Lựa Chọn Hạt Nhân

  • đánh giá: +7+x

"Các bạn đang đứng ngay trên một quả bom nguyên tử."

Không một ai tin lời Giám đốc Điểm trong buổi định hướng ngày hôm ấy, như thường khi, chẳng một ai. Chúng tôi chỉ bật cười và chờ đợi một nụ cười mỉm đùa vui từ ông ấy. Nhưng tràng cười khẽ dần lặng đi, và sắc mặt ông ấy vẫn y nguyên.

“Các bạn đang đứng ngay trên một quả bom nguyên tử, và một ngày nào đó, có thể các bạn sẽ phải kích nổ nó.”

Cuối buổi định hướng ấy, sau khi nghe những quy trình và giao thức khẩn cấp để kích hoạt một đầu đạn hạt nhân, tôi đã biết điều này. Nhưng tôi chưa bao giờ hiểu. Chưa bao giờ, kể cả khi tiếng còi hụ lên, và ánh đèn báo hiệu tình trạng khẩn cấp nhấn chìm những bức tường của Điểm dưới một màu đỏ thẫm. Kể cả khi tôi nghe rõ tiếng kim loại đổ sập xuống và tiếng thét từ những tầng nhà trên cao. Kể cả khi tôi nhìn sâu vào đôi mắt đang mờ dần của Giám đốc Điểm.

Bàn tay ông ấy, đã gãy và đẫm máu, đặt một phong bì lên tay tôi. Bên trên phong bì có ghi “mã kích hoạt”. Tôi sờ thấy một chiếc chìa khoá bên trong nó.

"Anh đang đứng ngay trên một quả bom nguyên tử," ông ấy nặn ra từng lời. Thân xác ông ấy mềm ra. Ông ấy chết.


Radiation_warning_symbol2.svg.png

Giao thức Kích hoạt Đầu đạn Hạt nhân tại Điểm


Tất cả các Điểm lớn của Tổ Chức cần được trang bị một đầu đạn hạt nhân tại chỗ. Trong trường hợp xảy ra vi phạm quản thúc quy mô lớn, đồng thời nhiều dị thể được cho là sẽ tiếp xúc với thường dân ở phạm vi rộng rãi và không thể khắc phục, cần kích nổ đầu đạn hạt nhân này để đảm bảo giữ vững mục tiêu của Tổ Chức.

Mọi đầu đạn hạt nhân đều có thể được kích nổ từ xa, và, thông qua những mã kích hoạt phù hợp, có thể được kích hoạt từ bất kỳ Điểm lớn nào của Tổ Chức. Dù vậy, do có thể xảy ra gián đoạn trao đổi thông tin trong tình huống vi phạm quản thúc, những đầu đạn hạt nhân này cũng có thể được kích hoạt trực tiếp tại chỗ. Trong trường hợp cần kích nổ một đầu đạn hạt nhân qua phương thức này, Điểm kích hoạt sẽ được coi là đã rơi vào tình huống vi phạm quản thúc cực kỳ nghiêm trọng và không có khả năng phục hồi, và vì vậy, đầu đạn hạt nhân sẽ không có thời gian đếm ngược.

Quyết định kích nổ đầu đạn hạt nhân cần có sự nhất trí hoàn toàn từ những cá nhân sau:

1. Giám đốc Điểm, người có đầy đủ thông tin thiết yếu về Điểm để đánh giá mức độ cần thiết.

2. Chuyên viên Quản thúc đứng đầu Điểm, người có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của trường hợp vi phạm quản thúc đang được nhắc đến.

3. Tối thiểu 3 thành viên Hội đồng O5.

4. Thành viên đội ngũ vận hành đầu đạn hạt nhân tại Điểm được giao nhiệm vụ kích nổ


Tôi chạy hộc tốc xuống cầu thang, gần như nhảy qua những bậc thang phía dưới. Đi sâu vào lòng vụ vi phạm quản thúc, sâu thêm, sâu thêm. Tôi đã không biết lượng sức mình và đâm đầu phải một bức tường, nhưng cơn đau tê dại đi và tôi cứ thế chạy tiếp. Sâu thêm, sâu thêm.

Hình bóng của những con quái vật chiếu lên những cánh cửa với ô kính xuyên thấu. Mỗi tầng lại là nơi trú ngụ của hỗn hợp những bóng hình mà trí óc tôi thà rằng không hiểu nổi. Người ta đã cảnh báo chúng tôi về chính những thứ này. Đây là những điều sẽ xảy ra khi mọi chuyện trở nên tồi tệ.

Rồi tôi cũng chạy xuống tới đáy cầu thang. Tôi mở phong bì và giở tờ giấy bên trong ra. Tôi nện mật mã đầu tiên lên cánh cửa. Tôi khó lòng mà đọc nổi dòng mật mã ấy phía sau những vệt máu. Cánh cửa kêu lên cạch một tiếng.

Tôi chạy ùa vào căn phòng duy nhất mà thảm hoạ này còn chưa chạm tới. Trông căn phòng y như cảnh tượng từ một bộ phim khoa học viễn tưởng nào đó của những năm 1980, với một loạt bàn điều khiển tín hiệu analog và màn hình máy tính CRT. Những mặt bàn, những màn hình đều phủ bụi và mạng nhện đã xâm chiếm những góc phòng. Tôi thấy tay mình run lên. Tôi hít một hơi sâu.


"Anh có bao giờ phải băn khoăn không?"

"Băn khoăn về cái gì?"

"Anh biết đấy… ý nghĩ rằng bất cứ khi nào anh cũng có thể bốc hơi thành một quầng lửa và phóng xạ?"

"Vì tôi làm việc ở đây à?"

"Ừ thì, đúng thế. Chúng ta đang đứng ngay trên một quả bom nguyên tử mà."

"Nếu là về chuyện đó, thì tôi không thấy làm việc ở đây hay làm bồi bàn khác nhau chỗ nào."

"Tôi có phải nhắc lại với anh rằng có một quả bom nguyên tử đang nằm ngay bên dưới sàn nhà không?"

"Jerry, suy cho cùng thì vấn đề không phải là khoảng cách giữa chúng ta và quả bom, đúng không? Vấn đề là cảm giác khủng hoảng hiện sinh của chúng ta. Nỗi lo sợ mình sẽ là Chernobyl tiếp theo. Và dù rằng điều đó quả là làm ta phải sợ hãi theo một cách đặc biệt… kết quả cũng không khác mấy so với khi một thành phố ở tận ngoài bờ biển trở thành Hiroshima tiếp theo đâu mà. Khác biệt duy nhất là quầng lửa ấy có nguồn gốc từ trên cao hay từ lòng đất mà thôi. Nhưng cũng như nhau cả. Cũng là lửa. Cũng là tro. Cũng là nhiễm độc phóng xạ."

"Và anh chấp nhận được điều đó?"

"Ta đã sống trên đầu họng súng mang tên ‘Bom Hạt Nhân’ kể từ giữa thập niên 1940 rồi. Đến giờ anh mới hiểu ra điều đó thì cũng chẳng thay đổi được chuyện chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận đâu."

"… Tôi không chắc mình có thể nuốt trôi được chuyện này."

"Thế thì đi mà giành ghế Tổng thống đi, Jerry. Gia nhập phong trào vận động giải trừ quân bị đi. Làm việc cho Tổ Chức thì chả có tác dụng gì nếu anh muốn ngăn chặn điều đó đâu."


Các giám đốc điểm và giám sát viên vẫn thường hay ăn to nói lớn về những chông gai trong công việc của mình. Rằng đưa ra quyết định thật khó đến mức nào. Họ buộc lòng phải hy sinh rất nhiều để duy trì trạng thái bình thường cho thế giới, và họ có thể cảm nhận được sức nặng của từng sinh mạng trên vai. Hay ít nhất là, khá nhiều sinh mạng.

Họ nói điều đó với chúng ta từ phía sau những chiếc bàn làm việc xa hoa của họ, trong những văn phòng với giá sách bằng gỗ gụ kê kín dọc bờ tường và đèn chùm kim cương. Hay là phía sau màn hình, cách xa ta nửa vòng trái đất. Nơi mà họ ngả lưng về phía sau và cảm nhận sức nặng… của con số nhỏ xíu lên xuống trên bảng thống kê của họ.

Họ không phải người vặn chìa khoá. Họ không phải người nhấn nút. Họ không phải người đưa ra quyết định.

Tôi có thể cảm nhận sức nặng của cái chìa khoá đồng thau trong tay mình. Nó đã hút lấy hơi ấm từ bàn tay tôi, và giờ tôi cảm tưởng như nó là một phần nối dài của những ngón tay. Tôi nhét nó vào bảng điều khiển; bảng điều khiển sáng lên và rè rè sống dậy.


Tổ Chức đã bắt đầu đặt bom nguyên tử tại các Điểm của mình ngay từ cái hồi Oppenheimer thổi tung một quả bom ở New Mexico. Kể cả khi Tổ Chức dần mở rộng vào những năm 60 và 70, xây nên những Điểm-17, Điểm-19, Điểm-43, Điểm-120 khổng lồ, đầu đạn hạt nhân vẫn luôn là một phần cố định trong bố cục thiết kế. Và họ cũng không hề bất cẩn trong việc chọn địa điểm. Vị trí của những Điểm này đều ở nơi xa xôi khuất nẻo, tới nỗi chỉ vài ngàn người có thể nhìn thấy khói từ vụ nổ mà thôi.

Nhưng đó đã là năm mươi năm về trước. Và chẳng có ai thực sự hiểu được đô thị hoá có thể tràn lan tới mức nào. Những vùng ngoại ô đã ngoằn ngoèo cắm rễ khắp những quốc gia phát triển. Ngày nay, một con đường quốc lộ lớn đang chạy ngay bên hông Điểm-17. Nhiều nhà đầu tư bất động sản đã xây dựng những công trình bên trong vùng đầm lầy bao bọc Điểm-23.

Điểm này chỉ nằm cách xa một ngôi trường cấp hai là 3 dặm.


Tôi vừa cung cấp sức mạnh cho một quả bom nguyên tử.

Cái hộp nhựa đậy bên trên nút bấm kích nổ cuối cùng mở ra. Nó bé nhỏ, màu đỏ, và đang nhấp nháy.

Tôi đặt ngón cái lên trên nút bấm.


"Này, anh có nghĩ rằng anh sẽ làm được điều đó không?"

"Có chứ."

"… làm sao anh có thể?"

"Đừng có nhìn tôi như vậy. Tôi sẽ không làm ra vẻ đó là một quyết định cao quý gì đâu. Tôi chỉ nghĩ, đó là việc của chúng ta thôi mà, phải không? Chúng ta ở đây là để bảo vệ sự bình thường. Tôi sẽ làm cái việc chết tiệt đó. Và hơn nữa— Tôi biết điều này sẽ biến tôi thành một thằng khốn, nhưng nếu như tôi đã phải đi xuống dưới đó rồi, thì tôi biết rõ mình sẽ không thể đi lên. Cho nên tôi cũng sẽ chẳng phải sống để mà dằn vặt đâu."


Gần đây, tôi đã đến Hiroshima cùng gia đình trong một chuyến đi Nhật Bản. Tất nhiên, chúng tôi đã tới thăm bảo tàng bom nguyên tử. Bảo tàng ấy được thiết kế rất chỉn chu. Nhiều bảo tàng chỉ là tập hợp của những vật trưng bày, đồ cổ và văn thư cổ. Thỉnh thoảng, một cuộc triển lãm riêng biệt nào đó sẽ tạo nên cảm giác về một mạch liên kết, nhưng tôi thường không cảm nhận được rằng các bảo tàng đang cố gắng kể một câu chuyện cho tôi. Thế nhưng, bảo tàng này đã kể một câu chuyện. Nó đã khắc hoạ nên một bức tranh rất rõ nét về sức tàn phá của quả bom nguyên tử. Bảo tàng đã sử dụng lời chứng từ những người sống sót và thân nhân của người thiệt mạng theo cách rất đáng kinh ngạc, những tấm ảnh được chụp trong và sau vụ nổ, cùng nhiều phương tiện truyền thông khác.

Đầu tiên, bạn sẽ bước vào một lối đi dài tối tăm với những ô cửa sổ phủ mờ. Nhưng bạn không thể nhìn xuyên qua chúng. Những ô cửa ấy đều đục màu và toả ra một thứ ánh sáng xanh lam ủ dột, thắp sáng cả bảo tàng.

Rồi những bức tranh vẽ các nạn nhân xuất hiện, mỗi người lại kinh hoàng một kiểu. Không phải vì những chi tiết tỉ mỉ, mà là vì họ thiếu đi những chi tiết ấy. Khi những vệt bỏng chỉ là vệt đỏ, còn những cụm sọc đỏ và xám cho ta thấy sợi vải rách đã hoà vào da thịt họ thế nào. Những bức tranh ấy nằm ngay cạnh ảnh chụp thực tế của những nạn nhân bị bỏng, với hàng bao khối u trên lưỡi và da cháy thành mảng trên lưng.

Đến lúc này tôi mới nhận ra có nhiều phụ huynh đưa con đi thăm bảo tàng đến mức nào. Ngần ấy cô cậu bé người Nhật ngắm nhìn những cảnh tàn sát mà tôi chưa từng nhìn thấy cho tới tận khi tôi hơn các em gấp đôi tuổi đời. Được giáo dục về nỗi kinh hoàng của chiến tranh dường như chẳng bao giờ là quá sớm.

Sau những bức tranh, chúng tôi đi dọc theo một hành lang treo ảnh những đứa trẻ đã bị sát hại trong vụ nổ, cùng với một đôi găng tay hay một chiếc đồng hồ mà các em đã từng đeo. Những vật tuỳ thân ấy đều là đồ quyên góp từ những gia đình tang tóc đã ghi lại một bản tóm tắt về cách họ nghe tin con mình thiệt mạng.

Rồi tiếp theo là câu chuyện của những nạn nhân nhiễm độc phóng xạ. Những gia đình buộc lòng phải đứng nhìn người thân teo mòn lại và rệu rã đi, cho tới khi thể xác của họ không tài nào chống đỡ thêm được nữa.

Đó là phần cuối cùng trước khi chúng tôi rời khỏi cánh chính của bảo tàng, nhưng sau đó, chúng tôi không hề bước vào sảnh chính, sân hay nơi nào như thế. Thay vào đó, chúng tôi quay lại và đi theo một hành lang kéo dài nằm sát phía sau khu trưng bày chính. Cuối cùng chúng tôi cũng có thể nhìn thấy cảnh tượng bên ngoài, xuyên qua một bức tường kính kéo dài dọc theo toàn bộ khu trưng bày. Có một khoảnh khắc khi tất cả mọi người đều đứng lại và nhìn ra cửa sổ một lát, nhìn theo những công trình tưởng niệm hoà bình xếp kín trong sân… nhìn qua một lỗ hổng của hàng cây, và nhìn thấy thứ này:

abomb-dome-small.jpg

Hãy tính toán một chút nào. Đầu đạn hạt nhân của Điểm có đương lượng nổ khoảng 9 megaton. Điều đó có nghĩa là mọi thứ trong phạm vi 1.2 dặm tính từ quả bom đều sẽ bốc hơi ngay sau khi bom nổ. Và phóng xạ sẽ lan truyền ra xa khoảng 2 dặm. Và hơn thế nữa, bức xạ nhiệt sẽ đốt cháy và gây bỏng cho thường dân trong phạm vi 16.8 dặm. Kể cả đối với một Điểm được xây dựng giữa nơi đồng không mông quạnh của bang Pennsylvania, vụ nổ ấy vẫn sẽ giết chết 13,000 người, ước tính mức thấp nhất. Vụ nổ cũng sẽ gây bỏng và gây ảnh hưởng bức xạ cho 50,000 người khác, ước tính mức thấp nhất.

Và đó là còn chưa kể đến chuyện gió sẽ cuốn bay những hậu quả từ vụ nổ, rồi lan truyền ảnh hưởng tới cây trồng và đồng ruộng xung quanh. Hay sẽ có bao nhiêu người tham gia giải cứu đổ bệnh vì phải dọn dẹp đống tro tàn hậu hoạ.

Và điều đó còn chẳng thấm vào đâu so với những gì sẽ thực sự là hậu hoạ.


Radiation_warning_symbol2.svg.png

Giao thức Sau Kích hoạt Đầu đạn Hạt nhân


Có hai viễn cảnh sẽ xảy ra sau khi một đầu đạn hạt nhân tại Điểm được kích nổ. Ở viễn cảnh đầu tiên, vụ nổ ở cách khu vực sinh sống của thường dân đủ xa để số lượng người quan sát được/nạn nhân là tối thiểu. Trong trường hợp này, các nhân chứng sẽ được cung cấp thuốc lú theo quy trình thông thường, và Tổ Chức cần tiến hành trao đổi với chính quyền của quốc gia liên quan để đưa ra thông báo rằng vụ nổ là một phần trong một cuộc kiểm tra đầu đạn hạt nhân của quốc gia đó.

Ở viễn cảnh thứ hai, vụ nổ xảy ra ở gần một khu vực đông dân cư. Trong trường hợp này, ưu tiên lớn nhất sẽ là giữ gìn trạng thái bí mật của Tổ Chức và thế giới dị thường. Điều này nghĩa là nguyên nhân của vụ nổ sẽ được gán cho một mục tiêu thuyết phục. Mục tiêu này gần như có thể là bất cứ siêu cường hạt nhân nào, như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc,…

Sau khi mục tiêu đã được chọn, nhân sự Tổ Chức được cài vào các chính phủ có liên quan sẽ cần ủng hộ việc tiến hành các biện pháp hoà bình để xoa dịu tình hình; dù vậy, Tổ Chức đã ghi nhận rằng khả năng xảy ra chiến tranh huỷ diệt giữa các phía là rất cao. Hơn nữa, trong trường hợp các chính phủ liên quan có sự bất ổn, hệ quả của vụ nổ hạt nhân có thể lan rộng ra toàn thế giới. Trong trường hợp này, các Điểm của Tổ Chức cần tuân thủ theo các giao thức sử dụng cho viễn cảnh XK-Kết-thúc-Thế-giới, bao gồm cả việc cung cấp nguồn năng lượng và kích nổ đầu đạn hạt nhân ở từng Điểm.

Hãy nhớ rằng, nếu ánh sáng chiếu rọi đến cả những thứ ta không được phép nhìn thấy, thì toàn nhân loại sẽ cần phải chết trong bóng tối. Đây sẽ là một hướng đi mà ta ước rằng mình chưa từng phải thực hiện, nhưng qua đó, chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Một thế giới ngập trong lửa và diêm sinh cũng hoàn toàn là một thế giới bình thường.


Tôi đang đứng ngay trên một quả bom nguyên tử.

Ngón tay tôi run lên.

Nếu không có ngoại lệ được nêu, nội dung của trang này được xuất bản dưới giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License