Hồ Sơ An Ninh Cơ Sở: Điểm-75-VN


đánh giá: +12+x

scp-vn6.png

Hồ Sơ An Ninh Cơ Sở Tổ Chức SCP

Định Danh Chính Thức: Cơ Sở Nghiên Cứu Và Quản Thúc Thanh Hoá Cần Thơ Tổ Chức SCP

Mã Xác Định Điểm: TCRCF-Điểm-75-VN


Thông Tin Tổng Quát


site-75-vn-map.png

Vị trí Điểm-75-VN trên ảnh chụp vệ tinh

Mục đích: Điểm Nghiên Cứu Và Quản Thúc 75-VN là một phức hợp bao gồm hai cơ sở quản thúc của Tổ Chức SCP, được kết nối với nhau thông qua một vùng dị thường không gian có tính ổn định cao. Do tính chất đặc biệt này, ngoài các hoạt động như một cơ sở nghiên cứu và quản thúc thông thường, Điểm còn được sử dụng làm trung gian để phối hợp hoạt động giữa các cơ sở của Tổ Chức trên khu vực bán đảo Đông Dương.

Thành lập: Cơ sở Thanh Hóa từ ngày 01/10/1962, cơ sở Cần Thơ từ ngày 25/12/2002

Người sáng lập: [DỮ LIỆU BỊ XOÁ]

Vị trí và nguỵ trang:

  • Bên dưới lòng đất vùng núi Đốn Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.
  • Bên dưới lòng đất khu vực gần Trường [BỊ XOÁ], quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Kích thước: Không thể xác định do tính chất dị không gian.


Cơ Sở Vật Chất


thanhhoa.png

Cơ sở Thanh Hoá

  • A: Cổng không gian.
  • B: Sảnh chính - Khu tưởng niệm truyền thống.
  • C: Trung tâm Điều hành Quản thúc.
  • D: Kho lưu trữ vật thể dị thường nguy cơ thấp.
  • E: Khu thử nghiệm tiêu huỷ và xử lí chất thải.
  • F: Lò phản ứng hạt nhân.
  • G: Khu quản thúc dị thể cấp Safe.
  • H: Khu quản thúc dị thể cấp Euclid.
  • I: Khu quản thúc dị thể cấp Keter.

cantho.png

Cơ sở Cần Thơ

  • A: Văn phòng Ban Quản trị.
  • B: Sảnh chính - Khu sinh hoạt công cộng.
  • C: Cổng không gian.
  • D: Lò phản ứng nhiệt hạch.
  • E: Toà nhà Đơn vị Tâm linh.
  • F: Căn tin.
  • G: Khu nhân sự nội trú.
  • H: Khu nghiên cứu dị thể.
  • I: Khu thử nghiệm khoa học.
  • J: Trung tâm Hậu cần.
  • L: Trung tâm Y tế.
  • K: Trung tâm Điều hành ĐĐNCĐ.
  • M: Khu đồn trú ĐĐNCĐ và giam giữ nhân sự Cấp-D.
  • N: Khu quản thúc dị thể dạng người.
  • O: Trung tâm Lưu trữ Hồ sơ và Bảo mật Dữ liệu.

Thông Tin Nhân Sự


scp-blank.png

[DỮ LIỆU BỊ XOÁ]

apurva-patil.jpeg

Ts. Apurva Patil

Quản trị Điểm: [DỮ LIỆU BỊ XOÁ]1

Phó Quản trị / Giám đốc Nhân sự: Ths. Mary Vĩnh San

Giám đốc Nghiên cứu: Ts. Nguyễn Chi Mai

Giám đốc Quản thúc: Ths. Nguyễn Thiệu Trị

Giám đốc An ninh / Giám sát ĐĐNCĐ: Thiếu tá Hoàng Phủ Lý

Giám đốc Y tế và Hậu cần: Ts. Bs. Khương Huỳnh Nhân

Uỷ viên Ủy ban Đạo đức: Ts. Apurva Patil2

Nhân sự tại Điểm:

    Thành viên Ban Quản trị: 7

    Chuyên viên quản thúc: 36

    Nghiên cứu viên: 231

    Đặc vụ Thực địa: 124

    Nhân viên An ninh: 105

    Nhân viên Y tế: 59

    Nhân viên Hậu cần (Bảo trì, Vệ sinh,…): 64

    Cấp-D: 95

    Khác: 35


Đơn Vị Sự Nghiệp Trực Thuộc


Đơn vị Tâm linh

Giám đốc: Cựu Đặc vụ Thực địa Steve Nguyễn
Văn phòng: Toà nhà Đơn vị Tâm linh

Một Đơn vị độc lập chỉ phụ thuộc Điểm về mặt hành chính, được thành lập chính thức vào năm 2004, sau một chiến dịch quản thúc nhằm vào SCP-101-VN. Phương châm của Đơn vị là "Vấn đề bản địa - Phương pháp bản địa", về sau phương châm này cũng đã được chọn làm tiêu ngữ cho toàn Điểm-75-VN. Đơn vị Tâm linh tập trung vào việc nghiên cứu các thế lực đáng lưu tâm và cộng đồng Lam Thể trong lịch sử thế giới dị thường Việt Nam, từ đó học tập các tri thức, kinh nghiệm nhằm ứng dụng trong quá trình quản thúc các dị thể có liên quan.


Phòng ban Dịch thuật

Giám đốc: Randall "Flawed" Florence
Văn phòng: Trung tâm Lưu trữ Hồ sơ và Bảo mật Dữ liệu

Một trong những phòng ban nổi tiếng và lâu đời nhất của Tổ Chức chi nhánh tiếng Việt, là huyết mạch trong công tác đối ngoại và hợp tác quản thúc với các chi nhánh khác. Phòng ban duy trì sự hữu nghị, thân thiện với mọi Điểm khác thuộc Tổ Chức SCP trên thế giới, nhưng về mặt lịch sử thì bộ phận có quan hệ hợp tác chặt chẽ nhất với chi nhánh tiếng Anh, chi nhánh tiếng Đức và chi nhánh tiếng Trung Phồn Thể.


Phòng ban Y dược Dị thường

Giám đốc: Ts. Bs. Khương Huỳnh Nhân (kiêm nhiệm)
Văn phòng: Trung tâm Y tế

Được thành lập dưới sự hợp tác của Điểm-75-VN với Điểm-ZH-44, phòng ban chịu trách nhiệm chăm sóc và điều trị cho mọi nhân sự thuộc Điểm chịu các loại ảnh hưởng của dị thường. Phòng ban cũng tham gia hỗ trợ quản thúc các dị thể sinh học có tác động trên con người, đồng thời nghiên cứu ứng dụng dị thể cho lĩnh vực y tế trong một số trường hợp bất khả kháng.


Phân khu Dị-thông-tin

Giám đốc: [DỮ LIỆU BỊ TÁC ĐỘNG]
Văn phòng: Khu nghiên cứu dị thể

Một Phân khu thuộc Điểm chịu trách nhiệm quản thúc các dị thể thông tin, điều phối hợp tác với nhiều phòng ban trên các lĩnh vực có liên quan, bao gồm : Phản truyền nhận thức, Nghịch loạn Giao tiếp, Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo, Siêu thựcVô thực. Phần lớn dị thể nằm trong diện quản thúc của Phân khu đều tồn tại trên Internet, nên bộ phận có quan hệ hợp tác khá chặt chẽ với ĐĐNCĐ Alpha-101 ("Cảnh Sát Chính Tả").


Phân khu Hải Dương học

Giám đốc: Lương Đức Anh
Văn phòng: Khu nghiên cứu dị thể

Được thành lập vào năm 1964, do tần suất triển khai vũ khí dị thường của quân đội Hoa Kỳ trên Biển Đông ngày một leo thang. Ngày nay, do đặc thù đường bờ biển kéo dài và vùng biển bao trùm hai quần đảo lớn của Việt Nam, Phân khu thường xuyên gặp tai nạn quản thúc liên quan đến các dị thể trên thực địa. Phân khu có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với ĐĐNCĐ Nu-86 ("Nghinh Ông").


Đội Đặc Nhiệm Cơ Động Tại Chỗ


ĐĐNCĐ Alpha-101 ("Cảnh Sát Chính Tả")
mtf-alpha-101.png

Sứ mệnh: Theo dõi, thu hồi và quản thúc dị thể tồn tại dưới dạng số hoá hoặc hiện tượng dị thường trong môi trường Internet.

ĐĐNCĐ Nu-70 ("Xuyên Diệp")
mtf-nu-70.png

Sứ mệnh: Theo dõi, thu hồi và quản thúc dị thể có liên quan đến chính trị, trấn áp các thế lực đáng lưu tâm, thế lực tội phạm dị thường.

ĐĐNCĐ Nu-86 ("Nghinh Ông")
mtf-nu-86.png

Sứ mệnh: Theo dõi, thu hồi và quản thúc dị thể hoặc hiện tượng dị thường tồn tại trong / có nguồn gốc từ / liên quan đến môi trường đại dương.


Danh Sách Dị Thể


Mã vật thể Phân loại
SCP-060-VN Pending
SCP-066-VN Euclid
SCP-088-VN Keter
SCP-101-VN Neutralized
SCP-105-VN Keter
SCP-165-VN Keter
SCP-420-VN Keter
SCP-6789-VN-J Ấm Đun Nước

Một Số Cơ Sở Ngoại Vi Quan Trọng


  • Tiền Đồn Nha Trang: Một trong những Tiền Đồn có lịch sử lâu đời nhất của Tổ Chức SCP tại Việt Nam, toạ lạc ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, chứa một cơ sở quản thúc của Phân khu Hải Dương học và một cơ sở thử nghiệm của Phòng ban Y dược Dị thường.
  • Tiền Đồn Cần Thơ: Hiện đã được nâng cấp mở rộng thành cơ sở Cần Thơ.
  • Đài Quan Sát 75-59: Toạ lạc ở rìa vùng không gian dị thường giữa thành phố Thủ Đức và Quận Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, do Đơn vị Tâm linh trực tiếp điều hành, phụ trách việc theo dõi, nghiên cứu và tiến hành các công tác đối ngoại với dị điểm NX-59-VN.
  • Đài Quan Sát 75-105: Được xây dựng trên một hòn đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, nhằm mục đích ban đầu là theo dõi và nghiên cứu SCP-105-VN, hiện nay Đài Quan Sát đã mở rộng chức năng, trở thành cơ sở hoạt động xa bờ của Phân khu Hải Dương học.

Thông Tin Thêm


Hai vị trí mà Điểm-75-VN hiện đang toạ lạc từng là hai cánh cổng trong một mạng lưới đường hầm không gian dị thường được duy trì bằng nhiều ma trận huyền thuật học tinh vi và cực kỳ ổn định, trải rộng khắp Đông Á và có niên đại từ khoảng cuối thế kỷ X. Khoảng đầu thế kỷ XVI, một chấn động thực tại chưa rõ nguồn gốc với tâm chấn tại cổng Thanh Hoá đã khiến toàn bộ mạng lưới sụp đổ thành nhiều phần rời rạc và kém ổn định.

Casernes_du_11e_R.I.C._%C3%A0_Saigon.jpg

Toà nhà chi nhánh Gendastrerie Quốc gia Pháp tại Sài Gòn

Đầu thế kỷ XX, Gendastrerie Quốc gia Pháp3 đã triển khai một dự án nghiên cứu nhằm khôi phục đoạn phía nam của mạng lưới đường hầm không gian này. Kế hoạch ban đầu của họ là khôi phục đoạn đường hầm không gian kết nối bốn cổng Cần Thơ - Thanh Hoá - Hà Nội - Quảng Châu Loan.

Tuy nhiên, khi dự án chỉ mới được tiến hành trên phân khúc Cần Thơ - Thanh Hoá thì hai cuộc chiến tranh thế giới liên tiếp bùng nổ. Các tài nguyên nghiên cứu trở nên khan hiếm hơn, khiến cho kế hoạch bị tạm ngưng vô thời hạn.

Phần còn lại của mạng lưới đường hầm không gian đã hoàn toàn bị phá huỷ trong Nội chiến Quốc-Cộng (1927-1950) và Chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945), khi các lực lượng khác nhau chủ động triệt tiêu các dấu vết huyền thuật còn sót lại nhằm tránh để quân đội đối phương lợi dụng hệ thống này.

Năm 1954, quân đội Pháp đã có dự định lợi dụng dị điểm không gian này để đưa một bộ phận quân viễn chinh Pháp đang trú đóng ở miền Nam Việt Nam tập kích bất ngờ vào khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên kế hoạch này đã phá sản ngay sau khi quân đội Pháp gặp thất bại nặng nề trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/03-07/05/1954) và việc ký kết Hiệp định Genève (20/07/1954).

Trong quá trình rút lui về phía nam vĩ tuyến 17, quân đội Pháp đã thiêu huỷ phần lớn hồ sơ, tài liệu về các nghiên cứu của họ tại địa điểm dị thường này. Cơ sở nghiên cứu của Gendastrerie Quốc gia Cộng hoà Pháp bên dưới núi Đốn Sơn đã được Tổ Chức tiếp quản ngay sau đó dưới sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Các cơ sở có sẵn đã được cải tạo và mở rộng thành Điểm Lâm Thời 75-VN. Ở phía bên kia của vùng dị thường (Cần Thơ), một Tiền Đồn đã được xây dựng để nguỵ trang và phục vụ nghiên cứu.

site-75-vn.svg

Biểu tượng chính thức của Điểm-75-VN

Ngày 01/10/1962, Điểm Lâm Thời 75-VN chính thức được nâng lên thành Điểm Nghiên Cứu Và Quản Thúc 75-VN, đồng thời mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác nhau, đáp ứng hiện trạng thực hành dị thường ngày càng gia tăng trong Chiến tranh Việt Nam.

Sau năm 1975, nhờ sự thống nhất về mặt chính trị giữa vị trí địa lý của Điểm-75-VN và Tiền Đồn Cần Thơ, các nghiên cứu về không gian dị thường đã có nhiều tiến triển tích cực. Khoảng cuối năm 1984, công nghệ cổng dịch chuyển có liên quan đã được Tổ Chức tái tạo và giải thích bằng khoa học dị thường. Chính việc nắm giữ công nghệ này đã giúp Tổ Chức có được một số lợi thế trong các cuộc đàm phán sau này4.

Trong quá trình hoạt động, Tiền Đồn Cần Thơ đã không ngừng được mở rộng để phục vụ các nhu cầu quản thúc phát sinh. Năm 2000, Quản trị Điểm-75-VN đã phê duyệt dự án mở rộng Tiền Đồn thành một cơ sở thứ hai của Điểm, với hạ tầng hiện đại hơn nhằm phục vụ sinh hoạt của nhân sự Tổ Chức và quản thúc dị thể dạng người, đồng thời đảm nhiệm các chức năng nghiên cứu chuyên sâu. Cơ sở Cần Thơ hoàn công và chính thức được đưa vào hoạt động vào ngày 25/12/2002.



Thêm tác phẩm bởi KH Nam

đánh giá: +12+x
Nếu không có ngoại lệ được nêu, nội dung của trang này được xuất bản dưới giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License