Sổ Tay Dịch Thuật SCP-VN


đánh giá: +15+x

Đây là trang tập hợp những mẹo vặt mà các dịch giả tại Wiki SCP-VN đã thu thập được trong quá trình dịch thuật. Bạn hãy lưu ý rằng đây không phải quy định của Wiki, và bạn sẽ không bị xử phạt nếu không tuân theo những điều này – nhưng chúng có thể giúp quá trình dịch bài của bạn trơn tru và vui vẻ hơn nhiều. Hơn nữa, những mẹo nhỏ này không phải lúc nào cũng đúng, và chúng mình luôn khuyến khích bạn áp dụng chúng linh hoạt tuỳ trường hợp.

Nếu bạn đã từng hoặc đang là dịch giả tại Wiki SCP-VN và muốn thêm nội dung vào trang này, hãy ghi vào phần Bình luận hoặc liên lạc với nhân viên Nhóm Dịch thuật của Wiki SCP-VN!

Từ Irina BougainvilleaIrina Bougainvillea:

  • Cứ hiểu đi rồi tính: Bạn nên đảm bảo rằng mình đã hiểu toàn bộ nội dung bài mình chọn trước khi quyết định bắt tay vào dịch. “Hiểu” ở đây không nhất thiết phải là biết nghĩa của từng từ ngữ – từ vựng thì có thể tra cứu, nhưng đại ý của bài thì bạn phải hiểu.
  • Thích thì hẵng nhích: Những bài bạn chọn dịch nên là bài mà chính bạn cảm thấy hay. Chẳng việc gì chúng ta phải tự hành xác bản thân cả.
  • Điểm số không phải là tất cả: Điểm IELTS hay điểm trung bình tiếng Anh trên lớp không phải là thứ phản ánh được toàn bộ khả năng dịch thuật của bạn. Vốn từ và khả năng sử dụng tiếng Việt cũng quan trọng ngang ngửa trình độ ngôn ngữ gốc, nếu không muốn nói là còn quan trọng hơn.
  • Hãy linh hoạt lên: Khi dịch bài, bạn không nhất thiết phải giữ nguyên cấu trúc và trình tự các vế trong câu gốc. Hãy cứ ngắt câu, thêm bớt dấu câu, đảo trình tự vế câu, vị trí trạng ngữ, đổi câu bị động thành câu chủ động và ngược lại… nếu điều đó giúp cho câu văn sáng rõ và tự nhiên hơn.
  • Hãy chủ động trong quá trình dịch thuật: Nhiều khi, các câu văn được viết dưới dạng bị động trong bài gốc cần được chuyển thành câu chủ động trong tiếng Việt. Trong các văn bản khoa học được viết bằng tiếng Anh, câu bị động thường xuyên được sử dụng, tuy nhiên điều này trong tiếng Việt lại bị coi là kém tự nhiên, nhất là khi nó bị lặp đi lặp lại. Vậy nên, khi câu bị động bị lạm dụng, bản dịch của bạn nghe sẽ khá kì cục khi được người khác đọc lên. Và vì thế, bất kể là khi viết hay khi dịch, bạn đều không nên dùng cấu trúc câu bị động tới 8 lần trong một đoạn 3 câu văn như mình vừa làm.
  • Cách thoát khỏi thế bị động: Nếu bạn muốn chuyển câu bị động thành câu chủ động nhưng không biết chủ thể thực hiện hành động đó là ai, bạn có thể dùng những chủ ngữ giả như "ai đó", “người ta”, “Tổ Chức”, “nhân sự Tổ Chức”,…
  • Câu bị động kèm chủ thể: Mình đã nhiều lần gặp phải, và chính mình trước đây cũng từng dịch những câu văn như sau:
    • "The anomaly is still poorly understood by the Foundation.", dịch thành "Dị thể hiện chưa được hiểu rõ bởi Tổ Chức."
    • “The cloth was blown away by the breeze.”, dịch thành “Tấm vải bị thổi bay đi bởi gió.”

Nhưng không phải cách diễn đạt "Tổ Chức hiện vẫn chưa hiểu rõ dị thể." hay "Tấm vải bị gió thổi bay đi." sẽ tự nhiên hơn nhiều hay sao?

  • Nhìn và nghe: Tương tự như trên với các cấu trúc câu sau:
    • "A sound is heard from [location X]." và cách dịch "Một âm thanh được nghe thấy từ [vị trí X].": Có những cách dịch khác tự nhiên hơn, ví dụ như “Một âm thanh vang lên từ [vị trí X].”, “Có thể nghe thấy âm thanh từ [vị trí X].”,…
    • "Subject was seen [doing activity Y]." và cách dịch "Đối tượng được nhìn thấy đang [làm việc Y].": Những cách dịch mà mình thấy tốt hơn bao gồm "Có thể thấy đối tượng đang [làm việc Y]", “[Đội đặc nhiệm/Nhân sự/…] đã phát hiện đối tượng đang [làm việc Y].”,…
  • Không phải lúc nào “it” cũng nên dịch là “nó”: “It” là đại từ dùng để chỉ một vật thể nào đó hoặc một sự việc, hiện tượng đã được nhắc đến trong câu văn, đoạn văn phía trước. Dịch “it” thành “nó” là cách dịch đúng, nhưng không phải và không nên là cách duy nhất, vì…
    • Trong trường hợp “it” được dùng để chỉ vật thể: Đôi khi, nhất là khi dịch SCP, từ “it” sẽ xuất hiện liên tục trong nhiều câu liền nhau, và dịch “it” thành “nó” một cách cứng nhắc sẽ dẫn đến lặp từ. Đối với một số SCP, việc gọi dị thể là “nó” cũng cho thấy thái độ thiếu nghiêm túc hay thiếu chuyên nghiệp. Thay vào đó, bạn có thể dùng những cách gọi “dị thể”, “vật thể”, “đối tượng”,…
    • Trong trường hợp “it” được dùng để chỉ sự vật, hiện tượng: Đối với phần lớn các trường hợp, dịch “it” thành “nó” ở đây sẽ là biểu hiện của văn nói, và cần tránh trong văn bản viết. Nghĩa của từ “nó” thường cũng không đủ rộng để bao trùm toàn bộ sự vật, hiện tượng được nói đến. Thay vào đó, bạn có thể dùng “việc này”, “chuyện này”, “chuyện đó”,…

Từ RedEyeMikeyyRedEyeMikeyy:

  • Thông hiểu bài trước, dịch sau: Dịch là một chuyện, nhưng từ ngữ sử dụng trong ngữ cảnh của bài có thể mang ý nghĩa khác hoàn toàn so với những gì bạn gặp. Thế nên, việc đọc và cảm bài có thể giúp được bạn hiểu rõ bối cảnh của từng đoạn (đang nói chuyện xã giao, trong một cuộc giao tranh, v.v.), và sẽ giúp cho bạn lọc bớt những nghĩa không đúng của từ gốc, hay những cách dịch không phù hợp.
  • Tham khảo là cần thiết: Nếu bạn thấy bí ở một đoạn nào đó tới mức bạn không hiểu được tác giả đang cố nói về cái gì, khi đó bạn có thể xem qua các bài của các chi nhánh khác. Ừ thì việc xài Google Dịch là điều không nên, nhưng mà nếu bạn chỉ muốn hiểu ý nghĩa của đoạn văn đó ra sao thì điều này hoàn toàn chấp nhận được, miễn là bạn đừng copy toàn bộ cái đoạn đó vào bài. Riêng mình thì mình rất hay tham khảo bài từ wiki của ZH và CN, chủ yếu là vì họ có tiến độ dịch rất nhanh và đa số các bài bạn muốn dịch thì đều đã được dịch qua hai chi nhánh này rồi.
  • Tập trung tuyệt đối: Việc tập trung rất khó, mình biết, nhất là khi bạn đang làm việc trên máy tính hoặc điện thoại, khi một tiếng ting ting tin nhắn hoàn toàn có thể khiến bạn lơ là trong việc dịch bài. Vì thế, bạn chỉ nên dịch khi bản thân thấy thoải mái và ít bị đánh lạc hướng nhất có thể. Đôi khi nó chỉ là 10 phút đến nửa tiếng nhưng mà vậy là quá đủ để bạn dịch xong được ít nhất một đoạn rồi phải không nào?

Từ DeptDept:

  • Dịch đúng cấu trúc thơ ~ dịch đúng nghĩa thơ: Muốn dịch đúng nghĩa thơ, bạn cần phải để tâm rất nhiều đến cấu trúc thơ, nghệ thuật thơ, và câu cú chữ nghĩa của tác giả. Điều này là do thơ là một thể loại văn học chứa đựng rất nhiều kiểu nghệ thuật. Điều này làm cho việc dịch thơ khó và sẽ thiếu tính chính xác trong truyền đạt nếu bạn không đầu tư vào phần cấu trúc. Để làm được điều này, hãy trau dồi và chăm chỉ vận dụng các kiến thức thơ ca, nhạc nghệ của bạn, do lời thơ và nhạc có rất nhiều điểm tương đồng trong cách dàn trải câu và gieo vần. Bên cạnh đó, hãy để ý đến nhịp điệu và cách nhấn nhá của câu thơ, nhiều người do mải chăm chú dịch mà vô tình mất đi sự khách quan và khó đánh giá được rằng mình nên đọc câu thơ theo cách như thế nào, đừng ngại hỏi người khác kiểm tra giúp bạn nếu cần.
  • Dịch đúng câu chữ ≠ dịch đúng nghĩa chữ: Cũng như dịch thoại, thơ đôi khi có một sự ẩn ý nhất định trong cách dụng từ, điều này chỉ có thể được khắc phục bằng cách gia tăng vốn hiểu biết và độ nhạy bén với các lớp nghĩa văn học của riêng bạn. Bạn cần để tâm đến những chỗ dùng từ đáng nghi vấn của các tác giả trong những bài thơ, rất có thể họ đang chơi chữ. Nếu bạn không chắc chắn, ngay lập tức tìm kiếm nghĩa bóng, ẩn dụ, nói lái của các cụm từ nghi vấn ngay khi đọc, chúng có thể bị khớp, có thể đứt mạch nghĩa hoặc mạch truyền đạt, nhưng lại móc nối và hoạt động theo mạch nghĩa ngầm khác.

Từ t4nkut4nku:

  • Nhập tâm: Khi dịch các đoạn hội thoại/biên bản thẩm vấn, bạn nên đặt mình vào vị trí của nhân vật trong hội thoại, như thể đang diễn một vai trong vở kịch tài liệu đang dịch của bạn. Hãy cho phép bản thân được nhập tâm quá mức vào nhân vật, để nhân vật trong đoạn hội thoại có thể bộc lộ được bản chất/tính cách của bản thân (nếu nhân vật chửi bậy, đừng ngại dịch nguyên văn không che câu chửi bậy đó). Hãy lưu ý tới không-thời gian của đoạn hội thoại, ngữ cảnh của tài liệu (đặc biệt với các ngoại truyện hoặc bài thuộc canon), vì những thứ này là nền tảng để nhân vật phát triển về nhân cách (lời nói, hành động, ý nghĩ), từ đó có thể giúp bạn xác định ngôn ngữ nhân vật dễ dàng hơn.

Từ TutelTutel:

  • Sẵn sàng tiếp nhận: Nhiều người mới tham gia dịch thuật có thể cảm thấy việc nhận xét bài trong thời gian đầu khá căng thẳng và nhiều khi còn cảm thấy tự ái. Nhưng những lời góp ý, nhận xét này đều là những lời góp ý chân thành giúp bạn cải thiện trong quá trình dịch đó. Vậy nên đừng ngần ngại hay sợ sệt những lần nhận xét nữa các Tân dịch giả nhé!
  • Tiếng Việt thật bao la: Tiếng Việt có một kho từ vựng đồ sộ, nhờ vào đó bạn có thể tha hồ chọn từ trong quá trình dịch thuật. Nhờ từ vựng, độc giả có thể hiểu được bối cảnh, từ đó hiểu được những ý nghĩa ẩn sau khoảng lặng của ngôn từ. Chất lượng bản dịch của bạn tốt hay không cũng phụ thuộc vào khả năng sử dụng từ vựng của bạn đó. Vậy nên khi dịch, hãy cố gắng chọn những từ phù hợp để đem cảm xúc và ý nghĩa của tác phẩm chạm đến được con tim của độc giả nhé.

Từ RigballRigball:

  • Đọc thật nhiều, hiểu thật nhiều: Cách để biết bản dịch của mình đã ổn hay chưa vẫn là tham khảo những người đi trước. Điều này không chỉ giới hạn ở các bản dịch SCP, còn là những bộ phim, những cuốn truyện đã có bản dịch từ các dịch giả nổi tiếng lẫn fansub. Có những cái mà nhà đài họ dịch khá đỉnh, đến mức tôi đã nhớ mãi đến tận bây giờ, lấy ví dụ như trong tập “Slapsgiving 3: Slappointment in Slapmarra” của series How I Met Your Mother, nhóm dịch đã thành công trong việc dịch những cái tên thô kệch như “Slap of a Million Exploding Suns” thành “Cú tát Bách vạn Thái dương”, nghe vừa ngầu vừa hợp chủ đề của tập phim. Tuy vậy, tôi cũng không khuyến khích việc sao chép như một con vẹt những gì họ đã làm, như trong một bản dịch bộ truyện “Cuộc chiến Siêu nhiên giữa Đời thường”, dịch giả đã không hề tìm hiểu về câu biến thân làm nên thương hiệu của Kamen Rider Amazon mà chú thích “Amazon” thành hệ thống giao hàng, trong khi ngữ cảnh là nhân vật sử dụng câu đó đang rất tức giận. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến khích bật phụ đề tiếng Việt để xem dịch giả dịch hay dở ra sao, từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản dịch của mình.
  • Bản địa hóa chứ đừng hóa đá: Đôi khi có những câu thành ngữ dịch từ nghĩa gốc ra sẽ rất cụt lủn do khác biệt văn hóa. Đơn cử như câu “Break a leg”, ta không thể dịch là “Gãy chân nhé” được, đúng không nào? Cái này cũng áp dụng cho các câu nói xã giao. Bạn có thể sử dụng các câu nói quen thuộc với mình, “Big deal” có thể dùng “Ôi dào, chuyện nhỏ”, “Oh shit” có thể là “Chết dở”, hãy sử dụng những cái có sẵn xung quanh ta để khiến cho câu văn có phần gần gũi, tự nhiên hơn.
  • Nấu những cái tên bằng gia vị: Bài viết thu hút người đọc bằng những cái tên, chúng ta có thể dịch một bài có tên “A Mirror That Reflects Yourself” thành “Một Chiếc gương Phản ánh Bản thân”, được đó, nghe cũng ok. Nhưng bạn có thể thêm một chút chất thơ vào, dù sao thì SCP cũng là tác phẩm văn học mà. Một vài dịch giả không dựa hoàn toàn theo nguyên tác và kết quả thực sự rất tuyệt vời. Ví dụ rõ nhất cho điều này là cuốn “The Thorn Birds” hay “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, giá trị gợi cảm đã được tăng lên khá nhiều khi dịch giả sử dụng hình ảnh “Chim hót” thay vì chỉ nói về việc những con chim nằm chờ chết như trong bản dịch tiếng Pháp. Quay lại với ví dụ kia, chúng ta hãy thử nghĩ ra ngoài khuôn khổ nhé. “Một chiếc gương”, vậy chúng ta hãy bỏ “Một chiếc” đi thử xem, hãy cho dị thể này một chút không gian để thở nhé. “Phản ánh”, nghe hơi thẳng thắn quá nhỉ, hãy thử dùng “Soi”, như cách một chiếc gương hay làm thì sao. Còn “Bản thân”, với một bài viết như này, tôi nghĩ “Bản thân” ở đây đồng nghĩa với việc tác giả muốn chỉ thế giới nội tâm của con người, thay vì thực sự nói về con người đó, vậy ta hãy sử dụng từ ngữ nào thực sự liên hệ đến khái niệm đó xem. Xem nào… “Tâm hồn” này, “Thâm tâm”, hay “Đáy lòng” nhé? Đúng vậy, chúng ta thử ghép lại nào, “Gương Soi Đáy Lòng”, nghe có vẻ tuyệt hơn đúng không? Thực sự thì viết đến đây tôi mới nhận ra cái này là một vế đối của bản dịch tên tác phẩm “Trăng soi đáy nước”, và dịch giả cũng đã làm rất tốt trong việc biến hai từ đơn giản “Thủy nguyệt” thành một hình ảnh cụ thể và chi tiết như vậy.

Từ KirQKirQ:

  • Ghé thăm những người hàng xóm thiện lành: Ngoài wiki tiếng Việt của chúng ta, còn có rất nhiều các trang chị em khác của Tổ Chức và tất nhiên rồi, bọn họ cũng làm mảng dịch thuật nữa~. Vậy nên, nếu như bạn có đủ khả năng đọc hiểu một ngôn ngữ khác ngoài bản gốc tiếng Anh và trong quá trình dịch thuật gặp phải các thuật ngữ hay đoạn khó dịch, hãy nhìn ở phía bên trái phần header có thứ gọi là “Languages bar”, click vào ngôn ngữ bạn muốn xem và bạn sẽ được chuyển được bản dịch của chi nhánh đó. Hiện tại, có rất nhiều dịch giả trên Wiki đang học các ngôn ngữ khác như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Nga,… Vậy nên đây cũng là một cách hay để chúng mình có thể luyện tập và bổ sung thêm lượng từ vựng mới cho bản thân. Nhược điểm của việc này là đôi khi bản dịch sẽ không hoàn toàn chính xác do với bản thân do khác biệt văn hóa, hoặc chỉ đơn giản là chưa có chi nhánh nào dịch :D
  • Nhảy tự do không cần dù cơ á?!: Mình đã bắt gặp rất nhiều trường hợp dịch giả mới vào Discord, đi tới kênh #dịch-thuật-wiki rồi hỏi: “Mình được dịch 001 này không hay là SCP-XXX,..” Nhập gia tùy tục, trước khi các bạn vào bất cứ kênh nào trên Discord, xin hãy đọc luật lệ tại ở tin nhắn đã ghim. Lý do tụi mình không cho người mới chọn dịch những bài viết quá 5000 từ hoặc có upvote trên 250 là vì những bài viết này đều được coi là “chất lượng” trong fandom, và đòi hỏi bạn phải có đủ kinh nghiệm hay kiến thức để có thể xử lý. Tụi mình không ép bạn phải bỏ dịch bài mà bản thân yêu thích, mà tụi mình cần nắm rõ được khả năng dịch của bạn ở mức nào trước khi dịch các tài liệu như vậy. Vậy nên đừng để tụi mình nghĩ bạn là “không ngờ gặp phải thằng liều” mà cứ bình tĩnh, chọn những bài dễ và cơ bản khác trong series rồi từ từ bạn sẽ trở thành dịch giả tài năng thôi.
  • Xây nhà theo nền móng đi: Trước khi bạn đặt chân lên miền đất hứa này, đã có rất rất nhiều người khác đi trước bạn, bản thân mình cũng có được trải nghiệm như vậy. Các bản dịch được đăng tải lên wiki đã được kiểm duyệt và đạt đủ tiêu chuẩn ở mức độ nhất định. Vậy nên, xin hãy thử đọc những bài đó, việc này vừa giúp các bạn hình dung được một số cụm từ hay thuật ngữ mà fandom chúng ta hay sử dụng đồng thời nắm rõ được “giọng dịch” tiêu chuẩn ở thời điểm hiện tại. Vả lại, bạn phải thích đu SCP thì mới muốn dịch mà, dành thời gian đọc bài để ủng hộ các dịch giả cũng là một cách hay đó~

Từ Jasian_NguyenJasian_Nguyen:

  • Nhà Dịch thuật thất bại tạo nên nhà Dịch thuật bất bại: Đừng ngại hỏi các câu hỏi “dở hơi” (miễn đừng nhiều quá hay không thèm đọc quy trình) vì người ta chỉ đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, đừng ngại bị chỉ trích và bị bắt lỗi tới hàng chục dòng, đừng e ngại sự chán nản khi dấn thân vào dịch một bài viết. Hãy dịch nếu bạn thích và tiếp tục khi bạn muốn, miễn là bạn tiếp tục thì bạn sẽ chẳng biết mình thành một phần đáng quý của cộng đồng từ bao giờ đâu.
  • “Bản dịch sẽ không bao giờ là bản chính”: – Trích Lời bạt người biên tập Lolita, bản dịch của Dương Tường, tái bản 2015. Và bản dịch có bằng bản chính không cũng còn là câu chuyện khác, thế nên hãy viết như thể bạn đang sáng tác lại chính câu chuyện/tài liệu đó, bạn là đại diện của tác giả trong Wiki ngôn ngữ Tiếng Việt này để đưa ý nghĩa của tác phẩm bạn đã thích và muốn dịch đến nhiều người hơn, bản dịch là sự tái tạo. Đây không phải một lời khuyên cặn kẽ, nhưng đây là một tư duy mình sử dụng khi dịch, và nó cũng cho mình cả kinh nghiệm về viết nữa.
  • Khẩu hiệu #tatcalataiKairento: Đừng có tin bất kỳ điều gì mà Kairento154Kairento154 – Vị sếp tổng của cộng đồng SCP Việt Nam – đùa về Wiki hay Dịch giả Wiki. Đừng đá cửa vào phòng dịch thuật và để chúng tôi phải lưu ý đến bạn trong cả quãng thời gian còn lại.
  • Dịch giả như mèo 9 mạng: Ấn tượng xấu lần đầu (hay 3 lần như mình) không phải là chấm hết cho mong muốn tham gia cộng đồng của bạn (đừng làm gì quá đáng khiến bạn bị khóa cửa ngay lần đầu là được). a) Hãy nhớ đây là một fandom hay cộng đồng, và còn là một nơi khá cởi mở so với nhiều cộng đồng internet khác, thế nên đừng là một tên khốn, phân biệt hay đơn giản là đùa cợt quá trớn. b) Dù nghe có hơi nực cười, nhưng bạn thậm chí có thể xem đây là môi trường làm việc của bạn, chúng mình xem việc đóng góp cho Wiki là tự nguyện, và vì thế nếu chọn thực hiện thì hiển nhiên là hãy nghiêm túc. Đây là lời khuyên về cách ứng xử từ xương máu mình đấy.

Từ Suzu-HitsujiSuzu-Hitsuji:

  • Cố quá thành quá cố: Đôi khi trong quá trình làm việc, bạn cũng sẽ có vài lúc cảm thấy bộ não của mình như đang bốc khói (hay còn được gọi là bị quá tải) sau một thời gian tập trung làm việc quá lâu. Như một lẽ hiển nhiên, điều đó sẽ khiến chất lượng bản dịch của bạn bị ảnh hưởng theo, thường là sẽ càng về sau càng dịch tệ đi. Lúc đó, điều tiên quyết bạn cần làm là: Hãy ngừng lại một lúc, giải trí bằng một thứ gì đó để khiến bạn bị xao nhãng tạm thời rồi quay lại dịch tiếp. Đôi khi bạn sẽ phải bất ngờ vì tự nhiên mình bật ra được một câu dịch nghe rất hay khi đang giải trí đấy.
  • N.G.U (Never Give Up): Đừng có quá tự ti khi bản dịch đầu tiên của bạn bị sửa lên sửa xuống, thậm chí là có khả năng cùng không được duyệt do chất lượng không đủ. Đây là vấn đề bình thường, vì khả năng dịch thuật không chỉ phụ thuộc vào khả năng đọc hiểu ngoại ngữ của bạn, mà còn phụ thuộc vào việc khả năng sử dụng tiếng Việt của bạn tốt đến chừng nào. Để khám bệnh thì đơn giản thôi, bạn hãy đọc một bài đọc nào đó, bạn có thể hiểu, nhưng không biết dịch sang tiếng Việt thế nào cho mượt, vậy thì đó là do khả năng tiếng Việt của bạn còn hạn chế, và có lẽ là mắc vài lỗi sai khá là… ngu. Để khắc phục, dịch thật nhiều, ăn chửi thật nhiều, cay thật nhiều rồi đọc thật nhiều. Rồi ngày qua ngày, bạn sẽ lên tay lúc nào chẳng hay. Nói nhỏ này, nếu bạn đọc lại bản dịch cũ của mình và thấy nó có nhiều lỗi lặt vặt, câu cú lủng ca lủng củng, đọc lên nghe thấy nó rất là ngu si và chỉ muốn đào lỗ xong chui xuống đó cho bớt nhục ấy. Thì là bạn đã lên tay rồi đấy =b.

Từ Nya PieceNya Piece:

  • Chú ý những từ đa nghĩa: Trong lúc dịch bài thì bạn sẽ gặp những từ tuỳ vào ngữ cảnh mà có thể dịch khác đi. Một trong những từ thường gặp nhất khi dịch SCP là “instance”, và nó có 3 cách dịch như sau: a) “instance” chỉ vật thể => phiên bản. b) “instance” chỉ sinh vật sống => cá thể. c) “instance” chỉ hiện tượng => lần (xuất hiện).
  • “They” không phải luôn mang nghĩa số nhiều: Trong bản gốc sẽ có nhiều lúc “they” dùng để thay cho các từ như “entity” / “subject” / “individual”… để ám chỉ một dạng đối tượng chung không rõ giới tính chứ không phải “họ / chúng”. Trong trường hợp này thì bạn hãy dịch “they” thành: “nó”, “thực thể”, “đối tượng”, “cá nhân” hoặc tên riêng. Từ “their” trong ngữ cảnh trên cũng áp dụng cách dịch trên => “của nó / thực thể / đối tượng / cá nhân /…”
  • Những gia vị để làm hội thoại sống động hơn: Khi dịch hội thoại thì tiếng Việt có một lợi thế để giúp bộc lộ cảm xúc và ý định của những câu chữ khô khan. Đó là những từ đơn giản nhưng mang tính biểu cảm mà bạn nên rắc vào như: “à”, “á”, “ư”, “ấy”, “đó” / “đấy”, “hả”, “nha” / “nhé”, “nhỉ”.

Từ Ronin (TIme Samurai)Ronin (TIme Samurai):

  • Đọc to bản dịch, thành công lịch kịch tới: Đây là một mẹo nhỏ mình học được từ FlawedFlawed , một dịch giả cộm cán mà mình vô cùng tôn trọng. Nghe thì có vẻ tức cười, nhưng này, bạn sẽ không biết bản dịch của bạn như thế nào trừ khi bạn tự đọc đâu. Hãy thử đọc to và nghe thử xem, nếu nó nghe mượt mà và tự nhiên, không có những chỗ khiến bạn thấy kiểu cân cấn, thì xin chúc mừng, bạn đã có một bản dịch chấp nhận được rồi đó.
  • Học hỏi và luyện tập không ngừng: Ước tính của Global Language Monitor chỉ ra hiện đã có hơn một triệu từ Tiếng Anh, và trung bình cứ 98 phút lại có một từ Tiếng Anh mới, vì vậy việc liên tục học hỏi và tìm hiểu là vô cùng cần thiết, bất kể bạn là lính mới hay kẻ giàu kinh nghiệm. Đọc nhiều và tìm hiểu nhiều có rất nhiều lợi ích, không chỉ giúp cho bản dịch của bạn thêm thực tế hơn mà nó còn giúp văn phong, lối viết của bạn hoàn thiện hơn, ngoài ra nâng cao cả kĩ năng phê phán, xem xét bản dịch nữa. Biết đâu một ngày bạn sẽ trở thành một chuyên gia đánh giá bản dịch tại đây?
  • Học tiếng khác, đừng quên tiếng Việt: Lại là một điều nghe qua thấy rất buồn cười, tiếng nước mình làm sao mà quên được? Nhưng tin mình đi, việc quên những cấu trúc, từ vựng tiếng Việt khi tiếp xúc quá nhiều với các tiếng nước ngoài không phải là không thể. Và này, như TutelTutel nói ở trên, tiếng Việt thật bao la và còn rất nhiều thứ ta chưa học hỏi hết. Do vậy, bạn hãy luôn trui rèn lại kĩ năng tiếng Việt của bản thân nhé.
  • Đi cùng nhau để tiến bộ: Dịch thuật là một công việc mang thiên hướng cá nhân, nhưng đừng nghĩ rằng bạn luôn đơn độc. Cộng đồng dịch giả của Tổ Chức SCP rất thân thiện, cởi mở, và dễ mến đó. Họ sẽ luôn luôn ủng hộ bạn và sẵn sàng giúp đỡ bạn khi cần thiết. Nhưng này, khi bạn đã xác định vào đây rồi, hãy nghiêm túc và làm việc tâm huyết nha. Bọn mình làm việc tự nguyện, vui vẻ ở đây, nhưng bọn mình tuyệt đối không thích những người cợt nhả và hời hợt đâu.

Tạm thời thì chỉ vậy thôi – chúng mình sẽ bổ sung những lời khuyên khác trong tương lai. Cảm ơn bạn đã đọc đến đây, và chúc bạn thành công trong chặng đường dịch thuật sắp tới!

Nếu không có ngoại lệ được nêu, nội dung của trang này được xuất bản dưới giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License