Luật Ngón cái


đánh giá: +9+x

Luật ngón cái (Rule of Thumb) là từ lóng trong tiếng Anh để chỉ một nguyên tắc gì đó dễ học, dễ nhớ, nhưng không phải lúc nào cũng đúng hay bắt buộc phải tuân theo.

Đây là nơi thu thập những mẹo nhỏ của các thành viên về các khía cạnh của wiki. Lưu ý rằng đây không phải là nội quy và không tuân theo sẽ không có hình phạt gì cả, nhưng sẽ giúp bạn kha khá đấy.

Nếu bạn muốn thêm mẹo gì thì thêm vào bình luận nhé.


  • Luật phá luật: Bài viết của bạn hoàn toàn có thể phá bất cứ luật nào dưới đây, miễn là người đọc thấy hay là được.
  • Lưỡi dao của Gears: Khi không chắc, hãy chọn lựa chọn đáng sợ hơn.
  • Gợi ý của Troy: Không bao giờ có cái kết có hậu nhất. Có thể có kết thúc xấu, kết thúc tốt, có khi còn là kết thúc có hậu, nhưng không bao giờ có hậu cho tất cả. Như thế không phải là truyện, mà là cổ tích. Hãy hòa thêm một chút cay đắng, và bạn sẽ có kết quả mình muốn.
  • Điều chưa được nói: Giấu thông tin và xóa thông tin không phải dùng để dọa người đọc. Chúng được dùng để giấu đi thông tin. Nỗi sợ hình thành từ những gì có thể ở đằng sau cái [DỮ LIỆU BỊ XÓA] ấy. Bởi vì chính trí tưởng tượng của người đọc là thứ điền vào chỗ trống, họ sẽ tự làm cho bản thân mình sợ. Hơn nữa, đừng xóa thông tin trong phần Quy trình Quản thúc. Cái đó là để biết phải làm gì khi SCP xổng chuồng. Xóa đi thì biết kiểu gì?
  • Quan sát của Alten: Một thứ gì đó là một mối đe dọa không có nghĩa là nó sẽ làm người đọc sợ. Mức độ nguy hiểm không phải là thứ có thể gánh cả câu chuyện.
  • Luật của Sorts: Hiệu ứng lan truyền nhận thức + Phát điên đến chết = Thất bại. Nếu SCP của bạn buộc nạn nhân làm một cái gì đó mà không có lý do thích đáng, người đọc cũng sẽ cảm thấy buộc phải downvote. Vì trông nó rất là lười và xàm.
  • Nguyên tắc của Bright: Nếu bạn chọn ngôn từ một cách khéo léo, có thể người bạn đang nhắm đến sẽ hiểu được ý của bạn. Còn nếu bạn nói thẳng ra, thì là chắc chắn.
  • Luật của Clef: Nếu SCP của bạn là một trong mấy thứ này, khả năng cao là nó rất tệ.
    1. "Một thứ X mà thực hiện việc X rất tốt."
    2. "Một thứ X giết chết bạn trừ khi Y."
    3. "Một thứ X mà rõ ràng là thứ Y xuất hiện trong một thứ Z gì đó nổi tiếng."
  • Phụ lục của Clef: Một số ý tưởng cần phải được xử lý một cách hoàn hảo thì mới đạt được mức tuyệt vời.
  • Luật của Spikebrennan: Việc che giấu thông tin có thể che đi một lỗ hổng nhỏ trong cốt truyện, nhưng không thể là một lỗ hổng lớn. Để giữ cho độc giả tin rằng điều hư cấu bạn viết có thể xảy ra, bạn cần biết phân biệt chúng với nhau.
  • Lời khuyên của Quik:
    1. Bạn không thể làm vừa lòng tất cả mọi người.
    2. Có lòng dạ vững vàng - Nhiều người ở đây thẳng thắn một cách tàn bạo.
    3. Nếu không chắc, hãy lùi lại và dành thời gian quan sát, học hỏi.
    4. Bạn không thể chắc được là mọi người sẽ rất thích — hoặc rất ghét — cái gì.
    5. Đừng dồn hết công sức vào một SCP trước khi đăng nó. Hãy để dành tâm huyết đến khi bạn chắc chắn là bài viết của mình sẽ không thất bại.
  • Giả thuyết của Gears: Nếu bạn nhìn vào SCP mới của mình và không cảm thấy khó chịu, hay không lo lắng rằng người khác có thể nghĩ là bạn sắp rối trí, khả năng là nó vẫn cần cải thiện.
  • Về ảnh: SCP của bạn sẽ thu hút hơn nếu có ảnh. Đó nên là một bức ảnh độc đáo. Tranh vẽ và các ảnh hay gặp trong creepypasta thì không nên dùng.
  • Luật thứ hai về ảnh: Bạn càng cần nhiều chữ để giúp người đọc hình dung thứ mình đang miêu tả thì bài viết của bạn càng cần ảnh.
  • Luật thứ ba về ảnh của Smapti: Bạn cần càng nhiều chữ để giải thích lý do bức ảnh của bạn tồn tại trong bài thì bài viết của bạn càng không nên có bức ảnh đó.
  • Luật Số phận của Soulless: Có những cái kết đáng sợ hơn cái chết. Cái chết không đáng sợ; nó là sự giải thoát. Hãy sáng tạo lên.
  • Lời tư vấn của Sal: Nếu mọi người đều khuyên bạn không nên đăng, có lẽ bạn không nên đăng.
  • Tỉ lệ của Tuomey: Số bài viết mà một người đã đọc/viết càng nhỏ thì khả năng mắc sai lầm của họ càng lớn.
  • Luật đời thực: Nếu một thứ ngoài đời thực được chuyển thể thành SCP thì SCP đó ít nhất cũng phải thú vị ngang bằng cái thứ ngoài đời đó.
  • Luật khám phá: Câu chuyện về cách mà SCP được khám phá ra nên tuân thủ theo những điều kiện sau:
    1. Việc kể lại cách mà SCP này được khám phá nên bổ sung thêm chất lượng cho bài viết. Kể lại việc khám phá không phải là một điều bắt buộc. Đôi khi, không có yếu tố khám phá còn hay hơn.
    2. Câu chuyện phải có lý và nghe đáng tin. Tổ Chức rất rộng lớn và vươn ra cả thế giới. Đừng chỉ đơn thuần là nhặt được vật thể trên mặt đất.
    3. Tổ Chức hoàn toàn có khả năng về đích trước. Không phải lúc nào cũng có một nhóm khác như MC&D, Hỗn Kháng hay GOC tìm ra trước.
  • Luật bảo toàn chi tiết: Chi tiết khá là quan trọng, nhưng nhiều quá có thể làm phức tạp hóa SCP. Hãy nghĩ đơn giản là X thực hiện Y thay vì X thực hiện Y trừ khi Z khi đó A xảy ra và B cũng có thể xảy ra nếu như Y và B xảy ra cùng lúc. Hãy nghĩ lại xem tài liệu bổ sung mà bạn sắp đăng có thực sự mang lại điều gì quan trọng cho bài viết của bạn không?
  • Luật Ngón cái của Scantron: Bài viết của bạn nên dài hơn ngón cái.
  • Luật mong muốn: Nếu bạn muốn sở hữu một SCP nào đó, thì hãy làm sao để bạn phải lo lắng khi nó rơi vào tay kẻ khác.
  • Luật góc nhìn: Trước khi đăng bài, hãy đặt vị trí bản thân vào một người lần đầu tiên đọc bài của bạn. Nếu như bản thân bạn còn không upvote nó thì chắc người khác cũng không.
  • Luật lời thoại: Khi viết lời thoại, hãy đọc nó thật to hoặc đọc lên với người khác. Nếu nó thiếu tự nhiên, hãy sửa lại.
  • Thuyết liên hệ tách biệt: Một SCP càng giống với một SCP khác thì khả năng nó được yêu thích càng gần số không.
  • Luật nghiên cứu: Biết mình đang nói cái gì. Nếu bài của bạn có dùng đến kiến thức khoa học thực tế, hãy nghiên cứu sao cho nó có lý xét từ góc độ khoa học. Mất có năm phút để tra Google thôi — thà dành thêm thời gian kiểm tra lại những điều bạn không chắc còn hơn nhìn mọi người cười nhạo việc bạn không biết dùng Google.
  • Cảnh báo của Drewbear về Vòng lặp nhận xét: Dù những người mới có thể đưa ra những nhận xét có ích, nên nhớ rằng, họ vẫn ít kinh nghiệm về thứ gì được hay không được hơn là những thành viên lão làng. Đừng dựa hoàn toàn vào những nhận xét của người mới, dù chúng tốt hay không tốt.
  • Mẹo về việc Giải thích suồng sã: Sử dụng từ lóng trong ngoặc kép chỉ nên dùng để khiến cho mô tả chuyên nghiệp về SCP dễ hiểu hơn, chứ không phải là thay thế hoàn toàn.
  • Định luật mayonnaise: Những yếu tố ghê tởm và máu me, hãy tưởng tượng chúng như mayonnaise vậy. Chúng có thể cải thiện đáng kể một bài viết nhàm chán khi dùng đúng mức, mà "mức" này cũng tùy từng người — Có người có thể ăn cả đĩa, có người chỉ thích một thìa. Nhưng, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng ăn mayonnaise một mình không ngon chút nào. Tức là đừng làm cho bài viết của bạn toàn là máu me hoặc kinh tởm.
  • Thử nghiệm meme của sirpudding: Nếu như có ai đó không bị một thứ gì đó ảnh hưởng chỉ vì họ không hiểu nó (chẳng hạn như nó không được viết bằng ngôn ngữ của họ), thì tác nhân của bạn là tác nhân lan truyền nhận thức.
  • Lời thông thái của Mistbourne: Hãy viết SCP của bạn theo trình tự ngược (Miêu tả, rồi đến Quản thúc, rồi cuối cùng là Phân loại). Phân loại phải dựa trên Mô tả và Quản thúc, chứ không phải ngược lại.
  • Nghịch lý của Scorpion:
    • Miêu tả khả năng phá hoại của dị thể càng kỹ thì mức độ đe dọa của nó trong mắt người đọc càng giảm.
    • Sự bình thường càng tăng thì mức độ kỳ quái của dị thể càng tăng.
    • Cho đến khi giới hạn hư cấu bị phá vỡ, dị thể càng đi xa thực tại thì khả năng bạn thành công càng tăng.
    • Hai ý tưởng càng không hợp nhau thì càng hòa hợp trong cùng một SCP.
  • Đính chính cốt truyện: Đưa một câu chuyện vào SCP không có nghĩa bạn cần lời thoại hay văn vẻ gì cả. Một SCP với mô tả cứng nhắc vẫn có thể kể một câu chuyện giống như cách một bức ảnh bất động có thể kể chuyện qua một khoảnh khắc nghệ thuật vậy.
  • Khám phá của Niles: Khi phát triển một ý tưởng, cái khó thành công nhất là cái hiện lên trong đầu bạn nhanh nhất. Một thứ hiển nhiên khó đưa bạn đến thành công.
  • Quan sát của Uranium: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tạo ra phong cách hội thoại riêng cho từng nhân vật, trước hết bạn nên dựa trên những gì mình biết về nhân vật đó để xác định xem họ thường xuyên chửi bậy đến mức nào. Hãy phát triển thêm từ điểm này.
Nếu không có ngoại lệ được nêu, nội dung của trang này được xuất bản dưới giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License