Cho Đến Khi Cái Chết Chia Lìa Đôi Ta


đánh giá: +8+x

"Chúng ta chia tay đi."

Elle không thể tin được lời nói mà cô vừa nghe thấy. Mới chỉ có năm ngày kể từ khi cô và Jonathan quay trở về từ chuyến đi kỉ niệm mười năm năm ngày cưới ở Peru. Họ đã đi bộ suốt ba ngày để đến chiêm ngưỡng Machu Picchu. Nơi đây vẫn vẹn nguyên như lúc họ đến trong chuyến đi tuần trăng mật. Họ thậm chí còn mây mưa với nhau ở cùng một chỗ khu cắm trại ngày trước, những cảm giác thật thân quen bởi vì họ đã hoàn thành cuộc phẫu thuật ngay trước chuyến đi. Họ cảm thấy hạnh phúc như những gì họ đã trải qua năm mươi năm về trước. Như thể chả có gì đổi thay. Hay nói đúng hơn, những cảm xúc vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Những công trình bằng đá hay những ngôi nhà bằng đất sét không suy suyển nhiều trong suốt năm mươi năm, thậm chí phải mất đến hàng thế kỉ để những vết tích đó có thể nhìn thấy.

Nhưng đáng tiếc thay, điều đó không giống như vậy trong tình yêu.

"Nhưng tại sao?" là những gì Elle có thể nghĩ được.

"Nó rất khó để giải thích."

"Đấy không phải là một lời giải thích."

Jonathan mở mồm mình định nói, nhưng có một cái gì đó chặn lời anh lại. Elle chỉ trừng mắt nhìn anh. Có một lời thoại bị thiếu trong kịch bản. Và Jonathan lúng túng trước ánh đèn sân khấu, dần đánh mất đi sự kiên nhẫn của nữ khán giả duy nhất ở đây. Anh nhìn Elle với đôi mắt cầu khẩn cho sự tha thứ. Hi vọng rằng nếu anh cầu xin đủ lâu thì cô sẽ cho anh gợi ý về lời thoại tiếp theo sẽ là gì.

Jonathan đi vòng quanh để ngồi bên cạnh Elle, thay vì đối diện trước mặt cô. Cô không ngăn cản anh, nhưng Jonathan đã đủ tự tin để tiếp tục dù không có kịch bản.

“Khi anh cưới em, anh đã rất yêu em, và anh cũng vẫn còn yêu em.”

“Nhảm nhí.”

“Làm ơn hãy để anh nói hết đã,” Jonathan đặt bàn tay lên vai Elle, “Anh muốn sống tiếp với em trong suốt phần đời còn lại, nhưng- nhưng viễn cảnh mà anh nghĩ chỉ trong khoảng sáu mươi năm mà thôi. Và giờ đây, cuộc đời của chúng ta sẽ còn dài hơn thế. Anh không biết nữa nhưng… anh rất sợ khi nghĩ về việc phải sống chung với cùng một người mãi mãi.”

Elle hất bàn tay của Jonathan ra khỏi vai. Cô từ chối nhìn mặt anh. Cô đã nghe những lời thú tội của anh ấy. Trong đầu cô ngẫm lại những kỉ niệm cô đã làm cùng với Jonathan. Tất cả đều bỏ lại trong khu rừng.

Jonnathan thở dài. Anh đứng dậy và rời đi, bỏ lại Elle một mình nơi phòng bếp.


Có một sự thật rất thú vị rằng 50% các cuộc hôn nhân đều kết thúc trong ly dị. Tuy vậy, sau ngày 12 tháng 7 năm 2020, tình trạng trên đã chạm mốc 100%. Mọi người không bàn luận nhiều về điều đó lắm, bởi vì nó là một điều hiển nhiên. Sự thật là, gần như tất cả những mục sư những người cử hành hôn lễ đều đã bỏ câu “cho đến khi chết mới chia lìa chúng ta” ra khỏi danh sách những lời thề.

Những người bị trói buộc với nhau vào ngày định mệnh tháng bảy đã có những cách khác nhau để thay đổi hoàn cảnh. Một số đã quyết định dành cả cuộc đời trong các vũ trường, và bắt đầu đi ngoại tình với những người khác với hy vọng người bạn đời của mình sẽ không để ý. Trong khi một số lại ngồi lại với nhau và bàn bạc về vấn đề đó, điều này thường dẫn đến kết quả là một cuộc hôn nhân đa ái. Nhưng hầu hết đều hành động giống Jonathan. Họ hoảng sợ, và cuối cùng là ly dị.

Các chuyên gia chỉ ra rằng sự gia tăng tình trạng ly hôn trong những năm 2023 là bằng chứng cho việc phải mất ba năm để những cú sốc ban đầu về vấn đề trên phai mờ đi trong suy nghĩ của công chúng, và để cho tất cả mọi người chấp nhận sự thật về hoàn cảnh mới của họ. Tuy nhiên, không phải tất cả các cặp đôi đã kết hôn đều chạy trốn khỏi nhau. Cũng chính các chuyên gia là những người góp phần trong sự phổ biến của tình trạng ly hôn trong suốt hai mươi năm trở lại đây như là một thử nghiệm cho sức mạnh của tình yêu trên toàn thế giới. Một số người đã giữ được tình cảm của họ trong gần ba mươi năm. Nhưng kể cả đối với các mối quan hệ như vậy, họ cũng vô cùng hoảng loạn.

Một sự thật cũng thú vị không kém khác đó là kể từ sau ngày 12 tháng 7, 2020 là con số mà những con phố đèn đỏ đã mọc lên trong ba mươi năm vừa qua. Xấp xỉ 30% các vốn đầu tư xây dựng được lên kế hoạch cho các cơ sở giải trí 21+ ví dụ như vũ trường, các quán bar, và các câu lạc bộ thoát y (trong khi 70% còn lại được chia nhiều nhất cho các khu dân cư và các nhà máy cho ngành công nghiệp thức ăn nhanh). Một cuộc thăm dò vào năm 2030 đã chỉ ra rằng gần 38% người dân dành nhiều thời gian giao tiếp với người lạ ở bên ngoài hơn là thời gian khi họ ở nhà. Những thời gian chủ yếu ở nhà thông thường chỉ với mục đích nghỉ ngơi, hay tiếp xúc thân mật với những người lạ mà họ quen.

Các nhà sử gia coi rằng “Đây là thời đại của chủ nghĩa khoái lạc”.

Và còn ai thích tận hưởng chủ nghĩa khoái lạc hơn những người đã ly dị


Sau hàng tháng trời đi đến những nơi như vậy, những ánh đèn sân khấu dần khiến cho Elle nhức đầu. Nhưng cô tảng lờ nó, tiếp tục nhảy múa với những chàng trai trẻ khác, tận hưởng hoan lạc bao quanh nơi đây. Những cơ thể đầy mồ hôi của họ cọ xát với cô theo điệu nhạc. Nhưng có một sự khác biệt thấy rõ trong đám người đang nhảy nhót. Một số chen chúc nhau thành đám, chen lấn với nhau như một thể thống nhất, trong khi một số lại tách ra thành những vòng tròn nhỏ, nơi mà mọi người lặp đi lặp lại những điệu nhảy ưa thích của mình cho đến khi chuyển bài.

Và đấy chính xác là cách Elle phân biệt được những con cừu, hay những con sói trong lốt cừu non. Cô thường tìm đến những nhóm người trẻ hơn và làm theo cách của mình. Cô theo dõi chuyển động của họ. Cảm nhận từng cái chạm giữa đám người. Nó mang đến những cảm giác thân thuộc, gần gũi. Mà không nhất thiết phải giao tiếp. Tất cả mọi người đều hiểu. Đó là thứ cảm giác thân mật gần giống nhất với những gì Elle từng trải qua kể từ sau khi ly hôn.

Elle tách ra khỏi đám người khi cơ thể cô không còn đáp ứng đủ khả năng theo đuổi dục vọng của nó. Cô tiến tới quầy bar, nơi cô thấy một chỗ trống. Cô chờ đợi một hai phút cho đến khi có người sẵn lòng móc hầu bao mua nước cho cô. Elle muốn một cuộc trò chuyện, và nó dễ dàng hơn khi có người mở lời trước. Và còn lý do gì hợp lý hơn, khi họ mua cô một ly nước trong khi cô đang không có.

Một người đàn ông trẻ trung với quả đầu cắt nấm cùng chiếc áo phông có cổ quá khổ so với cỡ người hắn lại gần Elle.

“Hai ly kem chanh” anh ta nói với người pha chế.

“Kem chanh? Tôi chưa nghe món đó bao giờ” Elle hỏi.

“Giống Mary Đẫm Máu. Nhưng thêm soda và chanh.”

“Huh, nghe thú vị đấy”.

“Tốt. Vì tôi không muốn một mình uống cả hai.” Hắn đáp cho cô một nụ cười. Một sự pha trộn giữa sự kiêu ngạo và tính tự mãn như thể mọi thứ đều theo đúng kế hoạch. Không phải do hắn quá khôn ngoan. Mà vì Elle tự gài mình vào vở kịch. Cô không bao giờ ghét những người muốn trò chuyện với cô. Và như vậy cuộc trò chuyện cứ thế tiếp diễn.

“Vậy, tôi đang mua đồ uống cho ai?”

“Elle. Còn anh thì sao, Quý ngài Đồ uống Bí ẩn.”

“Jared, nhưng tôi thích biệt danh Quý ngài Đồ uống Bí ẩn hơn.”

Elle ngượng cười, “Giống như những gì tôi từng nghe trong mấy bộ phim về điệp viên.”

“Quả là điều tuyệt vời nhất tôi nghe được trong cả ngày hôm nay. Tôi từng là một fan bự của James Bond hồi nhỏ.”

“Vậy sao?”

“Ừ. Tôi từng xem Người yêu tôi là điệp viên1 trong tuần đầu nó được công chiếu”.

“Anh đang để lộ tuổi thật của mình đó,” Elle nói. Jared khẽ nghiêng đầu bối rối.

Elle chỉ về cơ thể của Jared, “Anh trông không giống như đang ở độ tuổi mười tám.”

Jared chớp mắt, rồi quay lưng, “Trong hoàn cảnh thế giới bây giờ, tuổi tác chỉ là một con số.”

Làm giả độ tuổi của mình là một phần quan trọng trong trò chơi của các quán bar. Không một ai muốn trở nên già đi, nhưng điều quan trọng là họ không muốn có cảm giác mình đang hẹn hò cùng một người già. Có lẽ sự tự nhận thức về bản thân giống như lời nhắc nhở về độ tuổi của mình. Cụ thể là sự khơi gợi về việc cơ thể này vốn dĩ đã không thuộc về họ. Nó là sự kết hợp mong manh giữa vô cảm, tự thao túng bản thân và chối bỏ cảm giác thoải mái khi ở làn da của chính họ. Nhưng những mặt cảm xúc được xây dựng lộn xộn như vậy sẽ đổ sập xuống theo từng năm tháng. Và trong đống đổ nát đó vẫn còn rất nhiều chỗ để khai thác.

“Đừng lo về điều đó,” Elle đáp lời, “Tôi cũng thích những người đàn ông lớn tuổi”. Jared mỉm cười trở lại. Và bức màn ảo tưởng lại được giăng xuống.

Người pha chế đặt đồ uống trước mặt Elle và Jared, "Hai ly kem chanh."

Elle và Jared nâng ly và lẩm bẩm. "Cạn ly". Họ nói chuyện với nhau cả tối cho đến khi nhận ra đám đông dần ít đi trên sàn nhảy. Jared viện cớ mời Elle đến chỗ của anh ta. Cô đồng ý. Đó là một căn hộ trên tầng sáu của một khu phức hợp mới xây, các bức tường được làm bằng kính và một trong số những thang máy còn có cả màn hình cảm ứng bên trong.

Jared và Elle đã mây mưa với nhau đêm đó, và trong sáng hôm sau cô rời đi trước khi Jared nhận ra.

Đôi lúc Elle tự nhủ bản thân rằng cô làm như vậy để quay trở về với Jonathan. Lần khác cô lại tự nhủ rằng vì cô tủi thân. Nhưng thật sự, đến thời điểm hiện tại nó đã trở thành một thói quen. Và rồi nó đã thành điều bắt buộc. Cô thường dành cả đêm với một trong năm người mà cô đã nói chuyện. Và đấy chính là cách thế giới vận hành. Jared có tỉ lệ thành công là một trên sáu. Người pha chế có tỉ lệ trung bình là ba trên tám.

Elle ngồi hàng ghế sau trên xe buýt trên con đường quay trở về căn hộ của mình, cô nhìn ra ngoài cửa sổ. Đây là khoảng thời gian duy nhất trong ngày mà cô dành ra để suy nghĩ. Ngày hôm nay sẽ bao gồm ca làm của cô ở tiệm làm đầu, tiếp đó làm tìm cái bỏ bụng, và cuối cùng là quay trở lại câu lạc bộ lần nữa. Đơn giản phải không. Vì đó đã là thói quen hằng ngày của cô. Nhưng cô không thể từ bỏ suy nghĩ rằng bản thân mình đang lạc mất cái gì đó. Không, không phải Jonathan, lỗ trống anh ta để lại khác hoàn toàn. Có lẽ là về con gái cô. Cô đã không nghe gì về Stacy kể từ sau khi ly hôn. Cuộc tình kết thúc trong sự luyến tiếc ở cả hai phía, nhưng chủ yếu vẫn là Elle.

Cô tự nhủ bản thân cô sẽ gọi cho con bé khi về nhà, nhưng hoàn toàn quên mất nó ngay sau khi rời xe buýt.


Một lĩnh vực nghiên cứu của các nhà sử học chỉ ra rằng thời đại của chủ nghĩa khoái lạc cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh sản. Các chuyên gia vào đầu thời kì dự đoán rằng tỉ lệ sinh đẻ sẽ tăng nhẹ hoặc giảm xuống đến gần bằng không. Sự tăng lên có thể do sự tập trung về quan hệ tình dục ở các nước phương Tây. Trong khi các phương pháp quan hệ an toàn được phổ biến rộng rãi, không phải phương pháp nào cũng đạt hiệu quả 100%. Bục bao cao su hay tác dụng của thuốc không hiệu quả. Một phương án khác được cho là hiệu quả hơn, kể từ khi chính phủ trên toàn thế giới bắt đầu có những chính sách nhằm điều chỉnh tỉ lệ mang thai và sinh đẻ.

Nhưng cả hai cách đều không mang lại hiệu quả rõ rệt. Tất nhiên, tỉ lệ sinh đẻ có giảm, nhưng chỉ đạt đến 60%. Chính phủ quyết định không nhúng tay do sức ảnh hưởng từ các cuộc vận động hành lang bởi các nhóm Hành động vì Cuộc sống, nhưng các công ty đã tham gia.

Viện Prometheus, đơn vị chính quy chuyên cung cấp tử thi cho các cuộc phẫu thuật chuyển đổi cơ thể, đã để ý đến mức độ nguy hiểm của việc gia tăng dân số không kiểm soát. Sau khi các quy trình phẫu thuật nhận được sự chú ý đông đảo của công chúng, cũng như các công ty bảo hiểm bắt đầu đài thọ cho các cuộc phẫu thuật, Viện Promethesus đã bắt đầu triệt sản cho 50% cơ thể họ bán ra ngoài cho các khách hàng.

Về việc tại sao Prometheus không triệt sản toàn bộ số cơ thể, câu trả lời nằm ở chiến lược kinh doanh của họ. Rất khó để quảng bá cho mọi người "Thanh xuân dành cho bạn" nếu như họ không có những cơ thể non trẻ để bán. Các số liệu thống kê về các vụ thu hoạch của Prometheus không được tiết lộ, và những con số đáng ngờ đó dường như chưa bao giờ được tổng hợp đầy đủ để tránh những kẻ ở phe phản đối. Dù sao, với những hồ sơ y tế và thu nhập hàng quý của Viện Prometheus, các chuyên gia ước tính ít nhất 31% những đứa trẻ mới sinh vào khoảng giai đoạn 2010 đến 2050 đều nằm trong diện thu hoạch.


Nhìn vào chiếc que thử thai, Elle như trải qua một cơn ngỡ ngàng quen thuộc. Cảm giống y hệt những gì trước khi ly hôn một lần nữa. Đột ngột, một sự thay đổi không được báo trước trong đời khiến cô phải thay đổi cả cảm xúc, tinh thần và thể chất. Nó đòi hỏi một sự thay đổi hoàn toàn về cách sống. Và ngay khi cô muốn trốn chạy khỏi sự quyến rũ của chủ nghĩa khoái lạc. Thì chiếc vạch đỏ chót ở chính giữa que thử giống như ngón giữa của số mệnh chỉ thẳng mặt Elle.

Không đây không phải lần đầu tiên cô phải lo lắng về chuyện con cái. Cô và Jonathan đã có Stacy, và mọi chuyện hóa ra hoàn toàn ổn. Chỉ trừ rằng lần này, Elle chỉ có một mình. Trước kia cô có thể tin tưởng vào Jonathan, và anh cũng hoàn toàn có thể trông cậy vào cô. Cho đến khi có một khoảng cách chia cắt hai người.

Cô lắc đầu, cô đã sẵn sàng để quay trở lại công việc. Cô trách bản thân đã thầm cầu mong Jonathan quay trở lại, làm khơi gợi lên sự căm ghét của cô về anh. Tracy và Raquel ở tiệm làm đầu biết rằng Elle đang hoàn toàn không ổn. Trong khi Raquel sẵn sàng làm thay phần Elle sau khi cô cắt đầu của mấy đứa trẻ quá ngắn. Thì Tracy đứng khoanh tay trong phòng nghỉ chờ đợi Elle quay lại, cả người dựa lên chiếc tủ lạnh.

"Này Elle," cô nói với chất giọng đặc trưng của mình, chất giọng trẻ con, "cô ổn chứ?"

"Hơi mệt chút thôi," Elle đáp lời. Cô mệt mỏi ngồi xuống chiếc đi văng bên cạnh Tracy.

"Chắc chứ."

Elle gật đầu, đảo mắt quanh căn phòng một chút. Cô không để ý rằng Stacy cũng đã ngồi bên cạnh cô, khoác tay lên bờ vai của Elle.

"Có chuyện gì xảy ra đúng không?" Tracy hỏi. Nhướng đôi lông mày như thể ngầm rằng "Tôi biết mà". Chắc cô đang trông chờ về những vụ drama, cùng những tách trà. Một cái gì đó thú vị.

"Em mang thai rồi."

"Ồ! Chúc mừng nha! Gã nào diễm phúc dữ vậy?"

"Em không biết.'

Nụ cười trên gương mặt Stacy biến mất. Cô từ từ rụt cánh tay của mình khỏi vai Elle. Không khí căn phòng bỗng nhiên trầm hẳn xuống.

"Em định giữ nó sao?" Cuối cùng Stacy cũng bật ra câu hỏi.

"Em còn lựa chọn nào khác sao?"

"Ý chị là," Tracy nhìn xuống nền nhà, "em có thể phá thai mà."

Phòng nghỉ vẫn chìm trong sự im lặng. Một câu hỏi hay. Một trong số những câu hỏi khiến người ta phải suy ngẫm. Nhưng như bao câu hỏi khác, nó luôn khiến nhiều người phải nghĩ. Đối với một số người những lựa chọn như vậy đúng là rất đáng để thử qua. Từ "phá thai" xuất hiện trong đầu Elle. Cuối cùng Elle cũng phải nghĩ về nó, như thể chúng được viết trong nền màu đỏ và hồng ở bức tường đối diện. Cô dụi mắt. Chúng biến mất. Cô chỉ đang tự huyễn hoặc bản thân.

"Em không nghĩ em có thể."

"Quá muộn rồi sao?"

"Không. Em không nghĩ em có thể- chả phải chúng ta bất tử mà, đúng không?"

"Ừ…ừm?"

"Vậy, nếu đứa trẻ vẫn còn sống thì sao? Em đâu thể đơn giản là bỏ nó. Còn tệ hơn cả giết nó. Nó sẽ phải chịu đựng thứ gì đó mãi mãi. Em không thể nói với bản thân rằng 'chà, rồi nó cũng sẽ phải chết dù sớm hay muộn thôi', em còn không thể nói 'ít nhất nó không phải chịu đau đớn', không, em không nghĩ em có thể làm điều đó."

"Thì, em cũng chỉ mới biết thôi, phải không? Họ đâu thể để em phá thai khi biết rằng sự bất tử cũng ảnh hưởng đến đứa trẻ."

"Họ có chắc chắn không?"

"Khá chắc? Chị nghĩ vậy? Chị biết một người bạn của chị bị từ chối vì điều đó…"

"Em không nghĩ em có thể đặt cược vào 'khá chắc'."

"Em có nghĩ họ sẽ chấp nhận phá thai nếu như người ta cũng làm vậy với các sinh vật sống khác không? Sẽ có người kiện phòng khám đó đóng cửa nếu chuyện đó thật sự xảy ra!"

"Em không biết nữa!"

Tracy ngăn cản bản thân trước khi cô quát to thêm. Cô hít một hơi thật sâu , "Được rồi. Thì. Em có vẻ biết mình đang làm những gì. Chị xin lỗi vì đã la em."

Elle mở mồm định nói gì đó, nhưng không có lời nào được phát ra. Cô không muốn khóc, và cô đã không làm vậy. Cô cảm thấy ổn hơn khi giữ lại những giọt nước mắt của mình sau khi chia tay. Một luồng hơi ấm bao trùm quanh Elle. Tracy đang ôm chặt cô trong lòng.

"Em chỉ phát mệt khi những thứ nhảm nhí như này cứ xảy đến với em". Elle nói lần cuối.


Các cơ thể được thu nhập bởi Viện Prometheus và các cơ quan khám nghiệm tử thi khác thường nằm trong nhóm độ tuổi từ 18 đến 28. Với một loạt các quy trình giám định mọc lên như nấm với yêu cầu phải đáp ứng cả số lượng lẫn chất lượng, tất cả đều nhắm đến những học sinh ở bậc cao học. Sau khi những tin tức về các vụ mất tích bùng phát như cháy rừng trên toàn thế giới, các trường đại học không còn cách nào khác đành phải nâng cao mức bảo vệ của mình. Con số chính xác về các vụ bắt cóc cho đến nay vẫn còn là ẩn số, vì các trường đại học thất bại trong việc bảo vệ sinh viên của mình sẽ cố gắng che giấu tất cả những báo cáo nhằm mục đích giữ danh tiếng tốt.

Dẫu những cố gắng của các cơ sở giáo dục trung học, ngày càng nhiều phụ huynh đành gửi con mình vào các trường hướng nghiệp, hay những cơ sở dạy nghề địa phương. Số người tốt nghiệp với bằng cử nhân trong một năm giảm đến 43%, trong khi đối với bằng tiến sĩ là 68%. Sự đình trệ của giáo dục cao học đã dẫn đến sự suy giảm của những tiến bộ công nghệ và nó sẽ không phục hồi cho đến khoảng những năm 2090.


Elle bước ra khỏi chiếc xe mới thuê trước khu kí túc xá mừơi năm tầng. Là tòa nhà cao nhất trong khuôn viên trường Đại học Colorado. Marcus đáng lẽ ra phải gặp cô ngoài này, nhưng thằng bé không có ở đó. Chắc là học muộn hơn một chút hay cái gì đó tương tự. Thằng bé cũng bảo rằng nó sẽ có một bài kiểm tra giải tích tuần tới.

Lâu lắm rồi Elle mới cảm thấy hạnh phúc, thật đấy. Cô cũng cảm thấy như vậy khi đến thăm Stacy vào những ngày cuối tuần của gia đình. Mười tám năm về trước, cô chưa bao giờ nghĩ cô sẽ trải qua nó lần nữa. Không nghĩ được rằng có thể tự nuôi dạy thằng bé với công việc nửa vời của mình. Nhất là khi không phải đứa trẻ nào cũng nhận được học bổng toàn phần (cách duy nhất thằng bé có thể vào đại học với mức thu nhập ít ỏi của cô.)

Elle ngồi trên chiếc ghế dài bên vỉa hè. Thú vị thật, sau ngần ấy năm cô đã nghĩ các trường đại học sẽ thay đổi nhiều hơn. Nhưng vẫn còn những đứa trẻ chơi đùa cùng chiếc đĩa ném, đi đến những lớp học với ba lô sau lưng, phàn nàn về bài tập về nhà. Học sinh có thể khiến cho cả thế giới ngừng trệ nếu như chúng không muốn tập trung vào học hành. Mọi thứ thật đơn giản khi ở đây.

Sau vài phút, Elle nhìn chiếc đồng hồ đeo tay. Cô quyết định cho Marcus thêm năm phút trước khi gọi cho thằng bé. Dù sao cô cũng đến hơi sớm

"Xin lỗi, không phiền nếu tôi ngồi cùng chị chứ?"

"Vâng,". Elle đáp lời. Cô chuyển ánh mắt từ chiếc đồng hồ lên người phụ nữ tầm bốn mươi tuổi. Elle thề rằng cô đã từng nhìn người phụ nữa ở đâu đó. Cần một chút thời gian để định thần lại. Mái tóc vàng, đôi mắt màu nâu. Đôi má núm lộ ra khi cô ta cười. Đầu cô tự dưng đặt ra một câu hỏi.

"Sta-"

Nhưng cô dừng lại nửa chừng. Tâm trí cô đã kịp xem xét lại tất cả mọi chuyện. Không cô ấy không giống. Không một nét nào giống cả.

"Cô ổn chứ?". Người phụ nữ hỏi.

Elle không nói gì. Cô lặng lẽ đứng dậy, rời băng ghế, và quay trở lại chiếc xe. Cô ngồi bên trong, thẫn thờ nhìn chiếc vô lăng. Một âm thanh văng vẳng trong đầu cô. Nghe như thể có một thứ gì đó đang vỡ nát. Những mảnh vỡ vung vãi ở khắp mọi nơi. Đây là điều thường xảy ra khi tâm trí con người hoạt động quá sức.

Một tiếng gõ nhẹ trên cửa kính.

Elle ngước nhìn lên. Là Marcus.

"Con xin lỗi, con về muộn!" thằng bé nói trong khi Elle hạ cửa xe.

"Không sao".

Marcus ngồi vào bên trong và cài dây an toàn.

"Ờ, mẹ à? mẹ ổn chứ?"

Elle khẽ mỉm cười. Một câu hỏi hay. Nếu thằng bé hỏi cô có "ổn" hay không, thì câu trả lời sẽ là không. Nhưng nếu nó hỏi có chuyện gì vừa "xảy ra" à, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là có. Nhưng sau khi cô suy nghĩ về nó, Elle nhận ra bản thân hoàn toàn ổn. Cô vẫn ổn. Cô còn chả biết liệu bản thân mình sẽ còn ổn được nữa hay không.

"Mẹ đã kể cho con nghe rằng con có một người chị gái chưa nhỉ?" cô hỏi Marcus.

"Vâng. Một hai lần gì đó."

"Con muốn nghe những câu chuyện của chị ấy không?".

"Ừm. Vâng. Tất nhiên rồi ạ."


Trong khi đa phần những số liệu ghi lại được vào đầu giai đoạn ΩK đều rất bất ngờ, vẫn còn một số tình trạng đã được dự đoán từ trước. Trong đó tình trạng sức khỏe tâm lý của người dân giảm mạnh trong giai đoạn Chủ nghĩa khoái lạc, đa phần chủ yếu là các dạng bệnh lý về trầm cảm. Một số tin rằng các bệnh lý về trầm cảm chính là nguyên nhân chính gây ra sự suy tàn của Thời đại của Chủ nghĩa khoái lạc, khi ngày càng nhiều người trên khắp thế giới không còn thể hiện sự thích thú với các hoạt động ở các khu phố đèn đỏ.

Một số lượng lớn các chiến dịch chăm sóc sức khỏe tâm lý đã được lập lên để chống lại sự lan rộng của căn bệnh. Kết quả có cả tin tốt lẫn tin xấu. Mọi người không thực sự tin tưởng các biện pháp nhằm ngăn chặn sự sụt giảm tinh thần toàn cầu, hay thật sự tin rằng nó sẽ hoàn toàn giải quyết tất cả. Do các cuộc phẫu thuật chuyển giao cơ thể cũ thành sự thay thế cơ thể con người bằng máy móc vào cuối những năm 2120, rất khó để nhận biết được là do những triệu chứng của bệnh trầm cảm, hay do những mặt hạn chế gây ra bởi việc sống trong những cơ thể mới.

Thời đại của Chủ nghĩa Khoái lạc là một thời kì đầy hấp dẫn. Nó gợi nhớ đến về khoảng thời gian của thập niên 19202. Là thời gian dành cho sự buông thả của bản thân, cùng những quyết định gây băn khoăn về mặt đạo đức. Mặc dù, chúng ta có sự vĩnh hằng để tiếp tục tận hưởng, cho đến khi có sự tiến bộ đáng kể trong ngành công nghệ sinh học hay robot thần kinh, có vẻ như chúng ta sẽ không còn được trải qua khoảng thời gian như vậy một lần nào nữa.


Elle ghét những đêm như vậy. Những đêm khi mà cô nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại, và tự đấu tranh bản thân rằng cô có nên gọi điện cho Jonathan. Cô không còn nhớ anh nữa, nhưng nó luôn kích thích sự tò mò. Một câu hỏi vẫn chưa bao giờ được trả lời "Anh ấy bây giờ thế nào?" Cô chưa bao giờ chịu nhấc máy. Nhưng điều đó không ngăn cản cô ngồi ở chiếc ghế bập bênh tận ba mươi phút, chỉ nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại bàn.

Cô vừa cùng Marcus trở về từ chuyến đi đến Macchu Picchu, như một phần thưởng cho lễ tốt nghiệp. Khi hai mẹ con họ đến di tích, Elle đi loanh quanh và so sánh nơi cô đứng bây giờ với những bức ảnh mà cô chụp được trong tuần trăng mật. Cô đã có thể nhìn thấy những dấu tích của sự xói mòn ở một số chỗ. Những bức tường trước kia không cao như vậy. Và góc cạnh của bậc thang kia nhìn sắc hơn so với hồi trước.

"Thì, chả phải mẹ đã sống hơn một thế kỷ rồi sao? Tất nhiên, những nơi như vậy nhìn sẽ phải khác rồi!" Marcus nói. Điều đó làm Elle bật cười. Có thể đúng là chúng khác hơn so với lần thứ hai cô đến đây cùng Jonathan. Cô không mang theo những bức ảnh, cho nên cô không thể nói như vậy được.

Và chúng lại đưa tâm trí cô về lại với Jonathan. Và khiến cô quay trở lại về chiếc điện thoại. Bây giờ cô đang có một trong những đêm đó.

Chỉ trừ rằng, lần này, chuông điện thoại reo. Elle nhấc máy, cô làm theo bản năng hơn bất kì thứ gì khác.

"Alô?"

"Ờm, xin chào…Elle đấy à?"

"Vâng. Anh là ai?"

"Là…ừm…Jonathan".

"Ồ."

Elle khẽ đung đưa ghế với chiếc điện thoại áp vào tai. Cô không nói gì vì cô không biết nên nói gì tiếp theo. Quá nhiều thứ để nói. Cô còn chả biết mình nên trở thành một con người thân thiện hay là một kẻ lạnh lùng, hoặc cô nên mừng hay buồn lúc này. Cả hai thái cực cân bằng lẫn nhau, đặt cô trong trạng thái im lặng.

"Em có khỏe không?" Jonathan hỏi.

"Ổn. Còn anh thì sao?"

"Cũng vậy. Thực ra, thành thật mà nói. Anh khá là bất ngờ. Anh cứ nghĩ em phải buồn hơn như vậy cơ."

"Giống như anh?"

"Ừ."

"Thật ư? Em cũng nghĩ vậy luôn".

Sự im lặng lại bao trùm căn phòng một lần nữa, nhưng lần này Elle là người mở lời trước.

"Tại sao, anh lại gọi em vào giờ này?"

"Anh muốn biết rằng. Liệu em có đang ổn không. Anh vẫn rất quan tâm đến em đó, em biết đấy."

"Điều đó làm nên một trong hai chúng ta mà."

"Em có chắc em ổn thật không đấy."

"Vâng, em hoàn toàn ổn mà. Nếu có thứ gì em học được trong suốt thời gian qua, ừm khoảng, hai mươi năm năm. Thì đó là mọi thứ thật dễ dàng khi em ngừng suy nghĩ ích kỉ cho bản thân, và đừng cố gắng kiểm soát thứ em không thể."

"Có vẻ như em vừa trải qua một quãng thời gian dài nhỉ."

"Nhưng em đã biết cân bằng tất cả mọi thứ. Em bớt giận dữ hơn, bớt sầu đời hơn, bớt căng thẳng hơn nữa. Em hoàn toàn ổn."

"Và em vui với điều đó chứ."

"Em ổn."

"Có vẻ như đấy là những gì anh có thể hi vọng ở em được."

"Cũng khá muộn rồi nhỉ. Em đi ngủ đây."

"Cũng phải. Chà, thật vui khi được nói chuyện lại với em."

"Em cũng vui khi được gặp lại anh."

Và Elle dập máy.

Nếu không có ngoại lệ được nêu, nội dung của trang này được xuất bản dưới giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License