contents
T9_2023_B%C3%ACa

Tin Báo SCP-VN

Tin báo SCP-VN là một dự án được triển khai trên Wiki SCP-VN bởi Nhóm Phụ Tin Báo. Dự án này hướng tới mục đích tăng mức độ nhận diện cho các bài viết/bản dịch mới được đăng tải trên Wiki trong cộng đồng thành viên, cũng như thúc đẩy việc sáng tác hội họa về vũ trụ SCP và các hoạt động bên lề khác mà độc giả quan tâm.

Tin Nhanh

  • 22/09/2023: Vào ngày này 4 năm về trước, Wiki Cộng hoà Séc của Tổ Chức SCP đã được công nhận là chi nhánh chính thức. Là một chi nhánh đã từng giao lưu với Wiki SCP Cộng hoà Séc, chúng tôi xin chúc mừng dấu mốc đáng nhớ này.
  • 30/09/2023: Xin chúc mừng RigballRigball đã được tập thể nhân viên Wiki bầu chọn làm Quản trị viên mới của Wiki SCP-VN! Chúc Rigball có khoảng thời gian làm việc hiệu quả và vui vẻ trên cương vị mới này, cũng như để lại nhiều dấu ấn tại Wiki SCP-VN trong tương lai.
  • 01/10/2023: Cuộc thi Tam Đề – Trinity Contest 2023 của Wiki SCP-VN đã bắt đầu, với những phần thưởng hấp dẫn dành cho người chiến thắng. Thông tin chi tiết tại đây.

Video mới từ kênh SCP Foundation Vietnam


375197850_609597361100774_3533761183023760148_n.png?ex=651638b0&is=6514e730&hm=2d77b20978338571cc7cfb4b22a4040edaf08fafa317ad5e72e5d6acf6be4415&

Đã bao giờ bạn thắc mắc, tại sao Tổ Chức SCP sở hữu quá nhiều vật thể và thực thể dị thường như vậy, nhưng họ lại không dùng chúng để tự vệ hay tấn công những thế lực khác? Điều gì đã khiến họ tự trói buộc mình với những loại vũ khí tầm thường chẳng có ích gì trước những thực thể hùng mạnh? Video này của SCP Foundation Vietnam sẽ đem đến cho bạn câu trả lời.

377982758_319164070603525_5773081165257241814_n.jpg?ex=651638b0&is=6514e730&hm=cc5b9894a9cd872052726f16767cf3fb0944c75d78cc21ae95e72903ed8aa63a&

Trong thực tế chiến đấu của những đội đặc nhiệm thuộc Tổ Chức SCP, nhiều khi mọi chuyện sẽ không hề diễn ra như mong muốn. Vậy thì làm thế nào để các đội đặc nhiệm có thể truyền tải thông tin cho nhau một cách dễ dàng, nhanh chóng và kín đáo, khi nhiệm vụ của họ thường liên quan đến những thứ khó có thể diễn tả ngắn gọn bằng lời lẽ thông thường? Video mới nhất của SCP Foundation Vietnam sẽ cho bạn một cái nhìn sâu hơn về cách những đội đặc nhiệm của Tổ Chức hoạt động trên chiến trường.

Tác Phẩm Nổi Bật

Dưới đây là danh sách tổng hợp các tác phẩm mới nhất được đăng tải trên wiki trong tháng 09/2023. Mong rằng các bạn sẽ yêu thích những tác phẩm này!

Các SCP Mới

SCP-183-VN - Tuyết Tàn Tro

TÁC GIẢ: DeptDept / WelpermanderWelpermander

Seong, cậu sẽ không còn là của tôi nữa. Sau này, cậu sẽ thuộc về những con người với tài năng và trí tưởng tượng có thể đưa cậu tới những cuộc phiêu lưu vượt xa so với những gì tôi có thể làm trong hàng triệu năm. Tôi mong khi đó cậu có thể lấp đầy những chỗ trống đó.

SCP-025-VN - Biên Niên Sử Maxilus Bất Bại

TÁC GIẢ: RigballRigball

SCP-025-VN: NHÂN DANH MẶT TRỜI! TA TRỤC XUẤT NGƯƠI XUỐNG CÕI VĨNH HẰNG, MONG CHO HỎA NGỤC LÀ ÁNH SÁNG DUY NHẤT NGƯƠI THẤY ĐƯỢC!

Các Ngoại truyện và Tài liệu Mới

Lịch sử cộng đồng dị thường và huyền thuật tại Việt Nam

TÁC GIẢ: Jasian_NguyenJasian_Nguyen

Huyền thuật học tại Việt Nam chủ yếu được thực hành bởi các cộng đồng dị thường và huyền thuật tại Việt Nam là một phần của cộng đồng dị thường thế giới. Nhìn chung, huyền thuật học có một lịch sử phong phú với nhiều cách thức và dòng học luyện khác nhau xuyên suốt lịch sử Việt Nam, và bị ảnh hưởng nhiều bởi các nước khác thuộc vùng văn hóa Á Đông, chủ yếu là Trung Quốc. Qua thời gian và sự phát triển lãnh thổ của Việt Nam, huyền thuật học trở thành một nét văn hóa lâu đời đặc sắc tại Việt Nam.

Bọn Lái Buôn Quận Không

TÁC GIẢ: Ronin (TIme Samurai)Ronin (TIme Samurai) / Nya PieceNya Piece

"Năm nghìn từ số mười ba!"

"Tám nghìn từ số bảy!"

Các vị khách khác tỏ vẻ ngạc nhiên, bàn tán với nhau trước con số ấy. Biển số mười ba được hạ xuống.

"Được rồi." Người chủ lên tiếng. "Tám nghìn lần thứ nhất! Tám nghìn lần thứ hai! Tám nghìn lần—"

Sổ Tay Dịch Thuật SCP-VN

TÁC GIẢ: Irina BougainvilleaIrina Bougainvillea, RedEyeMikeyyRedEyeMikeyy, DeptDept, t4nkut4nku, TutelTutel, RigballRigball, KirQKirQ, Jasian_NguyenJasian_Nguyen, Suzu-HitsujiSuzu-Hitsuji, Nya PieceNya Piece, Ronin (TIme Samurai)Ronin (TIme Samurai)

Đây là trang tập hợp những mẹo vặt mà các dịch giả tại Wiki SCP-VN đã thu thập được trong quá trình dịch thuật. Bạn hãy lưu ý rằng đây không phải quy định của Wiki, và bạn sẽ không bị xử phạt nếu không tuân theo những điều này – nhưng chúng có thể giúp quá trình dịch bài của bạn trơn tru và vui vẻ hơn nhiều. Hơn nữa, những mẹo nhỏ này không phải lúc nào cũng đúng, và chúng mình luôn khuyến khích bạn áp dụng chúng linh hoạt tuỳ trường hợp.

Họa Phẩm Nổi Bật – Tháng 09/2023

LƯU Ý: Những hoạ phẩm này đã được đăng tải tại Tin báo Wiki với sự cho phép của hoạ sĩ. Tin Báo Wiki SCP-VN không nắm giữ hay sở hữu bất kì họa phẩm nào dưới đây!

T9_Kansai_SCP-682

SCP-682

Họa phẩm bởi Kansai (server Discord Cộng đồng SCP Việt Nam).

Trang hội họa tại đây.


T9_WWhite_SCP-4812-K

SCP-4812-K – Lamenellant

Họa phẩm bởi WWhiteWWhite.

Trang hội họa tại đây.


T9_AndyWalker_MTF

Lính đặc nhiệm Việt Nam

Họa phẩm bởi AndyWalker (server Discord Cộng đồng SCP Việt Nam).


T9_De-speciald%20guy_SCP-096

SCP-096 trong vũ trụ

Họa phẩm bởi De-speciald guy (server Discord Cộng đồng SCP Việt Nam).


Phỏng Vấn Tháng 09/2023



Khách Mời: Nhóm Kỹ thuật, Wiki SCP-VN – wolf20482wolf20482, RedEyeMikeyyRedEyeMikeyy, JellyfishthecoolkidJellyfishthecoolkid
Phỏng Vấn Viên: Irina Bougainvillea, KirQ
Biên Soạn: Irina Bougainvillea, Tutel

Nhóm Kỹ Thuật – một trong những nhóm cốt lõi của SCP Wiki Việt Nam kể từ khi thành lập – đã giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì và cải thiện chất lượng Wiki. Trải qua rất nhiều khó khăn, Nhóm Kĩ thuật vẫn luôn là đội ngũ hoạt động tích cực bậc nhất Wiki SCP Việt Nam. Ngoài công việc sửa lỗi, cải thiện các vấn đề kĩ thuật, những thành viên của Nhóm Kĩ thuật cũng tham gia các hoạt động khác như Dịch thuật và Sáng tác.

Trong số báo lần này, ba thành viên từ trước tới nay của nhóm Kỹ thuật là wolf20482, RedEyeMikeyy và cựu nhân viên Jellyfishthecoolkid sẽ đem đến những góc nhìn đa dạng và thú vị về lập trình và công việc của nhóm. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của họ nhé!


Phỏng Vấn

Câu hỏi từ WPthai: Giải thích reCAPTCHA đi, tôi cần phải biết. Làm sao mà ấn dấu tích "tôi không phải robot" lại giải thích được rằng tôi không phải robot?

Sói: Có lúc bấm thì nó cho qua luôn vì nó đã theo dõi mình ngay từ đầu rồi. Còn nếu nó không cho qua thì mình sẽ phải làm một cái gì đó để chứng minh mình là con người.

CAPTCHA chia thành dạng ô vuông, có quả chọn đèn giao thông hay gì đó mà 1 cái pixel ở góc đèn nó nằm ở ô khác mà không biết có nên chọn không 😐

Mike: Cái hài hước là nhiều khi để rơi rớt mấy pixel nó cũng cho qua, vì nếu không chọn hết thì khả năng cao hơn đó sẽ là con người :)))

Mike: Theo một cách ngắn gọn nhất thì reCAPTCHA thu thập thông tin của người dùng (cách di chuyển chuột, lịch sử web, v.v…) và dựa vào đống thông tin đó để đoán xem người đang sử dụng web có phải là máy tính hay không.

WPthai: Nhìn mà học tập kìa AI! Chỉ có nhân loại mới di chuyển chuột ngu được thôi.

Mike: Hiện tại thì vụ di chuột nhấp cái hộp có một số trường hợp hề hước là mình di chuột nhanh quá nên nó tưởng mình là robot, nhưng về sau nó được tự động hoá (bằng cách ăn trộm thông tin người dùng đúng luật), nên quả nhấp hộp sắp biến mất rồi.

Khoai (StupifPotatoStupifPotato, trưởng nhóm Kỹ thuật): Nói chung là trả lời ngu thì nhanh thoát reCAPTCHA. Hãy ngu như một con người.

Sứa: Giải thích siêu đơn giản thì nó là một bài test để kiểm tra xem người truy cập là người dùng là một con bot hay là người thật. reCAPTCHA trông có thể sơ sài và không cần thiết nhưng nó giúp bảo vệ các trang web trước những đợt raid của bot. Bình thường bạn có thể kiểu ra lệnh cho bot vào trang nào đó rồi "thả bom" bằng cách spam bình luận "FREE ROBUX" liên tục, nhưng với reCAPTCHA thì bot rất khó để làm thế do phải vượt qua một bài test được thiết kế dành cho con người.

Câu hỏi từ Simpai: Các anh có giấu đoạn mã tự huỷ nào trong Wiki không?

Sói: Chắc là không giấu đâu.

Sứa: Tôi sẽ không giải thích gì thêm.

Câu hỏi từ MI SA: Các bạn có thể giải thích đơn giản về mã nguồn không? Như cách nó hoạt động, làm thế nào để lập trình một đoạn mã nguồn (mấy cái đoạn code ngắn mình hay dùng để viết bài á). Nếu mình có thể tự học những điều trên thì chọn nguồn nào là đầy đủ nhất, mình đã thử tra Google nhưng không tìm được cái gì có ích cả.

Sói: Ý anh là cú pháp Wikidot á?

Mike: Bình thường code Wiki mà mình sử dụng thì có các module CSS và HTML nên nếu muốn học cách xử lý code Wiki thì ưu tiên hai cái này nhá.

MI SA: Vấn đề là tôi search Google Wikidot syntax các kiểu nhưng mà nó không có hướng dẫn đầy đủ ấy. Tìm trên trang chủ Wikidot cũng không thấy luôn.

Mike: Cái này nếu do theme thì sẽ phải mò vào code nguồn của theme đó để check.

Khoai: Dễ ấy mà, bạn cứ phá banh cái sandbox là xong.

Mike: Không sai. Thử và sai là phương pháp học cực tốt.

Sứa: Cách giải thích dễ hiểu nhất là cứ tưởng tượng mã nguồn là những chỉ dẫn, câu lệnh để ra lệnh cho một cỗ máy thực hiện nhiệm vụ được yêu cầu. Lấy ví dụ nếu bạn muốn ra lệnh cho một con robot "đứng lên" thì bạn sẽ sử dụng ngôn ngữ lập trình để ra lệnh cho nó "đứng lên", và cái câu lệnh "đứng lên" này sẽ được chứa vào một "cái hộp" tạm gọi là mã nguồn. Lý do tại sao phải sử dụng ngôn ngữ lập trình vì đây là ngôn ngữ mà máy tính có thể đọc được. Bạn có thể tượng tượng nhân loại nói tiếng Việt trong khi máy tính nói tiếng Anh. Bạn sẽ không thể nào ra lệnh cho một người xài tiếng Anh bằng tiếng Việt được, đơn giản bởi vì họ không hiểu ngôn ngữ đó. Trên Wiki thì có một số câu lệnh đặc biệt dùng để trích xuất mã nguồn, bạn có thể tạm hiểu là lấy chỉ dẫn từ "cái hộp" gọi là mã nguồn rồi đưa vào một "cái hộp" khác. Đó là lý do vì sao trên Wiki, khi bạn ném một câu lệnh đơn giản như thế này "[[include theme:pet]]" vào mã nguồn thì tự nhiên toàn bộ giao diện của trang thay đổi hoàn toàn. Ừm nói thật là cách giải thích này cũng không chuẩn lắm, nếu được thì Sói sẽ giải thích chuyên sâu hơn.

Sói: Khi mình gõ code Wiki (thuật ngữ chính thức là Wikitext) và lưu trang, mỗi lần mở trang thì phần mềm trong máy chủ sẽ lấy mã nguồn của trang, parse nó thành 1 cái gọi là Abstract Syntax Tree (AST) rồi từ cái AST đó, thu thập dữ liệu bổ sung nếu cần thiết rồi biến đổi thành HTML. Nó kiểu như giống cái quá trình compile code, ai muốn thì có thể vào mã nguồn Wikidot để tìm hiểu kỹ hơn. Các phần mềm wiki khác cũng dùng phương pháp kiểu này. Đây là Wikitext parser của Wikijump.

Câu hỏi từ tetchup: AI artist có nên được tính là hoạ sĩ theo góc nhìn của anh không?

Mike: Nếu như là 100% dữ liệu để train con AI đó là của 1 người (ở đây đúng chuẩn là 1 người vẽ cả triệu bức tranh để train nó) thì ừ công nhận. Mỗi tội thì không ai thực sự đủ sức vẽ 1 triệu bức tranh khác nhau ra đâu. Cộng thêm là nếu họ viết được cái model học vẽ được như stable diffusion và toàn bộ dữ liệu đưa vào nuôi nó là của họ 100% thì khi đó họ được gọi là artist AI.

tetchup: Vậy nó chỉ đơn giản là mình sẽ được tính bằng cách nuôi con AI đó như nuôi con cho đến khi nó đủ não để tự vẽ tranh thôi sao?

Mike: Kiểu kiểu vậy thật đấy =)) Nuôi AI như nuôi con.

Sứa: AI chỉ đơn giản là cắp tranh từ những họa sĩ thật để tạo ra một bức tranh tương đồng. Tôi không cho rằng AI artist là họa sĩ, tôi sẽ gọi họ là prompt engineer. Với lại nếu bạn sử dụng tranh AI để kiếm lợi nhuận thì tôi sẽ coi là ăn cắp tranh, do AI sử dụng tranh của những họa sĩ mà không xin phép.

Câu hỏi từ Simpai: Ai dẫn dắt các anh vào con đường lập trình viên này?

Sói: Ông trời.

Simpai: Vậy anh có biết ơn ông trời không?

Sói: Uhhhhh… có lẽ có. Mặc dù có những lúc chỉ muốn đập đầu vào tường.

Câu hỏi từ MI SA: Có người nói AI sẽ thay thế các lập trình viên, các bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Mike: Hiện tại thì mình thấy nó dừng ở giai đoạn hỗ trợ, và khá chắc nó không đi lên cao hơn được đâu. Mà nếu nó thực sự lên được cao hơn ấy thì nó sẽ dừng lại ở giai đoạn nhập vào yêu cầu và trả về kết quả hoàn chỉnh. Nhưng mà khi đó sẽ cần những người hiểu về chi tiết để sửa, nên nó cũng sẽ chỉ dừng lại ở giai đoạn hỗ trợ viết code thôi, thay thế là không khả thi.

Sứa: Tôi sẽ nhấn mạnh câu này: AI SẼ KHÔNG BAO GIỜ THAY THẾ LẬP TRÌNH VIÊN. AI là một công cụ dùng để hỗ trợ loài người, không phải là để thay thế loài người. Khi tôi làm AI suy nghĩ đầu tiên của tôi là sử dụng nó nhằm giảm hao phí sức lực con người. Những công việc lặp đi lặp lại như quét nhà, rửa bát,… có thể sử dụng máy móc để làm thay thế, giúp con người tiết kiệm thời gian. Cánh báo chí hay viết kiểu "AI biết viết code, vậy nên nó sẽ thay thế lập trình viên" là sai hoàn toàn. Cái suy nghĩ này giống như "Tôi biết vẽ, vậy nên tôi có thể trở thành một họa sĩ". AI có thể viết code, nhưng tôi thú thật vào thời điểm hiện tại nó chỉ có thể viết được những đoạn code cơ bản, kiểu làm ra một trang web sơ sài. Còn nếu muốn code ra một cái trang web đàng hoàng, có thể sử dụng được cho mục đích riêng thì bạn vẫn phải biết code ở một mức độ nào đó. Chung quy lại, việc sử dụng AI để thay thế lập trình viên là rất khó. Người sử dụng muốn khai thác tối đa tiềm năng của AI vẫn cần phải có kiến thức lập trình. Nếu bạn không biết gì về lập trình tôi đảm bảo với bạn bạn sẽ không biết xử lý thế nào khi code AI viết ra không hoạt động, đơn giản bởi vì bạn không hiểu cái code đó viết để làm gì. Nếu bạn không tin tôi bạn có thể cho một ông họa sĩ và một ông không biết gì về hội họa cùng sử dụng chung một AI để tạo ra tranh vẽ. Tôi đảm bảo bạn sẽ thấy chất lượng tranh của hai đối tượng sử dụng là hoàn toàn khác biệt. Đó là vì ông họa sĩ biết về tỉ lệ, độ đậm nhạt, sáng tối,… nên có thể nhận ra ngay nếu tranh của AI không đạt yêu cầu và có thể nhanh chóng xử lại. Còn người kia do không có kiến thức gì về hội họa nên thấy tranh gì chân thực, trông đẹp là chọn, mặc kệ không thèm kiểm tra những lỗi sai tiểu tiết trong tranh. Tôi hi vọng vậy là đủ để trả lời cho câu hỏi này.

Câu hỏi từ Jasian Nguyen: Nếu muốn bắt đầu học code thì em nên học Python, Java hay C++? Mọi người học code từ bao giờ và ở đâu?

Mike: C = Python -> C++ -> Java theo thang khó dần. Học thì như việc mình học lên thôi, càng sớm càng tốt vì càng học lâu thì càng có nhiều kinh nghiệm xử lý.

Sứa: Python. Siêu dễ học, siêu dễ hiểu, siêu phổ biến, có thể học chuyên sâu, có thể kiếm việc nếu thông thạo, etc. Nếu bạn hỏi 100 người câu hỏi này tôi cá 99 sẽ trả lời là Python. Thường các coder tôi gặp ai cũng thông thạo Python trước rồi mới đến ngôn ngữ khác, chỉ có vài trường hợp học những ngôn ngữ khác như C#, Java,… trước, và một số ít trường hợp thích khổ dâm nên học C++ đầu tiên.

Tôi học code từ năm lớp 11. Khi đó thằng bạn tôi rủ làm game và tôi cũng hứng thú, kiểu ai mà chả muốn làm game của riêng mình. Lúc đầu tôi chọn RPG engine do sợ code, nhưng sau đó chuyển sang Godot học GDscript vì biết rằng muốn làm game hay thì trước sau gì cũng phải học code. Sau đó tôi vào server này và bắt đầu biết thêm một số ngôn ngữ khác như HTML, CSS,…

Câu hỏi từ Simpai: Mấy anh có xài AI khi viết code không?

Sói: Không.

Mike: Trả lời câu này khá là dễ. Xài coding VSCode (một IDE cho việc đi code) thì có một cái là Intellisense của Microsoft hỗ trợ trong việc viết code. Nên câu trả lời là có vì tắt cái Intellisense đi thì mình không sống được. Nói vậy chứ những cái cao cấp hơn như Tabnine thì mình ko động tới nha.

Tubication: Codium thì sao anh?

Mike: Không luôn. Intellisense là cái cơ bản cho coder VSC để sống. Cơ mà không xài AI thì đi ăn trộm.

Sói: Người viết ra dòng code đầu tiên trên thế giới vào những năm 19xx:

Sứa: Không, và tôi nghĩ trong tương lai vẫn là không. AI rất tốt trong việc viết code siêu nhanh nhưng mấy cái chuyên sâu thì rất tệ. Tôi đã code được hơn một năm nên đã có đầy đủ code cho mấy cái "nền" để copy nên không cần AI viết hộ nữa. Với lại giờ bạn có thể sao chép code trên github nên dùng AI để code cũng khá vô nghĩa.

Câu hỏi từ Tutel: Nhóm Kỹ thuật có bao giờ ổn không?

Sói: Không.

Mike: Luôn luôn bất ổn.

Sứa: Nhóm Kỹ thuật là kiểu 70 phần trăm ngồi chơi, 29 phần trăm ngủ, 1 phần trăm là làm việc. Nhóm Kỹ thuật chơi nhiều nhưng khi có việc là chạy toán loạn vì không biết xử lý ra sao. Nên ừ, Nhóm Kỹ thuật chưa bao giờ ổn.

Câu hỏi từ Simpai: Việt Nam thiếu lập trình viên chất lượng cao, vậy thì người ta đánh giá lập trình viên có chất lượng như thế nào vậy?

Sói: Nghe bảo trong technical interview thì mình phải làm đề, mà phải vừa làm vừa nói mồm cho người phỏng vấn nghe mới chịu.

Mike: Cái tệ nhất mà muốn phỏng vấn để có việc là biết viết code giả.

Sứa: Cái này thì tùy người. Một số công ty có thể coi những người có nhiều năm kinh nghiệm hoặc biết nhiều ngôn ngữ là lập trình viên chất lượng cao. Đối với tôi lập trình viên chất lượng cao là người có thể nhanh chóng hiểu ra vấn đề + trầm tính, không hoảng loạn + viết code rõ ràng, sạch đẹp. Thằng bạn tôi học code được có một tháng nhưng tôi sẽ đánh giá nó là "lập trình viên chất lượng cao" do nó đáp ứng đủ ba tiêu chí trên.

Câu hỏi từ Tubication:

  1. Làm thế nào để kiểm soát thời gian giữa công việc và giải trí?
  2. Làm thế nào mà mọi người có thể học một ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới vậy?
  3. Em hỏi bài tập được không?

Mike:

  1. Câu trả lời là 100% việc cho nó xong trước rồi chơi sau, việc luôn đặt trên chơi.
  2. Cái này thì cứ học theo hướng dẫn trên mạng thôi.
  3. Khum.

Sứa: Ừm tôi cũng không phải có nhiều kinh nghiệm nhưng cứ trả lời để bạn tham khảo nhé:

  1. Tôi gợi ý chia đều 50% thời gian là công việc, 50% là giải trí hoặc chăm sóc bản thân. Bạn có thể tự viết một thời khóa biểu đơn giản để giữ kỷ luật. Khi viết thời khóa biểu tôi nghĩ nên viết những thời gian nào mà bạn không làm việc trước, sau đó mới để chỗ dư cho công việc. Ví dụ tôi nghĩ là mình sẽ không làm việc từ 5h sáng đến 6h, và tôi có thể làm bất cứ thứ gì tôi thích trong thời gian này và sau 6h tôi sẽ phải làm việc một cách nghiêm túc. Cách này dùng để tránh việc bạn vừa làm vừa chơi, làm giảm hiệu suất công việc của bạn.
  2. Cái này khá đơn giản, chỉ cần lên YouTube gõ "beginner tutorial" là nó sẽ ra một đống video hướng dẫn siêu cơ bản giúp bạn học mọi kỹ năng mà bạn muốn. Tôi không khuyến khích học trên những nền tảng khác như Master Class vì không nhiều video hướng dẫn bằng YouTube + mất phí + không chắc chất lượng hơn YouTube coi chùa. Bạn cũng cần phải kiên trì và cố gắng dành khoảng 1 tiếng mỗi ngày học kỹ năng đó. Những người thất bại trong việc học kỹ năng mới thường là do thiếu kiên trì.
  3. Đừng hỏi tôi, cả năm cấp ba tôi bỏ bê việc học để đi code game. Nhục kinh khủng khiếp.

Câu hỏi từ Bougainvillea: Mọi người ghét lỗi code nào của Wiki nhất?

Mike: Black Highlighter (BHL) và những cơn ác mộng mà nó kéo theo với những cái theme dựa trên BHL.

Sói: EN overhaul nữa, lúc mà có cập nhật lớn của cái theme nào đó. Mà CSS nó không chỉ mình lỗi ở đâu, phải tự mò.

Tubication: Ông mò kiểu gì vậy?

Sói: Không biết nữa, có cái mò dễ có cái mò khó.

Mike: Mọi thứ đều là đoán. Khó quá hỏi Sói.

Câu hỏi từ O5-0: Tôi tự hỏi có khoảnh khắc nào Mike giấu mấy đoạn code ẩn như easter egg trong Wiki về MK không nhỉ?

Mike: Khum. Coding quen tối ưu hoá rồi nên không hay bỏ mấy cái thừa vào, với lại cũng chẳng có cái gì để giấu cả.

Câu hỏi từ Sói: Mike có làm public facing project nào không? Kiểu 1 cái api hay cái app nào đó?

Mike: Đợt tầm tháng 5 thì có làm chung với nhóm trên trường một cái app chatbot để qua môn, nhưng mà giờ thì không động vào nó nữa rồi. Với lại học bên AI chủ yếu là phần back-end nên cũng không hay động vào những thứ kiểu app lắm.

Câu hỏi từ KirQ: Câu hỏi cho cả 3 luôn, mọi người có thể chia sẻ lý do biết đến fandom và tại sao lại dấn thân vô cái cộng đồng nguyền rủa này đi? SCP đầu tiên mình đọc + SCP yêu thích + SCP chi nhánh VN yêu thích + SCP chi nhánh quốc tế yêu thích?

Mike: Mình đọc SCP từ 2018 rồi, còn bắt đầu theo dõi thêm thì từ 2020 (tầm đấy chắc là vừa nghe video của Kai vừa đọc bài) rồi tới 2022 thì rảnh rỗi sinh nông nổi nên chui vào đây làm, giờ thì kẹt đây luôn rồi.

SCP-2399 chắc là thuộc những con đầu tiên mình biết tới. Yêu thích thì là SCP-1730 vì nó là bài dài đầu tiên mình thực sự bỏ thời gian ra đọc. Chi nhánh mình thì SCP-099-VN với SCP-404-VN. Quốc tế thì là SCP-001 của Lostwhat.

Sói: SCP đầu tiên tôi đọc chắc là SCP-093. SCP yêu thích thì tôi nghĩ là Ouroboros nếu được chọn SCP-001. Bài yêu thích của chi nhánh VN thì là SCP-091-VN, còn quốc tế thì là 丂匚卩 句丹丂卄 匚几 句丹丂卄 丅山口 几丨几乇 丂丨乂 (tên bài nó thế thật).

Sứa: Đang lướt YouTube thì thấy video "top 10 scp nguy hiểm nhất" trông ngầu quá nên vào Discord luôn. Thường thì những kênh chất lượng và chuyên sâu như SCP Foundation Vietnam khá hiếm nên tôi cũng tò mò.

SCP đầu tiên đọc và cũng là SCP đầu tiên tôi dịch là SCP-5786. Tôi chọn random trúng bài đó nên không có kỷ niệm gì đáng nhớ với SCP này.

SCP-6535 chắc chắn là bài tôi thích nhất. Nó không phải là bài hay nhất tôi từng đọc, nhưng cốt truyện của nó khá là gần với cá nhân tôi, và tôi cảm thấy mình có nét tương đồng và cảm thông với câu chuyện của hai nhân vật. Một phần cũng là vì văn phong khá đặc biệt của nó, có lẽ không phải là hay nhưng rất riêng, rất thú vị. Fun fact: Tôi đã từng xin chị Bou dịch bài này nhưng bị từ chối vì quá dài và không phải là dịch giả tài năng.

SCP-097-VN đối với tôi là bài hay và underrated nhất. Tôi rất thích những SCP liên quan đến sinh học và bài này rõ ràng là một trong những bài VN thú vị nhất về chủ đề này. Trong bài có rất ít thông tin thừa được cung cấp cho người đọc, và mọi tình tiết được cung cấp cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với cốt chuyện tổng thể. Tôi vẫn mong tác giả sẽ liên lạc với tôi để hỗ trợ cho theme bài. Có lẽ vì theme nhàm chán mà bài viết này không nhận được đủ sự chú ý mà nó xứng đáng.

SCP-404-JP không quá đặc sắc về nội dung, nhưng phần code thì rất thú vị. Đây là bài duy nhất mà 90% thời gian tôi phải ngồi sửa code và 10% còn lại mới là dịch thuật. Trải nghiệm kỳ cục này rất là đáng nhớ nên tôi nghĩ SCP-404-JP thú vị nhất trong số các bài quốc tế.

Câu hỏi từ Tubication: Hỏi ngu: viết code dài quá có dẫn đến việc web tải chậm không?

Sói: Có ảnh hưởng một phần, nhưng cũng không quá nhiều. Bây giờ nội dung truyền từ máy chủ cũng có cơ chế nén như gzip rồi.

Sứa: Có. Tuy nhiên code dài không sợ bằng code spaghetti. Code có thể siêu dài nhưng vẫn tải đủ nhanh, nhưng code tệ thì chờ đến mai cũng không tải được. Ví dụ như là YandereDev.

Câu hỏi từ Tubication: Lúc code AI thì anh có tối ưu hóa để đẩy nhanh tốc độ train hay xử lý không?

Mike: Xài ké model thì tối ưu gì em. Thay đổi thông số thì test bừa ra thôi chứ.

Tubication: Những điều anh thích và ghét với Python?

Mike: Đa năng dễ hiểu - Regex

Sói: /^+?(\d[\d-. ]+)?(([\d-. ]+))?[\d-. ]+\d$/

Mike: 😭 Đọc Regex như đọc 1 ngôn ngữ trong ngôn ngữ ấy.

Câu hỏi từ oreo: Hãy kể nỗi khổ của các ông khi làm coder Wiki? Và làm coder có cần phải có máy tính mạnh không?

Sói: Thành viên không biết code, code lỗi mà nghĩ mãi không ra, có lúc port theme thì nó kéo theo mấy cái khác.

Code thì cũng không cần máy quá cao cấp, nhưng mà CPU với RAM phải đủ để chạy mấy cái IDE và multitasking các kiểu (thường RAM thì nên tối thiểu 8GB). Ổ cứng thì nên dùng SSD.

Sứa: Nỗi khổ thì cũng như bao vị trí khác là phải làm ở phía sau hậu kỳ. Không được hoan nghênh, không được để ý và đôi khi khá cô đơn vì nhân viên Kỹ thuật ở Wiki SCP-VN không nhiều.

Và không, máy mạnh là thường dành cho những ai làm đồ họa. Lập trình viên thông thường thì chỉ cần một cái máy cùi là đủ. Mấy người khác kiểu làm AI chatbot, chạy LLM trên máy tính cá nhân thì không nói.

Câu hỏi từ Bougainvillea: Nhắc đến quốc tế, các đồng chí đã từng đi ăn cắp code ở những Wiki quốc tế nào rồi? Và code của họ có gì khác của ta?

Mike: Hiện tại thì mình chỉ mới đi ăn trộm có 2 chỗ là EN và RU, và phải công nhận RU là 1 đẳng cấp khác vì code họ clean hẳn ở 1 số bài so với EN (cụ thể là S7-APCS).

Sứa: Trộm code của SCP-CN-1109 để làm Trang Tác giả. Code cũng không khác mấy bên ta, nó chỉ kết hợp CSS + HTML + Java và tôi không biết tên lập trình viên khổ dâm nào đã viết cái này bởi vì họ thực sự đã tạo nên một cái trang wiki mới trong một cái trang wiki và cái code dài đến tận 20 trang và tôi chẳng hiểu nó viết gì cả và AHHHHHHHHHHHHHHH.

Câu hỏi từ KirQ: Đồ ăn yêu thích (làm ơn đừng có món vịt nào, và làm ơn đừng bảo ăn gì cũng được)?

Mike: Rau muống xào tỏi.

Sứa: Bánh mì. Sáng bánh mì trưa bánh mì tối bánh mì. Bánh mì kẹp đậu nành, bánh mì chấm muối ớt, bánh mì kẹp bánh mì, bánh mì kẹp bánh chưng,…

Sói: Gà. Đồ chiên rán.

Câu hỏi từ Nyamorphosis: Code nào của Wiki theo mọi người là khó port nhất sang Wiki VN?

Mike: Thú thực thì cái khó của port 1 theme sang Wiki là nó có dịch được không thôi nên đa số theme đều port qua được.

Câu hỏi từ KirQ: Nhắc đến quốc tế, ví dụ như bên JP có nhiều theme đẹp như huy hiệu thành tích, canon,… các đồng chí có thể ăn cắp du học rồi đem về dạy cho chúng ta không ?

Mike: Nếu có thời gian thì bật mode ăn trộm được.

Sói: Nếu có nhu cầu thì có thể trộm tham khảo trộm.

KirQ: Dân code mà nghe như ăn trộm nhỉ?

Mike: Việc học bên ngành code đại học thực sự là dạy sinh viên cách ăn trộm và chuyển nó thành của mình.

Sói: Việc tìm ra F0 (người đầu tiên viết ra) code nào đó gần như là không thể, bởi vì mình đã là F(109) là ít.

Tubication: Không phải F(264) à?

Sói: Có khi là cả cái đó nữa.

Câu hỏi từ Welpermander: Nhóm Kỹ thuật có thể huấn luyện tôi code Wiki được không?

Mike: Huấn luyện bằng cách nắm đầu vô thực hành và cái gì không biết lên Google mò.

Sói: Đây. Rất dễ nhằn.

Sứa: Nhớ hồi xưa có kênh riêng dành cho lập trình, tôi hay xuống đó nhờ người có kinh nghiệm chỉ dạy, nhưng giờ bị khai tử rồi thì cũng hơi khó. Học code chủ yếu là tự học thôi. Thường tôi thấy ông hay kiểu cố gắng quá sức để làm cho cái code hoạt động. Theo tôi nghĩ một lập trình viên nên là một người thông minh hơn là cố quá. Nên nếu thử mãi không được thì nên dành thời gian suy nghĩ các phương pháp khác. Ông bản chất thông minh nên tôi nghĩ ông lên YouTube tự học thì sẽ dễ thôi. Nếu gặp khó khăn thì có thể ném câu hỏi vào khu dịch thuật để nhóm Kỹ thuật trợ giúp. Còn kiểu huấn luyện riêng thì khá là khó.

Câu hỏi từ Tubication: Sói này, cá nhân ông nghĩ sao về con trỏ trong C++?

Sói: Mỗi lần làm là đập đầu vào tường. Con trỏ, con trỏ hằng, hằng con trỏ, con trỏ trỏ tới con trỏ, tham chiếu tới con trỏ.

Câu hỏi từ Juan: Sự kiện đáng nhớ nhất mà các thành viên Nhóm Kỹ thuật gặp khi làm cho Wiki là gì?

Sứa: Chắc là khi mà Sói làm ra cái tool dịch tag. Đây là một công cụ siêu hữu dụng với các dịch giả Wiki dùng để dịch tag bài mà không phải Ctrl + C tag bài => mở danh sách tag => Ctrl + F => Ctrl + V để nhập tag bài => Ctrl + C tag bài cần tìm => Ctrl + V tag bài đó vào ô tag bài rồi lặp lại bước này 12 lần cho đến khi tất cả các tag đã dịch hết rồi ấn Save. Chỉ cần tải extension Tampermonkey và ném code vào là bạn chỉ cần một chạm là hoàn thành công việc tốn 30 phút này trong chưa đến 1 phút. Tôi sử dụng tool này rất nhiều khi dịch bài và điểm lợi lớn nhất của nó là giúp bạn nhanh chóng phát hiện ra tag chưa dịch trên danh sách tag, không bao giờ quên tag _licensebox, không sợ sai chính tả. Điểm hại là đôi khi tool bị lỗi, phụ thuộc nhiều vào công nghệ. Mặc dù khá hữu ích nhưng vẫn còn ít người xài do không quen nên tôi PR ở đây luôn.

Câu hỏi từ ChlorusTetch: Chạy deadline dự án hay sửa code Wiki?

Sứa: Chạy deadline. Wiki có sống thì cũng không nuôi cơm mình được.

Câu hỏi từ MI SA: Tớ muốn hỏi, Nhóm Kỹ thuật có nhận thiết kế theme độc quyền không, booking giá hạt dẻ?

Sứa: DMs em rồi chúng ta sẽ bàn về giá.

Câu hỏi từ tetchup: Luyện AI có phá máy như đào tiền ảo không anh?

Sứa: Không phải phá mà là đặt bom hẹn giờ. Máy bạn sẽ bắt đầu bốc khói như lò phản ứng hạt nhân và sẽ nổ tung trong một vùng bán kính xác định với sức công phá của một quả lựu đạn.

Câu hỏi từ dawnstar_2052: Bản dịch mà mọi người tự hào nhất và bản dịch mọi người không muốn nhắc lại nữa?

Sứa: Bản dịch yêu thích nhất của tôi là Ngoại truyện “Giản Lược Về Vật Lý Điện Quỷ”. Bản gốc đã hay sẵn rồi nên khi dịch xong bài này đọc rất thích, rất mượt, rất chi tiết. Và cái tên "Điện Quỷ" nghe siêu ngầu. Bài dịch không dài lắm nhưng vẫn nhớ mãi.

SCP-346-J là bản dịch tôi ghét nhất. Tác giả bài gốc không bỏ bài vào danh sách SCP Hài nên khi tôi dịch và đăng lên thì chẳng ai tìm được bài dịch của tôi và chẳng ai để ý. Tôi thậm chí đã vào phần bình luận để nhắc nhở tác giả cho link bài vào danh sách SCP Hài nhưng vẫn không có hồi âm. Chẳng ai đọc để upvote nên tôi phải tự upvote một mình, buồn.

Câu hỏi từ Simpai: Một lập trình viên freelance thực sự làm công việc gì thế? Ý em là kiểu giống designer, làm theo yêu cầu khách hàng phỏng? Cho em xin ví dụ.

Sói: Mình thì làm freelancer Dscord bot, thì cứ để khách hàng mô tả chi tiết nhất yêu cầu của mình rồi mình làm cho họ rồi giao source khi xong việc. Trong quá trình làm có chi tiết gì cần thì sẽ hỏi thêm họ. Nhà phát triển freelance thì cũng có thể host 1 cái test environment để mình test và khách hàng vào xem.

Câu hỏi từ Đình Đông: Câu hỏi cho Mike: ông muốn fanart của ông nhìn như thế nào?

Mike: Mình chưa bao giờ nghĩ đến 1 style cụ thể về fanart do nếu như có là mình vui rồi ấy.

Đình Đông: Vậy ông muốn OC của ông là gì (để tôi còn vẽ)?

Mike: 1 con vẹt hồng hoặc 1 nghiên cứu viên hoặc cả 2 vô chung 1 frame nhá.

Rigball: Nghiên cứu viên nuôi vẹt hồng và con vẹt mới là nghiên cứu viên đó.

Câu hỏi từ Dept: 101 cách để bắt cóc Nhóm Kỹ thuật và đem vào tầng hầm nhà bạn?

Mike: Bao ăn bao ở là được.

Sứa: Nhắn Discord hẹn bọn tôi đi chơi ở đâu đó rồi đến ngày hẹn cho một cái xe màu đen đến rồi ném tất cả vào xe rồi chở về tầng hầm nhà bạn.

Câu hỏi từ Song ha hwa: Wikijump có còn được thực hiện hay không, nếu còn thì đội ngũ hiện tại hoạt động gồm những ai và có những câu chuyện vui nào trong đó nêu người ở trong muốn chia sẻ?

Sói: Tôi không phải người phát triển chính, mà thực ra còn không phải là thành viên của team ấy. Tôi chỉ lâu lâu vào github rồi gửi cái pull request cho họ. Theo quan sát của tôi thì chẳng thấy ai chia sẻ "câu chuyện vui" nào cả, chỉ bàn luận về code; đội ngũ phát triển chính gồm một số thành viên Nhóm Kỹ thuật EN.

Câu hỏi từ iloveyoumonday: Nếu có thể đặt tên lại cho Wiki thì đội ngũ sẽ đặt là gì?

Sứa: Cộng đồng tồi tệ nhất internet, rạp xiếc trung ương, đáy xã hội, trại thần kinh,…

Câu hỏi từ Tubication: Làm sao đội ngũ Kỹ thuật có thể giữ gìn sức khỏe để không bị code vả?

Sứa: Bỏ cuộc. Code không chạy thì phải bỏ cuộc, dành thời gian suy nghĩ giải pháp mới rồi mới làm tiếp. Đừng có cứng đầu thấy code không chạy vẫn cố làm sửa đi sửa lại đến mai cũng không xong nổi.

Sói: Ở đây chúng tôi không làm thế.

Câu hỏi từ Dept: Hướng dẫn tham gia Nhóm Kỹ thuật 101?

Sứa: Tôi nhớ trên Wiki có một cái thread tuyển thành viên cho Nhóm Kỹ thuật. Tôi điền cái thread đó theo đúng yêu cầu rồi anh Khoai cho vào thôi.

Sói: Vào diễn đàn trên Wiki, gửi đơn tham gia trong phần tuyển dụng (vẫn còn mở tính đến thời điểm trả lời).

Câu hỏi từ Dept: 101 cách tiêu diệt Nhóm Kỹ thuật?

Sứa: Bạn chỉ cần trả lương cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ lập tức bỏ Wiki.

iloveyoumonday: Cụ thể là bao nhiêu vậy ạ?

Sứa: Không cần nhiều đâu, hơn 9 con số mỗi ngày là được.

Câu hỏi từ Nya Piece: Sói có tính viết SCP-VN hay ngoại truyện nữa không?

Sói: Tôi cảm giác tôi không đủ khả năng. Đến cả suy nghĩ ý tưởng còn không được ấy.

Câu hỏi từ Dept: 101 vấn đề làm Nhóm Kỹ thuật nhức đầu nhức nách nhất?

Sứa: Cái Wiki liên tục bị lỗi, và chúng tôi phải liên tục sửa lỗi trên một cái trang đầy lỗi.

Câu hỏi từ Tubication: Nhóm Kỹ thuật nghĩ sao về bộ môn Lập trình thi đấu?

Sứa: Theo tôi nghĩ thì lập trình thi đấu (competitive programming) sẽ tập trung vào kỹ năng hơn là tạo ra sản phẩm. Lấy ví dụ khi tôi làm game code xong rồi tôi phải vẽ với làm nhạc nữa, còn lập trình thi đấu thì chỉ tập trung vào code, giải quyết các câu hỏi và luyện tư duy logic. Thường thì những lập trình viên thi đấu thay vì tạo ra sản phẩm thì lại tập trung tranh giải trong các cuộc thi. Tôi cũng biết một vài người có xuất thân là lập trình viên thi đấu, đạt được nhiều giải nhất nhì trong các cuộc thi Olympic quốc tế và giành được học bổng vào những ngôi trường đại học danh giá. Tuy nhiên lý do tôi không chọn trở thành lập trình viên thi đấu là vì nó chỉ tập trung vào giải các câu hỏi mà không tạo ra các sản phẩm thực tế nào. Tôi nghĩ việc rèn luyện kỹ năng nên được dùng để tạo ra sản phẩm thực tế hơn là tranh giải, nhưng tất nhiên đó chỉ là ý kiến của tôi thôi.

Sói: Coding interview cũng là giải các bài toán và test DSA thôi.

Câu hỏi từ Simpai: Các anh hiện tại code được bao nhiêu ngôn ngữ? Và tương lai số lượng ấy có tăng hay không? Và khoảng thời gian các anh đã mất để học đống ngôn ngữ ấy?

Sói: Hiện tại thì mình chuyên nhất là phát triển web (HTML/CSS/JS, cả frontend JS lẫn backend Node.js), Python. Đống đó chắc đã mất tầm 3 năm để thành thạo. C, C++ thì mình ít sử dụng hơn chút, khi nào cần mới dùng. Mình cũng đang trong quá trình học hỏi về phát triển Android.

Sứa: Hừm theo tôi nhớ thì tôi biết Pascal, JavaScript, Python, GDscript, CSS, HTML, Brainfuck (ừ không hiểu sao mà tôi học Brainfuck). Một số các ngôn ngữ khác mà tôi học qua loa là C#, C++, C.

Tôi nghĩ tính từ lúc tôi bắt đầu học code đến giờ là cũng được hơn một năm. Khoảng thời gian chỉ hơn một năm nghe thì ngắn nhưng nếu biết tận dụng thì bạn có thể học được nhiều hơn cả tôi (bởi vì tôi ngu toán mà vẫn học được). Nhưng việc tôi biết nhiều ngôn ngữ là vì ngoài code game ra tôi còn code web, code AI,… Nếu bạn chỉ chuyên xài một hay hai ngôn ngữ thôi thì cũng không sao cả.

Tubication: Ok tại sao lại học Brainf**k vậy ông?

Sứa: Tại… nghe nó ngầu, và nó hack não, và… nó ngầu.

Câu hỏi từ Simpai: Sao anh Sứa lại rời Nhóm Kỹ thuật thế?

Sứa: Vì không được trả lương Vì hồi đó tôi tập trung vào code, học hành trên lớp và chuẩn bị phỏng vấn du học Mỹ nên thời gian hạn hẹp. Sau nhiều lần đắn đo thì tôi quyết định rời nhóm để tập trung vào những dự định khác. Hừm, cũng có thể sau này tôi sẽ vào lại nhóm, nhưng đó là sau khi mọi thứ đã ổn định đã.

Câu hỏi từ Sói: Sứa nhận thấy kỹ năng về toán của Sứa như thế nào?

Sứa: Ừmmm trung bình. Tôi chắc là thằng lập trình viên duy nhất ngu toán từ lớp mầm đến cấp ba.

Câu hỏi từ Dept: Nhóm Kỹ thuật có trả lương cho coder không?

Sói: Không.

Sứa: Có, chúng tôi trả bằng robux.

Câu hỏi từ Simpai: Tình trạng tài chính của các anh?

Sứa: 0 đồng. Chưa sang 18 tuổi nên chưa có tài khoản ngân hàng.

Simpai: 15 tuổi là làm được rồi mà đại ca.

Sứa: Sao… sao không ai nói tôi?…

Câu hỏi từ Simpai: Với cả em không hiểu lắm về việc tìm hiểu công nghệ mới, và nơi tìm chúng, các anh giải thích được không?

Sứa: Bạn có thể theo dõi các trang báo chuyên về công nghệ. Thường thì trên news feed của tôi lúc nào cũng tràn ngập các tin tức công nghệ nên tôi chưa bao giờ bỏ sót tin nào cả.

Tubication: Fireship ổn không Sứa?

Sứa: Ổn bạn, trang này cập nhập tin tức khá là nhanh. Nhưng theo tôi nên theo dõi 2 - 3 trang báo cho chắc.

Tubication: Cá nhân ông nghĩ sao về chính sách mới của Unity vậy?

Sứa: Tuyệt vời, các nhà phát triển ở Unity giờ sẽ chạy sang Godot và khiến game engine này ngày càng phát triển hơn. Bản thân tôi đã dự đoán trước được tình trạng này của Unity nên đã chọn Godot, quả là một bước đi không thể nào thông minh hơn.

Câu hỏi từ Skypers: Khi nào ta mới có Wiki SCP dark theme cho dân sống trong hang? Chứ lúc nửa đêm bật điện thoại đọc SCP ăn flashbang vào mặt lại phê hết tả.

Sứa: Nhóm Kỹ thuật đã từng bàn việc này rồi và bọn mình đã nhất quyết là không có dark theme. Nếu đã làm dark theme thì phải nhất quán, nghĩa là khi mở trang nào thì trang đó cũng phải đổi màu. Tuy nhiên một số bài sử dụng theme không đổi màu được, nghĩa là dù có làm dark theme thì khi bạn mở đúng bài đó thì nó vẫn là màu sáng, và lúc đó không còn là ăn flash vào mặt nữa mà mù luôn hai con mắt.

Câu hỏi từ Chikiratori và Alexader: Các anh ngủ mấy tiếng một ngày?

Sứa: Ngủ là gì?

Sói:
T9_2023_Interview1

Câu hỏi từ Chikiratori: Không biết có ai hỏi chưa nhưng cho tôi xin cấu hình máy của các coder.

Sói: Hiện giờ thì tôi chỉ có mỗi 1 con laptop để làm.

CPU: i5-4210U
RAM: 8GB
Ổ cứng: uhhhh… HDD 1TB?
GPU: Tích hợp

Tính mua con laptop mới tầm hơn 20 triệu để edit video nữa.

Sứa: Flex time:

Thật ra còn nhiều nữa nhưng tôi chỉ xài mấy cái trên thôi.

Mike:
CPU: Intel Core i5 9300H @ 2.40GHz
RAM: 16GB
ROM: 512GB SSD
GPU: NVIDIA GeForce GTX 1660

Câu hỏi từ WPthai: Kể lại trải nghiệm mọi người nhảy xuống gầm bàn vì nghĩ cái PC sắp nổ thật? Của tôi: bật render image Blender rồi cái máy phát ra âm thanh của máy giặt.

Sói: Có hôm mình lỡ để cài đặt OBS cao quá, máy tính kêu như cái động cơ máy bay để full thrust. Xong check lại thấy nhiệt độ CPU lên hơn 70°C.

Sứa: Chắc là lúc tôi chạy thử video 14k trên con PC cùi. Video chưa chạy nhưng lúc đó tôi có thể nghe thấy tiếng máy chạy như động cơ xe ô tô. Nó kêu to quá làm tôi hoảng loạn tắt nguồn khẩn cấp lol.

Câu hỏi từ Tubication: Mà Sói này, ông làm sao để đỡ đau khớp vậy?

Sói: Tôi nằm vào giường thả lỏng, tôi chỉ làm mỗi cách đó. Đỡ hơn là được, tôi tự chịu rồi hết dần. Thường thì nó chỉ hơi phiền một chút, chắc là do tôi chỉ bị nhẹ.

Câu hỏi từ Simpai: Mấy anh có thông thạo ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Việt và tiếng Anh không? Và không, C++, C, Python, Ruby,… không tính.

Sói: Không, nhưng tôi có kế hoạch học tiếng Nhật.

Sứa: Tôi biết một chút tiếng Nhật do được thằng bạn chỉ và tiếng Nga do tự học, nhưng kiến thức ở cả hai ngôn ngữ này chỉ nằm ở mức sơ đẳng nên cũng chả dùng để làm gì được.

Câu hỏi từ Song ha hwa: Sứa còn tính vẽ gì nữa không?

Sứa: Hiện tại tôi đang vẽ tranh cho con game sắp tới của tôi. Tôi sẽ công bố con game khi đã hoàn thành xong demo. Còn mọi thông tin khác thì tôi sẽ tạm thời không chia sẻ.

Song ha hwa: Sứa đã tuyệt quan hệ với hội hoạ nô.

Sứa: Thông cảm cho tôi. Tôi bận lắm nên cũng không thể dành thời gian chit chat với mọi người được. Tôi cũng biết Hội Đồng Cú có nhiều sự kiện vẽ tranh các kiểu nhưng tôi chưa bao giờ kiếm đủ thời gian để tham gia. Sau này có thể khi mọi thứ đã xong xuôi thì tôi sẽ tạm thời ngừng công việc một chút để giao du với mọi người.

Song ha hwa: Tôi đùa thôi mà, cứ từ từ thôi ông.

Câu hỏi từ Simpai: Ngoài làm coder với làm nô lệ thì các anh có làm nghề tay trái nào không? Và về server, các anh thấy trại tệ nạn này như thế nào? Tệ? Rác? Cực rác? Và về Wiki, có điều gì tại Wiki khiến các anh muốn đập máy không?

Sứa: Nghề tay trái của tôi chủ yếu là dịch giả cho nhiều nhóm dịch khác nhau. Hiện tôi đang là dịch giả bán thời gian cho một studio bên Trung và đang dịch manga cho một số nhóm dịch truyện tranh, và nói là nghề tay trái chứ tôi không lấy tiền. Đôi khi tôi cũng vẽ cho một số studio nhưng nhu cầu khá là thấp nên không tính.

Tôi nghĩ việc sử dụng thang đo điểm thông thường là không phù hợp trong trường hợp này. Nếu sử dụng từ "rác" để chỉ độ tệ hại của server này thì tôi xin được dùng từ "DeptDept" thay thế.

Nguyên cái wiki khiến tôi muốn đập máy.

Sói: Không thể đong đếm và mô tả được trại tệ nạn này bằng những phương pháp thông thường. Cũng không thể sử dụng ngôn ngữ để mô tả.

Câu hỏi từ Chikiratori: Nhóm Kỹ thuật có quyền đả đảo chính quyền và phá rối mọi thứ trong Wiki không?

Sứa: Không bạn, Nhóm Kỹ thuật không có quyền con người. Trong tất cả các chức vụ nhân viên thì chúng tôi là chức vụ duy nhất nằm dưới đáy xã hội.

Câu hỏi từ Tubication: Anh Mike, anh học như thế nào để cân bằng giữa sức khỏe và kiến thức? Em thì thành que tăm rồi.

Mike: Đơn giản để hiểu là đói thì ăn chán thì chơi thôi. Còn lại là cứ đặt việc học lên đầu tiên. Cái mẹo là ko cần nghĩ nhiều để lo nhiều làm gì. Đặt mục tiêu đơn giản ngắn gọn rồi thực hành là ok.

Câu hỏi từ Alexader: Có khả thi không nếu mọi người muốn biến trang Wiki thành app?

Sói: Cái đó đã được thực hiện, nhưng app bị xóa khỏi Google Play vì vấn đề về tính ổn định và người làm ra app đó bị mất mã nguồn gốc.

Câu hỏi từ Song ha hwa: Bản thân các người đã trộm code từ bao nhiêu nguồn vậy?

Sói: Khoảng 60 282 593 nguồn khác nhau tính đến 21:35 20/9/2023.

Câu hỏi từ Simpai: Các anh có lời khuyên gì về việc sắp xếp lịch trình không? Em đang học lớp 11 và môn toán thực sự rất nặng (quy nạp, công thức truy hồi) và đòi hỏi khá nhiều thời gian của em và em không biết rằng em nên tạm nghỉ học ngôn ngữ lập trình hay tiếp tục.

Mike: Về riêng anh thì anh thấy em nên đầu tư vào học trên trường trước. Những kiến thức của đại học thì trường sẽ dạy lại đầy đủ cho em. Cái này anh biết rõ vì lúc anh đâm đầu vào học code thì chính bản thân anh không biết cái gì về code cả. Thậm chí lúc đó C/C++ cũng chỉ nghe qua tên nhưng lên đại học thì người ta sẽ dạy đầy đủ lại cho em. Cộng thêm cái nữa là lên đại học em sẽ rảnh hơn chút để tìm hiểu kỹ về nó, nên đầu tư vào học qua cấp 3 trước rồi hẵng tính tiếp. Đó sẽ là ý của anh.

Câu hỏi từ dawnstar_2052: Nếu giờ có ai đó nói "họ muốn học trường FPT" thì mấy anh sẽ khuyên như thế nào?

Mike: Có chắc là có học bổng trên 40% không? Nếu tự tin trả lời có thì chui vô không thì thôi.

Câu hỏi từ Song ha hwa: Mọi người có nuôi thú cưng không và nếu có thì tên chúng là gì?

Sói: Không có.

Mike: Vừa béo vừa khoẻ nha.

T9_2023_Catto1

T9_2023_Catto2

O5-0: Sao ông không nuôi thêm một con mèo khác giới rồi nhìn chúng nó bón cơm mèo cho nhau đi?

Bougainvillea: Đấy là 2 con khác nhau, 1 đực 1 cái.

O5-0: Ủa, rứa là trước giờ Mike đều ăn cơm mèo quen rồi ể?

Mike: Bọn nó lao vào đấm nhau ấy chứ yêu thương gì. Bọn nó sẽ kiểu vô liếm nhau một xíu xong rồi chuyển sang tát nhau rồi đấm nhau luôn.

Sứa: Nhà tôi có ba con rùa, vẫn chưa đặt tên. Tôi chọn nuôi rùa bởi vì bọn chúng hậu đậu, nhìn bọn nó trèo lên tảng đá rồi rớt xuống trông hài phết. Lười chụp ảnh quá nên mọi người tự tưởng tượng nha.

Câu hỏi từ Simpai: Khi một tựa game, trang web bảo trì thì thật ra họ đang làm gì?

Sứa: Ờ… họ bảo trì. Chứ bạn nghĩ họ làm gì? Cố tính thông báo bảo trì để trốn làm à? Bữa nào bảo Nhóm Kỹ thuật giả vờ "bảo trì web" để nghỉ làm 1 2 ngày mới được, chắc không ai nhận ra.

Câu hỏi từ Tubication: Mọi người làm thế nào để không over-engineering code?

Sứa: Chưa bao giờ over-engineering code vì chưa bao giờ chăm đến vậy. Nói đơn giản, bạn chỉ cần lười là được.

Câu hỏi từ Simpai: Trình game mấy anh thế nào?

Sứa: Nếu là hỏi trình chơi game thì Liên Quân cao thủ 3 sao, còn trình làm game thì…

Câu hỏi từ johnwalker189: Cho em hỏi là mọi người nghĩ rằng những điều gì là cơ bản, không thể bỏ qua được khi theo mảng front-end ạ? Hiện tại em đang học JS, nhưng lượng thông tin của nó làm em hơi bị lú lẫn một tẹo ạ.

Sói: Theo tôi thì là: HTML, CSS, JS và các framework của nó, jQuery, CSS Preprocessors, REST API, responsive design (phù hợp với mọi thiết bị & kích cỡ màn hình), tương thích nhiều trình duyệt, khả năng tiếp cận của người dùng (web accessibility), testing/debugging, git, kỹ năng giải quyết vấn đề đều là các khía cạnh cần phải biết.


Cảm ơn bạn vì đã đón đọc Tin Báo SCP-VN!


Nếu không có ngoại lệ được nêu, nội dung của trang này được xuất bản dưới giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License