Từ: |
anh.t.dao@29-vn.scp |
Đến: |
Bạn |
Chủ đề: |
Chào mừng em đến Đơn vị Truyền thông đại chúng |
Chào em,
Anh là Tuấn Anh, và như em đã biết thông qua vòng phỏng vấn online, anh sẽ là cấp trên trực tiếp của em kể từ tuần này. Lời đầu tiên thì chào mừng em đến Điểm-29-VN ở Ba Vì, nơi được mệnh danh là cơ sở nhiều deadline nhất Việt Nam… Không, anh đùa đấy. Trong mail này anh sẽ gửi em một số thông tin cơ bản về Điểm để em đỡ bỡ ngỡ nhé.
Em đã nhận được địa chỉ của khu du lịch ngụy tạo trong mail offer rồi nhỉ. Em cứ đến đó đúng giờ, đọc mật khẩu được ghi trong mail và trình ra các giấy tờ cần thiết, sau đó sẽ có người dẫn em đi cáp treo vào tòa nhà trung tâm của Điểm nằm sâu trong núi. Văn phòng của Đơn vị Truyền thông Đại chúng nằm trong tòa nhà đó.
Ngoài ra thì theo như nguyện vọng relocate của em, em sẽ được nhận phòng ở tại Điểm vào ngày làm việc đầu tiên. Ngoài giờ làm việc em nên tranh thủ đi dạo và ngắm cảnh một chút nhé, cảnh ở Điểm-29-VN đẹp lắm.
Anh đã đính kèm theo mail này hồ sơ an ninh cơ sở của Điểm. Lúc nào có thời gian thì em xem qua cho biết.
Chúc em nhiều may mắn trong chặng đường sắp tới.
Thân,
Đào Tuấn Anh
Trưởng Đơn vị Truyền thông Đại chúng
Phòng ban Đối ngoại, Điểm-29-VN
Hồ sơ An ninh Cơ sở Tổ Chức SCP
Định danh Chính thức: Cơ sở Quản trị và Nghiên cứu Vùng Thủ đô Hà Nội, Tổ Chức SCP
Mã xác định Điểm: HNCAR-Điểm-29-VN
Thông tin Tổng quát
Vị trí Điểm-29-VN
Mục đích: Điểm-29-VN là một tổ hợp cơ sở của Tổ Chức SCP, bao gồm trụ sở chính cùng các tiền đồn rải rác tại khu vực Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ. Cụm cơ sở này hiện được định hướng là một trung tâm nghiên cứu, quản trị và đào tạo nhân sự cho chi nhánh Việt Nam. Hoạt động quản thúc của Điểm-29-VN được duy trì ở cấp độ an ninh từ thấp đến trung bình, với phần lớn dị thể được quản thúc hoặc theo dõi tại các tiền đồn, và trụ sở chính của Điểm đóng vai trò trung tâm điều phối. Với vị trí tương đối gần Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Điểm-29-VN còn là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện giao lưu nội bộ trong nước và quốc tế của Tổ Chức SCP.
Thành lập: 01/11/1947 (Tiền đồn Việt Bắc), 03/06/1958 (trụ sở chính)
Người sáng lập: [DỮ LIỆU BỊ XÓA]
Vị trí: Vườn quốc gia Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội
Ngụy trang: Khu du lịch Sông Xanh Ba Vì, Hà Nội
Kích thước: 3,5 km2
Thông tin Nhân sự
PGS. TS. Mai Ngọc Trác (giữa) và bà Thanh Hà Bellegarde (phải) trong một lễ công bố dự án hợp tác quốc tế tại Điểm-29-VN. Chi tiết liên quan đến nội dung buổi lễ đã được bảo mật.
Giám đốc Điểm: TS. Vũ Quỳnh Thư
Phó Giám đốc Điểm/Trưởng ban Nghiên cứu và Đào tạo: PGS. TS. Mai Ngọc Trác
Trưởng ban Nhân sự: Thanh Hà Bellegarde
Trưởng ban Hậu cần và Tài chính: Trương Thái Sơn
Trưởng ban Quản thúc và Điều phối: TS. Andreas Wagner
Trưởng ban Y tế: BS. Nguyễn Hồng Quân
Trưởng ban An ninh: Bùi Quốc Việt
Trưởng ban Đối ngoại: Selena Nguyễn
Tổng phụ trách Đặc nhiệm: Thiếu tá Trần Hoàng
Đại diện Uỷ ban Đạo đức: TS. Đinh Thị Hạnh Quyên
Nhân sự tại Điểm:
Thành viên Ban Quản trị: 10
Nghiên cứu viên: 305
Chuyên viên Quản thúc và Điều phối: 46
Nhân viên An ninh: 76
Đặc nhiệm và Đặc vụ thực địa: 134
Nhân viên Y tế: 48
Nhân viên Hậu cần (Bảo trì, Vệ sinh,…): 72
Nhân sự Cấp-D: 50
Khác: 45
Cơ sở vật chất
Lược đồ Điểm-29-VN
Một số công trình tại Điểm-29-VN
1. Khu du lịch ngụy tạo
2. Khu nhà ở nhân sự
3. Tòa nhà trung tâm
- Ban Quản trị Điểm
- Các bộ phận hành chính
- Hội trường
- Căng tin, phòng nghỉ
4. Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo
- Giảng đường, phòng học
- Phòng thí nghiệm
- Hệ thống nhà kính
- Trung tâm công nghệ cao
- Thư viện, Trung tâm lưu trữ dữ liệu
5. Trung tâm Quản thúc và Điều phối
- Khu quản thúc cấp Safe
- Khu quản thúc cấp Euclid
- Khu quản thúc cấp Keter
- Khu quản thúc dị thể dạng người và giam giữ nhân sự Cấp-D
- Văn phòng điều phối
6. Trung tâm Hậu cần
- Kho lưu trữ
- Khu xử lý chất thải
7. Trung tâm Y tế
8 & 9. Trung tâm An ninh (phía Bắc và phía Nam)
* Văn phòng An ninh Điểm
* Khu huấn luyện đặc nhiệm
* Hệ thống giám sát và phòng thủ từ xa
10. Hệ thống cáp treo
Hệ thống Phòng ban Chuyên trách
Phòng ban Công nghệ Hóa – Dược
Đây là một trong số những phòng ban giàu truyền thống nhất tại Điểm-29-VN. Thành quả nổi bật nhất cho tới hiện tại của phòng ban này là dòng thuốc lú chế tạo từ hợp chất Y-933, do GS. TS. Đoàn Nhất Quang và TS. Phạm Bùi Trung Trực đồng phát triển. Dòng thuốc lú này từng được sử dụng rộng rãi tại các Điểm thuộc chi nhánh Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, và chỉ bắt đầu được thay thế bởi thuốc lú tiêu chuẩn của Tổ Chức kể từ năm 2013.
Ngoài hoạt động tại Trụ sở chính của Điểm, phòng ban này còn hợp tác và điều hành nhiều phòng thí nghiệm vệ tinh tại các trường đại học trong thành phố Hà Nội.
Dị thể Phụ trách:
SCP-115-VN
Phòng ban Sinh học Dị thường
Phòng ban Sinh học Dị thường là một trong những bộ phận hiện đại và có sức trẻ nhất của Điểm-29-VN. Do tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, trong những năm gần đây, phòng ban này đã chào đón rất nhiều nhân sự trẻ và nhân sự trở về từ nước ngoài gia nhập đội ngũ. Phòng ban này có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Ban Quản trị Vườn quốc gia Ba Vì, đồng thời đã tận dụng sự chênh lệch về độ cao ở những vị trí khác nhau trong Điểm để nuôi trồng nhiều loài sinh vật dị thường và tiến hành nghiên cứu ngoài thực địa.
Dị thể Phụ trách:
SCP-420-VN
Phân khu Trí tuệ Nhân tạo – Chi nhánh Việt Nam
So với những cơ sở khác, chi nhánh Phân khu Trí tuệ Nhân tạo ở Điểm-29-VN chưa thể được coi là có quy mô và tầm cỡ hàng đầu. Tuy vậy, điều đó không cản trở những nghiên cứu viên chuyên ngành Trí tuệ Nhân tạo ở đây trở thành những người tiên phong. Thành quả nổi bật nhất cho đến hiện tại của chi nhánh Phân khu này là Công nghệ Dự đoán Lời nói, phát triển bởi TS. Đặng Thị Linh – người sau này trở thành Trưởng chi nhánh Phân khu.
Phòng ban Tâm lý học
Phòng ban Tâm lý học của Điểm-29-VN thường ít khi trực tiếp phụ trách quản thúc dị thể. Tuy nhiên, phòng ban này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát hiện và hỗ trợ quản thúc nhiều dị thể thuộc phạm vi quản lý của Điểm. Tương tự như Phòng ban Công nghệ Hóa – Dược, nhân sự Phòng ban Tâm lý học cũng thường hoạt động ngầm tại các trường đại học và cơ sở tham vấn, khám chữa bệnh tại Hà Nội.
Dị thể Phụ trách:
SCP-6168
Phòng ban Xã hội học
Tuy có quy mô hoạt động và số lượng nhân sự tương đối nhỏ, Phòng ban Xã hội học của Điểm-29-VN lại tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu và quản thúc mang tính đa ngành và liên ngành. Trong những năm gần đây, định hướng hoạt động của Phòng ban Xã hội học đã dần được quốc tế hóa.
Dị thể Phụ trách:
SCP-098-VN
Phòng ban Văn học
Cũng là một phòng ban có bề dày truyền thống đáng kể, Phòng ban Văn học của Điểm-29-VN hiện đang phụ trách nghiên cứu các tác phẩm văn học cả xưa và nay, trong nước và nước ngoài. Phòng ban này không chỉ quản thúc các hiện tượng dị thường liên quan đến văn học và sáng tác, mà còn dựa vào cách thực tế được phản ánh trong những tác phẩm văn học để tìm kiếm dấu hiệu của sự dị thường. Giám đốc hiện tại của phòng ban là Paul Wellman, một người Mỹ có tình yêu rất lớn dành cho đất nước và văn học Việt Nam.
Dị thể Phụ trách:
SCP-019-VN
Phòng ban Sử học
Phát triển từ tiền thân là bộ phận lưu trữ văn thư của các tiền đồn tại Chiến khu Việt Bắc, Phòng ban Sử học đã là một cơ quan không thể thiếu trong suốt chiều dài thời gian hoạt động của Điểm-29-VN. Phòng ban này là nơi nghiên cứu và lưu trữ nhiều dấu ấn dị thường trong lịch sử Việt Nam, cũng như những biến chuyển của mối quan hệ giữa chính phủ Việt Nam với Tổ Chức.
Dị thể Phụ trách:
SCP-006-VN
SCP-096-VN
Đơn vị Giám sát Hoạt động Huyền thuật
Là cơ quan có tầm hoạt động rộng nhất của Điểm-29-VN, Đơn vị Giám sát Hoạt động Huyền thuật thường xuyên xuất hiện tại các tiền đồn của Điểm ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Các radar theo dõi hoạt động huyền thuật của Đơn vị cũng là một phần trong hệ thống giám sát và phòng thủ từ xa tại trụ sở chính của Điểm.
Dị thể Phụ trách:
SCP-068-VN
SCP-6168 (trước đây)
Dự án Bình Minh
Được thành lập vào năm 2011 bởi GĐ. Vũ Quỳnh Thư, Dự án Bình Minh là một chương trình đặc biệt với mục đích đào tạo thế hệ nhân sự cốt lõi kế cận cho Điểm-29-VN. Trong khuôn khổ chương trình, các sinh viên tốt nghiệp đại học và thạc sĩ với thành tích tốt sẽ trực tiếp tham gia các dự án nghiên cứu và quản thúc dị thể tại Điểm, dưới sự hướng dẫn của nghiên cứu viên cấp cao được chỉ định.
Về sau, dự án được mở rộng và bao hàm cả hoạt động đào tạo đặc nhiệm cho các cơ sở tại Việt Nam, với người đứng đầu phân nhánh đào tạo mới là Thiếu tá Trần Hoàng.
Dị thể Liên quan:
SCP-098-VN
Danh sách Dị thể
Mã Vật thể |
Phân loại |
SCP-006-VN |
Neutralized |
SCP-6168 |
Safe |
SCP-096-VN |
Euclid |
SCP-098-VN |
Euclid |
SCP-068-VN |
Neutralized |
SCP-115-VN |
Safe |
SCP-420-VN |
Keter |
Thông tin thêm
Vào tháng 3 năm 1947, các cơ quan đầu não của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã di chuyển tới Căn cứ địa Việt Bắc do ảnh hưởng của Chiến tranh Đông Dương. Tại đây, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát hiện một số mối hiểm họa dị thường tiềm tàng, tuy nhiên lại không có đủ tiềm lực và khả năng để giải quyết chúng trong bối cảnh bấy giờ. Trước tình hình đó, Tổ Chức đã tham gia đàm phán với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đi đến một thỏa thuận hợp tác tạm thời, cho phép Tổ Chức thành lập Tiền đồn Việt Bắc vào tháng 11 năm 1947 ở gần Chiến khu Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Thỏa thuận nói trên đã được kéo dài trong suốt những năm tiếp theo của Chiến tranh Đông Dương, với sự đồng thuận từ cả hai bên. Trong khoảng thời gian này, hoạt động của Tổ Chức ở miền Bắc Việt Nam tương đối tự do, và Tổ Chức đã xây dựng thêm một số tiền đồn khác. Dưới đây là danh sách liệt kê các tiền đồn này theo thứ tự thành lập:
- Tiền đồn Việt Bắc 2 (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn).
- Tiền đồn Tây Bắc (Châu Mộc, tỉnh Sơn La).
- Tiền đồn Tây Bắc 2 (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).
- Tiền đồn Bắc Ninh (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
- Tiền đồn Cô Tô (xã Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh).
Theo thời gian, việc thành lập nhiều tiền đồn rải rác đã khiến cho hoạt động của Tổ Chức tại miền Bắc Việt Nam trở nên thiếu nhất quán. Từ đây, nhu cầu thành lập một cơ sở quản thúc lớn đã nảy sinh, tuy nhiên dự định này đã không thể được thực hiện do diễn biến của Chiến tranh Đông Dương và sự phản đối của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vào ngày 20/07/1954, Hiệp định Genève 1954 đã được ký kết, theo sau đó là việc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quay trở lại Hà Nội vào tháng 10 cùng năm. Các điều khoản của thỏa thuận trước đây đã không còn phù hợp khi cả hai bên đều hướng đến sự ổn định lâu dài, đồng thời phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn giới hạn tầm ảnh hưởng của Tổ Chức trên lãnh thổ của mình. Hai bên đã bước vào đàm phán chính thức và ký kết Hiệp định Hoàn Kiếm vào năm 1956, với một số điều khoản liên quan có thể được tóm tắt như sau:
- Tổ Chức được phép tự chủ khảo sát địa điểm và xây dựng một cơ sở quy mô lớn nằm cách xa các trung tâm dân cư.
- Mọi lực lượng quân sự của Tổ Chức phải rút khỏi các tiền đồn và tập trung về cơ sở quy mô lớn nói trên. Các tiền đồn chỉ được phép duy trì lực lượng an ninh phù hợp với mục đích quản thúc.
- Tổ Chức cần thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước khi thành lập thêm tiền đồn, Điểm và nâng cấp tiền đồn thành Điểm trong tương lai.
Biểu tượng của Điểm-29-VN
Dựa theo các điều khoản trên, Điểm-29-VN đã được thành lập tại huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội), và đi vào hoạt động kể từ tháng 6 năm 1958. Các tiền đồn trước đây của Tổ Chức đã được đặt dưới phạm vi quản lý của Điểm-29-VN.
Trong những năm tiếp theo, hoạt động tại Điểm-29-VN dần đi vào ổn định và phát triển, với định hướng chính là quản thúc dị thể tại miền Bắc Việt Nam và duy trì vị thế trung lập của Tổ Chức. Điểm-29-VN tiếp tục phát triển mạnh và được duy trì an ninh ở mức cao cho đến sau năm 1976, khi Việt Nam tiến hành thống nhất đất nước và Tổ Chức có điều kiện xây dựng thêm các cơ sở khác tại cả hai miền Nam Bắc. Kể từ năm 1976, hoạt động quản thúc của Điểm-29-VN được thuyên chuyển dần cho các Điểm khác trong lãnh thổ Việt Nam, và định hướng hoạt động của Điểm-29-VN dần dịch chuyển sang quản trị và nghiên cứu.
Tình hình cấm vận tại Việt Nam trong những năm 1975-1995 đã gây ra nhiều cản trở đối với hoạt động của Tổ Chức, khiến cho liên hệ giữa chi nhánh Việt Nam với các chi nhánh quốc tế cũng bị đứt gãy gần như hoàn toàn. Sự suy yếu và sụp đổ của Liên bang Xô Viết cũng khiến các cơ sở tại Việt Nam cùng các cơ quan bình phong gặp nhiều trở ngại trong việc tìm kiếm nguồn lực. Trong tình hình đó, Giám đốc Điểm-29-VN đương nhiệm là GS. TS. Đoàn Nhất Quang đã định hướng cho Điểm tập trung nghiên cứu mũi nhọn, và cắt giảm tối đa những dự án không đem lại hiệu quả cao. Qua đó, Điểm-29-VN đã vượt qua giai đoạn khó khăn về nguồn lực và tiếp tục phát triển kể từ những năm 2000.
Năm 2004, TS. Đinh Thế Minh kế nhiệm vị trí Giám đốc Điểm-29-VN sau khi Giám đốc Đoàn Nhất Quang nghỉ hưu. Với nền tảng tài chính tương đối vững mạnh hiện thời, ông đã tiến hành cải tổ mạnh mẽ cơ cấu vận hành và cơ sở vật chất của Điểm. Những thay đổi này bao gồm việc chỉnh lý hệ thống quyền hạn an ninh, tu sửa và xây lại nhiều công trình đã cũ, cùng việc xây dựng hệ thống cáp treo nội bộ Điểm phục vụ việc di chuyển và hậu cần.
Giám đốc Điểm-29-VN hiện tại, TS. Vũ Quỳnh Thư, đã tiếp quản cương vị này kể từ cuối năm 2010 và là nữ giám đốc đầu tiên của Điểm. Thông qua Dự án Bình Minh, cô đã phần nào thực hiện thành công định hướng trẻ hóa và quốc tế hóa Điểm-29-VN, đồng thời tháo gỡ vướng mắc của một số lượng lớn các công trình nghiên cứu còn tồn đọng tại Điểm từ nhiều năm trước đây.
Tài liệu này sẽ tiếp tục được cập nhật và chỉnh lý trong tương lai. Nhân sự hãy liên lạc với Văn phòng Giám đốc Điểm trong trường hợp muốn đưa ra đề xuất sửa đổi.