Quy trình quản thúc đặc biệt: Toàn bộ các trường hợp SCP-106-VN đã được phát hiện sẽ được bàn giao cho Phòng ban Quản lý Dị thể Trẻ em. Mọi trường hợp ghi nhận được hoặc thuộc diện nghi là SCP-106-VN-A sẽ được báo cáo đồng thời đánh dấu khu vực phát hiện. Quy trình thu hồi 106-DV cần được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm giảm thiểu rò rỉ thông tin dị thể. Quy trình cần được diễn ra theo trình tự sau:
- Ngụy tạo thông tin mang tính chất tâm linh nhằm đánh lừa dân cư và làm giả chứng cứ cho mục đích che đậy bản chất thật của SCP-106-VN-A.
- Cử nhóm quản thúc thuộc ĐĐNCĐ Nu-57 (“Bảo Mẫu”) đến khu vực phát hiện dưới vỏ bọc thầy cúng nhằm thâm nhập và tiếp cận đối tượng. Ngụy trang quy trình thu hồi như các buổi trừ tà và thu thập thông tin theo ngữ cảnh.
- Cho phép nhân viên thu hồi là trẻ nhỏ tiếp xúc và giao tiếp với dị thể để theo dõi và đưa ra phương pháp thu hồi thích hợp.
- Thực hiện thu hồi theo quy trình đã đề xuất. Tuy ưu tiên phương pháp ngoại giao, các phương pháp thu hồi cực đoan hơn có thể được thực hiện trong các trường hợp cần thiết.
Lưu ý: Để tránh sự lan rộng một cách không cần thiết, cần từ hai tới ba nhân viên là người lớn có mối quan hệ gần gũi với nhân viên quản thúc là trẻ em tham gia vào quy trình thu hồi.
Các đối tượng SCP-106-VN-A sẽ được quản thúc tập trung tại các khu vực có dạng trại hè cho trẻ nhằm cho phép nghiên cứu trong môi trường phù hợp. Các đối tượng trẻ đã hồi phục ổn định và hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của SCP-106-VN sẽ được tuyển mộ vào nhóm quản thúc của ĐĐNCĐ Nu-57 hoặc các chương trình giáo dục và nuôi dạy độc lập của Tổ Chức nhằm phục vụ cho mục đích tăng cường nhân lực tiềm năng.
Mô tả: SCP-106-VN là định danh cho một dị tượng ảnh hưởng tiềm thức cấp thấp nhắm đến các vật chủ thuộc nhóm trẻ có độ tuổi từ khoảng 8 đến 12 (chưa có ngoại lệ tuổi tác nào được ghi nhận). Những đứa trẻ mà dị tượng này nhắm đến (từ nay là SCP-106-VN-A) có xu hướng bị lãng quên nhanh chóng hoặc khó bị những người xung quanh nhận diện. Các kiến thức hoặc kí ức có liên quan đến sự hiện diện của các đối tượng trẻ có thể trở nên mơ hồ hoặc bị bóp méo cho tới khi bị chất vấn. Đồng thời, những đứa trẻ bị tác động thường tập trung cao độ vào việc chúng đang thực hiện hơn bình thường. Chúng thậm chí còn lờ đi các nhu cầu sinh lý căn bản của cơ thể vượt trên giới hạn của con người. Tuy nhiên chưa có bằng chứng nào chỉ ra trạng thái tập trung cao độ này có liên hệ trực tiếp với dị tượng.
Nhóm SCP-106-VN-A tiềm năng thường chia sẻ các điểm đặc trưng như: có nhiều mối quan hệ xã hội không ổn định; có quan hệ gia đình bất ổn, đặc biệt là quan hệ với cha mẹ và anh chị em; thường xuyên tham gia các hoạt động vui chơi tập thể mang tính chất trốn tìm1. Sau khi tham gia vào một hoạt động trốn tìm bất kỳ ở vai trò trốn, những đối tượng trẻ trên sẽ bắt đầu thể hiện các tính chất đặc trưng của hiện tượng (quá trình này đôi khi xảy ra ngay từ giai đoạn tìm nơi trốn). Ở giai đoạn đầu của SCP-106-VN, những đứa trẻ vẫn có thể bị chú ý nếu gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đủ lớn đến những người xung quanh như va chạm với người khác hay tạo ra các âm thanh lớn gây chú ý. Tuy nhiên, nếu những đứa trẻ không bị phát hiện ở giai đoạn này và tiếp tục giữ nguyên trạng thái ẩn nấp, ảnh hưởng của dị tượng lên chúng sẽ trở nên ổn định hoàn toàn. Khi này, SCP-106-VN-A sẽ tiến vào trạng thái bất hoạt tại vị trí trốn trong một khoảng thời gian và chỉ hoạt động trở lại khi tiến vào giai đoạn cuối.
Ở giai đoạn sau đó, những đứa trẻ vô hình trước mắt những người xung quanh thường di chuyển một cách định kỳ quanh nơi lẩn trốn nhằm tìm kiếm lương thực hoặc thực hiện hành vi bài tiết. Phần lớn SCP-106-VN-A được phát hiện ở giai đoạn này sở hữu cơ thể đã trải qua sự biến đổi lớn do không ăn uống trong một khoảng thời gian dài. Chúng giờ đây chỉ có thể bị phát hiện bởi một số đứa trẻ có khả năng miễn dịch với hiệu ứng của dị tượng (Nguyên nhân những đứa trẻ kia có thể miễn dịch hiệu ứng tới nay vẫn chưa được làm rõ). Các trường hợp bị phát hiện thường được mô tả như các dạng “quái vật dưới gầm giường”, “quái vật trong kẹt tủ”, “ma trong góc phòng”, “ma sau cửa” theo vị trí ẩn nấp của từng đối tượng. Khi bị phát hiện, chúng có xu hướng dẫn dụ những đứa trẻ trên tham gia vào các trò chơi mang tính chất trốn tìm như chúng và đôi khi thành công khiến cho bản thân những đứa trẻ kia trở thành mục tiêu của dị tượng.
Tuy sở hữu tính lan truyền và ảnh hưởng lên những đứa trẻ bình thường khác, nghiên cứu đã chỉ ra việc được tiếp xúc và nhận thức bởi người thường trong thời gian dài có thể thuyên giảm hoặc đảo ngược hoàn toàn quá trình diễn biến của SCP-106-VN và đưa các nạn nhân về trạng thái bình thường.
Với những cá nhân SCP-106-VN-A đã vượt qua giai đoạn tuổi thiếu niên mà không được tìm thấy hoặc không thành công trong việc thực hiện quản thúc tập trung, đối tượng sẽ trở nên hoàn toàn vô hình trước cả những đứa trẻ có khả năng nhìn thấy những đối tượng SCP-106-VN-A thông thường khác. Những đối tượng này thường có xu hướng hành động khó đoán, khó nhận biết và nguy hiểm hơn nhiều lần so với các SCP-106-VN-A. Do sự khó khăn trong công cuộc tìm kiếm và xác định các đối tượng này mà số lượng được ghi nhận của những cá nhân này cho tới hiện tại chỉ có thể được đếm trên đầu ngón tay.
Cho tới nay, số lượng nạn nhân của SCP-106-VN ghi nhận được trên toàn thế giới đã lên đến hơn 10.000 và tăng dần đều theo thời gian. Tuy vậy, con số này được cho là chỉ chiếm một phần nhỏ so với thực tế theo điều tra của Phòng ban Quản thúc Dị thể Trẻ em.
Phụ lục 106.VN.1: Phát hiện
Hiện tượng dị thường có liên quan đến sự mất tích của những trẻ em đã được ghi nhận và điều tra ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ tới sau ngày 1/6/1950 hiện tượng dị thường này mới được công nhận và lưu trữ tại Tổ Chức dưới mã định danh SCP-106-VN. Trường hợp chính thức đầu tiên được ghi nhận từ khi dị tượng bị gán mã định danh được phát hiện cũng vào ngày 1/6/1950 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam bởi Ts. Nguyễn Công Thành và con trai ông. Ông Thành đã ghi hình sự kiện này bằng máy quay nghiệp vụ trước khi báo cáo với Tổ Chức:
<BẮT ĐẦU BẢN GHI>
(Video hiển thị cảnh một cánh đồng tại Việt Nam, với người quay là bản thân Ts. Thành đang vừa chạy vừa chĩa máy quay về phía mặt mình.)
Ts. Thành: Đây là Nguyễn Công Thành, hiện đang làm việc tại làng Đại Hoàng, thuộc tỉnh Hà Nam. Chiều nay, ngày 1 tháng 6 năm 1950, con trai tôi báo cáo về một trường hợp dị thường mà bọn nhóc gặp lúc đang chơi ở đoạn gần cái chòi cạnh sông. Những gì tôi nghe được đều trùng khớp với nhiều ghi chép có liên quan đến một hiện tượng dị thường trong dân gian. Tôi đã báo cho đội hỗ trợ thu hồi của Điểm-41-VN và giờ đang nhanh chóng di chuyển đến chỗ cái chòi.
(Ts. Thành ngước mắt lên, chuyển hướng máy quay về phía trước, một căn chòi nhỏ cạnh bờ sông nằm gọn trong góc màn hình cùng với một nhóm trẻ nhỏ đang đứng gần đó. Một đứa trẻ vừa vẫy tay vừa tách nhóm chạy lại chỗ Ts. Thành. Đứa trẻ sau này được Ts. Thành xác nhận là Lê Đức Mạnh, bạn thân với con trai Nguyễn Công Danh của ông.)
Bé Mạnh: Chú Thành! Thằng Danh đang ở trong cái chòi đó. Nó là đứa bảo cả bọn báo chú.
Ts. Thành: Con đi theo chú vô trong, kể cho chú đầu đuôi câu chuyện luôn con.
Bé Mạnh: Vâng chú. Cả lũ rủ nhau chơi thách đố rồi kéo nhau lên cái chòi bị đồn có ma ám để chơi trốn tìm. Đang chơi nửa chừng thì thằng Danh nó bỗng quay vào phía góc tường trống bắt bạn. Đoạn cả bọn hỏi sao nó nói chuyện một mình thì mặt nó tái mét, rồi giục cả bọn đi gọi chú.
(Ts. Thành tiến vào chòi, đứng giữa căn chòi là một bé trai được xác nhận là con trai ông. Cậu bé vẫn nhìn vào phía góc chòi lợp lá khô.)
Ts. Thành: Hà. Con nghe chú dặn. Giờ con ra bảo mấy bạn về làng hết đi, không để đứa nào lại hết nghe chưa. Chỗ này bị con ma con nó ám, chú ở đây giải tà cho nó với thằng Danh mấy bận là về. Còn nữa, lát có mấy chú bạn của chú tới làng, nhớ chỉ hướng cho mấy chú ấy tới đây. Nhớ kỹ là chỉ thôi, không cần đi theo đâu.
Bé Mạnh: Dạ chú con đi.
(Ts. Thành tiến gần đến chỗ bé Danh, cúi thấp người xuống. Phía góc tường đối diện xuất hiện một khoảng đen mang hình dáng trẻ nhỏ.)
Ts. Thành: Danh, con thấy gì ở đó. Tả chi tiết bố nghe.
Bé Danh: Vâng. Con đang thấy một đứa con trai cao, gầy, đang úp mặt vô tường. Mặt nom hốc hác lắm ạ bố, cả người cũng vậy. Nãy con có hỏi thì nó bảo tên là Hà Gia Chính, 12 tuổi, cũng sống chung làng Đại Hoàng như mình đó bố. Ngộ cái là con không nhớ làng mình có đứa nào tên Hà Gia Chính.
Ts. Thành: Bố cũng không nhớ có đứa nhỏ nào tên này. Thế, con thử hỏi chuyện thêm được không con. Thử hỏi lý do nó đứng ở đây coi sao.
(Bé Danh đưa tay lại gần bức tường, bàn tay co vòng trên phần có vẻ là bả vai của bóng đen rồi lay mạnh.)
Bé Danh: Ê này bạn ơi. Bạn gì ơi… Ừ bạn đấy, sao bạn đứng một mình ở đây vậy?… Đúng, tui thấy mà, tui thấy bạn mà. Cơ mà như nào mà bạn đứng đây có một mình vậy?
Ts. Thành: Sao rồi con, nó nói gì nữa.
Bé Danh: Bố ơi. Nó bảo nó trốn nhà đến đây là vì cãi nhau với mẹ. Xong cứ ở suốt đây tới khi mà bọn con tới.
(Ts. Thành cũng đặt tay lên chỗ có vẻ là bả vai của bóng đen, bàn tay ông khựng lại giữa không trung theo hình vòng như thể chạm vào thứ gì đó.)
Ts. Thành: Chào Chính, chú là Thành, bố của bạn Danh đây. Cháu đã ở đây lâu chưa? Gia đình có biết không?
Bé Danh: Bố ơi. Nó bảo trốn khỏi nhà bao lâu thì cũng không biết. Chỉ nhớ là lúc cãi nhau xong chạy ra chỗ thường hay chơi trốn tìm với bạn bè rồi nấp từ đó. Cơ mà mấy chuyện xảy ra trước khi đi trốn thì nhớ rõ mồn một mà lúc bắt đầu trốn thì mọi thứ cứ mơ hồ cả lên, tới tận bây giờ.
(Ts. Thành ngừng lại trong phút chốc. Sau đó lại nói tiếp.)
Ts. Thành: Bây giờ con có muốn đi với chú không. Chú sẽ tìm một chỗ tốt hơn cho con ở khác với chỗ này cho tới khi con làm hòa với mẹ có được không.
Bé Danh: Nó hỏi là đi có xa đây không. Nó có phải về nhà xin lỗi mẹ nó không.
Ts. Thành: Không đâu cháu. Đi với chú tới chỗ đấy thì chơi thôi nhé. Đi chơi ít lâu rồi về nhà. Chú sẽ nói chuyện với mẹ cháu cho mẹ hết giận nhé.
Bé Danh: Nó đang gật đầu đấy bố.
(Lúc này các nhân viên thuộc đội hỗ trợ quản thúc đã đến nơi và bắt đầu trao đổi với Ts. Thành.)
<KẾT THÚC ĐOẠN GHI>
Sau sự kiện ngay 1/6/1950, đối tượng Hà Gia Chính (từ nay được định danh là SCP-106-VN-A-1) đã được đưa đến cơ sở Tổ Chức nhằm mục đích quản thúc. Ts. Thành được ủy quyền tham gia nghiên cứu trực tiếp đồng thời Nguyễn Công Danh cũng được cấp quyền truy cập tài liệu cấp 1 và tham gia dự án dưới tư cách thành viên của đội quản thúc.
Nhóm Ts. Thành cũng đã tìm về làng Đại Hoàng và theo thông tin tổng hợp được đã tìm đến được hộ gia đình mà theo giả thuyết là gia đình gốc của SCP-106-VN-A-1. Gia đình bao gồm một mẹ đơn thân và năm người con2 với người bố đang tham gia hoạt động cách mạng tại miền Nam. Thông qua khai thác hồ sơ và giấy tờ của gia đình và các dấu hiệu sinh hoạt, SCP-106-VN-A-1 có vẻ đã rời nhà từ tháng giêng năm 1949 và toàn bộ gia đình gốc và những đứa trẻ từng có quan hệ thân thiết với SCP-106-VN-A-1 đều không còn nhớ gì về đối tượng.
Kể từ sau ngày 1/6, các trường hợp tương tự đã được ghi nhận và báo cáo trên toàn quốc. Một dự án quản thúc tập trung đã được triển khai với trọng tâm là Điểm-41-VN nhằm xây dựng một khu vực quản thúc tập thể để dễ dàng quản thúc một lượng lớn các trường hợp SCP-106-VN-A đang được ghi nhận.
Phụ lục 106.VN.2: Phỏng vấn trực tiếp
Ngày 3/7/1950, sau hơn một tháng tiếp xúc với Danh, đối tượng SCP-106-VN-A-1 đã có thể được nhận diện bởi các nhân viên quản thúc. Phiên phỏng vấn dưới đây đã được triển khai không lâu sau đó:
<BẮT ĐẦU BẢN GHI>
Thực hiện phỏng vấn: Ts. Thành
Phỏng vấn: SCP-106-VN-A-1
Trung gian: Nguyễn Công Danh3
(Ts. Thành đẩy đĩa bánh kẹo trước mặt tới cho SCP-106-VN-A-1 sau khi nêu những thông tin chung của buổi phỏng vấn cho máy ghi âm. Bé Danh ngồi tại vị trí trung gian phòng trường hợp cần thiết đồng thời tránh gây hoang mang cho đối tượng.)
Ts. Thành: Sáng nay cháu thấy thế nào, có gì khác với mọi ngày không?
SCP-106-VN-A-1: Dạ cháu đã thấy khỏe hơn nhiều rồi ạ chú. Cháu cũng đã hoàn toàn quen với trại rồi ạ chú. Mà hôm nay cháu cũng chơi với Danh có được không ạ chú.
Ts. Thành: Được chứ cháu, nhưng chỉ sau khi cháu xong kiểm tra hằng ngày thôi nhé.
SCP-106-VN-A-1: Vâng ạ chú.
(Ts. Thành quay sang Danh và ra hiệu im lặng sao cho SCP-106-VN-A-1 không thấy trước khi quay lại phía đối tượng.)
Ts. Thành: Được rồi. Vậy bây giờ cháu có thể kể lại cho chú chuyện gì đã xảy ra trong lúc cháu trốn khỏi nhà không.
(SCP-106-VN-A-1 ngập ngừng một lúc.)
SCP-106-VN-A-1: Dạ, lúc đó cháu đang ở nhà với mẹ. Cháu cũng không nhớ rõ do đâu mà cháu bắt đầu cãi nhau với mẹ. Cháu giận mẹ quá nên chạy ra chỗ cái chòi ngay sau đó.
Ts. Thành: Sau đó thì cháu ở luôn đó tới tận lúc chú tìm thấy cháu à?
SCP-106-VN-A-1: Dạ không chú. Lúc đó cháu gặp mấy bạn khác trong làng ra chơi. Cháu với mấy bạn rủ nhau chơi trốn tìm quanh chỗ cái chòi. Chơi mãi mà mấy bạn vẫn không tìm thấy cháu, còn cháu thì cứ nấp ở đó tới khi chú tới.
(Ts. Thành quay sang phía Danh, còn Danh thì lắc đầu đáp lại. Ts. Thành nhanh chóng ghi chú vào sổ tay để bên cạnh rồi tiếp tục hỏi SCP-106-VN-A-1.)
Ts. Thành: Đứng mãi ở đó, không ăn không uống hay đi tiểu tiện mà chịu được sao cháu?
SCP-106-VN-A-1: Dạ không chú, cháu cũng có đói có khát chứ ạ. Lúc đói thì cháu tìm trái cây quanh chòi, cũng may quanh chòi có mấy cái cây quả ngon lắm, còn khát thì cháu uống hẳn nước ở con sông cạnh bên.
Ts. Thành: Rồi cháu cứ làm vậy một cách đều đặn sao? Mà làm thế nào mà cháu không bị những người đi qua đó phát hiện vậy?
(SCP-106-VN-A-1 gãi đầu một lúc, dường như cố nhớ lại.)
SCP-106-VN-A-1: Dạ cháu cũng không rõ nữa, đoạn đó cháu mơ hồ lắm chú ạ. Cháu chỉ nhớ được lúc đó cháu làm những gì, còn việc cháu làm khi nào, bằng cách nào, hay ra sao thì cháu cố mãi mà không nhớ được.
Ts. Thành: Có ai phát hiện ra cháu lúc đó không? Cháu có chủ động bắt chuyện với ai không?
SCP-106-VN-A-1: Dạ cháu cũng có gặp mấy người lớn với mấy bạn ra đó chơi ạ. Nhưng mà người lớn lúc nào cũng lờ cháu đi luôn ạ. Còn mấy bạn thì có mấy bạn thấy cháu, cháu cũng thử rủ mấy bạn chơi trốn tìm nữa, nhưng cứ được đoạn mấy bạn lại quên hoặc bỏ về.
Ts. Thành: Cho tới khi nhóm bạn Danh tới phải không cháu.
SCP-106-VN-A-1: Dạ vâng.
Ts. Thành: Vậy được rồi. Lần sau chú sẽ đến thăm cháu tiếp nhé.
SCP-106-VN-A-1: Dạ vâng ạ chú, vậy cháu với Danh đi chơi đây ạ. À mà chú ơi.
Ts. Thành: Sao cháu?
SCP-106-VN-A-1: Khi nào thì cháu sẽ được về thăm mẹ ạ?
Ts. Thành: Việc đó chú sẽ hỏi xin giúp cháu nhé. Giờ cháu đi chơi đi.
SCP-106-VN-A-1: Dạ vâng chú.
<KẾT THÚC BẢN GHI>
Sau phiên phỏng vấn trực tiếp đầu tiên, nhiều phiên phỏng vấn trực tiếp định kỳ khác đã được thực hiện với sự có mặt giảm dần của nhân sự trung gian là Danh. Đa phần các phiên phỏng vấn đều kết thúc với yêu cầu được trở về với gia đình của SCP-106-VN-A-1 với độ khẩn thiết càng ngày càng gia tăng.
Phụ lục 106.VN.3: Sự kiện tái biến đổi 106.Alpha
Khoảng 2 năm kể từ phiên phỏng vấn trực tiếp đầu tiên, đối tượng SCP-106-VN-A-1 càng ngày càng trở nên bất ổn về mặt tâm lý sau nhiều lần bị từ chối yêu cầu trở về với gia đình. Đối tượng đã thể hiện sự bất hợp tác, cự tuyệt ăn uống lẫn giao tiếp trong hai tuần. Đỉnh điểm là vào rạng sáng ngày 17/07/1952, SCP-106-VN-A-1 đã một lần nữa thể hiện các tính chất của SCP-106-VN nhưng không thể được nhận diện hay phỏng vấn kể cả là bởi nhân sự Danh ở lần này. Các thành viên đội quản thúc đã phải liên tục chất vấn về sự tồn tại của SCP-106-VN-A-1 thông qua tài liệu liên quan nhằm nhận thức được sự tồn tại của đối tượng.
Phụ lục 106.VN.4: Cập nhật ngày 1/6/1977
Kể từ cuối năm 1952 cho đến giữa năm 1977 đã có hơn 1000 trường hợp SCP-106-VN-A được phát hiện trên toàn quốc. Mặc cho nhiều nỗ lực cải thiện các chính sách quản thúc, vẫn có một tỉ lệ tương đối các trường hợp phát triển theo xu hướng của SCP-106-VN-A đầu tiên. Nhiều đề xuất thay đổi hướng quản thúc cho các SCP-106-VN-A đã được đội quản thúc gửi đến ban lãnh đạo Điểm-41-VN, nhất là từ Ts. Danh. Đặc biệt là vào đầu tháng 6 cùng năm, ông đã gửi một tin nhắn trực tiếp lên bộ phận quản lý của Điểm là bà Hà Thanh Châu.
Từ: | danh.c.ng@foundation.scp.vn |
---|---|
Đến: | chau.th.h@foundation.scp.vn |
Chủ đề: | TL: Đề xuất liên quan đến SCP-106-VN-A |
Gửi cô Châu,
Chào cô Hà Thanh Châu. Tôi là Nguyễn Công Danh, nghiên cứu viên phụ trách dự án quản thúc SCP-106-VN. Như đã đề cập trong nhiều tin nhắn trước, một số thành viên thuộc đội quản thúc tập trung tại Điểm-41-VN bao gồm cả tôi đã cùng đi tới kết luận và đồng ý rằng việc lưu giữ những SCP-106-VN-A là không cần thiết và hại nhiều hơn lợi. Đặc biệt là tình trạng tái biến đổi của các dị thể đã và đang liên tục xuất hiện cũng khẳng định tính bất lợi mà quy trình quản thúc hiện tại đang mang lại cho chúng ta. Tôi tin rằng đề xuất gửi trả các đối tượng về với gia đình sau khi đã cấp thuốc lú chính là phương hướng tối ưu nhất mà chúng ta hiện có.
Cha tôi và cũng là tiền bối của cô, Ts. Thành, chính là người người đã dành cả đời cho việc phát triển dự án phóng thích này cho sự tự do của bọn trẻ và đã không biết bao lần đề xuất nó với ban lãnh đạo. Dẫu vậy, ông đã phải ra đi mà không thể đạt được điều mà ông đã luôn hứa với chúng…. Đây cũng chính là điều ông tiếc nuối nhất trong đời, cũng như là di nguyện duy nhất mà ông gửi gắm cho tôi.
Từ các lí do trên, tôi xin một lần nữa nhấn mạnh sự cấp thiết của dự án và xin cô hãy xem xét thông qua đề xuất này của chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn cô.
Kính,
Nguyễn Công Danh
Nghiên cứu viên Cấp thấp, Điểm-41-VN
Quản thúc, Lưu trữ, Bảo vệ
Theo sau tin nhắn trên, đề xuất về việc phóng thích các SCP-106-VN-A khả thi có nhu cầu đang được phê duyệt với các thành viên cấp cao của Điểm-41-VN. Các quy trình đi kèm trong trường hợp đề xuất được thông qua cũng đang được nghiên cứu.
Vào ngày 24/06/1977, sau nhiều cuộc họp giữa hội đồng quản lý Điểm-41-VN và Ủy Ban Đạo Đức, đề xuất phóng thích các SCP-106-VN–A đã bị bãi bỏ với lí do nguy cơ tiềm tàng về sự tái diễn của dị tượng bên ngoài Tổ Chức là quá lớn so với lợi ích mang lại. Tuy vậy, các biện pháp thay thể có liên quan đến sự tái cơ cấu các trại hè nhằm hướng đến lối sống độc lập và phát triển quan hệ xã hội từ sớm cho các đối tượng đã được đưa ra áp dụng và nhanh chóng chứng minh mức độ hiệu quả. Dù tỉ lệ tái biến đổi ở các SCP-106-VN-A không thể được giảm thiểu hoàn toàn, hướng đi hiện tại có vẻ vẫn được phần đông Tổ Chức chấp nhận, kể cả đội ngũ quản thúc trực tiếp SCP-106-VN.