Mã Nexus: NX-59-VN
Định danh Địa phương: Quận Không
Dân số: Khoảng 30.000
Phân loại Khu vực: Camelot
Quy trình Tương tác Nexus: NX-59-VN cùng với dân cư của nó được phân loại nằm sau Bức Màn và có tính chất tự che giấu, vì vậy các Quy trình Quản thúc bổ sung là không cần thiết. Tổ Chức duy trì quan hệ ngoại giao với NX-59-VN như đối với một thế lực dị thường trung lập.
Cơ sở Quản thúc: Tính đến thời điểm hiện tại, Tổ Chức không có cơ sở thường trực bên trong NX-59-VN. Đài Quan Sát 75-59 do Đơn vị Tâm linh điều hành hiện đang phụ trách việc theo dõi và các công tác đối ngoại với địa điểm nexus này.
Mô tả: Tài liệu tổng hợp bên dưới.
NX-59-VN
"Quận Không"
Định cư | Khoảng 1680 |
---|---|
Thành lập | 1874 |
Ngoại giao | 1976 |
Chính quyền | Đô thị tự quản được bảo hộ bởi GOC và Việt Nam |
Diện tích | Không xác định (20 km2 đã biết) |
Dân số | Khoảng 30.000 |
Ngôn ngữ | Chính thức: Tiếng Việt Tiếng Anh Phổ biến: Tiếng Pháp Tiếng Quảng Đông |
Tiền tệ | Kháng Thuật Kim1 Việt Nam Đồng |
NX-59-VN, tên thường gọi "Quận Không", là một nexus / thành phố / địa điểm dị thường nằm trong một nếp gấp không gian giữa thành phố Thủ Đức và Quận Nhất thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Với lịch sử lâu đời cùng vị trí giao thoa giữa nhiều nền văn hoá và cộng đồng dị thường khác nhau, tới thời điểm hiện tại, "Quận Không" là một trong những cộng đồng dị thường lớn nhất Đông Nam Á.
Mặc dù sự tồn tại của NX-59-VN đã được cộng đồng dị thường biết đến từ lâu, nhưng do sự biến động chính trị trong khu vực, phải đến năm 1976 thì Tổ Chức mới có thể tiếp cận nghiên cứu và thiết lập quan hệ ngoại giao với địa điểm này.
Do tính chất không ổn định tại lối ra vào của NX-59-VN, trước đây chỉ có những cá nhân có khả năng huyền thuật học hoặc thao túng thực tại ở mức độ nhất định mới có thể tự do ra vào dị điểm này. Năm 2011, sau sự khánh thành của Cổng Varenne, một lối đi được ổn định bằng công nghệ dị thường, "Quận Không" đã bắt đầu tham gia tích cực hơn vào các hoạt động của thế giới đằng sau Bức Màn.
Hiện tại, công tác thăm dò, nghiên cứu và hoạt động ngoại giao với địa điểm dị thường này được uỷ thác cho Đơn vị Tâm linh, Điểm-75-VN.
Vị Trí và Dị Tính
NX-59-VN nằm trong một nếp gấp không gian giữa thành phố Thủ Đức và Quận Một thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Từ góc nhìn thực tế, dị điểm nằm bên trong lòng sông Sài Gòn.
Các cá nhân có khả năng huyền thuật học (Lam Thể) hay thao túng thực tại (Lục Thể) ở mức độ cơ bản có thể tuỳ ý truy cập cũng như mang theo người khác vào NX-59-VN. Cộng đồng dị thường Việt Nam thường gọi việc này là "đăng nhập". Các thiết bị ghi hình đều không thể cho ra ảnh chụp hay video khi hoạt động bên trong NX-59-VN.
Sự vật bình thường không có khả năng nhìn thấy hay tương tác với nếp gấp không gian của dị điểm. Tuy nhiên, các vật thể di chuyển với tốc độ rất cao, bất kể có tính chất dị thường hay không, có một xác suất nhỏ bị "đăng nhập" thụ động vào NX-59-VN. Theo luật pháp Quận Không, các cá nhân này sẽ bị bắt giữ và chuyển giao cho Liên minh Huyền bí Toàn cầu (GOC) để xoá trí nhớ rồi đưa trở về thế giới thực. Các biện pháp đang được tiến hành nhằm phòng chống hiện tượng này bao gồm:
- Đưa ra các chính sách hạn chế lưu lượng giao thông vào khu vực Quận Một.
- Cải tạo các tuyến đường lớn trong khu vực thành các phố đi bộ.
- Xây dựng hệ thống giao thông công cộng, tiến đến loại bỏ phương tiện cá nhân trong khu vực.
- Thực hiện giới hạn tốc độ tối đa trong nội thành, xử lí nghiêm người vi phạm.
- […]
Năm 2011, chính quyền Quận Không đã hợp tác với GOC để xây dựng Cổng Varenne, một thiết bị ổn định không gian quy mô lớn, cho phép các sự vật thông thường đi qua nếp gấp. Dự án được phía chính phủ Việt Nam hỗ trợ nguỵ trang bằng cách tiến hành song song với dự án xây dựng Hầm Vượt Sông Sài Gòn3. Hiện Cổng Varenne đã được đưa vào hoạt động, toạ lạc ngay bên dưới hầm Thủ Thiêm trong lòng sông Sài Gòn.
Lịch Sử
Hiện vẫn chưa rõ nếp gấp không gian dị thường nơi NX-59-VN toạ lạc là một hiện tượng tự nhiên hay được cố tình tạo ra bởi con người. Một số tài liệu còn sót lại từ những người định cư đầu tiên cho thấy vị trí này đã tồn tại từ trước đó. Tuy nhiên, lại có nhiều dấu vết, di tích về một nền văn minh cổ đại tồn tại trong vùng không gian này.
Hai quốc gia từng có mặt trong khu vực là Champa và Đế quốc Khmer không hề có thư tịch hay dấu vết nào nhắc đến địa điểm dị thường này. Có khả năng cao NX-59-VN hoàn toàn không được biết đến trong suốt thời gian đó.
Thời Kỳ Khai Phá (1601-1862)
Bắt đầu từ đầu thế kỷ 17, người Việt đã bắt đầu đến định cư ở khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên vẫn chưa có bất kỳ ghi chép gì về vùng không gian này.
Dựa trên một số dấu tích còn sót lại trong thành phố, các nhà nghiên cứu đưa ra dự đoán có một số Lam Thể và Lục Thể ở Đàng Trong đã bắt đầu định cư trong vùng không gian này nhằm thoát khỏi sự truy sát của triều đình (xem thêm Các chiến dịch Tiêu diệt Cộng đồng Dị thường trong thời kỳ Lê Trung Hưng). Tuy nhiên, vì một số lý do chưa rõ, sự định cư này không diễn ra được lâu dài và dị điểm tiếp tục bị bỏ hoang.
Ghi chép lịch sử đầu tiên được cho là của một pháp sư người Hoa chưa rõ tên, một thành viên trong đoàn tị nạn của các lực lượng phản Thanh phục Minh vào năm 1679.
Kỷ Mùi (1679), mùa xuân tháng Giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến; Cao Lôi Liêm, tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung (cửa Tư Hiền) và Đà Nẵng, tự trần là bồ thần (bề tôi mất nước, trốn ra nước ngoài) nhà Minh, không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin để làm tôi tớ.
[…]
Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Soài Rạp đến đóng ở Mỹ Tho, binh thuyền của Thượng Xuyên và An Bình thì vào cửa Cần Giờ, đến đóng ở Bàn Lân (Biên Hòa). Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập.4
Có ba nguồn di dân chính được ghi nhận trong giai đoạn 1690-1860:
- Cộng đồng dị thường người Việt chạy trốn sự ảnh hưởng của cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn.
- Cộng đồng dị thường người Hoa có tư tưởng thân nhà Minh, chạy trốn sự đàn áp của nhà Thanh.
- Cộng đồng dị thường phương Tây đến đây nhằm mục đích học thuật và thuơng mại.5
Thời Kỳ Gendastrerie (1862-1945)
Ngay sau khi thuộc địa hoá ba tỉnh miền đông Nam Kỳ, Gendastrerie Quốc Gia6 đã ngay lập tức chú ý đến dị điểm này vì vị trí địa lý, tính bí mật và lượng dân cư đông đảo sẵn có. Người Pháp có ý định biến nơi này thành một trung tâm của cộng đồng dị thường, đồng thời là thủ phủ của Đông Dương sau Bức Màn. Lực lượng chính quy của Gendastrerie nhanh chóng trấn áp những chống trả rời rạc, thiếu tổ chức của dân cư địa phương và tiến hành xác lập quyền thống trị lên NX-59-VN.
Năm 1874, cùng lúc với sự thành lập thành phố Sài Gòn, Gendastrerie ra quyết định tổ chức lại NX-59-VN theo mô hình tự quản trên danh nghĩa của Pháp, với tên gọi "Quận Không". Tuy nhiên, do Gendastrerie không có đủ lực lượng để duy trì sự hiện diện liên tục bên ngoài mẫu quốc, họ đã uỷ thác công việc cai trị cho ba gia tộc lớn trong thành phố (xem mục Chính Quyền).
Trong giai đoạn 1941-1945 của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chính quyền Vichy Pháp và Đế quốc Nhật Bản thoả thuận đồng cai trị Đông Dương, theo đó Quận Không được cả Gendastrerie và IJAMEA7 cùng nhau quản lí. Mặc dù vậy, các lực lượng thân Pháp luôn tìm cách độc chiếm thành phố và gạt thế lực bên phía Nhật Bản ra khỏi bộ máy chính trị. Khoảng trống quyền lực khiến nhiều thế lực ngoại lai điển hình như Diệp Tôn bắt đầu thâm nhập vào Quận Không. Các thế lực này thường sẽ lựa chọn hợp tác với một trong hai thế lực chính trong thành phố, Pháp hoặc Nhật.
Theo các tài liệu lịch sử mà Tổ Chức thu thập được, vào khoảng đầu năm 1945, dường như IJAMEA đã lên kế hoạch đảo chính và độc chiếm toàn bộ Quận Không, nhằm sử dụng thành phố làm điều kiện đàm phán đầu hàng với phe Đồng Minh. Tuy nhiên kế hoạch này đã thất bại trong một sự kiện vào ngày 9-3-1945, dẫn đến cái chết của toàn bộ lực lượng người Nhật trong thành phố. Diễn biến của sự kiện hiện chưa được làm rõ do không còn nhân chứng sống sót.
Thời Kỳ Cô Lập (1945-1973)
Cuối năm 1945, ba đại gia tộc đã tiến hành một cuộc thanh trừng toàn diện mọi thế lực đến từ bên ngoài thành phố và tuyên bố tự trị, không chịu can thiệp từ mọi lực lượng ngoại lai. Suốt trong thời kỳ này, nhằm tránh chịu ảnh hưởng từ tình trạng chiến tranh, thành phố duy trì chính sách tự cô lập và chỉ có quan hệ giao thương hạn chế với một số cộng đồng dị thường trong khu vực.
Nhờ tình hình chính trị hỗn loạn và việc thực hành dị thường rộng rãi trong chiến tranh, vào thời kỳ này thành phố cần rất ít nỗ lực để che giấu sự tồn tại của mình.
Năm 1973, sau khi quân đội viễn chinh Mỹ bắt đầu rút lui, thành phố đã có những liên kết ngoại giao đầu tiên với Liên minh Huyền bí Toàn cầu (GOC) và chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam8 nhằm hội nhập với cộng đồng dị thường quốc tế và duy trì Bức Màn với thế giới bình thường trong bối cảnh chiến tranh sắp kết thúc.
Thời Kỳ Hiện Đại (1973-nay)
Năm 1976, Quận Không cùng với CHXHCN Việt Nam và GOC đã hoàn tất phần lớn các nguyên tắc ngoại giao, xác lập quyền tự trị của thành phố và cơ chế bảo hộ kép lên nó.
Từ đó đến nay, thành phố trải qua một thời kỳ phát triển bùng nổ, trở thành một trung tâm dị thường lớn trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, kèm theo nó là sự xuất hiện của hàng loạt các tổ chức tội phạm, cũng như sự gia tăng không ngừng của các hiện tượng dị thường không kiểm soát trong thành phố.
Năm 2011, chính quyền Quận Không đã hợp tác với GOC để xây dựng Cổng Varenne, một thiết bị ổn định không gian quy mô lớn, cho phép các sự vật thông thường đi qua nếp gấp. Dự án được phía chính phủ Việt Nam hỗ trợ nguỵ trang bằng cách tiến hành song song với dự án xây dựng Hầm Vượt Sông Sài Gòn. Hiện Cổng Varenne đã được đưa vào hoạt động, toạ lạc ngay bên dưới hầm Thủ Thiêm trong lòng sông Sài Gòn.
Chính Quyền
Thành phố được lãnh đạo trên danh nghĩa bởi một Thị Trưởng do công dân thành phố bầu ra. Khái niệm công dân thành phố không được định nghĩa rõ ràng trong luật pháp của Quận Không. Thị Trưởng làm việc theo nhiệm kỳ 5 năm. Chức danh này có rất ít thực quyền và chủ yếu đảm nhận các vai trò nghi lễ. Chức vụ Thị Trưởng của Quận Không hiện được nghi ngờ có tính chất tương tự SCP-ZH-999.
Quyền lực chính trị thực sự của thành phố do Hội Đồng nắm giữ. Uỷ viên của Hội Đồng chủ yếu là thành viên đến từ ba gia tộc lớn và các nhóm lợi ích liên quan đến họ. Hiện tại Hội Đồng có tổng cộng 15 thành viên, phân bổ 3 ghế cho mỗi gia tộc và 6 ghế còn lại thông qua bầu cử ở các phường.
Ba gia tộc lớn nắm giữ phần lớn quyền lực trong thành phố thông qua sự uỷ thác của chính quyền Pháp và đã giữ vững quyền lực này kể cả sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam. Họ bao gồm:
- Nhà họ Phạm: nắm giữ công tác tự vệ và an ninh thông việc kiểm soát lực lượng cảnh sát thành phố.
- Nhà họ Lý: nắm giữ hệ thống tài chính và thương mại của thành phố.
- Nhà Varenne: gốc Pháp, nhưng hiện tại đã gần như bị bản địa hoá hoàn toàn, nắm giữ hệ thống giáo dục và các dịch vụ dân sự chủ chốt.
Thái độ ngoại giao:
- Tổ Chức SCP: NX-59-VN hiện duy trì chính sách ngoại giao trung lập với Tổ Chức, thỉnh thoảng có hợp tác trong việc quản thúc một số dị thể nguy hiểm. Tuy nhiên, thành phố có thái độ cảnh giác rất cao, ngăn chặn Tổ Chức hiện diện và can thiệp quá sâu vào đời sống dị thường của Quận Không.
- Liên minh Huyền bí Toàn cầu: NX-59-VN được GOC bảo hộ về mặt an ninh và thực hiện phần lớn các hoạt động ngoại giao của mình thông qua cơ quan này. Bản thân thành phố chấp nhận phần lớn các chính sách an ninh sau Bức Màn của GOC.
Cảnh Quan và Giao Thông
Từ góc nhìn bên trong thành phố, vết gấp không gian dường như là một vùng nước rộng vô hạn. Vùng nước có chiều sâu trung bình là khoảng 9 m, với một lớp hỗn hợp bùn, phù sa, đất sét dưới đáy. Bên dưới những lớp bồi tụ này là một tầng đá cứng. Hiện chưa có nghiên cứu địa chất nào thành công khám phá các lớp sâu hơn nữa của NX-59-VN.
Bầu trời của Quận Không phản ánh chính xác bầu trời ở khu vực tương tự trong thế giới thực của nó. Tuy nhiên, bầu trời nhìn từ bên trong Quận Không giống như có một lớp chất lỏng bao phủ, được cư dân trong thành phố mô tả là "như sống trong lòng nước".
Trong thời kỳ Khai Phá, kiến trúc chính trong thành phố là nhà sàn, với các cọc gỗ cắm sâu vào tận lớp đá cứng. Tuy nhiên lối kiến trúc này hiện nay chỉ còn được tìm thấy ở vùng ngoại ô của thành phố. Phần lớn Quận Không được xây dựng trên một nền móng bằng bê tông, nhưng không bao phủ toàn bộ diện tích của nó mà xếp thành từng khối xen kẽ nhau, tạo thành một mạng lưới "kênh" chằng chịt.
Giao thông đường thuỷ là phương tiện giao thông chính trong Quận Không, bên cạnh hệ thống đường sắt trên cao. Không có hệ thống giao thông đường bộ dành cho phương tiện cá nhân. Lối đi dành cho người đi bộ nằm dọc theo hai bên của mỗi kênh đào với số lượng cầu bắc ngang hiện chưa thể thống kê đầy đủ. Trong lần đầu làm nhiệm vụ ở Quận Không, một nhân sự của Tổ Chức đã đưa ra nhận xét: "Thành phố như một khu chợ nổi khổng lồ hoà chút hương vị từ Venice".
Kinh Tế
Phần lớn đời sống và các hoạt động tài chính của Quận Không không có quá nhiều khác thường, do đa số dân cư vẫn là con người. Tuy nhiên, ngoại lệ lớn nhất là một liên minh thương mại được gọi là Hỗn Thị, bao gồm rất nhiều gia tộc có truyền thống lâu đời trong cộng đồng dị thường do nhà họ Lý đứng đầu.
Hỗn Thị tổ chức một sự kiện được gọi là "họp chợ" mỗi tháng một lần vào ngày trăng tròn. Địa điểm diễn ra sự kiện là không cố định, thường là trên một nút giao lớn giữa các kênh nước. Phương tiện đi lại chính của người tham gia "họp chợ" là thuyền, về mặt hình thức bên ngoài, tương tự như một loại hình thương mại ở Đông Nam Á được gọi là "chợ nổi". Giao dịch trong các phiên chợ này chỉ sử dụng Kháng Thuật Kim làm vật ngang giá và đối tượng trao đổi là các vật phẩm dị thường.
Các sự kiện họp chợ do Hỗn Thị tổ chức thường gây ùn tắc nghiêm trọng tại nơi nó diễn ra, vì vậy Hội Đồng Quận Không đã từng đưa ra đề xuất xây dựng một địa điểm họp chợ cố định. Việc này bị phần lớn cư dân thành phố phản đối do phá vỡ tính truyền thống lâu đời của sự kiện.
GOC từng có nỗ lực triệt phá hành vi trao đổi vật phẩm dị thường trong thành phố. Tuy nhiên, do tầm ảnh hưởng chính trị của nhà họ Lý, chính quyền thành phố đã đứng ra bảo vệ Hỗn Thị. Các chiến dịch này đều không thu được kết quả khả quan.
Tổ Chức SCP đang lên kế hoạch phân loại Hỗn Thị như một thế lực đáng lưu tâm. Hiện nay, các Đặc vụ của Tổ Chức thường xuyên được triển khai trà trộn vào các lần họp chợ để tìm cách thu giữ các dị thể nguy hiểm.
Văn Hoá và Xã Hội
Trong thời kỳ đầu thành lập, Quận Không có lượng dân cư cân bằng giữa ba nhóm là người Việt bản địa, người Hoa hải ngoại và người gốc Châu Âu. Tuy nhiên trong Thời Kỳ Cô Lập, các chính sách của Hội Đồng Quận Không đã khiến tỷ lệ dân nhập cư gốc Âu giảm mạnh, dẫn đến người Việt và người Hoa trở thành hai cộng đồng chiếm ưu thế. Dưới đây bảng thống kê bản sắc dân tộc tự xưng của công dân thành phố trong một cuộc thống kê do Hội Đồng thực hiện:
Nhóm dân tộc | Phần trăm |
---|---|
Người Việt (Kinh) | 62,8% |
Người Hoa/Hán/Đường | 22,9% |
Người gốc Âu | 8,7% |
Còn lại | 5,6% |
Văn hoá kiến trúc của Quận Không được chia thành ba khu: khu phố Cổ, khu phố Tây và khu phố Mới. Khu phố Cổ phân bố dọc theo các kênh nước trung tâm, là nơi chứa phần lớn các toà nhà lịch sử, tư dinh của các gia tộc lớn, các đền chùa, tổ chức tôn giáo… Khu phố Tây là trung tâm tài chính, giáo dục và đồng thời là nơi đặt trụ sở của chính quyền thành phố… Khu phố Mới chiếm phần lớn diện tích vòng ngoài của Quận Không, là nơi tập trung phần lớn dân cư cũng như nơi diễn ra các hoạt động thường nhật của thành phố.
Văn hoá của thành phố là sự giao thoa hài hoà giữa văn hoá Á Đông và phương Tây tạo thành một bản sắc Quận Không đặc biệt. Cư dân bản địa trong thành phố thỉnh thoảng tự mô tả về văn hoá của Quận Không như là "Hồng Kông của thế giới dị thường".
Thêm tác phẩm bởi KH Nam / MarkNguyen / Goose of the Pool