30/04/2011
Cho đến ngày hôm nay, tôi mới có thể yên lòng rằng dự án đã vào guồng.
Giới trẻ ngày nay quả thực khiến tôi ngạc nhiên; sức trẻ của các bạn cũng giống như chúng tôi ngày xưa thôi, nhưng thế hệ bây giờ chủ động hơn nhiều, biết hợp tác với nhau hơn nhiều và tính hiếu kỳ thì phải nói là không sao bì nổi. Mớ số liệu lộn xộn với bốn năm kiểu định dạng khác nhau từ những năm 90 tới giờ đối với cả tôi và các bạn ấy đều là một cơn ác mộng, nhưng các bạn cũng đồng thời coi chúng như một cái gì đó để hoài niệm về những ngày xưa mà mình chỉ từng nghe kể. Các bạn choáng ngợp và say mê khi biết rằng Tổ Chức cũng từng là một nơi lạc hậu và đầy hoài cổ như bao nơi khác ngoài kia, nhưng theo một cách riêng của nó. Và trong khi làm việc, các bạn ấy cũng có những nỗi bực bội và sự nóng vội của riêng mình - nóng vội thì tôi hiểu, thời trẻ tôi cũng đâu khác gì, nhưng còn cái bực bội ấy có lẽ chỉ các bạn cùng ngành mới có thể hiểu cho nhau. Dữ liệu mới vẫn chưa về và công việc tiến triển không nhanh, nhưng việc chuyển dữ liệu cũ sang định dạng mới và xử lý sơ bộ đạt đến tiến độ như mấy hôm nay là đủ để tôi không phải lo lắng rồi.
Khoảng thời gian khởi đầu của dự án nào cũng vậy thôi, không ra đâu vào đâu cả. Nhiều lúc nhìn vào danh sách những việc cần làm, những mục tiêu trước mắt còn ngập đến tận cổ, tôi vẫn nghĩ: Hay là bây giờ mình dừng lại? Công việc chưa bắt đầu, từ chối vẫn còn chưa muộn. Nhưng đồng thời một phần tâm trí khác cũng mách bảo tôi: Rồi chuyện này sẽ qua thôi, giống như lần trước, và như lần trước nữa. Và đúng là như vậy, quãng thời gian gập ghềnh ấy lúc nào cũng sẽ qua.
Dù rằng những khó khăn trước mắt không bao giờ là không có. Và không phải lúc nào tôi cũng được quyền dừng lại, nhất là khi trên vai tôi là công việc mà tôi tự gieo mình vào.
Gần hai mươi năm rồi. Hai mươi năm kể từ ngày ấy, cái ngày tôi bắt đầu một thứ mà ban đầu tôi tin rằng nó sẽ không thể nào thất bại. 098-VN là dự án đầu tiên tôi dẫn dắt, và lúc ấy dù tôi không còn tràn trề sức trẻ như các bạn nghiên cứu viên dưới trướng tôi bây giờ, thứ tôi có rất nhiều là hy vọng. Tầm tuổi ba mươi lăm đối với cuộc đời của một người đàn ông không phải là tuổi trẻ, nhưng cũng còn lâu mới già; khi ấy, tôi đã đinh ninh rằng mình đang đứng ở dấu mốc nơi mọi thứ đều đạt đến trạng thái đỉnh cao - sức khỏe, tiềm lực, tham vọng và cả sự nhạy bén với những thay đổi chóng mặt của thế giới quanh mình. Tôi đã lao đầu vào nghiên cứu 098-VN mà không một chút chần chừ như một con thiêu thân lao vào bếp lửa, vì tôi tin, vì tôi đã mù quáng tin - rằng cứ đi rồi sẽ đến.
Nhưng có lẽ tôi đã kỳ vọng hơi nhiều. Vì triển vọng thành công của dự án cứ dần tan thành cát bụi và tuột khỏi bàn tay tôi, từng chút từng chút một, y như cách những con người xấu số nọ đã kết thúc đời mình trong tưởng tượng của tôi. 098-VN được phát hiện lần đầu ở Việt Nam, và ngày ấy ai cũng ngại làm thủ tục xin sự trợ giúp từ quốc tế, vậy nên nó đã trở thành dị thể do nhân sự Việt Nam phụ trách một cách đương nhiên. Thế nhưng chẳng ai lường trước được rằng hiện tượng này cũng xuất hiện ở nước ngoài, và thế là dữ liệu từ khắp các nước cứ thế đổ về. Lượng thông tin cần xử lý ngày ấy so với bây giờ tuy chẳng là gì, nhưng so với năng lực của nhân sự và máy móc lúc bấy giờ thì quả là quá sức. Mà cả đất nước khi ấy đều khó, chứ chẳng riêng gì chúng tôi. Đất nước đang đổi mới, Liên Xô mới sụp đổ, cấm vận vẫn còn, gần như cái gì chúng tôi cũng phải tự mình làm. Ngày qua ngày đều như thế mãi, thì đâu ai còn hơi sức mà quan tâm đến chuyện từng xảy ra với những người đã mất?
Tôi biết đáng lẽ ra bản thân mình nên ngừng than thở từ lâu. Nhưng thời gian càng trôi đi, tôi lại càng thấy rõ dự án này không đáng phải chịu một cái kết như vậy. Những dữ liệu mới vẫn cứ được thu thập và phân tích qua cho có lệ, nhưng càng lúc tôi lại càng nhìn ra nhiều điểm dị thường. Tôi không có thời gian để tính toán và chỉ dựa vào ước đoán cá nhân, tuy nhiên tôi có cảm giác rằng những số liệu chúng tôi rút ra ngày ấy giờ đã không còn chính xác. Trong số những con người đã ra đi như thế, có những người công nhân, những người chiến sĩ, những thương nhân, những nhà khoa học - và cả những kẻ vô công rồi nghề. Nhóm đối tượng với nghề nghiệp thuộc mảng khoa học xã hội và nhân văn có thể chiếm ưu thế nhưng rõ ràng không phải là tất cả, và sự đa dạng trong số những người còn lại làm tôi liên tưởng đến một bức tranh muôn màu muôn vẻ hơn thế nhiều. Đặc biệt là trường hợp mới được thêm vào danh sách đáng lưu tâm gần đây - tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ được thấy một phi hành gia qua đời theo cách đó.
Giờ đây, tôi đang ở cách tuổi sáu mươi của mình chỉ vài ngày. Tôi sẽ chết như thế nào? Bất cứ quy luật gì đang chi phối dị thể này, nó có nương tay với ai hay không?
Tôi chỉ có một cách duy nhất để biết câu trả lời, và đó chính là tự tìm ra nó.
12/05/2011
Có một câu hỏi chung về 098-VN mà nhiều bạn nghiên cứu viên trẻ trong đội đã hỏi tôi: Tại sao mục tiêu của dự án chỉ dừng lại ở việc lập mô hình phỏng đoán?
Tại sao Tổ Chức không tìm kiếm nguồn gốc của hiện tượng này? Tại sao chúng tôi lại không tìm cách ngăn chặn nó, khi nó đã cướp đi biết bao nhiêu con người tinh hoa mà các bạn trẻ này ngưỡng mộ, và nó luôn chực chờ đe dọa sinh mạng của những người mà các bạn ấy yêu thương? Tại sao chúng tôi đang nắm trong tay biết bao nhiêu công nghệ dị thường tiên tiến như vậy, nhưng chúng tôi lại không tiến hành nghiên cứu cách thức phục sinh cho những người đã mất?
Các bạn ấy có vẻ không thỏa mãn với câu trả lời rằng dự án nào cũng cần trải qua từng giai đoạn một, nhưng tôi chỉ có thể nói vậy mà thôi. Tôi đâu nỡ lòng nào nói thẳng ra rằng dự án này đã bị Tổ Chức xếp xó mấy chục năm trời, và chỉ vừa được tái khởi động để những nghiên cứu viên mới như các bạn ấy tập dượt làm cho quen việc? Nếu biết được điều đó, các bạn ấy sẽ nghĩ thế nào về Tổ Chức này và tương lai của chính mình đây?
27/05/2011
Dữ liệu mới đã bắt đầu về, nên công việc phân tích giờ đã có chuyển biến. Dù vậy, báo cáo tuần này mới chỉ nhắc đến những vấn đề cơ bản nhất mà thôi.
Thành phần nhóm tuổi của các cá nhân SCP-098-VN-1 nhìn chung không khác trước kia, tuy nhiên số lượng mẫu thu thập đã đủ lớn để việc phân loại sâu hơn trở nên có ý nghĩa. Chúng tôi vẫn chưa rõ ý nghĩa của việc biểu đồ phân bố theo tuổi có dạng như thế này là gì. Về số trường hợp theo từng năm, cũng chưa ai trong nhóm phân tích dữ liệu đưa ra được phỏng đoán gì liên quan đến tình hình chung.
Tôi đã nhờ nhóm phân tích cử ra một người để tổng hợp lại số liệu về tỷ lệ các cá nhân SCP-098-VN-1 theo nhóm ngành nghề. Và theo như trong nhóm thỏa thuận với nhau, việc này sẽ được giao cho Xuân. Tôi đã dặn Xuân rồi, bất cứ khi nào có kết quả thì hãy gọi ngay cho tôi.
02/06/2011
Hóa ra tôi đã đúng.
Cảm tưởng đầu tiên của tôi khi quan sát những số liệu ấy là ước gì mình đã đến sớm hơn, dù rằng ngay khi Xuân gọi, tôi đã cố gắng tới phòng máy chủ nhanh nhất có thể rồi. Trời ơi, bao nhiêu năm nay tôi đã ngờ ngợ điều này… Giá mà tôi biết được chuyện này sớm hơn vài năm hay vài tháng, có phải tôi đã bớt nhọc lòng về dự án này được biết bao không?
Đúng như tôi đã võ đoán, nhóm ngành thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn tuy vẫn chiếm phần lớn, nhưng không hề áp đảo. 81% ư? Con số ấy giờ chỉ còn là chuyện của quá khứ rồi.
Nhưng vui chẳng bao lâu, tôi đã lại đâm lo. Còn xa lắm chúng tôi mới hoàn thành được cái mục tiêu phát hiện những điểm chung của các cá nhân SCP-098-VN-1. Bởi, đặc điểm nổi bật nhất để nhận diện họ giờ đã chẳng còn giá trị lớn như trước kia. Bản thân đặc điểm “lĩnh vực nghề nghiệp liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn” vẫn còn chung chung quá, nhưng ít ra đó cũng là một dấu hiệu. Giờ đây, khi dấu hiệu ấy không còn có thể được áp dụng hiệu quả, chúng tôi gần như chẳng còn lại gì. Lại bắt đầu lại từ con số không.
Phỏng đoán của tôi đã được chứng minh là chính xác, thắc mắc bao nhiêu năm của tôi đã được giải đáp. Thế nhưng dự án này vẫn phải tiếp tục, và tôi cũng không chắc tiếp theo chúng tôi sẽ có được gì. Chặng đường này còn dài, rất dài. Thật nực cười thay; chính dị thể mở đầu cho chương mới trong sự nghiệp của tôi cũng có thể sẽ là dị thể cuối cùng tôi còn sức lực mà nghiên cứu.
01/07/2011
Hôm nay trong cuộc họp, Xuân đã phát biểu ý tưởng rằng sự sụt giảm số trường hợp 098-VN trong những năm 2001 - 2002 có thể liên quan đến vụ khủng bố 11/9, dù bạn ấy vẫn chưa thể kết luận được mối quan hệ cụ thể. Chẳng là mới đây, Xuân đã mở lại những tài liệu cũ để tìm thêm những điểm đáng chú ý, và bạn ấy đã nhìn ra mối quan hệ đó khi xem xét lại biểu đồ này.
Chúng tôi đều chưa hiểu tại sao, nhưng mấy hướng phân tích được triển khai gần đây đều chỉ toàn đi vào ngõ cụt. Kết quả ban đầu luôn có vẻ hứa hẹn, tuy nhiên sau một thời gian, những gì chúng tôi thu được đều hoặc là khiến người ta buộc phải kết luận theo kiểu nước đôi vô thưởng vô phạt, hoặc là chẳng có mấy ý nghĩa. Vậy nên ở thời điểm hiện tại, cứ có thêm hướng phân tích mới đã là tốt rồi. Do là người đưa ra ý kiến nên Xuân đã xung phong phụ trách việc này từ tuần sau, nhưng bạn ấy cần tôi và Tiến hỗ trợ. Cũng phải thôi; nếu không tham khảo thêm khía cạnh xã hội học, chưa chắc Xuân đã xử lý nổi vấn đề này. Thế là tuần sau chúng tôi lại có thêm việc phải lo rồi.
05/07/2011
Xuân đã chạy dữ liệu để thống kê thêm sự biến động của số trường hợp SCP-098-VN qua các năm theo từng khu vực trên thế giới. Kết quả cho thấy phỏng đoán của Xuân là đúng: từ năm 2001 trở đi, số trường hợp 098-VN sụt giảm nhiều nhất ở Mỹ, rồi sau đó là Tây Âu. Đông Nam Á và Trung Đông dường như cũng có biến động giảm nhiều hơn các khu vực còn lại, nhưng với quy mô nghiên cứu như vậy, khó có thể nói rằng chúng tôi đã có đủ dữ liệu để kết luận.
Tôi và Tiến đã cố gắng bàn bạc và liệt kê ra hết các yếu tố xã hội liên quan có thể ảnh hưởng đến kết quả chúng tôi thu được, rồi chuyển lại cho Xuân và nhóm phân tích để xử lý số liệu theo yêu cầu. Vậy nhưng, tất cả những thông tin chúng tôi thu được đều không có nhiều ý nghĩa; mọi sự thay đổi đáng kể đều chỉ liên quan đến quy mô. Sự đa dạng về tôn giáo, chủng tộc và khuynh hướng chính trị giữa các cá nhân SCP-098-VN trong giai đoạn trước và sau năm 2001 - 2002 vẫn đi theo những mô hình giống nhau. Điều kiện kinh tế, cũng tương tự như nghề nghiệp, vốn không phải yếu tố ảnh hưởng nhiều đến SCP-098-VN. Những chỉ số khác hoặc là giữ nguyên xu hướng biến đổi, hoặc là trước đó thế nào, về sau vẫn vậy. Còn về những khía cạnh thứ yếu khác nữa, thì việc phân tích vẫn chưa hoàn thành.
Tôi có cảm giác như thể 098-VN đang chơi đùa, né tránh chúng tôi. Trời ơi, tại sao chúng tôi cứ mãi đi vào ngõ cụt như thế này cơ chứ?
Hay có lẽ là do chính chúng tôi chăng. Biết đâu chúng tôi chưa đủ cố gắng, hay chúng tôi đã đi sai đường ngay từ đầu?
Những dự án nghiên cứu dị thể khác thuộc Dự án Bình Minh gần như đều đã có những phát hiện quan trọng. Còn với SCP-098-VN, chúng tôi vẫn chưa có gì ngoài những bài báo đính chính lại kết quả nghiên cứu trước kia. Những gì chúng tôi đã biết chỉ là trước kia chúng tôi từng sai rất nhiều.
Nhỡ đâu lần này chúng tôi lại sai nữa thì sao?
Người ta vẫn cứ nói, nghiên cứu là phải kiên trì, không sợ sai, không ngại làm đi làm lại, phải biết đứng dậy sau khi vấp ngã. Nhưng có mấy người không làm khoa học hiểu được rằng tài lực, nhân lực trong tay mỗi người làm nghiên cứu chỉ có hạn mà thôi? Nếu từ xưa cơm áo đã không đùa với khách thơ, thì ngày nay cơm áo cũng chẳng đùa với người làm khoa học.
Không. Tôi không thể để dự án này bị đình chỉ đến lần thứ hai được. Nếu tôi để cho chuyện đó xảy ra, thì thật là đáng hổ thẹn biết bao.
Tôi chắc chắn rằng có tồn tại một quy luật nào đó chi phối 098-VN. Vì nếu không, những phân tích ban đầu của chúng tôi đã chẳng thể cho ra kết quả.
Tôi phải tìm ra cách. Tôi sẽ tìm ra cách.
11/07/2011
Tôi đã bắt đầu thấy truyền thông cả trong nước lẫn quốc tế tiến hành đăng tin bài kỷ niệm một thập kỷ ngày sự kiện 11/9 diễn ra.
Kể từ sau cái ngày không thể nào quên ấy, mọi thứ đã biến đổi thật sự quá nhanh. Những xáo trộn đầy kinh hoàng và đau thương ngày đó giờ đã được lưu lại bằng những tranh ảnh, thước phim, bảng biểu thống kê, hệt như những đối tượng làm việc của chúng tôi hiện giờ. Vậy nhưng khi nghĩ đến 11/9, cái mà bản thân tôi cảm nhận được lại không phải là những số liệu ngắn gọn cô đọng ấy, mà là một nỗi hốt hoảng chung, sốt sắng chung đầy cảm tính tỏa đi từ khắp mọi ngóc ngách trên quả địa cầu. Các bạn nghiên cứu viên trong đội của tôi hồi ấy mới chỉ đâu mười lăm, mười sáu tuổi; chẳng biết khi đó các bạn ấy đã quan tâm sâu sát đến những vấn đề như thế hay chưa? Nếu là chưa, thì có lẽ những người trẻ này cũng chỉ từng cảm nhận được nỗi kinh hoàng ấy theo cách hoàn toàn gián tiếp qua những sự phản ánh như trên mà thôi.
Ngày nay, với những máy móc, những phương pháp thống kê, người ta đã có thể số hóa và định lượng cả suy nghĩ lẫn cảm xúc của con người, làm cho những dòng chữ, con số ngắn gọn và dễ hiểu hiện ra từ những trải nghiệm thực mà tất cả những cuộn phim tài liệu trên thế giới này cũng không thể nào bao quát hết. Nhưng tôi tin những công cụ ấy sẽ không bao giờ có thể sâu sát đủ để thay thế được cảm nhận của chính con người. Đối với tôi, mọi cố gắng dùng lý trí thuần túy để diễn tả những tình cảm ấy dường như chỉ khiến chúng khô cằn đi, và tước bỏ tính người mà chúng vốn đang mang trên mình mà thôi. Giống như người ta vẫn nói, mỗi cái chết đơn lẻ là một bi kịch, nhưng một triệu cái chết cùng nhau lại chỉ là số liệu.
Phải chăng chúng tôi đã chú trọng vào số liệu quá nhiều, nên đã dần quên mất thực tế rằng chúng tôi đang làm việc với con người? 098-VN từ trước tới nay vẫn luôn tác động đến những con người khác nhau một cách ngẫu nhiên trong mắt chúng tôi, và theo những quy luật riêng của nó. Nó không loại trừ bất cứ ai cả, và nó cũng chẳng quan tâm đến việc chúng tôi phân loại những con người trên thế giới này theo cách nào. Vậy nên tôi đang nghĩ đến một khả năng có chút hoang đường thế này: một sự kiện, nếu không làm cả thế giới phải xáo trộn và không có sức ảnh hưởng rộng khắp đến từng con người trên toàn cầu bất kể chủng tộc, sang hèn, mục đích tồn tại, sẽ không thể nào tác động đến 098-VN. Bất kể 098-VN bị chi phối bởi điều gì, thì điều đó cũng đã luôn hiện diện trong cuộc đời, sự sống, cái chết của toàn thể mọi con người trên thế giới này.