Nội Quy


Chào mừng nhân sự đến với

Nội Quy Wiki SCP-VN


Mong rằng bạn sẽ hành xử văn minh, lịch sự trong quá trình hoạt động tại Wiki.

Đây là nơi liệt kê các luật lệ cơ bản của Wiki SCP-VN và các hình thức kỷ luật tương ứng. Hãy có thái độ nghiêm túc khi xem xét những điều luật này; quan trọng là bạn cần hiểu rõ lý do chúng tồn tại và hậu quả khi không tuân thủ luật.


Những hành động sau sẽ không bao giờ khiến bạn bị trục xuất (ban) khỏi Wiki:

  • Viết hoặc dịch tác phẩm kém chất lượng.
  • Bình chọn cho các bài viết dựa trên quan điểm và đánh giá của bản thân.
  • Phản đối ý kiến của thành viên khác và quyết định của nhân viên một cách lịch sự, với thái độ tôn trọng.
  • Có quan điểm lạ/khác với số đông.

Những hành động sau có thể khiến bạn bị ban vĩnh viễn khỏi Wiki:

  • Phá hoại Wiki.
  • Troll.
  • Tham gia Wiki bằng nhiều hơn 1 tài khoản.
  • Đạo nhái.
  • Quấy rối thành viên khác thuộc cộng đồng SCP nói chung (hãy xem Quy Định Chống Quấy Rối).
  • Bàn luận chính trị quá đà, cực đoan hoặc thể hiện tư tưởng chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Các hành vi vi phạm luật lệ nghiêm trọng khác.

Quy Tắc Ứng Xử

  • Luật số 0: Đừng là đứa khốn nạn. Mọi điều luật còn lại đều dựa trên tinh thần này.
  • Tranh luận: Bạn có thể phản biện lại hành động và quan điểm của bất cứ ai trên Wiki, bao gồm cả nhân viên, với điều kiện bạn giữ bình tĩnh và hành xử một cách chín chắn, văn minh.
  • Bình luận: Bạn có thể bình luận trên tất cả các trang có phần bình luận được mở của Wiki, miễn là bạn giữ thái độ tôn trọng đối với các thành viên khác. Mọi bình luận cần tuân thủ theo Quy Định Nhận Xét. Đừng xúc phạm người khác hoặc phá rối trong các bình luận của bạn.
  • Đánh giá bài viết: Bạn có thể đánh giá tất cả các bài viết trên Wiki tùy ý muốn, miễn là đánh giá của bạn chỉ dựa trên nội dung bài viết. Đừng upvote/downvote vì thái độ hay mối quan hệ của bạn với tác giả/dịch giả, để điều khiển tổng số vote, thay đổi kết quả các cuộc thi, hay vì những lý do khác không liên quan tới nội dung bài viết.
    • Tự upvote: Bạn có thể tự upvote (hoặc downvote) bài viết của mình tùy ý muốn.
    • Kêu gọi vote: Lôi kéo, dụ dỗ nhiều người khác upvote hoặc downvote một bài viết nào đó là trái luật. Tham gia upvote hoặc downvote hàng loạt cũng có thể khiến bạn bị xử lý kỷ luật.
      • Ghi chú: Không phải mọi hành động kêu gọi người khác đọc bài viết đều là lôi kéo vote hàng loạt. Việc xác định cụ thể một trường hợp nhất định có phải là lôi kéo vote hay không tùy thuộc vào hoàn cảnh.
  • Hoạt động trên diễn đàn: Đừng đăng những bình luận quá ngắn hoặc không có ý nghĩa gì (spam), đừng bình luận thêm hoặc trả lời bình luận ở một thread nào đó chỉ để gây chú ý. Đừng trả lời những bình luận đã có từ lâu (trên 1 tháng) nếu bạn không có vấn đề gì quan trọng cần bổ sung.
    • Wiki SCP-VN là một môi trường an toàn cho các nhóm thiểu số. Mọi bình luận kì thị, tỏ thái độ thù ghét hoặc sử dụng ngôn từ thiếu văn minh đều sẽ bị xử lý kỷ luật.
    • Đừng đăng nhiều bình luận liên tiếp. Nếu bạn muốn chỉnh sửa hay bổ sung nội dung cho bình luận của mình, hãy nhấn nút “Lựa chọn” ở góc dưới bên phải bình luận, chọn “Chỉnh sửa” và thay đổi nội dung.
    • Khi đăng ảnh trên diễn đàn hoặc trong phần bình luận bài viết, bạn cần đặt ảnh trong hộp sập (collapsible). Bạn có thể tìm code cho hộp sập tại trang Cú Pháp Wiki.
    • Khi đăng bình luận với nội dung dài, hãy đặt nội dung bình luận vào hộp sập (collapsible) để tránh loãng forum. Nhân viên có quyền chỉnh sửa những bình luận dài để đặt nội dung vào hộp sập.
  • Đăng tải bài viết: Đừng đăng nhiều bài viết chất lượng kém liên tiếp. Khi nhân viên Wiki nhắc nhở hoặc yêu cầu bạn dừng lại, hãy nghe theo họ.
    • Đạo nhái: Bạn không được phép sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác để sử dụng mà không ghi nguồn. Đừng tự nhận những phần văn bản người khác viết ra là của mình. Các tác phẩm có nội dung đạo nhái sẽ bị xóa ngay lập tức khỏi Wiki.
      • Sử dụng các chi tiết, tình tiết và nhân vật đã xuất hiện trong những tác phẩm khác là điều bình thường và không vi phạm luật lệ, miễn là bạn không khẳng định rằng mình tạo ra chúng hay lừa gạt người khác tin vào điều đó. Hãy liên hệ với nhân viên để xác nhận nếu bạn thắc mắc liệu tác phẩm của mình có đang đạo nhái hay không.
    • Sử dụng hình ảnh: Mọi hình ảnh xuất hiện trong các bài viết của bạn đều phải tuân thủ theo các luật lệ được nêu trong Quy Định Sử Dụng Hình Ảnh. Bạn cần ghi nguồn cho ảnh trong phần bình luận của bài hoặc các module cho phép chèn thông tin bổ sung trong bài, và nguồn ảnh phải phù hợp với giấy phép của Wiki. Nếu có thắc mắc, hãy liên hệ nhân viên thuộc Nhóm Kiểm Duyệt.
  • Về việc hợp tác viết và dịch thuật:
    • Mọi tác phẩm trên Wiki đều phải được đăng tải bởi chính người viết ra chúng, trừ khi có nhiều tác giả cùng tham gia viết. Điều tương tự cũng được áp dụng đối với các bản dịch.
    • Trong trường hợp có nhiều thành viên cùng tham gia viết/dịch một tác phẩm, tên của tất cả các thành viên này phải được nêu rõ trong trong phần bình luận của bài hoặc các module cho phép chèn thông tin bổ sung trong bài. Các thành viên cùng tham gia viết/dịch một tác phẩm đều phải là thành viên Wiki ở thời điểm đăng bài.
    • Đối với các bài đăng không ghi đúng và/hoặc đủ tên tác giả/dịch giả, nhân viên Wiki sẽ nhắc nhở người đăng bài chỉnh sửa lại những thông tin này cho đúng. Nếu sau 48 giờ mà các thông tin này chưa được chỉnh sửa, nhân viên Wiki có quyền xóa bài hoặc chỉnh sửa lại những thông tin này.
    • Nếu không tuân thủ quy định ghi tên tác giả khi đăng bài như trên, thành viên có thể bị xử lý kỷ luật.
  • Chỉnh sửa bài viết:
    • Chỉnh sửa bài viết của bản thân: Bạn có thể thay đổi nội dung của những trang mình đăng tùy ý muốn. Tuy nhiên, bạn không được phép loại bỏ các thay đổi về mặt kỹ thuật và hậu cần, ví dụ như rating module (hộp đánh giá), license box (hộp giấy phép bản quyền) hay chỉnh sửa URL trang đúng quy định.
    • Chỉnh sửa bài viết của người khác: Bạn có quyền sửa lỗi chính tả và format của những bài viết do thành viên khác đăng tải mà không cần xin phép. Khi đó, hãy tóm tắt thay đổi của bạn trong hộp “Tóm tắt thay đổi”. Mọi chỉnh sửa bên ngoài phạm vi này đều cần được tác giả, người duy trì nội dung trang hoặc nhân viên Wiki ở cấp độ Nhân viên chính thức trở lên cho phép. Tất cả những chỉnh sửa không được cấp phép đều có thể bị coi là phá hoại và người chỉnh sửa có thể bị kỷ luật.
    • Các tác phẩm hợp tác mở: Bạn được phép thêm nội dung do mình sáng tác vào những tác phẩm hợp tác mở (trừ các bản dịch). Những trang như vậy sẽ có tag “hợp-tác”. Người tạo trang hoặc nhân viên thuộc nhóm Hậu cần có thể xóa thông tin được thêm vào những trang này. Đừng tự loại bỏ các nội dung không được phép hoặc sửa chữa lại các nội dung tệ, nếu bạn không phải người tạo trang – hãy liên lạc với người tạo trang hoặc nhóm Hậu cần nếu bạn nghĩ rằng có nội dung nào đó trong trang không phù hợp, trái luật hoặc có chất lượng kém. Việc thay đổi cấu trúc hoặc format của một tác phẩm hợp tác mở là không được phép.
    • Cập nhật tag: Đừng tự thêm tag hoặc thay đổi các tag trong trang, trừ khi bạn đã nắm rõ cách tag. Nếu bạn muốn tạo tag mới, hãy liên lạc với nhân viên thuộc nhóm Kỹ thuật. Nếu bạn có câu hỏi về quá trình thêm tag, hãy liên lạc với nhân viên thuộc nhóm Hậu cần. Đừng xóa các tag phục vụ nhân viên khỏi bài viết (ví dụ như những tag đang-viết-lại, sắp-xóa, hoặc bất cứ tag nào bắt đầu bằng ký hiệu “_”).

Tương tác với nhân viên:

  • Các bình luận quản lý: Nếu bạn thấy bất cứ bình luận nào có tiêu đề “Post Nhân viên”, “Post Kiểm duyệt viên” hoặc “Post Quản trị viên”,1 đừng trả lời, trừ khi những bình luận đó thuộc các trường hợp sau:
    • Kêu gọi viết/dịch lại bài: Chỉ trả lời nếu bạn muốn viết lại hoặc có ý kiến về việc viết lại bài.
    • Thông báo xóa bài: Chỉ trả lời nếu bạn muốn viết lại bài, hoặc muốn hoãn quá trình xóa (khi đó, hãy nêu rõ lý do).
    • Mở: - Bạn được phép trả lời những bình luận này. Ngược với “Mở” là “Đóng”; khi đó, bạn không được phép trả lời bình luận.
  • Yêu cầu của nhân viên: Nếu một nhân viên yêu cầu bạn thay đổi thái độ hoặc hành vi trên Wiki, bất kể là qua tin nhắn Wikidot, bình luận quản lý hay bất cứ hình thức nào khác phù hợp, hãy nghe theo.
  • Kết thúc thảo luận: Đừng tiếp tục một cuộc thảo luận nếu nhân viên đã yêu cầu những người tham gia dừng lại. Nhân viên được phép đưa ra yêu cầu trên khi các cuộc thảo luận trên diễn đàn đi quá đà.
  • Đừng làm phiền nhân viên: Đừng liên lạc với nhân viên về các vấn đề không thuộc phạm trù hoạt động của Wiki. Đừng spam tin nhắn hay liên lạc để giục nhân viên chỉ vì họ không phản hồi ngay lập tức. Các nhân viên Wiki hoạt động hoàn toàn tự nguyện và cũng có cuộc sống cá nhân, vì vậy họ không thể theo sát hoạt động của Wiki 24/7 và cần thời gian để phản hồi các vấn đề.
  • Kháng nghị quyết định của nhân viên: Nếu bạn không đồng ý với quyết định mà một nhân viên nào đó đưa ra, hãy khiếu nại với một nhân viên khác. Nếu tập thể nhân viên cùng đưa ra quyết định, hãy khiếu nại với nhân viên liên hệ trực tiếp với bạn về quyết định này. Khi có khiếu nại, kết luận của tập thể nhân viên sẽ là kết luận cuối cùng.

Nếu bạn cảm thấy người dùng khác đã vi phạm luật lệ trên trang, hãy liên lạc với nhân viên.


Các hành vi khác có thể dẫn đến việc xử lý kỷ luật:

  • Các hành vi có biểu hiện troll/phá rối Wiki: Về vấn đề troll và phá rối Wiki, nhân viên sẽ ưu tiên xử lý dựa trên biểu hiện, rồi mới đến hậu quả. Các biểu hiện có thể dẫn đến hậu quả là Wiki bị phá rối đều không được phép.
  • Tấn công cộng đồng khác: Đừng sử dụng hoặc lấy danh nghĩa Wiki và các kênh truyền thông có liên quan để phá hoại trật tự ở những cộng đồng khác. Nếu bạn thấy người khác làm điều này, đừng tham gia và hãy thông báo cho nhân viên.
  • Hành vi gây tranh cãi: Nghĩa là liên tục có những hành vi nằm trên ranh giới giữa đúng luật và phạm luật. Các chuỗi biểu hiện tiêu cực với mục đích gây hại cho cộng đồng sẽ không được chấp nhận.
  • Đạo nhái tác phẩm nghệ thuật: Mọi tác phẩm nghệ thuật bạn đăng tải lên Wiki cần có giấy phép phù hợp với giấy phép CC-BY-SA của Wiki (ví dụ như giấy phép CC-BY hoặc Phạm vi công cộng/Public Domain). Nếu bạn vẽ lại một bức ảnh nào đó hoặc lấy cảm hứng chủ yếu cho tác phẩm của mình từ một bức ảnh, ảnh đó cũng cần phù hợp với giấy phép này và bạn phải ghi nguồn. Việc không ghi nguồn hoặc ghi nguồn không đầy đủ trong những trường hợp trên có thể bị xử lý kỷ luật ở mức độ tương đương với đạo văn. Ngoài ra, nếu tác phẩm nghệ thuật của bạn lấy cảm hứng từ những nguồn không phù hợp với giấy phép CC-BY-SA, bạn cần chỉnh sửa chúng sao cho người xem không cảm thấy chúng tương đồng về mặt hình thức với tác phẩm gốc.
  • Phá hoại Wiki: Nếu có hành vi chỉnh sửa trang với mục đích xấu, bạn sẽ bị ban khỏi Wiki; thời gian ban sẽ phụ thuộc vào quyết định của nhân viên nhóm Kỷ luật. Nếu bạn chỉnh sửa trang mà không được cho phép nhưng không có ý đồ xấu, bạn sẽ bị tước tư cách thành viên Wiki, và có thể bị ban tùy theo quyết định của nhân viên nhóm Kỷ luật.

Quy trình xử lý kỷ luật

Wiki SCP-VN có các mức độ xử lý kỷ luật dưới đây:

  • Cảnh cáo
  • Cấm tham gia một số hoạt động trên Wiki (có hoặc không có giới hạn thời gian)
  • Tước tư cách thành viên
  • Ban ngắn (kéo dài từ 1 tuần đến 1 tháng)
  • Ban dài (kéo dài từ 1 tháng đến nhiều năm)
  • Ban vĩnh viễn

Nếu bạn đã nhận cảnh cáo từ nhân viên nhưng không tuân thủ, nhân viên có thể áp dụng các hình thức kỷ luật nặng hơn với bạn. Bạn vi phạm càng nhiều thì càng bị kỷ luật nặng. Nhân viên có thể đưa ra nhiều hình thức xử phạt cùng lúc với một thành viên (ví dụ như ban ngắn kết hợp với cấm dịch thuật vĩnh viễn). Sau khi thời hạn ban kết thúc, bạn cần phải yêu cầu tham gia Wiki giống như các thành viên mới khác.

Việc bị ban khỏi Wiki SCP-VN và bị ban khỏi server Discord chính thức của Wiki SCP-VN là không giống nhau. Quyết định kỷ luật bằng hình thức ban ở Wiki và server Discord là tách biệt nhau, và chỉ tương đương nhau trong trường hợp ban vì quấy rối thành viên khác, phá rối hoặc phá hoại. Người chịu trách nhiệm cho các quyết định ban khỏi server Discord chính thức của Wiki SCP-VN là ban quản trị server, không phải tập thể nhân viên Wiki SCP-VN. Hai ban quản trị có thể trao đổi thông tin với nhau, nhưng không chịu trách nhiệm cho quyết định của nhau.

Về bài đăng của người dùng bị ban

Mọi người dùng đang bị ban khỏi Wiki không được phép đăng bài trên Wiki theo bất cứ cách nào.

Mọi người dùng bị ban do quấy rối hoặc có nguy cơ quấy rối người khác không được phép yêu cầu chỉnh sửa bài đăng hoặc đăng tải thêm nội dung lên Wiki theo bất cứ cách nào. Những người dùng bị ban vì các lý do khác được phép yêu cầu chỉnh sửa các bài đăng của mình, với điều kiện những chỉnh sửa đó không được phép gây kích động trong cộng đồng, không trái với luật lệ Wiki và không có phạm vi đủ lớn để biến một tác phẩm thành một tác phẩm khác. Nhân viên sẽ cân nhắc các yêu cầu chỉnh sửa này trước khi áp dụng, và không đảm bảo rằng mọi yêu cầu chỉnh sửa sẽ được thông qua.

Đối với quy định này, nếu bạn cố gắng lách luật, nhân viên có quyền dựa vào lý do đó để từ chối các yêu cầu chỉnh sửa bài viết của bạn về sau.

Mọi người dùng đã bị ban có quyền yêu cầu xóa các bài đăng của mình, và nhân viên Wiki sẽ thực hiện yêu cầu đó trong khả năng cho phép.


Khiếu nại

Mọi người dùng bị ban hoặc bị cấm tham gia một số hoạt động của Wiki trong thời gian dài hơn 24 giờ đều có quyền khiếu nại ngay từ thời điểm quyết định xử lý có hiệu lực. Những người dùng này được toàn quyền quyết định khiếu nại ngay, chờ đến thời điểm thích hợp hoặc từ chối khiếu nại. Những người dùng chịu hình thức kỷ luật trong thời gian dài hơn một năm có quyền khiếu nại mỗi năm một lần, cho tới khi khiếu nại được chấp nhận hoặc nhân viên Wiki tước quyền khiếu nại hàng năm của người dùng đó.

Các trường hợp dưới đây là ngoại lệ cho điều luật trên:

  • Những người dùng bị ban do chưa đủ tuổi chỉ được phép khiếu nại khi bị nhân viên nhận định sai độ tuổi của mình. Những trường hợp này sẽ cần chứng minh độ tuổi bằng giấy tờ cá nhân có đủ độ tin cậy; nhân viên chỉ được phép lưu trữ các giấy tờ này cho đến khi xử lý xong khiếu nại. Trong mọi trường hợp, thời hạn ban sẽ không kết thúc trước khi những người dùng này đủ tuổi tham gia Wiki.
  • Những người dùng bị ban do troll hoặc phá rối nghiêm trọng có thể không được phép khiếu nại hàng năm.
  • Những người dùng bị ban do hack, lạm dụng, chiếm quyền kiểm soát hoặc gây hiểm họa cho Wiki hoặc tài khoản của người dùng khác không được phép khiếu nại hàng năm.
  • Những người dùng bị ban do quấy rối không được phép khiếu nại hàng năm.
  • Nhân viên có thể tước quyền khiếu nại hàng năm của người dùng trong một số trường hợp nhất định.

Người dùng sẽ được nhân viên thông báo trong trường hợp không được phép khiếu nại hoặc bị tước quyền khiếu nại hàng năm.

Quá trình khiếu nại:
Khiếu nại được định nghĩa là yêu cầu thay đổi hoặc xóa bỏ một quyết định xử lý kỷ luật.

Người dùng có quyền khiếu nại bằng cách liên lạc với bất cứ nhân viên đang hoạt động nào thuộc cấp độ Quản trị viên hoặc thuộc nhóm Kỷ luật. Người dùng có thể liên lạc với nhân viên thông qua văn bản bằng bất cứ hình thức nào (nhắn tin riêng, email…), với điều kiện người dùng nêu rõ lý do khiếu nại.

Nhân viên có thể yêu cầu người dùng nêu rõ lý do khiếu nại, đồng thời sẽ làm rõ lý do xử lý kỷ luật và cung cấp ghi chép về hình thức kỷ luật tại 05command (trang quản trị công khai của Wiki) khi người dùng yêu cầu.

Người dùng cần nêu rõ mình muốn quyết định kỷ luật được thay đổi như thế nào (rút ngắn hay xóa bỏ), và tại sao đó lại là yêu cầu hợp lý. Sau khi người dùng khiếu nại xong, tập thể nhân viên (bao gồm các Quản trị viên, nhân viên nhóm Kỷ luật và nhân viên khác có liên quan) sẽ bàn luận và bỏ phiếu đưa ra quyết định. Kết luận của tập thể nhân viên sau đó sẽ được báo lại cho người dùng. Quá trình nói trên có thể kéo dài từ vài phút đến vài ngày, tùy vào bản chất sự việc và tình hình hoạt động của nhân viên Wiki.

Lưu ý khi khiếu nại:

  • Hãy nghiêm túc trong quá trình khiếu nại. Điều 0 trong luật lệ Wiki vẫn có hiệu lực, đặc biệt là trong quá trình khiếu nại.
  • Việc sử dụng ngôn từ thiếu văn minh hoặc xúc phạm là không được phép. Nhân viên có quyền từ chối tiếp nhận khiếu nại, từ chối thay đổi quyết định hoặc đưa ra thêm hình thức kỷ luật trong trường hợp này.
  • Hãy suy nghĩ kỹ trước khi phát ngôn, và đi thẳng vào vấn đề. Khi khiếu nại, hãy chỉ trình bày những luận điểm có liên quan đến lý do bạn bị kỷ luật.
  • Một khi tập thể nhân viên đã đưa ra quyết định, đó chính là quyết định cuối cùng. Đừng nên kéo dài cuộc đối thoại hoặc liên lạc với nhân viên khác sau khi khiếu nại được xử lý xong.
  • Hãy đọc kỹ các báo cáo có liên quan trên 05command được cung cấp cho bạn. Mục đích của các báo cáo này là cung cấp sự minh bạch khi giải quyết vấn đề. Nếu có vấn đề nào trong báo cáo mà bạn không hiểu, bạn có quyền yêu cầu nhân viên giải thích.

Nhân viên có quyền áp dụng những điều luật này theo cách thích hợp. Nội dung trang này có thể được nhân viên xem xét và thay đổi; các thay đổi sẽ được thông báo cho thành viên Wiki.

Nếu không có ngoại lệ được nêu, nội dung của trang này được xuất bản dưới giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License